"Bảo tàng" tự chế

MINH TÂM 11/12/2007 19:12 GMT+7

TTCT - Ông Nguyễn Văn Léo, 57 tuổi, ngụ tại ấp Thới Lợi 2, xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre đã âm thầm gắn cuộc đời mình với việc đục đẽo hàng loạt mẫu xuồng, nhà, máy bay thời chiến... Ngày ông công bố lập “bảo tàng” có một không hai ở miền Tây này, nhiều người tới chiêm ngưỡng đã kinh ngạc bái phục sức sáng tạo vô bờ của ông...

Phóng to
Hai con tàu ba tầng dài 1m, rộng 2,8 tấc, nặng 10kg Những loại máy bay, trực thăng đã oanh tạc Thới Thuận thời chiến

Cũng như bao gia đình miệt biển ở Bình Đại khác, từ nhỏ ông lênh đênh theo cha đánh bắt cá xa bờ. 20 tuổi, ông vừa là tài công vừa là chủ phương tiện đánh bắt, tàu ông có mặt khắp các vùng biển Tây Nam với mỗi chuyến đi kéo dài hàng tháng trời. Gần cả đời rong ruổi trên biển, hình dáng của những con thuyền, ghe, đò tam bản cho đến những con tàu du lịch, bến phà, tàu hải quân, hải thuyền... ngang dọc sông nước miền Tây đã mê hoặc chàng ngư dân trẻ. Rảnh rỗi ông lấy cây gỗ đục đẽo các con tàu, đò dọc... Ông chỉ làm chơi thôi nhưng lại mê thiệt. Mê tới mức đêm ngủ cầm tay vợ mà cứ tưởng đang cầm cây đục.

Phóng to
Hàng loạt mẫu ghe thuyền của ĐBSCL Các loại hầm trú bom đạn thời chiến

Những mẫu đầu tiên ông bắt tay vào làm là ghe tam bản Cần Thơ, ghe lườn An Giang và ghe tải Long An. Ông chọn ghe tam bản Cần Thơ bởi đây là mẫu phổ biến nhất, mũi và bánh lái đều đẹp, còn ghe lườn An Giang là mẫu xưa nhất, màu rằn ri thường rơi vào chủ ghe nghèo, chủ nào khá giả ghe thường sơn đầu rồng đuôi phụng. Riêng ghe tải Long An một thời nổi tiếng về chất bởi được làm bằng cây cần đước chắc, thẳng và đẹp. Cần lái, bánh lái của nó cong và cao hơn so với các loại ghe khác. Để đục đẽo nên các loại tàu, thuyền này, ông lấy kích cỡ trung bình 5-5,5 tấc, rộng 1,2-1,4 tấc. Mỗi sản phẩm như vậy mất 3-4kg gỗ, thời gian làm hơn cả tuần. Khâu tốn thời gian nhất là lắp ráp chân vịt, mỏ neo, dây neo, lan can, khung cửa, cầu thang... bởi chúng đòi hỏi sự tỉ mỉ, sơ sót một chi tiết nhỏ cũng có thể phá hỏng hình dáng hoàn hảo của ghe thuyền. Ông còn “điên” tới mức đặt ra yêu cầu ghe thuyền đó có thể cử động được bánh lái, cửa có thể đóng mở, dây neo bắt ống chỉ có thể kéo tới lui được...

20 năm thiết kế, đục đẽo, “tài sản” của ông là hàng trăm mẫu xuồng ba lá, ghe tải, đò ngang, đò khách, tàu kiểm ngư, tàu buôn, đáy rạo, cào đôi, tàu hải quân, hải thuyền, tàu mỏ vịt, lưới quàng, lưới bao đèn, lưới gộc, nhà xưa, nhà chữ đinh, hầm trú bom đạn hình chữ A, L, S, trực thăng cứu hộ, trực thăng chiến đấu, B57, B52, phản lực F7, phản lực cánh én, cà nhòng, cánh xéo, còng cọc... Tất cả được phân theo từng chủ đề như bộ sưu tập tàu sông biển, bộ sưu tập máy bay - tàu Mỹ thời chiến, bộ sưu tập quê hương Thới Thuận thời chiến, thời bình... Trên từng sản phẩm ông cẩn trọng ghi chú tên gọi, xuất xứ, các câu thơ sưu tầm và tự chế để người xem hiểu rõ chuyện xưa hơn.

Ví dụ như trên xuồng câu tôm có đôi câu thơ: “Hoàng hôn đã phủ xuống rồi. Lấy sào lão cắm để ngồi câu tôm”. Hay trong “quê hương Thới Thuận thời chiến”, dưới mẫu hầm chữ L là dòng chữ: “Năm 1964-1968, Mỹ dùng máy bay thả bom Thới Thuận. Người chết, nhà cháy. Loại hầm chữ L khiến nhiều người chết kẹt dưới hầm vì không có lối thoát khi miệng hầm sập. Từ đó người dân nảy sáng kiến làm hầm hình chữ S có hai miệng, một miệng bị sập thì còn miệng kia để thoát ra”.

Ông khoe mới làm xong hai tàu ba tầng có bề dài 1m, rộng 2,8 tấc, nặng 10kg, tốn 20kg gỗ. “Đây là hai con tàu lớn nhất, hiện đại nhất, tiêu tốn nhất thời gian của tôi. Mất gần ba tháng mới hoàn thành một con tàu. Lúc bắt tay vào làm tôi xem đây là thách thức tay nghề của mình...”. Hỏi tâm nguyện, ông cười bảo: “Giờ đã có tuổi, mắt cũng bắt đầu hơi kém. Tôi muốn tạo ra nhiều mẫu khác cho bộ sưu tập của mình như sân bay Tân Sơn Nhất chẳng hạn...”.

Bây giờ những chiếc ghe, đò xưa đã đổi kiểu, những căn hầm trú bom thời chiến chỉ còn trong trí nhớ người xưa, những ngôi nhà cổ chữ đinh cũng đang xuống cấp và chẳng biết khi nào chủ nhân phá dỡ; chiến tranh ác liệt ngày xưa Mỹ dùng máy bay phản lực ném bom, người trẻ chỉ có thể thấu được cảnh đất nước bị xâm lăng tàn phá thông qua phim tư liệu. “Bảo tàng” ông Léo là một nhân chứng thời gian rất quan trọng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận