Mùa xuân của Xuyến

TTCT - Năm hết. Dãy trọ mười bốn phòng, trên dưới năm mươi nhân mạng ai cũng chuẩn bị cho ngày trở về, không năm nào vui bằng năm nay.

Tranh: Nguyễn Hoàng Huy
Tranh: Nguyễn Hoàng Huy


Cô A, anh B, chị C ai cũng nói về nơi mình làm việc bằng một giọng phấn khởi. Nào tháng này tao hơn một trăm tiếng tăng ca. Mà tăng ca là nhân với một chấm năm đó nghe. Người khoe năm nay công ty tui cho công nhân phần quà cả ba trăm ngàn luôn đó. Một tháng lương thưởng mới là trên cả tuyệt vời à nha. Lại thêm xe đưa về tận nhà. Nghệ An thì chung tuyến với Hà Tĩnh. Châu Đốc thì về cùng Đồng Tháp. Đại khái là ai cũng vui như hội.

Vậy thôi, tha phương một năm chỉ mong về để hát quê hương là chùm khế ngọt. Vậy là tốt quá rồi, chả bù với năm ngoái - một người nói - tao nằm trong trọ khóc hết nước mắt nhớ ông bà già lủi thủi sau vườn. Tui cũng vậy chớ hơn gì ông - người khác thêm - Năm nay chủ trọ cho mỗi người một phần quà tết gọi là. Không vui mới thiệt là lạ à.

Chỉ riêng Xuyến lại buồn. Buồn muốn chết. Chớ sao vậy kìa? Làm ăn thất bát hay bị mất của?

Không phải đâu. Xuyến buồn bởi vì Thành - người Xuyến gọi là chồng - không thương hoa tiếc ngọc chi ráo. Thành phủ vào mặt Xuyến bằng bạt tai, che thì anh ta cho cú đấm vô lưng. Bạt đến cú cả chục phát và Xuyến la như giặc.

Vậy mà cả dãy trọ chả ai ghé đến để can ngăn. Bà chủ thì lâu lâu mới tạt qua coi sóc. Cũng một lần bà chủ đến bởi được alô, nhưng thằng chồng nạt rằng vợ tui hư tui trị mắc mớ chi đến chị? Xét cần tui dọn đi chỗ khác, chị lấy quyền gì xen vô gia đình tui? Chủ trọ không quý khách trọ thì quý ai? Vậy nên đèn nhà ai nấy tỏ.

Gần dãy trọ có một tiệm tạp phẩm chuyên mua bán hành tiêu ớt tỏi, muối đường vân vân, chủ nhân có tuổi lại bán thiếu tới kỳ lương thanh toán nên khách trọ cũng nể chút chút. Chủ quán can riết rồi cũng kệ cha tụi bây tao mệt quá.

Nhưng tệ quá thì thôi. Đánh nhau thì ta phải can ra mới là đạo lý chớ, lỡ suông đòn thì sao? Đằng này cả mấy chục nhân mạng mà lơ. Thiệt là... Cả mấy đứa chung sở làm với Xuyến cũng vậy luôn. Bốn năm sáu bảy tám đứa đóng cửa phòng điềm nhiên chặt hẻo. Xuyến la làng kệ Xuyến, thiệt là tàn nhẫn quá thôi. Có đứa còn nói:

- Kệ mẹ nó. Ngu ráng chịu.

Ái chà. Có kệ mẹ, có ngu ráng chịu là chuyện không hề thường đâu nghe. Đàn bà con gái mà xướng kệ mẹ thì cũng gớm ghê à. Ồ! Chuyện nhỏ thôi, thời buổi này văng tục chửi thề trong miệng các mặt hoa da phấn có chi đâu lớn. Nghe nè:

- Đ... má. Đồ mê trai. Cho chết mẹ nó đi.

Xin chớ có ngạc nhiên khi người đẹp bổ báng người ơi. Nghề nghiệp nó khiến con người ta phải thế. Nguyên dãy trọ này các cô là khách víp. Bà chủ quý lắm. Không như các công nhân của công ty, tiền trọ bê trễ là thường. Các cô thì tuyệt.

Một đêm thu nhập dăm bảy trăm, một triệu là thường. Tiếp viên nhà hàng nó vậy. Lương lậu không bao nhiêu nhưng đã là nhà hàng thì khách phải xịn, mà xịn thì bo biếc là chuyện vặt. Làm nghề này trước tiên phải đẹp, thứ đến phải dịu dàng, thứ nữa phải biết uống bia. Và phải biết chấp nhận. Đôi khi có men hay lợi dụng men khách sàm sỡ tí tí em cũng cười.

Cười là liệu pháp tinh thần tuyệt vời. Nếu khách bị mê hoặc bởi nụ cười mà mời đi chơi sau giờ làm việc, tức sau mười hai giờ đêm, thì tùy, bởi nửa đêm ngủ hay thức tùy em quyết định.

Em đẹp. Đóng vai hiền cả diễn viên Hôliút còn chắp tay chào thua. Nhưng đó là diễn, còn thực tế thì Bà La Sát phải kêu em là chúa. Vậy mà để cho chồng nó đập thì ngu là phải quá.

Bà Ba chủ quán nói với ông Ba rằng:

- Chồng gì mà chồng. Chồng hổng chồng hông thì có. Để tui kể ông nghe. Con Thắm nói...

- Chuyện của thiên hạ kệ thiên hạ. Mắt thấy tai nghe còn không ra ôn dịch gì. Ở đó mà kể lại. Mà con Thắm nói với bà sao?

- Ủa - bà Ba bĩu môi - nói vậy mà sao hỏi?

- Thì nghe nhưng đừng có tin. Như mình vậy.

Như mình vậy là ông Ba nói gia cảnh chính mình. Ông Ba có thằng con. Mụ nội cha nó. Ăn chung, ngủ chung, đi làm chung, vậy mà lúc công an ập vô nhà mới biết thằng con chẳng những chích mà còn tàng trữ và mua bán chất cấm. Thử hỏi còn ai trên đời này để tin nữa không hả trời đất? Cũng may là ông nhà nước cho uống mêthađôn và ông con chịu uống, bằng không là vác bị đi ăn mày hết kiếp. Nên chi ông Ba không tin chuyện kể lại cũng đúng. Nhưng mà nghe cho vui:

- Con Thắm một quê với thằng Thành và con Xuyến. Nó kể rằng...

Thành có vợ và có một con trai. Vợ con Thành đang ở với ông bà nội ở quê. Con Xuyến yêu đương với một thằng họ Sở. Sau khi ngâm xong câu con ong đã tỏ đường đi lối về nó dông tuốt. Đang buồn Xuyến gặp Thành. Biết người ta có vợ con mà vẫn đâm đầu vô cặp kè là quá xá ngu. Lại thêm con vợ thằng Thành chặn đường xáng mũ bảo hiểm vô đầu mắng vô mặt là đồ giật chồng nữa đó. Cha má anh chị em lôi Xuyến về. Anh trai điểm mặt Thành mà rằng:

- Mày có tin là tao cho mày một dao không?

Vậy rồi cả hai tạm biệt sông nước đi xây tổ uyên ương. Thời này tổ ở đâu cũng có. Một tổ mười sáu mét vuông thêm gác lửng quá đẹp cho một đôi. Chàng đi làm công ty, nàng tiếp viên nhà hàng. Lương chàng không bao nhiêu. Năm triệu cả tăng ca thì tết Cônggô mới sắm được xe, đằng này chàng còn phải gửi tiền về cho con trai ăn học.

May mà Xuyến làm ra tiền. Tiếp viên mà, lương chả bao nhiêu nhưng bo biếc là chủ yếu. Xuyến tậu được xe tay ga xịn loại bốn chục triệu đồng một chiếc. Sáng chàng thức sớm rồ ga ra chợ mua đồ ăn sáng về cho nàng. Sau đó chàng lên đàng đến công ty. Nàng ở nhà vùi đầu ngủ mải mê. Tỉnh dậy là cùng bạn chung sở làm thi nhau chặt hẻo.

Vợ chồng Ba chủ quán khoái lắm bởi các cô xài sang lắm - Alô năm cà phê sữa đá, năm tô mì có trứng nghe chú Ba, với lại một cây bài cào. Công an sở tại còn khuya mới bắt được các cô đánh bài, vừa xuất hiện là bà Ba đã alô... Kiểu vậy nên bà Ba mới xác định rằng:

- Thằng Thành lợi dụng sự nhẹ dạ của con Xuyến để ăn tiền con nhỏ, ông hiểu không? Nó là thứ đàn ông bám chéo áo đàn bà. Thứ đó trời không đánh thánh cũng đâm.

- Thôi, cho tui xin. Bà thấy có rất nhiều điểm vô lý dồn vô một chỗ không?

- Vô lý sao?

- Bà nói thằng Thành có vợ con rồi?

- Ừ.

- Con vợ thằng Thành từng xáng mũ bảo hiểm vô đầu con Xuyến?

- Ừ.

- Vậy mà con Xuyến vẫn đâm đầu đi theo là nó bị điên. Bà nghĩ đúng không? Chả có ai trên thế gian này biết người khác có vợ, có con mà còn đắm đuối. Nếu là con gái mới lớn thì còn có thể, đằng này con Xuyến đã hai mươi mấy, yêu đương rồi, bị phụ tình rồi. Nó khôn nẻ vỏ, tui với bà cố cựu xứ này, bầy con bốn đứa làm hộc gạch được chiếc Wave Anpha là hết, nó mới mấy tháng là tay ga chạy vù vù, nó thua cây bài bằng tui làm hai ngày công thợ. Nó đâu có điên bà hiểu không?

- Nhưng mà...

- Tui biết thằng Thành vợ con rồi. Tui biết con Xuyến bị đánh ghen luôn. Cả chuyện thằng Thành đem tiền về cho con nó tui cũng biết. Nhưng chuyện mấy đứa ở đây bảo thằng Thành bám chéo áo đàn bà là không đúng. Chuyện thằng con mình thoi thằng Thành lúc tui không có nhà là trật chìa bà hiểu không?

- Thứ đàn ông mà đánh đàn bà bị con mình đập là phải.

- Thằng Thành sai nhưng mình chỉ can thôi. Đánh người là không đúng.

- Tui không hiểu ông nghĩ sao mà đi binh thằng Thành.

- Để tui nói bà nghe. Thằng Thành tâm sự vầy nè...

***

Thành là con nhà có tí chút của nả. Sống bằng nghề mua lúa bán gạo. Đại khái đậu ghe lớn ngoài sông cái rồi dong thuyền nhỏ vô mấy chòi lúa trong tắc, trong ráng, trong bưng. Một kiểu lấy công làm lời. Thành con một nên cha má thương lắm. Lấy vợ xong cha má cho con dâu một nơi bán gạo trong chợ. Mua tận gốc bán tận ngọn kiểu này lên nhà lầu không chóng thì chầy.

Vợ Thành đúng số đẻ bọc điều khi hạ sinh một hoàng nam, cha mẹ chồng nâng như trứng mỏng. Có câu già sinh tật đất sinh cỏ, sướng quá ắt hư. Vợ Thành hư thiệt. Nó ngoại tình.

Nghĩ cũng đúng thôi. Sống trong đủ đầy con người ta cần phải có sự trung hòa. Thặng dư là phát phì. Không nở bề ngang nó sẽ tràn qua bề dọc. Chính xác là vậy. Thành nổi trôi thương hồ ghé đâu là dập dìu tài tử giai nhân đến đó để vợ nhà trơ cái hồng nhan với nước non nên ra cớ sự.

Phải chi cái thằng nhơn tình đừng có ăn vô cái hàng gạo thì không đến nỗi. Cha má Thành thấy gạo hụt ngọn nên sinh nghi. Một hôm kia Thành quả tang trai trên gái dưới ngay trên giường của mình.

Thành kể với ông Ba vậy và ông già có ý kiến:

- Khi đàn bà ngoại tình thì lỗi trước hết về thằng đàn ông. Mày không êm thấm vụ giường chiếu thì nó phát sinh là tất yếu. Thằng đàn ông mình vốn ích kỷ chỉ biết mình mà không biết người. Thằng nào cũng nghĩ người đàn bà khi đã cho ai họ cho bằng trái tim, bằng tâm hồn. Mình cho qua có ngày sẽ làm con ma cụt đầu. Mày chia tay phải rồi.

Nhưng con nhỏ không chịu ly thân hay ly hôn chi ráo. Nó cứ trơ mặt ở cái nhà mà cha má Thành đã cho. Thằng nhơn tình thì quất ngựa phi mất, có còn chi nữa mà nó bám? Cái nhục lớn quá nên cô không đi thì tui đi. Thành trả ghe máy cho cha má, còn mình nhét túi vài đồng lang thang mấy quán cóc, và cu cậu ghé quán em Xuyến làm đôi xị lai rai.

Xuyến cũng bắt mắt, ăn nói mượt mà, dễ thương. Rất nhanh chóng hai tâm hồn đơn độc và bị đả thương như nhau ra một cặp. Thằng kể chuyện bị vợ cặm sừng cho em Xuyến nghe, Xuyến cũng kể bị tình phụ cho anh Thành nghe. Đã thiệt tình thì tình thiệt. Và trăng gió lâu ngày là ra đá vàng. Con vợ đang cố lấy điểm trong vai hiền phụ mong một ngày chồng chuyển ý nghe tin liền ra máu hoạn thư. Nó đánh Xuyến là có thiệt.

Thiên hạ nói đúng hết nhưng mà sai. Rằng Thành không dụ dỗ ai hết, Thành không hề bám chéo áo đàn bà khờ dại. Cà rá, dây chuyền Thành có là Xuyến mua, Xuyến đưa tiền cho Thành về thăm con. Nhưng tất cả là do Xuyến tự nguyện. Thành tâm sự vậy với già Ba.

- Nhưng sao mày đánh nó? Còn trói nó lại nữa. Con Thắm chụp cái hình con Xuyến bị trói đưa tao xem. Mày liệu hồn, con Thắm hăm sẽ gửi cái ảnh về email của anh con Xuyến, mày liệu mà xử lý.

- Không phải con muốn vậy đâu chú Ba. Con không trói lại dám nó ở tù vì tội giết người.

Thành về quê thăm con. Hẹn một ngày sẽ lên nhưng thằng con bị sốt ác tính. Ở bệnh viện Thành điện thoại cho Xuyến nhưng máy hết pin. Xuyến gọi nhưng máy ò í e thuê bao quý khách... Nghĩ rằng chàng đã tình cũ không rủ cũng tới nên Xuyến cũng hoạn thư. Thành vừa lên Xuyến đã mè nheo khóc lóc, đang bực Thành có nặng một đôi câu. Xuyến chửi thề, xin thông cảm nghề tiếp viên nhà hàng nó vậy.

Và không có chi nhanh quen cho bằng chửi thề. Giận quá Thành cho Xuyến bạt tai, vậy là cô xách dao lụi thiệt luôn. Nếu không trói lại Thành chết chắc. Nhưng sau đó Thành ỉ ôi năn nỉ. Đàn bà con gái mười cô hết một chục nghe tình òn ĩ là xuôi liền.

Kẹt cái nhỏ Thắm nghe Xuyến kêu cứu khi bị trói nên chạy qua, và từ cửa sổ nó chộp lẹ một pô Xuyến bị trói giấu trong aipát của nó. Thắm đem thắng lợi này khoe với bà Ba lại hăm rằng Thành mà thượng cẳng tay với Xuyến là bức ảnh sẽ bay về nhà của Xuyến.

- Vậy sao đêm qua mày còn đánh nó? - Ông Ba gằn giọng - Con Thắm gửi tấm hình về dưới rồi, mày lo mà trốn đi. Anh con Xuyến mà lên là mày chết đó. Nhưng tại sao ra vụ đánh nhau mày nói tao nghe?

- ...

- Sao mày khóc?

- Buồn quá chú Ba. Đêm qua con tăng ca nhưng đau bụng nên về lúc hai giờ sáng. Đến lúc đó mà Xuyến chưa về. Chú biết cô ấy đi đâu không?

- Tiếp viên nhà hàng là vậy đó.

- Không. Xuyến nói với con, hứa với con chỉ đơn thuần làm tiếp viên. Mọi chuyện sau mười hai giờ đêm cô ấy không bao giờ bước chân vào. Vậy mà...

- Mày phải chấp nhận. Nó trẻ và đẹp. Kẻ có tiền thích cũng đâu có gì lạ? Còn nếu không muốn bị dối trá qua mặt thì xin cho nó đi làm công nhân.

- Hoàn toàn không được chú Ba à.

- Tại sao không?

- Chú biết không, Xuyến phải gửi tiền về cho cha má, thậm chí anh em cô ấy dưới quê. Cha cô ấy rượu và mẹ nghiện bài. Anh em cũng bê tha lắm chú.

- Trời đất ơi...

- Dạ... ở dưới con chuyện này thường lắm. Chú đọc báo chắc biết nhiều gia đình có con gái chỉ chực chờ gả cho nước ngoài. Dạo này nhiều cô dâu xứ mình oan mạng nên họ có chùng lại. Dịch vụ bây giờ là kéo nhau đi làm tiếp viên. Chú thấy đó uống với khách, chiều chuộng một tí. Nghề này có đêm ngoài triệu bạc đó chú...

Ông Ba thở dài:

- Tao cũng chả biết nói sao. Sống kiểu này làm sao trăm năm được hả Thành? Mày lo vụ tấm hình, đừng để...

- Không có gì đâu chú. Chẳng ai thèm lên xứ này đâu. Họ cũng không đưa Xuyến về đâu. Cô ấy mà về thì tiền đâu để họ...

Vậy nên Xuyến buồn. Buồn muốn chết.

Năm hết nhưng mùa xuân không đến với cô. Và cả Thành.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận