​Hẵng cứ lạc quan cái đã

ĐỨC HOÀNG 31/10/2014 01:10 GMT+7

TTCT - Đầu tháng này, Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) công bố một khảo sát về mức độ lạc quan về thế hệ trẻ của 44 quốc gia. Kết quả: người Việt Nam lạc quan nhất.

Tranh: Lê Thiết Cương
Tranh: Lê Thiết Cương

94% người Việt được hỏi tin rằng những đứa trẻ hiện nay khi lớn lên sẽ sống sung túc hơn chúng ta hiện nay. Chuyện này thoạt nhìn tưởng như là hiển nhiên, không có gì phải bàn, vì rõ ràng là kinh tế phát triển lên, từ mấy đời nay thế hệ sau đã “sướng” hơn thế hệ trước.

Nhưng vấn đề là tại sao tỉ lệ này ở Việt Nam lại cao nhất, cao hơn cả các nước đang phát triển nhanh hơn? Trung Quốc, đất nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới, đứng sau về mức độ lạc quan: 85% người được hỏi tin rằng thế hệ sau sẽ sung túc hơn.

Ở Brazil, thấp hơn nữa: 77% tin vào điều đó. Còn các nước phát triển như Đức, Pháp, Nhật thì bi quan khỏi nói: trước các biến động toàn cầu, phần lớn tin rằng con cái họ sẽ nghèo đi.

Có lẽ chỉ có thể lý giải bằng sự lạc quan. Người Việt, hay chính xác hơn là người lớn ở Việt Nam bây giờ, rất lạc quan rằng con cái chúng ta sẽ “bất chiến tự nhiên thành”.

Không biết có phải vì thế mà chúng ta đang... mặc kệ trẻ con hay không. Ở một hội thảo dành cho sinh viên tại TP.HCM mới đây, các bạn đứng lên than thở: chúng em không biết phải làm gì bây giờ cả, hết giờ học thì chỉ còn ăn rồi ngủ. Nhà tư vấn trả lời đại ý các bạn phải tự biết đường tham gia các hoạt động ngoại khóa, Đoàn Đội, đi làm tình nguyện.

Chuyện bấy lâu nay vẫn là như vậy, nếu các bạn trẻ không cảm thấy những hoạt động ấy hấp dẫn nổi mình thì đấy chính là lỗi các bạn quá lười chứ không phải do thiếu người dìu dắt.

Không biết có phải hiển nhiên là lũ trẻ sẽ sống sung túc, nên thay vì nghĩ ra đường giúp chúng phát triển, người (lớn) bắt đầu nghĩ ra những thứ áp đặt kỳ quặc. Phú quý chắc chắn là có rồi. Bây giờ chỉ còn sinh “lễ nghĩa” nữa là đủ bộ. Nên chắc vì vậy mà suốt gần một tháng trời, vài “nhà giáo dục” hăng hái tranh cãi về cái... quần jean của sinh viên mặc trong trường đại học.

Một trường đại học quyết định cấm sinh viên mặc quần jean vì cho rằng nó “không lịch sự”. Dư luận phản ứng. Một trường đại học khác nhanh nhảu tuyên bố rằng họ cho phép sinh viên mặc quần jean vì đây là “ý nguyện tự do” của sinh viên.

Không biết bao nhiêu năng lượng xã hội được đổ ra để bàn luận về một cái quần mà cho đến cuối cùng người ta vẫn không thể hiểu được tại sao.

Nhưng đó không phải là lần đầu tiên và chắc chắn không phải lần cuối cùng các nhà giáo dục sử dụng một lượng công năng khổng lồ để quay quắt với chuyện ăn mặc hoặc những thang bậc “hạnh kiểm” khác của lũ trẻ.

Một đại học lớn khác thậm chí còn cấm sinh viên ngồi với nhau trong... chỗ tối, vắng vẻ. Không biết bao nhiêu người là vắng vẻ và nguồn sáng có cường độ bao nhiêu lumen trở xuống thì gọi là tối? Thật đáng vò đầu bứt tai.

Nếu như nhìn vào cái cách rôm rả thế nơi các trường đại học đang vận hành thì không có gì phải nghi ngờ về sự lạc quan của xã hội về tương lai của giới trẻ.

Trường đại học là “vùng đệm” quan trọng để những cậu bé, cô bé rời khỏi vòng tay cha mẹ bước vào, nhận lấy tri thức ở cấp độ mới và nuôi dưỡng những nhận thức tự chủ đầu tiên về cuộc sống. Nhưng sao có vẻ như họ đã được dạy rằng mình... không cần phải làm gì vì quả sung sẽ tự rơi trên vòm cây xuống, tương lai của chúng ta hẳn nhiên là ổn.

Ở đó, sự lạc quan, hay chính xác hơn là tâm lý thờ ơ trước thực tế, đã được gieo cấy trong gen di truyền?

Những nhà thuyết giáo thuộc trường phái “tân tư duy” bên Mỹ có một lý thuyết duy tâm gọi là “Luật hấp dẫn”, đại ý nói rằng nếu chúng ta liên tục nuôi những cảm xúc tích cực thì cuối cùng những điều tích cực sẽ đến với chúng ta.

Cứ khăng khăng tin đi đã, hẳn nhiên là tương lai của đất nước ta sẽ rất khá.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận