Chính sách: Bắt trúng bệnh mới bốc đúng thuốc

NGUYỄN ĐỨC LAM 27/11/2014 22:11 GMT+7

TTCT - Làm thế nào mà những chính sách khiến công luận lúc choáng váng, lúc dở khóc dở cười kiểu nhẹ cân, ngực lép không được lái xe máy trên 50cc, xe chính chủ hay cấm bia vỉa hè... lại xuất hiện?

Có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng cơ bản là do cơ quan ban hành chính sách nhận biết và xác định vấn đề chưa chuẩn. 

Khám bệnh trước khi kê đơn

Xây dựng chính sách là một quy trình khoa học dựa trên số liệu, chứng cứ thể hiện bản chất và quy mô, mức độ và xu hướng biến đổi của tình hình; so sánh tương tự, xác định và tiên lượng tác động của vấn đề trong ngắn và dài hạn... 

Chính sách không phải trên trời rơi xuống, cũng không xuất phát từ ý muốn chủ quan của một ai đó. Chính sách ra đời từ cuộc sống, để giải quyết những chuyện của cuộc sống.

Nhưng để đạt được điều này, người làm chính sách phải làm được điều sơ đẳng nhất là tìm hiểu cội nguồn vấn đề, dự liệu giải quyết nó bằng cái gì, luật có phải là phương thức tốt nhất không, ai giải quyết, tiền đâu giải quyết... Đấy chính là việc “bắt bệnh” cho cuộc sống để kê đơn cho đúng. 

Nhưng cũng giống như trong khám bệnh, triệu chứng chỉ là một phần, trong ban hành chính sách có thể dễ nhận ra những biểu hiện của vấn đề, song tìm ra đúng nguyên nhân, gốc rễ căn bệnh mới là cốt yếu. Câu chuyện cái túi nilông dùng một lần bị thải bừa bãi ra môi trường là một ví dụ.

Rất dễ “bắt bệnh” theo kiểu cần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, gây tắc nghẽn, hư hại hệ thống xử lý nước thải... vốn chỉ là những biểu hiện của việc thải quá nhiều túi nilông.

Căn bệnh thật sự lại nằm ở chỗ khác: dân dùng túi nilông nhiều vì giá túi nilông thấp (không tính đến chi phí môi trường), ít có nguy cơ bị xử phạt về việc xả rác/túi nilông bừa bãi và chưa hiểu hết nguy hại của rác thải bừa bãi; người mua không biết chi phí cho túi nilông thật ra đã được tính vào giá bán các sản phẩm tiêu dùng nên cho rằng túi nilông là miễn phí, quy trình và hệ thống tiêu hủy của các công ty xử lý rác kém...

Các chính sách liên quan vì thế không đi được đến tận cùng, pháp luật được ban hành không có hiệu lực, thậm chí làm trầm trọng thêm vấn đề, túi nilông nay vẫn cứ là vấn nạn. 

Điều tối thiểu để hiện trạng trở thành vấn đề chính sách là hiện trạng phải tạo ra những lo ngại về mất mát lợi ích, tuyệt vọng hay mất niềm tin của số đông, và số đông này thật sự có nhu cầu, hay bộc lộ đòi hỏi giải pháp, nó mới trở thành vấn đề của chính sách, đòi hỏi sự can thiệp của công quyền.

Tuy nhiên, cần lưu ý ba điểm: thứ nhất, sự đòi hỏi của cộng đồng không hàm ý đòi hỏi của toàn thể; thứ hai, đòi hỏi của số đông chưa chắc đã đúng; thứ ba, nhiều khi nhu cầu cần có sự can thiệp về chính sách không được thể hiện trực tiếp, mà ẩn đằng sau hiện trạng và cần được người làm chính sách nhận diện đúng.

Bên cạnh điều kiện cần là hiện trạng mang tính số đông, cần xác định những điều kiện đủ để nhận diện nhu cầu điều chỉnh bằng chính sách, pháp luật đối với một vấn đề. Đó là:

Khi hiện trạng đã tới mức độ khiến công chúng rất lo ngại, thậm chí có hành động phản ứng cụ thể, chẳng hạn lương quá thấp khiến công nhân đình công trên diện rộng;

Khi vấn đề hay nhu cầu được đại chúng hóa, chẳng hạn một cuốn sách đánh động về tình trạng đói nghèo đã dẫn đến sức ép của đông đảo công chúng đòi hỏi chính phủ phải hành động;

Khi vấn đề thật sự nghiêm trọng, thách thức tính ổn định của hệ thống, nền tảng giá trị đang tồn tại, tính toàn vẹn và an ninh của cộng đồng;

Khi hiện trạng có tính liên đới (ví dụ, nhiễm độc chì xảy ra ở từng nhóm công nhân rất dễ bị bỏ qua nếu nhà làm chính sách không nhận thấy mối liên hệ với tình trạng không đảm bảo điều kiện vệ sinh, an toàn lao động ở nhiều cơ sở sản xuất).

Phẩm chất của người “bắt bệnh” cuộc đời

Hai phẩm chất cơ bản cho người hành nghề “bắt bệnh” cả trong y khoa lẫn trong làm chính sách là “giỏi” và “tận tâm”. Trớ trêu là nhìn vào việc “khám bệnh, kê đơn” hiện nay của các cơ quan ban hành chính sách, người ta lại thấy vài triệu chứng của những căn bệnh mãn tính.

Trái ngược với yêu cầu về sự thông tuệ để phát hiện vấn đề, nhận biết cuộc sống đang vướng gì để gỡ bằng chính sách, một số nhà quản lý lại khiến người ta khó hiểu khi đưa ra những quy định chỉ có thể mô tả là “ngớ ngẩn” và không giống ai.

Thay vì tầm nhìn rộng, nhiều người lại không thể nhìn ra những điều đơn giản như đâu phải cứ thấp bé nhẹ cân là nguyên nhân gây ra tai nạn. Thay cho phẩm chất biết lắng nghe, trong nhiều trường hợp, người làm chính sách cho thấy họ không hề bỏ công lắng nghe từ chính những người có liên quan trực tiếp nhất. 

Bên ngoài những vấn đề mang tính kỹ thuật, chính sách cũng cần có con tim trong đó mới không xơ cứng trước những nhịp đập của cuộc đời, đồng cảm để biết được cuộc đời đang đau ở đâu. 

Trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 (đang được Quốc hội đưa ra sửa đổi) đã có quy định cơ quan ban hành văn bản phải đánh giá, phân tích hiện trạng để có chính sách phù hợp, tức là bắt bệnh trước khi kê đơn, bốc thuốc, đưa ra những đơn thuốc trúng bệnh, liều thuốc đúng với mức độ mắc bệnh.

Liệu đây có là một bộ lọc hữu hiệu những văn bản không cần thiết, một cơ chế phòng ngừa việc ra đời những văn bản “lạ lùng” như lâu nay? Hơn cả bác sĩ giỏi có thể cứu nhiều người, người làm chính sách giỏi có thể cứu hàng triệu người. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận