Nghĩ đến sinh linh

TRẦN VĂN CHÁNH 21/01/2014 09:01 GMT+7

TTCT - Mùa xuân biểu thị niềm vui, hạnh phúc, sự sinh sôi, nảy nở và đổi mới của muôn loài sinh vật. Nhưng từ xưa tới nay, càng đến gần dịp lễ tết bao nhiêu thì các loài động vật lại càng đau khổ bấy nhiêu vì bị gia tăng tàn sát hàng loạt để phục vụ cho cái bao tử con người.

Phóng to
Tranh: Lê Thiết Cương

Không ít người Việt Nam bây giờ rất hảo các món thịt dê, thịt cầy... nhưng chỉ ăn thịt do người khác giết sẵn vì muốn tránh, không nỡ nhìn thấy con vật bị đập đầu, trấn nước... một cách quằn quại đau đớn. Các ông “thánh hiền” thời xưa cũng như những người bình thường thời nay đều thích ăn ngon nhưng không muốn nhúng tay vào, như vậy họ có dối lòng và đạo đức giả không?

Có lẽ là không.

Chẳng qua họ vừa muốn thỏa mãn dục vọng ngon miệng của hạng phàm nhân vừa có chút lòng trắc ẩn, chứ chưa nói gì đến sự tội phước là điều khó thể chứng minh một cách rõ ràng. Họ thành thật nhưng cũng khó thay đổi lối sống nào khác, như chuyển từ ăn mặn sang ăn chay chẳng hạn... Cho nên để được an vui và lương tâm thanh thản, con người trong lúc thụ hưởng các món ngon, có lẽ không thể không nghĩ đến số phận những sinh linh không thuộc loài người bị tàn sát mỗi ngày.

Về vấn đề này, Phật giáo có cách giải quyết tạm ổn bằng chủ trương ăn chay, cấm sát sinh. Theo quan điểm Phật giáo, tất cả chúng sinh đều bình đẳng. Con người không nên sát sinh vì mọi sinh vật đều có sự sống và đều ham sống sợ chết, biết đau buồn, kể cả các loài nhỏ nhít như ruồi, muỗi, kiến, gián...

“Lý tưởng cao nhất và phổ quát nhất của Phật giáo là cố gắng không ngừng để vĩnh viễn chấm dứt khổ đau cho tất cả chúng sanh chứ không chỉ cho loài người” (xem Ronald Epstein, “Một quan điểm Phật giáo về quyền động vật”, Quảng Giải trích dịch, Văn Hóa Phật Giáo số 179). Nhưng để ăn chay như Phật giáo thì loài người hầu như không thể làm theo hết được.

Theo các nhà chủ trương giải phóng động vật hiện đại và từ đó công nhận quyền động vật, không lệ thuộc các yếu tố tôn giáo hoặc tâm linh, vấn đề đạo đức khi xem xét đến các loài động vật không phải người, là chúng có đau khổ hay không, và khả năng đau khổ cũng như vui sướng như là những đặc điểm tạo cho một sinh vật quyền để được xem xét bình đẳng (xem Agneta Sutton, Đạo đức sinh học Kitô giáo).

Đây cũng là một trong những vấn đề cơ bản nằm trong phạm vi khảo sát của một ngành đạo đức học mới gọi là đạo đức sinh học (Bioethics), trong đó có vấn đề quyền động vật (animal rights) đã được đặt ra một cách nghiêm túc từ những năm nửa cuối thế kỷ trước.

Tại một số quốc gia tiên tiến, với nền kinh tế và giáo dục phát triển cao, vấn đề quyền động vật từ trên dưới một thế kỷ nay đã được các nhà cầm quyền giải quyết tương đối ổn thỏa, sát thực tế, bằng cách đưa ra những đạo luật cấm hành hạ súc vật, cũng như không được giết mổ nhiều loài vật theo cách dã man, làm chúng bị đau đớn. Ngoài ra, súc vật nuôi nhà hoặc nuôi chuồng trại cũng phải được bảo vệ, chăm sóc y tế thích hợp...

Ở Vương quốc Anh, theo các đạo luật bảo vệ động vật ban hành từ năm 1911-2000, ngoài những quy định về giết mổ, chăm sóc súc vật chuồng trại với yêu cầu đại khái như trên, người ta còn cấm cả việc đấu chọi động vật để tiêu khiển (như Luật đá gà năm 1952), hay dùng động vật làm mồi cho bất kỳ con vật nào khác...

Tại Mỹ, quyền động vật được thể hiện rất cao, tính đến số phận của cả con chó, con mèo qua việc thực thi gần nửa thế kỷ nay Luật chăm sóc động vật 1966 (Animal Welfare Act 1966), đặt dưới sự quản lý, giám sát thi hành của Cơ quan Thanh tra sức khỏe động thực vật (APHIS).

Mặc dù đã có những tiền lệ khả thi như nêu trên, nhận thức cũng như tình hình chấp nhận quyền động vật ở nhiều nước nghèo mà quyền con người thậm chí còn chưa được đảm bảo, xem ra có vẻ khó khăn, chậm lụt hơn nhiều. Tại nước ta, khái niệm đạo đức sinh học liên quan vấn đề đối xử với động vật dường như rất ít được biết đến và tuy đã có Luật bảo vệ động vật hoang dã, thú quý hiếm, nhưng việc thực thi còn rất hạn chế.

Có quan điểm cho rằng kinh tế đất nước chưa giàu mạnh thì nói đến quyền động vật theo nghĩa hiện đại chỉ là điều vu vơ không tưởng. Nhưng thiết nghĩ chất lượng cuộc sống không thể chỉ đơn giản bao gộp trong việc giải quyết vấn đề bao tử, và thực hành những giá trị văn hóa, nhân bản cao hơn không phải là một điều chỉ để “hướng tới”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận