"Những mảnh vỡ của Boeing rơi xuống nước Nga"

DUY VĂN 26/07/2014 17:07 GMT+7

TTCT - Một bài báo của tờ Kommersant (Nga) đã có nhan đề như thế vì tuy cuộc điều tra vụ máy bay Malaysia MH17 bị bắn rơi vẫn chưa bắt đầu (tính tới ngày 23-7), nhưng Ukraine và phương Tây hầu như đã kết tội Nga.

Hàng ngàn người Hà Lan rơi lệ đón thi thể nạn nhân MH17

Sơ đồ đường bay của Boeing 777 và Su-25 vào ngày 17-7 do Bộ Quốc phòng Nga công bố - Ảnh: rt.com

Và quả thật là như thế. Ngay sau khi chuyến bay MH17 lâm nạn hôm 17-7, ba đoạn hội thoại được cho là của phe ly khai thân Nga đã được tung lên Internet như bằng chứng cáo buộc họ bắn rơi máy bay.

Rồi tiếp đó rất nhiều “bằng chứng” khác được lan truyền trên mạng như tin các dân quân đông Ukraine tuyên bố mình sở hữu tên lửa Buk nhưng sau đó thấy “hớ” vội rút lại lời khoe khoang, đến hình ảnh Bộ Quốc phòng Ukraine công bố ba bệ phóng tên lửa Buk được bí mật chở về Nga sau khi “hoàn thành nhiệm vụ”.

Từ tin phe ly khai đòi giao hộp đen cho Nga, rồi hộp đen mất tích không ai biết ở đâu, tới đồn đoán “bốn ngày đủ để Nga sửa thông tin hộp đen” cho đến cáo buộc phe ly khai thân Nga xài thẻ tín dụng của nạn nhân... Biển thông tin Internet xen lẫn với các bằng chứng của Kiev thực thực hư hư, nhưng đều nhắm vào Nga.

Đến đầu tuần này, người Nga phản công. Cuộc họp báo của Bộ Quốc phòng Nga ở Matxcơva ngày 21-7 công bố ba dữ kiện:

1/ Chiếc Boeing 777 khi bay trên vùng trời Donetsk vì sao đó đã chệch khỏi hành lang bay 14km về phía bắc. Nó đã cố bay trở lại hành lang quy định nhưng không còn kịp nữa.

2/ Có một máy bay chiến đấu của Ukraine, có thể là loại SU-25, đã ở cùng cao độ, cùng thời điểm trên một hành lang bay với MH17 vào ngày định mệnh đó, cách chiếc Boeing chỉ 3-5km. Loại SU-25 này “được trang bị tên lửa R-60 có thể tấn công các mục tiêu cách nó tới 12km, còn chỉ 5km thì chắc chắn (trúng)”. Bộ Quốc phòng Nga cho biết thêm vào thời điểm MH17 lâm nạn, một vệ tinh của Mỹ đang bay trên vùng trời đông Ukraine nên Mỹ có thể kiểm chứng thông tin này.

3/ Nga có ảnh vệ tinh cho thấy từ ngày 14 đến 18-7 có 3-4 tổ hợp tên lửa Buk ở Donetsk và lộ trình bay của MH17 nằm trong tầm tấn công của chúng. Vào ngày MH17 rơi, một trong các tổ hợp này được dời về nằm sát vùng đất phe ly khai chiếm đóng, đến ngày 18-7 nó đã được đưa đi.

Nhớ lại trong phát biểu đầu tiên ngay sau ngày MH17 rơi, ông V. Putin nói nguyên nhân chính dẫn tới thảm họa máy bay Malaysia là “do không có hòa bình ở đông Ukraine”. Rõ ràng, hàm ý của ông Putin: MH17 là nạn nhân của tên bay đạn lạc thời chiến. Tên, đạn này của ai? Có thể phe ly khai thân Nga đã bắn chiếc Boeing 777 vì tưởng nhầm là máy bay quân sự Ukraine? Vậy máy bay chiến đấu của Ukraine làm gì trong hành lang bay của MH17 lúc đó?

Mọi việc cần chờ các kết quả điều tra. Của ai? Nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về MH17 thông qua ngày 21-7 thống nhất Hà Lan sẽ lãnh đạo cuộc điều tra, được thực hiện cùng các nước liên quan và Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO (người Nga đã yêu cầu phải đưa ICAO vào nghị quyết). Nga tin rằng ICAO sẽ khách quan hơn Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) hay Ukraine.

Đó là lý do vì sao khi trao hộp đen cho đại diện Malaysia hôm 21-7, phe ly khai đã ghi rõ trong biên bản là hộp đen sẽ được chuyển cho các nhà điều tra của ICAO.

Tuy nhiên, theo lời giám đốc Viện các đánh giá chiến lược (Nga) Sergey Oznobishev, ngay cả khi ICAO đưa ra kết luận có lợi cho Nga đi nữa, thì những “mảnh vỡ” của chiếc Boeing 777 kia chưa chắc đã hết gây dư chấn với Matxcơva. Bởi như lời của Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 20-7 thì “Nga có quyền lực lớn với phe ly khai đông Ukraine... Nga đã động viên, huấn luyện và chúng tôi biết (Nga) đã vũ trang cho họ... Các lãnh đạo phe ly khai đều là người Nga”.

Mối liên hệ giữa Nga với dân quân đông Ukraine đang là thách thức lớn nhất cho Matxcơva. Ngày 22-7, ông V. Putin đã triệu tập họp Hội đồng An ninh Nga. Tại cuộc họp mang tên “Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của LB Nga” này, ông V. Putin có vẻ hòa hoãn khi nói: “Hiện không có đe dọa quân sự trực tiếp tới chủ quyền của Nga, Nga vẫn nghiêm túc tuân thủ công pháp quốc tế”. Về vấn đề đông Ukraine, ông Putin tuyên bố: “Nga sẽ làm tất cả để tác động đến dân quân Ukraine”.

Từ việc Nga bỏ phiếu thuận cho nghị quyết HĐBA về MH17 do Úc soạn (và đã bỏ dự thảo của mình), đến “cam kết tác động dân quân đông Ukraine” cho thấy Matxcơva không muốn leo thang căng thẳng với phương Tây. Nhưng mặt khác, Nga “sẽ tác động” chứ không từ bỏ đông Ukraine! Cục diện tiếp tục giằng co. Phương Tây lại dọa đẩy mạnh cấm vận, Ukraine ban hành đợt động viên thứ ba...

Và giữa những giằng co đó là nạn nhân thường dân. Khó thể quên lời Bộ trưởng giao thông Malaysia Liow Tiong Lai cay đắng: “Vâng, MH17 đã là vấn đề địa chính trị. Nhưng trên hết, đó là một thảm kịch con người”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận