2017 và những sự thật bất tiện

TƯỜNG ANH 25/12/2017 21:12 GMT+7

TTCT - Khi số báo này đến tay độc giả, chúng ta đang xé những tờ lịch cuối cùng của năm 2017, một năm không chỉ nhiều sóng gió ở chính trường thế giới, mà còn những sự thật “bất tiện” ít được truyền thông nhắc tới.

Thời đại bi thảm của chúng ta đã biến cái chết kinh khủng của Slobodan Pralyak thành một meme đùa cợt trên Internet. Dòng chữ trong ảnh: “Tôi không hay uống, nhưng khi tôi uống là để tránh một án tù”.   -Ảnh: 9gag
Thời đại bi thảm của chúng ta đã biến cái chết kinh khủng của Slobodan Pralyak thành một meme đùa cợt trên Internet. Dòng chữ trong ảnh: “Tôi không hay uống, nhưng khi tôi uống là để tránh một án tù”. -Ảnh: 9gag

 

Khi cái chết chỉ còn là một “meme”

Ngày 29-11-2017 tại The Hague, Tòa án quốc tế về Nam Tư cũ (ICTY) đã họp để xem xét đơn kháng án của vị tướng người Croatia Slobodan Pralyak và 5 người Croatia ở Bosnia. Phiên tòa đã xử y án phán quyết trước đó của ICTY về Pralyak: 20 năm tù.

BBC tường thuật: “Sau khi tòa phúc thẩm tuyên án, Pralyak đứng dậy, tuyên bố: “Slobodan Pralyak không phải tội phạm chiến tranh, tôi bác bỏ bản án của các người” rồi uống một chất lỏng gì đó từ một cái lọ nhỏ. Sau đó ông nói: “Tôi đã uống thuốc độc”.

Tuyên bố của Pralyak đã được luật sư của ông xác nhận. Chủ tọa phiên tòa ngay lập tức đình chỉ phiên xử, gọi cấp cứu. Đầu tiên, có tin vị tướng vẫn sống, bệnh viện đã chăm sóc y tế cần thiết, nhưng chẳng bao lâu có tin Pralyak đã mất”.

Pralyak là ai? Sinh năm 1945, tốt nghiệp khoa triết Đại học Zagreb và Học viện Kịch nghệ, điện ảnh và truyền hình, trở thành giáo viên triết và xã hội học, những năm 1970 -1980, ông là đạo diễn một số phim truyền hình cùng phim tài liệu nổi tiếng Cái chết của một con chó (1980). Điều gì đã khiến một tay văn nghệ trở thành một vị tướng, để rồi cuộc đời kết thúc bi thảm?

Cần nhắc đôi chút về lịch sử đất nước Nam Tư mà ông xuất thân. Sau Thế chiến 2, Cộng hòa XHCN Liên bang Nam Tư là liên bang gồm 6 nước Bosnia-Herzegovina, Croatia, Macedonia, Montenegro, Serbia và Slovenia cùng hai khu tự trị trong thành phần Serbia là Vojvodina và Kosovo.

Theo đuổi chính sách trung lập, Nam Tư từng là một liên bang hùng mạnh về kinh tế, đa sắc tộc với một thể chế tương đối ổn định.

Nhưng trong thập niên 1990, khi Liên Xô tan rã và nước Đức thống nhất, ở Nam Tư, các đảng ly khai đã thắng các đảng xã hội trong các cuộc bầu cử.

Từ tháng 6-1991 đến tháng 4-1992, 4/6 nước cộng hòa (Croatia, Macedonia, Bosnia-Herzegovina và Slovenia) lần lượt tuyên bố độc lập, chỉ còn Serbia và Montenegro ở lại Liên bang Nam Tư, nhưng nhiều năm sinh sống lẫn lộn đã tạo ra các hệ quả khó thể giải quyết một sớm một chiều về sắc tộc, tôn giáo, chủ quyền.

Sau một loạt sự cố sắc tộc, chiến tranh bùng nổ ở Balkans, đầu tiên ở Croatia, rồi sau đó và nghiêm trọng nhất ở Bosnia-Herzegovina đa sắc tộc những năm 1992-1995 giữa các lực lượng Bosnia-Herzegovina và những cộng đồng ly khai: người Serbia và người Croatia ở Bosnia.

Người Serbia ở Bosnia thành lập cộng hòa tự xưng “Republika Srpska”, trong khi người Croatia lập cộng hòa tự xưng “Herceg-Bosna”. Tướng Pralyak chính là chủ tịch Hội đồng quốc phòng của lãnh thổ tự xưng này, sau lưng họ chính là Serbia và Croatia.

Các cuộc chiến chỉ kết thúc năm 1995, khi các phe người Bosnia và Croatia liên kết lại chống người Serbia. Trên bàn thương lượng quốc tế, cuộc chiến Bosnia chấm dứt bằng Thỏa thuận hòa bình Dayton 1995.

Nhưng ngọn lửa âm ỉ của vấn đề sắc tộc đã lan tới khu tự trị Kosovo trong thành phần Serbia (có đa số dân là người Hồi giáo gốc Albania) năm 1996, dẫn đến cuộc ném bom của NATO xuống Kosovo.

Chiến cuộc Kosovo kết thúc năm 1999 và năm 2000 ông Slobodan Milosevic bị lật đổ. Năm 2003, Nam Tư được đổi tên thành Liên bang Serbia và Montenegro, cuối cùng cũng tan rã năm 2006: Montenegro tuyên bố độc lập vào năm này sau một cuộc trưng cầu ý dân.

Đến đầu năm 2008, Tòa án hình sự quốc tế Nam Tư cũ đã kết án 45 người Serbia, 12 người Croatia và 4 người Bosnia về các tội ác chiến tranh liên quan đến cuộc chiến Bosnia (làm 100.000 người chết và 2,2 triệu người mất nhà cửa). Năm 2013, ICTY xử Pralyak 20 năm tù vì “tội ác chống lại nhân loại trong cuộc chiến tranh giữa Croatia và Bosnia” tại phiên tòa sơ thẩm. Pralyak bị cáo buộc “đã thực hiện tội ác chiến tranh chống lại người Hồi giáo ở Bosnia, nhằm mục đích thành lập trên bán đảo Balkan một đất nước của người Croatia”.

Cần nhắc là Pralyak và năm viên tướng Herceg Bosna đã tự nguyện ra trình diện ở The Hague năm 2004, sau khi Croatia bị gây sức ép phải tuân thủ phán quyết của ICTY để đổi lấy việc được gia nhập EU và NATO. Tại phiên xử đầu của ICTY năm 2004, Pralyak đã tự nhận vô tội với mọi cáo buộc.

Năm 2013, ông bị tuyên 20 năm tù giam. Năm 2014, ông nộp đơn kháng án, trong năm bị giam giữ thứ 11. Trên thực tế, ở Tòa án The Hague, một người bị kết án khi đã thụ án gần 2/3 thời hạn thường sẽ được trả tự do, nhưng điều Pralyak muốn có vẻ không chỉ là tự do thực tế. Không được thừa nhận vô tội, Pralyak đã quyết tâm chiến đấu tới “hơi thở cuối cùng” theo đúng nghĩa đen.

Điều đáng nói là cái chết của Pralyak ít được truyền thông chủ lưu nhắc đến. Ngày 29-11, liều thuốc độc bi thảm chìm khuất trong những dòng tin quốc tế “nóng” hơn...

Đến ngày 30-11, những ai quan tâm chỉ có thể đọc thấy dòng tin ngắn ngủi về cái chết của Pralyak trên lenta.ru: “Hình ảnh tướng Pralyak uống thuốc độc chết tại phiên tòa The Hague đã trở thành một meme: Những người dùng mạng xã hội và các kênh Telegram sử dụng hình ảnh này minh họa khi muốn nói về việc tự sát”.

Sự thật sau 11 năm

Vụ tự tử của Pralyak ngay tại tòa là lời nhắc một vấn đề tưởng đã ngủ yên nhiều năm sau cuộc chiến tranh Nam Tư: sự liên lụy với chính trị và những phán quyết đầy tranh cãi của Tòa án The Hague.

Sau những cuộc chiến trên lãnh thổ Nam Tư cũ 1991-1996, ICTY đã xử hàng chục vụ mà hình phạt chủ yếu nhắm vào giới lãnh đạo và quân đội người Serbia. Một trong những bị cáo chính, cựu tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic, người Serbia, chết trong nhà tù của tòa án này năm 2006 vì trụy tim sau 5 năm bị giam cầm.

Nguyên nhân cái chết của ông Milosevic đến nay vẫn chưa được giải đáp thỏa đáng. ICTY không nhận trách nhiệm vì cho rằng ông Milosevic không chịu uống thuốc theo điều trị của bác sĩ, mà tự điều trị.

Trong khi đó, tờ Sputnik chẳng hạn cho biết vài ngày trước khi chết, Milosevic có gửi thư cho Bộ Ngoại giao Nga tiết lộ trong máu ông có chất kháng sinh, mặc dù ông cho biết suốt 5 năm ngồi tù không hề uống thuốc kháng sinh. Một chuyên gia độc tố cho biết chất kháng sinh trong máu của ông Milosevic đã làm loãng tác dụng của thuốc trợ tim.

Mới đây, theo tác giả Andy Wilcoxson trên trang web slobodan-milosevic.org, 11 năm sau ca đột tử của Milosevic, một phiên tòa tại ICTY đã kết luận ông không chịu trách nhiệm về những tội ác chiến tranh ở Bosnia-Herzegovina!

Nguyên văn những gì Wilcoxson viết: “Chôn trong một chú thích sâu ở tập 4 của bản án chống lại viên tướng người Serbia ở Bosnia Ratko Mladic, các thẩm phán nhất trí kết luận rằng:

Bằng chứng mà phiên xử nhận được không cho thấy Slobodan Milosevic... tham gia thực hiện các mục tiêu tội ác... để thành lập một thực thể chủng tộc Serbia đồng nhất ở Bosnia... như nêu trong cáo trạng”, kèm theo đó là một đường dẫn mà những ai không đủ kiến thức pháp luật và kiên nhẫn có lẽ sẽ không thể phát hiện như Wilcoxson!

Cũng theo tác giả này, đây là kết luận thứ hai tại ICTY khẳng định Milosevic không phạm những tội ác khủng khiếp ông từng bị cáo buộc.

Năm ngoái, phiên xử nhân vật cộm cán khác của Nam Tư, Radovan Karadzic, cũng kết luận rất vòng vèo: “Phiên xử không hài lòng với (lập luận) là đã có đủ bằng chứng xác nhận Slobodan Milosevic đồng ý với kế hoạch chung loại bỏ vĩnh viễn người Hồi giáo và Croatia ở Bosnia khỏi lãnh thổ của người Serbia ở Bosnia” kèm theo đường dẫn đến kết luận này.

Dù ICTY, vì lý do nào đó, không truyền thông rộng rãi kết luận chấn động này, không thể phủ nhận đây là những thông tin quan trọng. Bởi 25 năm qua và đến tận ngày nay, truyền thông chủ lưu luôn mô tả ông Milosevic như một “tên đồ tể Balkans” và cuộc đánh bom 78 ngày đêm của NATO xuống Kosovo (từ 23-3 đến 10-6-1999) là để giải cứu người Hồi giáo bị người Serbia “diệt chủng”.

Giờ đây, khi ICTY xác nhận không đủ bằng chứng cáo buộc ông Milosevic và những lãnh đạo Serbia khác tội diệt chủng người Hồi giáo, cựu tổng thống Milosevic đã không còn và người ta hiểu ra rằng “chúng ta đã bị dối lừa để biện minh cho các biện pháp trừng phạt kinh tế và cuộc xâm lăng quân sự chống lại nhân dân Serbia - như họ từng lừa dối trong cuộc chiến tranh Iraq” - Wilcoxson kết luận.

Những sự thật không cần thiết?

Cũng lẩn khuất như cái chết đáng buồn của ông Pralyak và kết luận quá muộn về ông Milosevic, năm 2017 khép lại với việc giải mật những thông tin liên quan đến thập niên 1990 sóng gió về lời hứa của phương Tây không mở rộng NATO về phía đông, được thư khố Cục An ninh quốc gia Mỹ tại Đại học George Washington đăng ngày 12-12-2017.

Trong những hồ sơ giải mật có câu nói nổi tiếng của ngoại trưởng Hoa Kỳ James Baker cam kết NATO sẽ “không tiến một inch nào về phía đông” vào ngày 9-2-1990, như một bảo đảm về an ninh với Liên Xô trong quá trình thống nhất nước Đức 1990-1991.

Lời khẳng định đầu tiên, theo các tài liệu được giải mật, là vào ngày 31-1-1990, khi ngoại trưởng Tây Đức Hans-Dietrich Genscher trong một phát biểu ở Bavaria tuyên bố:

“Những thay đổi ở Đông Âu và tiến trình thống nhất nước Đức không được dẫn tới sự suy giảm lợi ích về an ninh của Liên Xô” và vì thế, NATO phải “ngưng việc mở rộng về phía biên giới Xô viết”. Ông Genscher thậm chí còn đề nghị “để lãnh thổ Đông Đức ngoài các cấu trúc của NATO, kể cả trong một nước Đức thống nhất”.

Thậm chí đến cuối tháng 3-1991, sáu tháng sau khi nước Đức thống nhất, thủ tướng Anh John Major vẫn bảo đảm với bộ trưởng quốc phòng Liên Xô Dmitry Yazov rằng: “NATO sẽ không tiến về phía đông”.

Phân tích các tài liệu này, tác giả Leonid Bershidsky viết trên Bloomberg: “...Những lời hứa này đã không biến thành những văn kiện cụ thể bởi Liên Xô đã phá sản, cần sự giúp đỡ mà Đức đã trao đổi để đồng ý cho việc thống nhất đất nước và phụ thuộc hoàn toàn vào các khoản tín dụng phương Tây”. Bài trên Bloomberg là một trong những bài hiếm hoi về một lời hứa sống còn bị phản bội.

Tiếc rằng, cũng giống như những sự kiện bị vùi lấp ở The Hague, sự giải mã lịch sử chìm khuất trong những ồn ào cuối năm về những mối quan tâm quốc tế “thời thượng” hơn nhiều.

Wilcoxson căn dặn: “Việc giải tội cho Milosevic của tòa án đã giết chết ông 11 năm trước chỉ là một sự an ủi lạnh lùng cho người dân Serbia... từng phải chịu đựng nhiều năm trừng phạt kinh tế và chiến dịch ném bom của NATO chống lại nước họ vì những cáo buộc vô căn cứ với tổng thống của họ.

Mặc dù tòa án cuối cùng cũng thừa nhận họ không có bằng chứng chống lại Slobodan Milosevic, hành vi ô danh của nó làm ta phải suy nghĩ hai lần trước khi chấp nhận bất kỳ những ý kiến nào của nó”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận