Triển lãm Hàng không Singapore 2024: Lại tấp nập bay lượn

HỮU NGHỊ 02/03/2024 15:14 GMT+7

TTCT - Chủ nhật 25-2, ban tổ chức Triển lãm Hàng không Singapore 2024 (#SGAirshow2024) gửi lời cảm ơn tới tất cả 1.000 công ty tham gia cùng 60.000 khách thương mại và hẹn gặp lại vào năm 2026.

SGAirshow2024 đã may mắn vượt qua "bóng ma" COVID-19 đã "ám" suốt hơn 4 năm qua.

Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Trong thực tế, triển lãm đã thành công vượt dự báo "ế vắng" của chính tờ nhựt báo hàng đầu Singapore The Strait Times trong số đề ngày 24-1: "SGAirshow2024 sẽ khai mạc trong tháng 2 nhưng ít tiếng vang hơn vì cho đến nay, triển lãm này chỉ thu hút được khoảng 1/3 số nhà triển lãm, so với sự kiện trước đó vào năm 2020". 

Về mặt thương mại, đã có nhiều hợp đồng lớn được ký kết. Còn với ngành hàng không, SGAirshow2024 vạch hướng phát triển bền vững sau đại dịch COVID-19.

Vượt qua bóng ma COVID-19

Không phải The Strait Times có ân oán gì với SGAirshow2024 khi mà chỉ trước khai mạc có 4 tuần lại đưa ra dự báo cứ như là trù ẻo. Tờ báo hầu như là chính thức của đảo quốc có luật báo chí nghiêm khắc hàng đầu thế giới này nhất định không muốn "giỡn mặt" nhà nước. 

The Strait Times nêu rõ lý do: "Mặc dù sự kiện này sẽ có quy mô lớn nhất với ngành công nghiệp Singapore kể từ khi đại dịch bắt đầu, nhưng vẫn còn chịu những tác động của Covid-19, khiến các công ty như nhà sản xuất máy bay Gulfstream của Mỹ phải rút lui".

Không chỉ Tập đoàn Gulfstream bỏ cuộc. The Business Standard 3-2 loan tin: "Một số công ty hàng không vũ trụ, bao gồm nhà sản xuất máy bay phản lực dành cho doanh nhân Textron và phân bộ sản xuất máy bay dành cho doanh nhân Gulfstream của Tập đoàn General Dynamics cho biết họ không còn kế hoạch tham dự Triển lãm Hàng không Singapore do dịch virus corona mới. 

Textron và Gulfstream cho biết quyết định không tham dự của họ là biện pháp phòng ngừa nhằm bảo vệ sức khỏe của các nhân viên của mình.

Truyền thông Nga cũng đưa tin rằng Tập đoàn hàng không vũ trụ Nga Rostec có kế hoạch cử một phái đoàn giảm bớt nhân sự tới triển lãm. Một phát ngôn viên của Không quân Hàn Quốc cho biết họ đang xem xét liệu có nên tham gia triển lãm hay không, nhưng chưa đưa ra quyết định cuối cùng. 

Phó cục trưởng quản trị Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc Li Jian không còn trong danh sách các diễn giả tại hội nghị lãnh đạo trước triển lãm vào ngày 10-2. Tập đoàn máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC), công ty đang phát triển máy bay phản lực thân hẹp C919, dự kiến sẽ tham dự triển lãm trước khi lệnh cấm du lịch được công bố".

Trong bối cảnh xám xịt đó, cũng theo The Business Standard, các tập đoàn Boeing, Airbus và Lockheed Martin, trong số những nhà triển lãm lớn nhất, cho biết vẫn có kế hoạch tham dự.

Thiệt ra, chuyện các tập đoàn này không đến dự SGAirshow2024 không phải tự ý họ mà do Chính phủ Singapore. Tờ báo trên cho biết: 

"Giai đoạn thương mại của triển lãm hàng không lớn nhất châu Á, được tổ chức hai năm một lần, sẽ bắt đầu vào ngày 11-2 dưới cái bóng của loại vi rút lây lan nhanh đã khiến Singapore từ chối nhập cảnh với bất kỳ ai không thường trú trên đảo mà gần đây có lịch sử du lịch đến Trung Quốc, nơi vi rút bắt nguồn". 

Vào thời điểm đó, cũng theo báo này, tại Trung Quốc đã đếm được 361 ca tử vong, trên tổng số ca nhiễm mới lên đến 17.205 ca.

Singapore lúc đó rất lo ngại khả năng COVID-19 tái bùng phát. Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về số ca nhiễm gia tăng trong giai đoạn 28 ngày tính từ 11-12-2023 tới 7-1-2024 cho thấy ở cấp quốc gia, số ca mắc mới trong 28 ngày cao nhất được báo cáo từ Nga là 235.198, còn Singapore, với dân số thấp hơn nhiều, xếp ngay thứ hai với 174.643 ca mắc mới, tăng đến 117% so với 28 ngày trước.

Thành ra, Singapore một lần nữa lại phải cẩn trọng tuyệt đối. Experia Events, nhà tổ chức SGAirshow2024, than thở triển lãm vẫn sẽ tiếp tục như đã lên kế hoạch, song các biện pháp của Chính phủ Singapore sẽ làm giảm số hãng và khách tham dự năm nay. 

Đáng nói là một cuộc họp thượng đỉnh quy tụ các lãnh đạo cao cấp của lĩnh vực hàng không không gian cũng bị hủy bỏ, tương tự là giai đoạn 2 của SGAirshow2024, vốn dự kiến mở cửa cho công chúng. (Các triển lãm hàng không thường gồm hai giai đoạn: giai đoạn đầu cho khách giao dịch thương mại; giai đoạn sau cho công chúng vô ngắm nghía trầm trồ).

Thoát khỏi ký ức về "nước đầu tiên nhiễm Covid bên ngoài Trung Quốc" là một trong những lý do Singapore muốn tổ chức thành công triển lãm hậu đại dịch này. Ngay từ hôm 28-12-2023, Singapore đã loan báo cùng khắp như có thể thấy trên The Strait Times hôm đó: 

"Sau thời gian gián đoạn do đại dịch, công chúng sẽ một lần nữa có thể tham dự Triển lãm Hàng không Singapore để xem các màn trình diễn trên không của các đội không quân bản địa và khách mời, cũng như để đến gần các máy bay được trưng bày. Triển lãm hàng không và quốc phòng hai năm một lần lần thứ 9 sẽ diễn ra từ ngày 20-2 đến 25-2-2024".

Ảnh: The Wacky Duo

Ảnh: The Wacky Duo

Cạnh tranh ở SGAirshow2024

Có lẽ tựa của tờ Business Standard 23-2 đã đủ để tóm tắt thành công ngoạn mục này: "Sự hồi phục sau đại dịch thúc đẩy lượng người tham dự đông đảo cùng các hy vọng ở Triển lãm Hàng không Singapore". 

Hy vọng đó là gì? Các nhà triển lãm và đại biểu cho biết họ lạc quan về ngành hàng không, còn nhà cung cấp thì phấn đấu để theo kịp sự phục hồi của nhu cầu đi lại, Business Standard ghi nhận.

Muốn hay không, sự "đóng cửa" của SGAirshow từ khi nổ ra đại dịch Covid-19 cũng đã làm đình trệ chiến dịch quảng bá trên diện rộng những mẫu máy bay, khí tài hàng không không gian mới. 

Ai cũng rõ rằng trong số những khách tham dự có các phái đoàn quân sự và chính phủ cấp cao cũng như các giám đốc điều hành hàng đầu của các công ty hàng không vũ trụ và quốc phòng trên khắp thế giới.

Riêng lĩnh vực hàng không không gian quân sự, vì những "tế nhị" bắt buộc trong chiến tranh đương diễn ra, đã tỏ ra "kín đáo" hơn. 

Trang X (Twitter) của nhà tổ chức hôm 24-2 đã nêu bật một điểm đặc sắc của triển lãm năm nay: "SGAirshow2024 đã chứng kiến một loạt kỳ quan kỹ thuật đầy ấn tượng được trưng bày, bao gồm C919 của COMAC, Airbus A330neo và Embraer E195-E2. Mỗi chiếc máy bay thể hiện sự hợp tác của hệ sinh thái nhằm gắn kết mọi người lại với nhau".

Một trong những "kép chánh" của triển lãm năm nay là chiếc C919 được trang X của SGAirshow2024 22-2 giới thiệu: 

"Được phát triển bởi COMAC, máy bay thân hẹp C919 lần đầu tiên cất cánh trên bầu trời với màn trình diễn duyên dáng tại SGAirshow2024. Sự hiện diện của nó tại triển lãm đánh dấu cam kết của Trung Quốc trong việc phát triển chương trình máy bay nội địa, một động thái kịp thời khi nhu cầu du lịch toàn cầu đang gia tăng".

COMAC là tên gọi Tập đoàn máy bay thương mại Trung Quốc. Tập đoàn nhà nước này thành lập ngày 11-5-2008 tại Thượng Hải, trụ sở chính đặt tại Phố Đông, chuyên thiết kế và sản xuất các loại máy bay chở khách cỡ lớn có sức chứa trên 150 hành khách. 

Chiếc máy bay phản lực đầu tiên được đưa ra thị trường của họ và bay chở khách lần đầu vào năm 2016 là chiếc ARJ21 (máy bay phục vụ khu vực, hai động cơ phản lực, bay tầm ngắn đến trung, sức chở 70 hành khách).

Tiếp theo là chiếc C919 có thể chở tới 168 hành khách. Chiếc C919 bay chuyến đầu tiên năm 2017, song do bị kẹt đại dịch Covid-19, các hoạt động quảng bá diện rộng bị đình trệ. 

COMAC vô cùng hy vọng SGAirshow2024 sẽ giúp họ tìm được những khách hàng khác, ngoài các hãng bay nội địa. Tình hình trước đó với họ khá bế tắc. Cho đến 3-11-2023, tức trước SGAirshow2024 hơn ba tháng, hãng tin hàng không Simple Flying còn than thở giùm: 

"Trong khi đã có rất nhiều hãng hàng không Trung Quốc đặt hàng COMAC C919, chỉ có một hãng nước ngoài đặt mua loại máy bay này. Theo Reuters, Hãng hàng không GallopAir có trụ sở tại Brunei đã đặt hàng 15 chiếc loại này vào tháng 9".

Máy bay C919. Ảnh: CGTN

Máy bay C919. Ảnh: CGTN

Được biết, Gallop Air không chỉ đặt mua C919 mà cả ARJ21 của COMAC, mỗi loại 15 chiếc. Song, Gallop Air có chủ sở hữu 100% vốn là Yang Qiang, một người Trung Quốc (Aviation Week 21-11-2023). 

Cũng theo tuần tin hàng không này, tới nay hãng hàng không giá rẻ TransNusa của Indonesia có hai chiếc COMAC ARJ21 trong đội bay và đang đặt thêm 28 chiếc nữa. TransNusa nói họ rất hài lòng với ARJ21 và đang cân nhắc mua C919.

Tất nhiên, đó chỉ là những bước đầu tiên của COMAC trong cuộc cạnh tranh với các đấu thủ Âu - Mỹ dạn dày kinh nghiệm. Trang X của triển lãm cho biết tin sốt dẻo: "Air Asia đã thực hiện các điều chỉnh đối với đơn đặt hàng máy bay Airbus khổng lồ của mình, với việc chọn chiếc A321LR để mở rộng hoạt động, việc giao hàng sẽ bắt đầu vào năm 2025".

Cũng thế, VietJet Air đã ký bản ghi nhớ đặt mua 20 chiếc Airbus thân rộng A330-900 để sử dụng trên các tuyến tầm xa của hãng và tuyến khu vực có công suất cao, đồng thời thay thế đội máy bay A330-300 thuê hiện tại (Airbus 22-2).■

Thị trường máy bay huấn luyện quân sự

Người tham dự triển lãm đã được mãn nhãn với các cuộc bay biểu diễn của Không quân Hàn Quốc, mang tới Singapore đội bay Hắc Ưng gồm 8 chiếc máy bay phản lực huấn luyện T-50B nhào lộn trên bầu trời Marina Bay (Singapore), với màn "đinh" là đoạn 2 chiếc T-50B bay ngược chiều "suýt" đụng nhau; hay của Không quân Ấn Độ với phi đội trực thăng HAL Dhruv "made in India".

Bay biểu diễn để thuyết phục các khách hàng tiềm năng của một thị trường máy bay huấn luyện quân sự lên đến 27 tỉ USD vào năm ngoái, và ước tính tăng thành 37 tỉ USD vào năm 2023, chủ yếu hướng đến thế hệ máy bay phản lực chiến đấu thứ 6!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận