Myanmar: sau cơn mưa trời lại sáng?

DANH ĐỨC 17/11/2015 18:11 GMT+7

TTCT - Một trong những tuyên bố đầu tiên của bà Aung San Suu Kyi vào cuối buổi sáng thứ hai 9-11, sau khi có tin đảng của bà giành được 70% số phiếu, là “kêu gọi những người ủng hộ đừng khiêu khích các đối thủ thất cử”. Liệu xã hội Myanmar sẽ lại rơi trở lại quá khứ? Thế còn tương lai đang được chuẩn bị ra sao?

Những người ủng hộ Đảng NLD trong cuộc tổng tuyển cử tập trung bên ngoài trụ sở của đảng này ở Yangon ngày 9-11 -Reuters
Những người ủng hộ Đảng NLD trong cuộc tổng tuyển cử tập trung bên ngoài trụ sở của đảng này ở Yangon ngày 9-11 -Reuters

Hơn ai hết, bà Aung San Suu Kyi hiểu bà muốn nói gì và tại sao. 25 năm trước, trong một cuộc bầu cử tương tự được tổ chức ngày 27-5-1990, sau 30 năm ngưng bầu cử do dưới chế độ độc tài, Đảng NLD (Liên đoàn quốc gia vì dân chủ) của bà Suu Kyi đã giành được 392/492 ghế, trong khi Đảng NUP (Đoàn kết quốc gia) của quân đội có tỉ lệ phiếu về thứ nhì nhưng chỉ được vỏn vẹn 10 ghế!

Song quân đội đã không bao giờ trao quyền hành cho đảng chiến thắng. Mãi cho đến năm nay mới tổ chức lại được một cuộc bầu cử tương tự, xã hội Myanmar cũng đã trải qua bao năm tháng chao đảo, khó nghèo, chậm tiến. Vì vậy bà Suu Kyi không muốn lịch sử tái diễn một cách tàn nhẫn như năm 1990.

Quân đội không phi thời gian

Nói như thế không có nghĩa chỉ có xã hội Myanmar là thay đổi, còn cánh quân đội thì “bất động” với thế giới quan phi thời gian của mình. Từ năm 1990, khi họ ngang nhiên giành chính quyền từ chiến thắng của Đảng NLD, trên thế giới đã trải qua bao biến đổi tận gốc!

Muốn hay không muốn, các ông tướng của nước này cũng đã thức thời từ giữa thập niên trước để chuẩn bị một sự tháo gỡ và tháo lui về “tuyến hai” (dưới hình thức 1/4 số ghế đương nhiên trong quốc hội, như mô hình quân đội Indonesia trước kia cũng tự cấp 20% số ghế trong quốc hội). Và họ đã để yên cho ông Thein Sein, một ông tướng khác mới giũ áo lính năm 2010, thực hiện cải cách trong bộ cánh tổng thống dân sự từ năm 2011.

Tất nhiên, các ông tướng vẫn “nắm đằng chuôi” trong thể chế này với quyền phủ quyết trong quốc hội, rõ nhất là chuyện tháng 5-2015 đã đánh bại một dự thảo luật, theo đó một đạo luật mới sẽ được thông qua chỉ với 70% số phiếu đại biểu quốc hội thay vì những 75% như cho đến nay, nhằm trừ hao việc quân đội chiếm 25%. Quân đội vẫn giữ những bộ trọng yếu và vẫn giữ các đại công ty quốc phòng...

Công lao của ông Thein Sein

Bốn năm qua, kể từ khi lên làm tổng thống, ông Thein Sein đã đi theo con đường “cởi trói”. Từ việc trả tự do các tù nhân chính trị, trong đó có bà Suu Kyi vốn đang bị quản thúc tại gia suốt 15 năm trước đó, đến việc cho Đảng NLD hoạt động trở lại cùng các đảng khác, và giờ là cuộc bầu cử này. Thành ra, có thể tin chắc rằng khả năng quân đội quay trở lại vì bị “chọc giận” không phải là ý muốn của ông Thein Sein.

Trong diễn văn trên đài phát thanh hôm 3-11, ông đã dốc bầu tâm sự với dân chúng: “Trong vài ngày tới, cuộc tổng tuyển cử có ý nghĩa nhất và quan trọng trong lịch sử Myanmar sẽ được tổ chức. Lần đầu tiên kể từ khi độc lập, tất cả các lực lượng chính trị trong nước sẽ được cùng tranh cử”.

Tất nhiên, ông Thein Sein không quên nêu vai trò của ông: “Kể từ khi chính phủ của tôi nhậm chức, chúng tôi đã tập trung vào việc cởi trói và thực hiện những cải cách thiết thực nhằm thúc đẩy một xã hội dân chủ. Chúng tôi đã hết sức nỗ lực để phà hơi thở của cuộc sống vào những cải cách này, theo yêu cầu của các hoàn cảnh chính trị.

Cái công việc nặng nhọc ấy đã dựng nên nền tảng cho phép tổ chức cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Chính vì thế, tôi kiên quyết tin tưởng rằng các cuộc bầu cử này mang ý nghĩa quan trọng nhất trong lịch sử Myanmar. Chưa hết, Myanmar, cả xã hội này lẫn các công dân, đáng được hưởng dân chủ. Các cuộc bầu cử cho thấy đất nước này sẵn sàng để tiếp tục cải cách với đà càng tăng”.

Nghe ông Thein Sein nói “cả xã hội này lẫn các công dân đáng được hưởng dân chủ”, có thể tin ông nói tự đáy lòng.

Tương lai là đây

Có một thành tố rất quan trọng trong xã hội Myanmar: giới sinh viên. Trong nửa thế kỷ qua, sinh viên đã đóng một vai trò mạnh mẽ trong xã hội nước này. Trong quá khứ, sinh viên Myanmar đã đứng đầu trong các cuộc đấu tranh, dưới trào Thein Sein được tôn trọng bằng cách được mời tham gia như là một trong bốn bên bàn bạc chuyện cải cách giáo dục quốc gia.

AFP 8-2-2015 loan tin Chính phủ Myanmar đồng ý tái họp về cải cách giáo dục lần này dưới hình thức bốn bên gồm đại diện chính phủ, các nhà luật pháp, các nhà giáo dục và đại diện sinh viên. Sở dĩ sinh viên nay có vai trò trong bàn bạc bốn bên là do họ đã phản đối đạo luật giáo dục thông qua vào tháng 9 năm ngoái mà họ cho là quá “hạn chế”. Sinh viên đòi khi soạn các luật giáo dục mới phải có sự tham dự của sinh viên và giáo chức.

Giới sinh viên đã nêu ra 11 yêu cầu của họ, và trong cuộc họp bốn bên đầu tiên, 11 yêu cầu này đã được xem xét. Một trong những yêu cầu của sinh viên là phải dành 20% ngân sách cho giáo dục trong thời gian 5 năm tới (để tạo đà cho phát triển nhà trường).

Một yêu cầu khác nữa là cho con em các dân tộc thiểu số được tự do học bằng ngôn ngữ của họ. Đây là một yêu cầu của tiến trình hòa giải các dân tộc tại đất nước còn ngổn ngang những va chạm sắc tộc đẫm máu này... Tất nhiên, đây cũng chính là một trong những công lao của ông Thein Sein trong quá trình “cởi trói” xã hội.

Không chỉ Chính phủ Myanmar tôn trọng giới sinh viên, mà cả các tổ chức Liên Hiệp Quốc đang hoạt động tại đây. Cuối tháng 9 vừa qua, nhân kết thúc 15 năm “Mục tiêu thiên niên kỷ” (MDG) và khởi động kế hoạch 15 năm mới là các “Mục tiêu phát triển bền vững” (SDG), Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) đã mời 40 thủ lĩnh thanh niên tham dự Thượng đỉnh xã hội tổ chức tại Yangon. Chủ đề mà các thủ lĩnh thanh niên tập trung động não là làm sao cho giáo dục có chất lượng, vốn là một trong 15 mục tiêu trong kế hoạch mà UNDP mới đề ra.

Khi người trẻ tham gia trọn vẹn tìm giải pháp cho nền giáo dục, không ai dám xem họ là “đồ con nít”, thì họ đã chứng tỏ họ là “người tổ quốc mong cho mai sau” rồi.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận