Nguồn gốc tục cúng 'thần Phây', lễ hội 'chửi trâu'

L.Đ.T.TRUNG 11/02/2017 23:02 GMT+7

TTCT - Cháu nội 5 đời của tôi hồi 2117 bỗng dưng xuất hiện hỏi tôi về tục “ném đá”, cúng “thần Phây”, lễ hội “chửi trâu” và một người được tôn xưng là “Anh hùng B.P”...

n

 

 Bỗng nhiên có một thanh niên ăn vận kỳ lạ xuất hiện trước mặt tôi, nói: Cháu là cháu nội năm đời của ông ở thế giới tương lai về đây để nhờ ông giúp đỡ....

À quên! Xin tự giới thiệu, tôi là một người có sở thích nghiên cứu về phong tục tập quán trong nước và trên thế giới. Tuy không dám tự nhận là học giả, nhưng tôi cũng là người có khá nhiều kiến thức trong lĩnh vực này.

Trước những bằng chứng mà cậu thanh niên đưa ra, tôi không thể không tin đó là cháu trai năm đời của mình.

- “Cháu” bảo muốn nhờ “ông” tìm hiểu về nguồn gốc của các tập tục của thế giới tương lai, vậy ở thế giới của cháu còn những phong tục gì? Còn tết cổ truyền, cúng ông Công ông Táo... không?

Qua lời kể của đứa cháu, tôi được biết thì ra vào thế kỷ sau, tất cả đã thống nhất gộp Tết Nguyên đán vào Tết dương lịch để tập trung phát triển kinh tế. Mọi người giao tiếp với nhau đều thông qua một hệ thống mạng xã hội cực lớn. Các tục lệ mới cũng vì vậy mà hình thành thay thế cho những cái cũ, phù hợp hơn. Nhưng do một lỗi về hệ thống máy tính, toàn bộ dữ liệu về nguồn gốc các phong tục đều bị xóa sạch.

- Vì vậy cháu mới phải đến để nhờ ông giúp tìm hiểu về nguồn gốc của các tục như: tục “ném đá”, cúng “thần Phây”, lễ hội “chửi trâu” và một người được tôn xưng là “Anh hùng B.P”...

- Gượm đã! Có phải ý cháu là hủ tục hành hình bằng hình thức ném đá thời xưa? Và lễ hội đâm trâu của đồng bào Tây nguyên? Còn những cái còn lại nghe rất lạ - tôi cắt lời.

- Không ạ! Cháu đã nói rồi, những phong tục ở thế giới tương lai khác hoàn toàn so với thời đại của ông - nói xong, “thằng cháu” chìa ra một quyển sách cũ nát.

- Cũng may là cháu đã tìm được một quyển sách cổ rất đáng tin cậy về nguồn gốc xa xưa của các phong tục, ông xem có thể hiểu được không.

Tôi vội vàng cầm lấy quyển sách. Đọc được một nửa, bất giác tôi thấy lạnh sống lưng. “Thật không thể ngờ. Nếu quả đúng là như vậy thì... Nhưng liệu có nên nói cho nó biết?”.

- Ông sẽ nói cho cháu, nhưng ông e cháu phải chuẩn bị tinh thần để biết sự thật. Cháu vẫn muốn nghe? - tôi hỏi thêm lần nữa.

- Đó là mục đích khi cháu quay về quá khứ. Xin hãy nói cho cháu!

- Vậy được, cháu hãy theo ông! - tôi dẫn nó đến chiếc máy vi tính, vào một trang mạng xã hội có nội dung về “mối tình” của một “hót gơ” chân dài và một đại gia đáng tuổi ông. Đến phần bình luận...

- Những người này..., hình như chuyện này đâu có liên quan gì đến họ? Sao họ lại mắng mỏ, nhiếc móc như chính mình là người trong cuộc vậy? Mà còn rất nhiều người nữa.

- Đúng vậy! Đó chính là thú vui “ném đá” của một số người trên mạng xã hội hiện nay. Thật không ngờ nó lại trở thành nguồn gốc của tục “ném đá” mà bọn cháu đang theo. Có phải rất giống không?

- Đúng là... về hình thức thì rất giống. Nhưng...

- Đi nào! Ra ngoài với ông.

Đang trên đường, chúng tôi bắt gặp hai đứa trẻ chừng mười lăm, mười sáu, đầu nhuộm xanh nhuộm đỏ đang lao vào nhau như trâu chọi. Cháu tôi chạy vào can ngăn thì bị chúng đạp ngã lăn quay, rồi chạy biến. Một người chứng kiến thấy vậy, cười nhạo: “Ôi dào! Bọn trẻ trâu đánh nhau đấy mà, đứa thì khen ca sĩ trẻ X là hay nhất, đứa lại bảo X chỉ đáng xách dép cho ca sĩ Y, thế là lao vào choảng nhau. Can làm gì, lúc sau chúng cũng tự giải tán”.

Đỡ cháu đứng lên, vừa phủi bụi cho nó, tôi vừa nói:

- Người ta gọi bọn nhóc này là lũ “trẻ trâu”, hay “sửu nhi”, ám chỉ những thanh thiếu niên thiếu hiểu biết nhưng thích thể hiện, cứng đầu, háo thắng chẳng xem ai ra gì. Tên lễ hội “chửi trâu” của tương lai có lẽ là do đọc trại từ trẻ trâu mà thành vì bọn này cũng ưa chửi tục lắm.

- Không... không thể! - cháu tôi lắp bắp nói.

Chúng tôi lại đến một nhà hàng sang trọng.

- Món ăn đã dọn đầy bàn rồi sao họ không ăn mà còn chụp hình lại làm gì vậy ạ? Hay họ là những người nghiên cứu ẩm thực?

- Không! Đó là một kiểu sống ảo của giới trẻ hiện nay. Khi ăn, uống gì cũng phải chụp hình để “cúng phây - bút”, “chếch - in” trước để khoe cho mọi người biết. Cháu biết đó là nguồn gốc của tục nào chưa?

“Thằng bé” không nói mà khó nhọc gật gật đầu.

Lại dẫn đứa cháu đến một khu phố tấp nập, tôi bảo:

- Bây giờ cháu hãy làm ra vẻ đang sắp đánh ông đi!

- Sao ông lại bảo cháu làm thế? Không được đâu ạ!

- Cứ làm đi! Nhưng nhớ phải dừng kịp lúc, đừng đánh thật là được!

Nó hơi chần chừ rồi sau đó cũng chộp lấy cổ áo tôi, nắm tay dứ dứ vào mặt như sắp đấm. Ngay tức khắc, hàng trăm chiếc “sờ mát phôn” vây lấy chúng tôi, cùng một loạt tiếng “tách, tách”. Liền sau đó là những dòng tin tức trên mạng xã hội: “con bất hiếu đánh đập cha già dã man vì không đồng ý mua xe đắt tiền”, “thanh niên trẻ hành hung một cụ già vì va quẹt trên đường”... cùng hàng trăm nghìn lượt “lai”, bình luận phẫn nộ.

- Đấy cháu xem! Có những người trên mạng khi không ai biết mặt thì tỏ ra rất anh hùng, nghĩa khí, nhưng khi gặp chuyện thật sự ở ngoài đời thì lại rụt cổ co vòi, xem như không phải chuyện của mình. Bọn họ được gọi là “anh hùng bàn phím”, cùng tuyệt học trứ danh có tên “ném đá giấu tay” - tôi chỉ cho đứa cháu xem một bức ảnh trong quyển sách - Đây! Xem kỹ bức vẽ người mà cháu nhắc đến trong quyển sách này, “vũ khí” đang cầm trên tay có phải rất giống một cái bàn phím không? Rất ứng với câu “Phận làm trai gõ phím bình thiên hạ/Chí anh hùng click chuột định giang sơn” nổi tiếng trên mạng đấy!

Đến lúc này, cháu tôi có muốn không tin cũng không được. Nó cứ ngơ ngơ như người mất hồn.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận