Tuần làm việc hai ngày: Một thử nghiệm điên rồ

TRỌNG NHÂN 10/11/2023 06:00 GMT+7

TTCT - Tuần đi làm hai ngày nhưng hưởng lương đầy đủ. Nghe thấy mà ham. Nhưng chớ vội mừng.

Ảnh: atlassian.com

Ảnh: atlassian.com

Ý tưởng điên rồ này cần một ban lãnh đạo táo bạo mới có thể thực thi. Một công ty đã có may mắn đó khi được phép thử nghiệm làm việc hai ngày/tuần với chi nhánh ở Bắc Mỹ. Kết quả vừa được đăng trên tờ The Economist hồi giữa tháng 10.

Cụ thể, các nhân viên bắt đầu tuần làm việc từ 9h sáng thứ hai và làm một lèo 20 tiếng tới 5h sáng hôm sau. Tất nhiên trong 20 tiếng làm việc đó, nhân viên cũng được cho giải lao, ăn uống, nghỉ ngơi nhưng cơ bản họ phải dồn sức tối đa xử lý công việc. 

Sau 20 tiếng đầu tiên, nhân viên được ngủ nghỉ 8 tiếng lấy lại sức rồi trở lại làm việc vào lúc 13h thứ ba, bước vào ca 20 tiếng kế tiếp đến 9h sáng thứ tư. Lúc này, tuần làm việc chính thức kết thúc, đúng trong hai ngày từ 9h sáng thứ hai đến 9h sáng thứ tư. Toàn thể nhân viên được nghỉ trọn vẹn năm ngày liên tiếp.

Công ty cho phép các nhân viên tùy chọn đăng ký tham gia thử nghiệm. Ngoài những người là cha mẹ đơn thân hoặc đang có con nhỏ xin phép được miễn, đa số đều vô cùng hào hứng trước một lịch làm việc mới mẻ. Nhưng rắc rối sớm xuất hiện.

Hầu hết nhân viên khó giữ được tập trung trong suốt hai ca làm việc dài đằng đẵng kia. Một vài thành viên nhóm marketing vẫn giữ được sự hăng hái và sôi nổi lạ kỳ suốt tuần đầu tiên, tới khi các lao công phát hiện ba trong số họ hít cocaine trên bàn tiếp tân. 

Những tuần sau, bộ phận nhân sự của công ty sắm thêm những món giúp nhân viên tỉnh táo như nước tăng lực, bột guarana và kẹo sô cô la. Công ty cũng cấp túi ngủ để các nhân viên này có thể đánh những giấc ngắn buổi trưa nạp năng lượng.

Rắc rối kế tiếp là về chuyện "đối ngoại". Khách hàng hay đối tác muốn liên hệ với doanh nghiệp sau 9h sáng thứ tư xem như bó tay. Họ buộc phải chờ... năm ngày tròn, vì 9h sáng thứ hai tuần sau công ty mới đi làm lại. 

Và điều đó khiến mỗi sáng đầu tuần mọi điện thoại của công ty này đều "cháy máy" vì quá nhiều người liên hệ. Một khách hàng còn mắng vốn vì không gọi được đã khiến công việc của họ bế tắc cả tuần qua.

Đánh đổi thì nhiều nhưng lợi ích doanh nghiệp mong muốn là giúp nhân viên có thời gian tận hưởng cuộc sống lại không như mong đợi. Vì làm việc 40 tiếng, nhiều nhân viên phải mất tới 3-4 ngày nghỉ để phục hồi. Cũng có người vì nghỉ nhiều quá quên mất ngày đi làm, gây khó cho các đồng nghiệp còn lại phải xử lý khối lượng công việc khổng lồ trong tuần mới.

Tưởng rằng nhiều thời gian nghỉ hơn thì nhân viên dễ "xõa", nhưng không. Ham muốn tham gia các hoạt động kết nối giảm thấy rõ. Một phần vì mệt mỏi, một phần vì chẳng ai kéo nhau đi nhậu sáng thứ tư để mừng hết tuần làm việc. Chưa kể, đã có một cuộc ẩu đả nhỏ giữa các nhân viên thiết kế đồ họa của công ty chỉ để… giành lấy phần nước tăng lực cuối cùng.

Kết quả thử nghiệm là mọi thứ đều giảm - từ doanh thu bán hàng đến năng suất và mức độ hài lòng của nhân viên. Những thứ tăng thì không ai muốn: số lượng khiếu nại của khách hàng, những sự cố về sức khỏe và an toàn, các vụ lạm dụng chất gây nghiện.

Tuần làm việc hai ngày: Một thử nghiệm điên rồ - Ảnh 2.

Xuất phát của thử nghiệm trên là nếu trào lưu tuần làm việc bốn ngày đang phát huy hiệu quả, tại sao không đẩy lên một nấc nữa: rút ngắn tiếp xuống còn một nửa, coi xem sao. Tại Anh, hàng chục công ty với gần 3.000 nhân viên đã tham gia chương trình thí điểm lớn nhất thế giới về chế độ làm việc bốn ngày/tuần và tiền lương được giữ nguyên. 

Sau sáu tháng, hầu hết các thành viên đều cho biết giấc ngủ, cuộc sống cá nhân và sức khỏe tinh thần của họ đều được cải thiện. Doanh thu của các công ty gần như không thay đổi trong suốt sáu tháng ấy, và tăng trung bình 35% so với cùng kỳ năm trước. Số lượt nhân viên chia tay công ty cũng giảm hẳn. 

Chuyện làm việc bốn ngày/tuần được yêu thích đến nỗi nhiều người khẳng định dù có được trả bao nhiêu tiền đi chăng nữa, họ vẫn không thèm quay về lịch năm ngày/tuần.

Vậy còn mô hình đi làm kết hợp (hybrid), khi ở nhà, lúc lên văn phòng thì phân bổ thời gian sao cho hợp lý? Công ty tư vấn McKinsey đã phân tích dữ liệu từ khoảng 4.000 nhóm nhân viên đang làm việc khắp thế giới của hãng trong cả năm 2022, và đưa ra con số lý tưởng: 50%. 

Katy George - giám đốc nhân sự của McKinsey - lý giải 50% thời gian ngoài văn phòng được các nhân viên dùng để đi gặp khách hàng hoặc có thể tùy chọn nơi làm việc trong ngày hôm đó. Thời gian còn lại các nhân viên buộc phải dành cho làm việc trực tiếp tại văn phòng. 

Bà ví von việc tìm ra con số 50% trong làm việc hybrid như phát hiện được một điểm giao nhau ngọt ngào, giữa "cực đoan" yêu cầu tất cả trở lại công sở như trước, hoặc "phóng tay" cho làm việc từ xa. Nói chung là ổn và khoa học hơn hai ngày/tuần.

Công ty nọ đã thành tâm cảnh báo: xin đừng làm theo. Họ "bật mí" chi nhánh Bắc Mỹ sắp dẹp tiệm luôn rồi và tâm tình: "Chúng tôi cảm ơn và xin lỗi ban lãnh đạo vì đã duyệt cho thử nghiệm này (...). Nếu sáng tạo là sẵn sàng đón lấy những rủi ro ngu ngốc, chúng tôi có thể nhìn lại chuyện này với lòng tự hào. Còn với mọi định nghĩa sáng tạo khác thì không dám".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận