Một huyền thoại của bóng đá Huế: Chàng thủ môn xe thồ

MINH TỰ 06/11/2005 19:11 GMT+7

TTCN - Đó là cách gọi thân mật của người dân Huế đối với một người được xem là huyền thoại của bóng đá cố đô - một trong vài nơi đầu tiên của Việt Nam du nhập trò chơi túc cầu. Và có lẽ cho đến tận bây giờ, chàng thủ môn có cái tên mộc mạc ấy vẫn là tượng đài duy nhất của bóng đá Huế; bởi ngay cả “thế hệ vàng” từng đoạt ngôi á quân Sea Games năm 1995 vẫn không có cái tên nào vượt qua nổi Rớt, cả về tài năng lẫn tâm tánh.

Phóng to

Thủ môn Rớt vào thời kỳ sung sức nhất

TTCN - Đó là cách gọi thân mật của người dân Huế đối với một người được xem là huyền thoại của bóng đá cố đô - một trong vài nơi đầu tiên của Việt Nam du nhập trò chơi túc cầu. Và có lẽ cho đến tận bây giờ, chàng thủ môn có cái tên mộc mạc ấy vẫn là tượng đài duy nhất của bóng đá Huế; bởi ngay cả “thế hệ vàng” từng đoạt ngôi á quân Sea Games năm 1995 vẫn không có cái tên nào vượt qua nổi Rớt, cả về tài năng lẫn tâm tánh.

Tôi đi tìm Rớt để trao tiền hỗ trợ cho cựu cầu thủ có hoàn cảnh khó khăn (do Tôn Hoa Sen và Võng Xếp Duy Lợi tài trợ), vài người nhớ mang máng: “Cứ vô xóm Tây Linh mà hỏi, nghe bảo Rớt ở đó”. Lặn lội vô cái xóm nổi tiếng lụt lội ở trong góc Thành nội, mấy ông già lại chỉ ngược ra: “Hắn chạy xe ôm, thường chờ khách ở gần Cầu Kho”. Ra Cầu Kho thì mấy “đồng nghiệp” của Rớt lại chỉ: “Buổi chiều anh Rớt mới về đây, còn buổi sáng thì chờ khách ở chỗ bến xe An Cựu cũ”. Mấy chiếc xe ôm đầu đường Bà Triệu chỉ: “Rớt là ông già nớ”.

Đó là một người đàn ông già nua khắc khổ, có khuôn mặt digan đầy những vết chân chim và nụ cười thật thà. Không thể tin được cái dáng đi khó nhọc với đôi chân vòng kiềng ấy lại là chàng thủ môn Rớt huyền thoại của Huế một thời, nổi tiếng đến nỗi từ người già cho đến trẻ con đều mê. Rất khó nhọc ông mới kể được vài câu rời rạc về bóng đá Huế một thời (trước 1975 ở miền Nam, Huế và Sài Gòn là hai trung tâm bóng đá mạnh). Nỗi cực nhọc kiếm cơm đã khiến người đàn ông 69 tuổi ấy quên đi hình ảnh thời trai trẻ hào sảng của mình. Phải thật lâu sau ông mới bắt đầu nhớ lại...

Chàng thủ môn... 50 tuổi

Phóng to
Ông già xe thồ bây giờ

Rớt nói ông không còn nhớ mình biết đá bóng từ lúc nào nữa. “Có lẽ là lúc 5-7 tuổi chi đó”, với quả bóng là trái bưởi trên vỉa hè đường Lê Lợi, và ngay từ lúc đó Rớt đã là người “giữ gôn”. Lớn lên một chút thì nhà anh bị giải tỏa, chuyển từ Tòa Khâm về ở ngay đối diện cổng chính sân vận động Huế.

Có lẽ đó là duyên nợ buộc chặt cuộc đời anh với sân bóng này, từ lúc còn mang tên là sân Bảo Long (thời Pháp thuộc), cho đến khi đổi tên là sân Tự Do (thời Mỹ chiếm), rồi sân Huế (sau 1975).

Từ khi được tuyển vào đội Thanh niên Huế, cho đến khi giã từ sân cỏ (năm 1987), tuổi đã 50. Rớt bảo: “Mấy chục năm lăn lộn trên cái sân này, từ khi hai cái trụ phôtô (cầu môn) ni còn là trụ vuông bằng gỗ, cho đến khi thành trụ tròn bằng sắt, tôi thuộc lòng từng miếng cỏ trên sân”.

Hơn nửa cuộc đời của Rớt là bóng đá. Chia tay đội bóng đường phố, Rớt “giữ gôn” cho đội bóng cấp phường Lửa Hồng, Phú Hội. Đội bóng “có số có má” đầu tiên mà anh khoác áo là Ngôi sao An Định do bầu Phương (ở trong cung An Định) nắm (Rớt không nhớ rõ năm nào, chỉ biết lúc ấy vẫn còn quan Tây trên đường phố Huế). Sau tuyển Thanh niên Huế (1961), Rớt đầu quân cho đội Ngôi sao y tế, Cảnh sát Huế, Cảnh sát quốc gia (tăng cường), đội tuyển quốc gia (của miền Nam, dự bị cho Phạm Văn Rạng).

Sau 1975, Rớt vẫn tiếp tục “giữ gôn” cho đội tuyển Huế, đội Giao thông vận tải Huế, Xây dựng Huế, đội tuyển Bình Trị Thiên, cho đến khi đội bóng A2 này đổi tên là Sông Hương (cuối thập niên 1980). Là đồng đội của lớp cầu thủ Huế thập niên 1950 như: Bùi Be, Doan, Em, Thuận B, Hạo, Minh; cho đến lớp cầu thủ thập niên 1970 như: Tâm, Tùy, Hiền, Sau, Trọng, Tiến, Thọ.

Từ khi ông bố Nguyễn Đình Châu còn đá tiền đạo cho đến khi cậu con trai Nguyễn Đình Thọ (bây giờ là HLV của Thừa Thiên - Huế) đá hậu vệ, trong khung thành vẫn thủ môn Rớt. Khi Đoàn Phùng còn đá bóng ở đội thiếu niên thì anh Rớt đã là thủ môn của tuyển Huế. Vậy mà đến khi Phùng vào tuyển Huế đá tiền vệ trái vẫn thấy Rớt trong cầu môn. Thế rồi Phùng và Tập lên Lâm Đồng, Tùy vô Bình Định, Rớt vẫn ở lại đó, trong cầu môn của đội Huế.

Từ khi Đoàn Thanh Lâm (nay là chánh văn phòng VFF) từ Hà Nội về quê đá tiền đạo, cho đến khi trở thành huấn luyện viên của đội, Rớt vẫn cứ là người trấn thủ số 1 trong khung thành. Miệt mài và vui vẻ làm lính của mấy đời HLV tuổi đời và tuổi nghề thuộc hàng “đàn em”: Đoàn Thanh Lâm, Nguyễn Hữu Hòa (nay phó giám đốc Sở TDTT Thừa Thiên - Huế), Nguyễn Hồng Thanh (Nghệ An), Nguyễn Hồng Vinh (đã mất), Tường, Chương (nguyên giám đốc Sở TDTT Thừa Thiên - Huế)...

Có lẽ Rớt là một trong vài thủ môn hiếm hoi trên thế giới vẫn xỏ giày, đeo găng ra sân bay lượn trong cầu môn cho đến khi 50 tuổi. Kỷ lục đó xem ra vẫn chưa dừng lại: năm 2003, Rớt vẫn còn ra sân trong màu áo lão tướng Thừa Thiên - Huế khi đã... 67 tuổi (!).

“Hễ có Rớt là khán đài hết chỗ”

Phóng to
Thủ môn Rớt (ngồi giữa hàng đầu) trong màu áo tuyển Huế năm 1977
Một điểm khác thường của Rớt thủ môn, đó là: lùn. Vào thời kỳ thể lực sung mãn nhất, chiều cao của Rớt chỉ 1,58m. Là thủ môn thấp nhất miền Nam, nhưng lại là thủ môn nhảy cao nhất. “Đứng với hết sải tay vẫn chưa hết cột dọc, nhưng mà tui lại chuyên trị mấy quả lật cánh đánh đầu. Tui bay bắt banh ngay trên đầu người ta. Tiền đạo các đội nể tui lắm. Họ nói thằng Rớt lùn mà nhảy cao, to mà lanh. Banh xoáy, góc êke chi tui cũng không ngán, tiền đạo Lào, Tây to khỏe cũng không sợ”.

Người Huế thường kháo với nhau rằng Rớt bắt banh nhanh như sóc, di chuyển trong khung thành giống như bay lượn, bắt bóng bằng tay không có găng nhưng hai tay giống như có nhựa, đụng vào bóng là dính chặt. Ông Bùi Be, cựu tiền vệ tuyển Huế và tuyển Trung Việt, còn cho biết thêm: “Mấy câu lạc bộ của Hong Kong muốn mua hắn về bắt gôn, nhưng vì răng đó không đi được, không thì hắn còn nổi tiếng nữa”.

Tuyển trẻ miền Nam gọi Rớt tập trung, nhưng đội tuyển Huế không cho đi vì sợ mất vào tay các đội Sài Gòn. Rớt thừa nhận rằng mình có được cái năng khiếu trời phú, nhưng đó còn là kết quả của sự đam mê quả bóng tròn đến cháy bỏng, và một cuộc rèn luyện bền bỉ.

Sáng sớm, “điểm tâm” đều đặn hai chục vòng quanh sân vận động. Sau đó mới tập chung với toàn đội cho đến gần trưa. Buổi chiều tập chuyên môn bắt bóng cùng các thủ môn với nhau. Thời gian còn lại là tập judo và karate để bổ trợ và nâng cao sự tự tin khi xông trận. Rớt nói hồi đó cầu thủ tự quản, tự lo việc rèn luyện cho riêng mình, nhưng chỉ cần đá dở là bị loại ngay. Năng khiếu trời cho cộng với sự khổ luyện và niềm đam mê bóng đá cháy bỏng, những phẩm chất đó đã làm nên “huyền thoại thủ môn Rớt”.

“Hễ nghe có Rớt ra sân là coi như sân chật kín khán giả. Hồi nớ không có băngrôn, cờ quạt như bây chừ, nhưng khán giả cứ gào thét lên “Rớt ơi, Rớt ơi” một cách sung sướng lắm” - cựu tiền vệ Bùi Be (một trong vài cầu thủ thập niên 1950 còn sót lại) kể. Cứ một pha Rớt bắt bóng đẹp cứu đội nhà thoát hiểm là có người chạy xuống sân ném vào cầu môn vài ngàn bạc thưởng nóng.

Rớt nói trận nhớ đời nhất của anh là tuyển Huế gặp dự tuyển TP.HCM năm 1977, đội Huế thua nhưng khán giả Sài Gòn thì cứ gọi tên Rớt không ngớt, chỉ vì bàn tay “có nhựa” và những pha bay lượn ngoạn mục của “chú lùn”. “Ở lại Sài Gòn đi Rớt ơi”, họ nhấc bổng anh lên trời và có người còn nhét tiền thưởng vô túi. Ngay cả bí thư Tỉnh ủy Bình Trị Thiên Bùi San thời ấy mỗi khi nhận giấy mời đến sân đều hỏi: “Có thằng Rớt bắt gôn không?”.

Đạp xe thồ đến giờ bóng lăn

Đó là trận tuyển Huế gặp Công An Hà Nội năm 1978. Đã đến giờ bóng lăn rồi mà vẫn không thấy Rớt có mặt. Cả đội ra sân khởi động nhưng không thấy Rớt, khán giả la ó: “Rớt mô rồi? Rớt mô rồi?”. Huấn luyện viên căng thẳng dù đã có thủ môn phụ thay thế, còn toàn đội thì hoang mang, bởi các tiền đạo Công An Hà Nội lúc đó thuộc loại xuất sắc của quốc gia. Các cầu thủ Hà Nội cũng ngẩn ngơ không hiểu vì chuyện gì mà khán giả trở nên “nổi loạn” như thế.

Cả cầu trường sôi sục ấy không ai biết rằng anh chàng thủ môn ấy đang cố đạp nốt cuốc xe thồ rồi vội vàng đạp thẳng đến sân vận động. Đến nơi, Rớt quẳng ào chiếc xe vô hàng rào, chạy thẳng vào phòng thay đồ mặc vội áo quần và chạy ù ra sân. Khán giả sung sướng gào thét: “Rớt tới rồi, Rớt ơi”. Còn đồng đội thì mừng rơn vì thoát khỏi một sức ép ghê gớm. Có một điều nữa mà ít ai trong số hàng chục ngàn người có mặt trên sân biết được: chiều đó, Rớt ra sân nhưng trong bụng chỉ mới có năm hào xôi bắp. “Chuyện nớ không dám kể, ốt dột (xấu hổ) lắm” - ông già cựu thủ môn nở một nụ cười hiền từ.

Cả cuộc đời Rớt chỉ gói gọn trong hai việc: thủ môn và xe thồ. Rớt nói về điều đó một cách thật thà và điềm nhiên vô tư lự. “Mê trái banh thì đá, cũng như đẻ con thì phải nuôi con, dù phải đạp xe thồ cho đến già”. Khi tôi hỏi: “Sao anh chơi bóng hay như vậy mà không chọn một đội nào có tiếng mà đầu quân, để có thể kiếm tiền bằng bóng đá mà nuôi vợ con mà phải đạp xe thồ mấy chục năm cực khổ vậy?”.

Rớt lại cười: “Tôi cũng đã từng được gọi vào đội tuyển thanh niên miền Nam, nhưng Huế không cho đi vì sợ bị các đội ở Sài Gòn “vợt” mất; cũng đã tăng cường cho đội AJS (Cảnh sát quốc gia cũ), cùng đá với anh Tam Lang, nhưng rồi cũng không rời cái xứ Huế lũ lụt của mình được”. Rớt kể thời của anh, bóng đá chưa phải là món hàng bán được nhiều tiền như bây giờ, dù phải luyện tập vất vả và cũng “màu cờ sắc áo” rừng rực không kém.

Đá thắng thì được đeo huy chương và cờ danh dự, vậy thôi mà nhiều người mơ cũng không được. Trước chiến tranh, đá bóng là để khỏi đi quân dịch, chỉ ăn lương nhưng cầu thủ không phải lo chi chuyện cơm áo. Sau giải phóng, cầu thủ chuyên đá bóng ở Huế phần lớn dạt về đội Giao thông vận tải, nhưng khi nào tập trung đội thì mới được ăn lương, còn không thì phải tự cày cuốc lấy.

“Buổi sáng đạp xe thồ, cũng là làm giao thông vận tải; chiều ra sân bắt gôn cho đội Giao thông vận tải, anh em thường đùa với nhau: thì xe thồ cũng ở trong ngành vận tải cả mà thôi, có điều là vận tải... thô” - Rớt cười khà khà, rung rung những sợi tóc bạc trên trán.

Sau đó thì đội bóng Giao thông vận tải giải tán, Rớt chuyển sang đội bốc xếp, nhưng không đủ việc làm nên cũng phải bám chiếc xe đạp thồ. Hết đạp thồ lại đến xe máy thồ, ông già 69 tuổi ấy vẫn đang miệt mài kiếm sống. “Nghèo lắm, nhưng chưa bao giờ Rớt nhận bất kỳ một đồng bạc cá độ mô cả. Đời như rứa là thảnh thơi lắm rồi. Tui rất buồn khi thấy các em bây giờ, bắt banh mới nổi một chút đã tính này tật nọ”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận