World Cup U-20 có phải là “biển lớn”?

HUY ĐĂNG 02/06/2017 02:06 GMT+7

TTCT- Người Việt lên cơn sốt với việc thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn giành vé dự World Cup U-20 2017 - đấu trường tầm cỡ thế giới đầu tiên mà bóng đá VN từng đặt chân đến (không tính futsal).

Khán đài trận Pháp - Honduras vắng như chùa bà Đanh. Cầu thủ nổi nhất của Pháp là Marcus Thuram (11), con trai của cựu danh thủ Liliam Thuram 

 

Nhưng trong mắt các nền bóng đá hùng mạnh quốc tế, đấu trường này liệu có thực sự đáng quan tâm đến vậy?

Thành phố Cheonan của Hàn Quốc - nơi đăng cai bảng E với sự góp mặt của U-20 VN, Pháp, New Zealand và Honduras - trong những ngày đầu World Cup U-20 vẫn rất yên ả, khái niệm “du khách bóng đá” là gần như không có.

Phóng viên VN áp đảo!

Dù biết đây chỉ là một sân chơi trẻ, sẽ khó có được sự cuồng nhiệt như World Cup, Euro hay Olympic tại đất nước chủ nhà, tôi vẫn hơi cảm thấy hụt hẫng khi chứng kiến sự thờ ơ của bạn bè năm châu đối với đấu trường đã khiến hàng triệu fan hâm mộ bóng đá VN lên cơn sốt hơn nửa năm qua.

Riêng sự quan tâm của cánh truyền thông đã thể hiện rõ điều này. Đến tác nghiệp tại Cheonan có hơn 20 phóng viên VN - những người vẫn tích cực ngày ngày truyền tải đầy đủ thông tin, hình ảnh từng buổi tập một của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn cho các khán giả tại quê nhà.

Tại những khoảnh sân bên cạnh của các đội U-20 Pháp, New Zealand rồi Honduras, những người ghi nhận thông tin về họ rốt cuộc cũng chỉ có... các phóng viên VN, kèm thêm một tay ảnh của FIFA - vốn có trách nhiệm phải ghi nhận toàn bộ hình ảnh giải đấu.

Dàn phóng viên VN áp đảo nhất tại Cheonan vì các đối thủ hết sức “yếu ớt”! Chỉ có hai phóng viên người Pháp, một đến từ AFP và một từ L’Equipe; New Zealand và Honduras thậm chí không có phóng viên nào.

Khu vực đường piste trên sân được lấp đầy chủ yếu nhờ các phóng viên VN và bản địa. Ngày họp báo lượt trận ra quân, buổi họp của trận VN - New Zealand kéo dài 30 phút với hàng chục câu hỏi tới tấp từ các nhà báo Việt.

Thậm chí, trong khi buổi họp báo trận Pháp - Honduras diễn ra trong vỏn vẹn 3 phút, những người đặt câu hỏi chủ yếu vẫn là... phóng viên VN. Tôi quay sang hỏi Adrien De Calan - phóng viên của AFP - “Sao anh không hỏi nhiều hơn?”. De Calan chỉ nhún vai rồi cười.

Từ trước thềm giải đấu, Pháp đã là ứng cử viên số 1 của giải, nhưng trong mắt các CĐV “gà trống Gaulois”, World Cup U-20 chẳng có chút gì đáng chú ý - chính De Calan thừa nhận khi nói với tôi: “Nói chung, họ cũng chỉ là những cầu thủ trẻ. Chưa có gì đáng để chú ý ở độ tuổi này.

Hơn nữa, các ngôi sao cũng không thực sự quan tâm đấu trường này, nếu không, Kevin M’Bappe đã đến đây. Được thi đấu cho đội tuyển quốc gia là điều đáng tự hào, nhưng những siêu sao trẻ hướng đến tầm cỡ xa hơn”.

Arne Janssen, trợ lý HLV của U-20 Đức, cũng đồng quan điểm: “Người Đức chúng tôi cũng không thực sự quan tâm giải đấu này. Khán giả bây giờ ngập tràn với Bundesliga, Champions League... Họ có quá đủ những siêu sao hàng đầu để xem, tại sao lại phải xem các cầu thủ trẻ? Những cầu thủ tỏa sáng ở sân chơi này sẽ gây được tiếng vang, đó là chuyện sau đó”.

Vắng sao, CĐV lèo tèo

Đúng như nhận xét của anh bạn phóng viên AFP, World Cup U-20 nếu thực sự là một đấu trường tầm cỡ, hàng loạt ngôi sao trẻ hàng đầu châu Âu đã không vắng mặt.

Có thể kể ra như bộ đôi Kylian Mbappe, Ousmane Dembele của Pháp, thủ thành Gianluigi Donnarumma của Ý, tiền đạo Marcus Rashford của Anh... World Cup U-20 2017 hầu như không có một cái tên nào quen mặt ở các giải vô địch quốc gia châu Âu! Người nổi tiếng nhất đội Pháp là Marcus Thuram, nhờ có... cha là cựu danh thủ!

World Cup U-20 từng là nơi xuất thân của hàng loạt danh thủ như Diego Maradona, Lionel Messi, Paul Pogba..., những người từng đoạt quả bóng vàng của giải.

Nhưng đó là chuyện thời Maradona, Messi, Pogba còn là những cái tên chưa hề được biết đến. Năm vô địch World Cup U-20 2005 cùng tuyển Argentina, Messi mới 18 tuổi, chỉ được ra mắt vài trận vô thưởng vô phạt cùng đội chính của Barca.

Nếu tỏa sáng sớm hơn một chút ở Barca, có lẽ người ta đã mãi mãi chẳng nghe đến một Messi từng thi đấu World Cup U-20. Không có siêu sao, không lạ khi World Cup U-20 ngày càng ít khán giả. Năm 2005, lượng CĐV trung bình mỗi trận của giải là 9.667 người.

Hiệu ứng “Messi trưởng thành từ World Cup U-20” khiến giải đấu này dần thu hút khán giả hơn trong những năm sau đó, với liên tục ba kỳ tranh tài vượt ngưỡng 20.000 khán giả trung bình mỗi trận. Nhưng đến giải năm 2013 ở Thổ Nhĩ Kỳ, con số này tụt thê thảm xuống còn 5.558, rồi 7.451 trên đất New Zealand năm 2015...

Ở Hàn Quốc năm nay mọi chuyện dường như cũng không có khác biệt. Các trận đấu của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn tưng bừng nhờ có lượng khán giả người Việt sinh sống tại Hàn Quốc đông đảo. Còn trong các trận đấu khác, điển hình như Pháp - Honduras, khán đài vẫn gần như trống trơn.

Tổng lượng vé của toàn giải đấu được phân bổ cho sáu thành phố Cheonan, Daejeon, Incheon, Jeju, Jeonju và Suwon là 1,1 triệu. Trước thềm ngày khai mạc, ban tổ chức giải cho biết lượng vé bán ra mới chỉ đạt mức 26,8%.

Tất nhiên, ánh mắt của những chuyên gia bóng đá hàng đầu thế giới, những tuyển trạch viên từ các CLB châu Âu vẫn không bỏ rơi phút nào ở sân chơi trẻ số 1 thế giới này. Những cái tên tỏa sáng tại đây sẽ tăng giá đột biến trên Transfermarkt (tổ chức uy tín nhất về định giá cầu thủ).

Nhưng rõ ràng World Cup U-20 chỉ là một bước đệm để đưa các cầu thủ, HLV, và xa hơn nữa là một nền bóng đá bước ra ánh sáng. Thành công ở đây chưa phải là một lời khẳng định.■

Tỏa sáng ở World Cup U-20 sẽ thành siêu sao?

Thế giới nhớ nhiều đến những Maradona, Messi, Pogba... nhưng liệu người hâm mộ có nhớ hết về những cầu thủ từng đoạt quả bóng vàng World Cup U-20? Có lẽ là không, vì rất nhiều người đã lặng lẽ “mất tích” sau một tháng tỏa sáng tưng bừng tại sân chơi trẻ.

Có thể kể lại một số gương mặt tính từ thập niên 1990 trở lại đây, như Emilio Peixe (Bồ Đào Nha, quả bóng vàng giải năm 1991), Adriano (Brazil, 1993 - không phải Adriano nổi danh “hoàng đế” từng đá cho Inter Milan), Caio (Brazil, 1995), Nicolas Olivera (Uruguay, 1997), Ismail Matar (UAE, 2003), Dominic Adiyiah (Ghana, 2009), Henrique Almeida (Brazil, 2011)... Tất cả đều là những cầu thủ trung bình, đá cho các đội hạng dưới ở châu Âu hoặc trôi dạt ở Nam Mỹ, châu Á, thêm vào một số tên tuổi bình bình như Seydou Keita (Mali, 1999) hay Saviola (Argentina, 2001), không thể xem là siêu sao.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận