Bị ép... dối trá

NGUYỄN HOÀI NAM 30/06/2012 17:06 GMT+7

TTCT - Rất nhiều giáo viên cho đến bây giờ cũng không hiểu do đâu lại có chỉ tiêu áp đặt xuống việc giảng dạy của từng người.

Chỉ tiêu cho từng môn, chỉ tiêu cho từng lớp giáo viên thực dạy, chỉ tiêu về hạnh kiểm, học lực của lớp chủ nhiệm, chỉ tiêu về dự giờ đồng nghiệp trong năm và biết bao chỉ tiêu khác...

Phóng to

Ngoài lượng kiến thức được thầy cô truyền dạy, học sinh luôn nhìn vào thầy cô như những tấm gương sáng để học làm người - Ảnh: Như Hùng

Để đạt thành tích thi đua trong khoảng một học kỳ, giáo viên phải đạt chí ít 30 chỉ tiêu trong hoạt động của mình. Có những “chuyện nhỏ” như sau tiếng trống vào tiết 1 (vẫn trước giờ dạy 10 phút), giáo viên nào trễ quá ba phút, dù chỉ một lần, cũng đừng mơ đạt thi đua nữa.

Không dám “đánh rớt” học sinh

Rồi sự dối trá này lan sang học sinh, các em biết sửa điểm thi đua, biết báo cáo dối với thầy cô sao cho lớp đừng bị phê bình. Các em có sức học kém không phấn đấu vươn lên vì biết chắc sẽ được lên lớp vào cuối năm. Học sinh vi phạm kỷ luật cũng chẳng cần rèn luyện khi không thể nào thầy cô đánh giá ở mức hạnh kiểm yếu được.

Để tránh bị phê bình và mất điểm thi đua, thầy cô phải linh động điều chỉnh học sinh nghỉ không phép thành có phép dù gia đình không có thông báo gì đến nhà trường. Quy chế xét học sinh lên lớp của ngành ghi rõ nếu học sinh nghỉ quá 45 ngày trong năm học dù có phép hay không cũng không được lên lớp.

Giáo viên nào cũng biết rõ điều này và càng biết rõ là nếu lớp có học sinh ở lại thì thầy cô cầm chắc “vé loại” khi hội đồng thi đua họp cuối năm. Nhà trường lúc nào cũng yêu cầu giáo viên phải trung thực khi báo cáo nhưng để tránh hậu quả, ai ai cũng tự điều chỉnh ngày nghỉ của học sinh về dưới mức quy định. Đã có trường hợp hiệu phó một trường thường yêu cầu giáo viên sửa lại số ngày nghỉ của những học sinh đã vượt so với quy định, rồi tự ghi chú là do làm sai để các em đó đủ điều kiện lên lớp, không ảnh hưởng tới thi đua của trường.

Các thầy cô vừa vào nghề trong một hai năm đầu thường hụt hẫng vì không hiểu tại sao làm đúng mà bị nhắc nhở mãi. Họ không hiểu được rằng ban giám hiệu, thanh tra của phòng, sở nhìn vào sổ điểm nếu thấy điểm nhỏ là không vui. Sự trung thực đã biến mất không chỉ trong kết quả giảng dạy tại lớp mà còn thấy được ở các kỳ thi.

Có trường hợp khi sang làm công tác coi thi ở một huyện bạn, chủ tịch hội đồng thi đã yêu cầu giáo viên nghiêm túc tối đa trong thực hiện quy chế thi nhưng chỉ sau một buổi, có lúc còn nhanh hơn, mà giám thị nào làm đúng như lời dặn dò của vị chủ tịch sẽ được điều chuyển về văn phòng ngồi đếm giấy thi hoặc bố trí làm giám thị hành lang để tránh bất lợi cho thí sinh sở tại! Giáo viên được điều chuyển cũng không thể thắc mắc gì vì chủ tịch hội đồng luôn có nhận xét tốt khi thay đổi nhiệm vụ giám thị.

Không ai quan tâm thật - giả

Mỗi khi họp báo cáo chất lượng học sinh, không khí nhàn nhạt thế nào vì ai cũng biết... đã “phù phép” cho hoàn hảo. Những con số 9 hàng chục và cả số 9 ở hàng đơn vị nối tiếp nhau được xướng lên mà không ai quan tâm thật hay giả nữa. Có thầy cô bộc bạch rằng: bản thân gian dối mà lúc nào cũng nhắc học sinh phải trung thực, thật là khổ tâm.

Để đạt thành tích cao trong một cuộc vận động đóng góp, giáo viên chủ nhiệm liền bỏ tiền túi ra thật nhanh và nhiều hơn đồng nghiệp nộp ngay cho ban tổ chức, sau đó về lớp thu lại đầy đủ từ học sinh mà không cần giải thích gì cả. Coi thi, chấm thi thì biến hóa về điểm số sao cho học sinh lớp mình dạy luôn đứng đầu, thậm chí chạy xin đồng nghiệp nâng điểm để học sinh đạt học sinh giỏi. Chính vì vậy số học sinh giỏi cuối năm tăng chóng mặt dù thực chất chỉ ở mức khá mà thôi.

Để không bị cấp trên khiển trách và cắt thi đua vì vượt quá chỉ tiêu 1% học sinh bỏ học, người ta đã chỉ đạo báo cáo dối là các học sinh này không còn ở địa phương. Có trường đạt 100% học sinh tốt nghiệp THCS như chỉ tiêu đầu năm, 50 em trong số đó đạt trung bình, nhưng khi thi vào lớp 10 cũng các em đó có môn mức điểm là 0, không thể vào học ở một trường THPT nào cả.

Những điều gian dối này tồn tại từ lâu nhưng không mấy ai can đảm chống lại vì e ngại hại thân. Chỉ khi nào những chỉ tiêu không là điều khống chế trong đánh giá người giáo viên mới mong lấy lại sự trung thực trong nhà trường.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận