Xuống phố trong thân phận da đen

TTCT - Xung đột sắc tộc diễn ra âm ỉ trong lòng nước Mỹ nhiều thập kỷ qua, nay trở lại với những cuộc biểu tình căng thẳng rộng khắp, và vô số diễn giải mới về nguyên nhân.

Ảnh:
... Đặc biệt, tôi không hề chuẩn bị đối phó với cảnh sát. Họ thường yêu cầu tôi dừng lại và bắt nạt, hỏi những câu cứ như đương nhiên là tôi có tội...

Nhưng đằng sau những diễn biến này là một thực tế dường như chưa có gì thay đổi trong cách đối xử với người da đen tại Mỹ. Một bài viết xúc động của GARNETTE CADOGAN đăng trên Literary Hub có thể là một tổng kết sâu sắc cho vấn đề này. TTCT lược dịch và giới thiệu cùng bạn đọc.

Tác giả mở đầu bằng hồi tưởng về thú đi bộ từ nhỏ trên đường phố đầy nguy hiểm của Kingston (Jamaica) - quê hương anh - thập niên 1980. 

Nhưng những cuộc đi bộ lang thang đầy mạo hiểm kiểu Tom Sawyer ấy dù đúc kết cho anh vô vàn kinh nghiệm về ứng phó với những mối nguy hiểm đã không là gì cho đến khi anh tới New Orleans (Mỹ) năm 1996 để học đại học và muốn tiếp tục khám phá, vẫn bằng đôi chân, về thành phố vùng Caribbean này, và nó liên quan thế nào với Mỹ... 

Ở New Orleans

Khi vài người của trường biết tôi đã làm vậy, họ cảnh báo tôi chỉ nên đến những nơi được cho là an toàn cho du khách và phụ huynh của sinh viên mới. Họ bày ra số liệu về tỉ lệ tội phạm ở New Orleans.“...Ngày đầu tiên đến, tôi dạo bộ vài tiếng để cảm nhận về nơi này và mua ít thứ lặt vặt để biến căn phòng ký túc tù túng thành một nơi dễ chịu.

Nhưng so với tỉ lệ tội phạm ở Kingston thì con số này quá nhỏ, nên tôi quyết định tảng lơ lời cảnh báo thiện chí đó. Cả một thành phố đang chờ đợi được khám phá, và tôi không thể để thực tế khó chịu này cản trở. Những tên tội phạm của Mỹ chả là gì so với ở Kingston, tôi nghĩ vậy. Họ không hề là mối đe dọa đối với tôi.

Điều mà chẳng ai nói cho tôi biết rằng chính tôi mới bị coi là mối đe dọa. Chỉ vài ngày sau tôi nhận ra nhiều người trên phố có vẻ e sợ tôi: một số liếc nhìn thận trọng khi đến gần, rồi bất ngờ băng ngang qua đường; ai đi trước thì liếc nhìn về sau, thấy tôi liền bước nhanh hơn; phụ nữ da trắng lớn tuổi giữ chặt túi xách; thanh niên da trắng chào hỏi tôi với điệu bộ lo lắng, giống như làm vậy để được an toàn: “Anh bạn thế nào?” (“What’s up, bro?”).

 Tội lỗi duy nhất của tôi là màu da. Tôi đã làm gì để da lại đen và đời bầm giập đến thế?

Fats Waller

Trong chưa đầy một tháng kể từ khi đến đây, có lần trên đường, tôi cố giúp một người đi xe lăn, ông dọa sẽ bắn vào mặt tôi, rồi nhờ người đi bộ da trắng khác giúp.

Tôi không hề chuẩn bị cho điều này. Tôi đến từ đất nước đa số dân là da đen, không ai sợ tôi vì màu da của tôi cả. Bây giờ tôi không biết chắc ai sợ tôi.

Đặc biệt, tôi không hề chuẩn bị đối phó với cảnh sát. Họ thường yêu cầu tôi dừng lại và bắt nạt, hỏi những câu cứ như đương nhiên là tôi có tội. Chưa ai nói với tôi về “The talk” (cuộc nói chuyện về những nguy hiểm mà thanh niên da đen có thể gặp phải). Không cha mẹ nào dạy tôi hành xử khi cảnh sát chặn lại, lịch sự và hợp tác ở mức nào, cho dù cảnh sát làm gì hay nói gì đi nữa.

Thế nên tôi phải soạn ra những mánh riêng để đối phó. Như nhấn mạnh âm sắc Jamaica khi trả lời, nhanh chóng nhắc đến tên trường học, “vô tình” lôi thẻ sinh viên ra khi bị yêu cầu xuất trình bằng lái xe.

Những chiến thuật để tồn tại đó bắt đầu từ trước khi tôi rời ký túc. Tôi rời phòng tắm với hình ảnh cảnh sát lởn vởn trong đầu, chuẩn bị mặc bộ đồ vía chống cảnh sát, gồm áo sơmi màu sáng, áo len cổ chữ V, quần kaki, giày cổ cao đến mắt cá chân.

Áo len hay áo sơmi có gắn tên trường đại học. Khi đi, tôi thường bị hỏi về nguồn gốc nên tôi tìm cách thể hiện luôn (bằng cách mặc kiểu thoải mái của giới thượng lưu, gắn thêm yếu tố dòng dõi Jamaica bằng đôi giày Clarks Desert mà người Jamaica ưa thích khi đi bộ).

Ở thành phố có nhiều con đường rợp bóng mát này, đi bộ trở thành chuyện phải suy tính phức tạp và thường mang tính áp chế ngột ngạt. Ban đêm tôi thấy một người phụ nữ da trắng đi về phía mình nên tôi liền băng ngang đường để bà an tâm rằng mình sẽ an toàn.

Khi phát hiện mình quên đồ gì đó ở nhà, thường tôi không lập tức quay lại nếu có người đằng sau, vì tôi phát hiện ra hành vi đột ngột đó có thể khiến họ cảnh giác. (Tôi có nguyên tắc cốt yếu: giữ chu vi rộng với những người có thể nghĩ tôi nguy hiểm.

Nếu không, nguy hiểm có thể đến với tôi). New Orleans bỗng nhiên trở nên nguy hiểm hơn Jamaica. Lề đường giống bãi mìn, mọi sự lưỡng lự hay tự tính toán cách hành xử đều khiến phẩm giá của tôi giảm đi. Dù nỗ lực, tôi không bao giờ cảm thấy đường phố an toàn. Ngay cả lời chào hỏi đơn giản cũng bị nghi ngờ.

 Nhìn dưới góc độ logic lý thuyết, đi bộ chính là hành vi của đức tin. Chúng ta nhìn thấy, nghe, nói, tin rằng mỗi bước chân sẽ không phải là bước cuối cùng, nhưng sẽ giúp ta hiểu rõ hơn về bản ngã và thế giới.

GARNETTE CADOGAN

Ở New York

...Tôi khám phá thành phố cùng bạn bè, và rồi với người yêu. Nàng đi bộ khắp hang cùng ngõ hẻm với tôi, thưởng thức mọi thú vui của New York. Quán cà phê mở cửa đến tận rạng sáng, nhiều xe của người bán hàng dạo, đồ ăn và âm nhạc khắp nơi trên thế giới, khu dân cư với cư dân sành điệu. Cứ mỗi nhịp chân lại giúp tôi có thêm ấn tượng về thành phố này....

Tôi háo hức theo những bước chân của những cây viết tản văn, nhà thơ, nhà văn từng lang thang ở thành phố vĩ đại này trước tôi - Walt Whitman, Herman Melville, Alfred Kazin, Elizabeth Hardwick... Tôi muốn đi bên cạnh bóng ma của Whitman và “nép mình bên lề đường, hòa mình vào đám đông và nhìn chằm chằm họ”...

Cũng như chuyện tình yêu, vài tháng đầu khám phá đầy thi vị. Thành phố gợi nên niềm hi vọng, đầy sống động khiến ta hồ hởi.

Nhưng chẳng bao lâu sau thực tế nhắc nhở rằng tôi không phải là người không thể bị tấn công, đặc biệt là khi tôi đi một mình. Một đêm ở East Village, tôi đang chạy vội đến chỗ hẹn ăn tối thì một người đàn ông da trắng trước mặt quay ngược lại, đấm vào ngực tôi mạnh đến nỗi có cảm giác xương sườn rụng ra khỏi cột sống.

Tôi đoán anh ta say rượu hay nhầm tôi với kẻ thù nào, nhưng sớm phát hiện ra anh ta chỉ đơn giản tưởng tôi là tội phạm vì chủng tộc của tôi. Khi thấy không phải vậy, anh ta liền nói mọi sự tại tôi vì tôi chạy sát sau anh ta. Tôi cho rằng tai nạn này chỉ là lầm lạc nhất thời, nhưng sự bất tín lẫn nhau giữa tôi và cảnh sát là điều khó có thể tảng lơ.

Nó dường như là chuyện thâm căn cố đế. Họ vào ga tàu điện ngầm, tôi nhận ra họ (và tôi nhận ra mọi người da đen khác đều nhận thấy sự có mặt của họ, trong khi hầu như mọi người khác đều vẫn không hề chú ý). Họ nhìn tôi chằm chằm. Tôi thấy lo lắng và liếc lại. Họ quan sát tôi chăm chú. Tôi cảm thấy không thoải mái lắm.

Tôi quan sát họ lại, lo lo rằng có thể trông mình khả nghi. Nghi ngờ tăng lên. Chúng tôi tiếp tục đối thoại trong im lặng và khó chịu cho tới khi con tàu chạy đến và đưa mỗi người về một phía.

Tôi trở lại các nguyên tắc mình đã đặt ra ở New Orleans, chi tiết hơn. Không chạy, đặc biệt vào ban đêm; không tự động di chuyển; không mặc áo có mũ; không cầm vật gì, đặc biệt là vật lấp lánh; không đợi bạn ở góc phố, ít nhất để không bị nhầm là bán ma túy; không đứng gần góc đường nghe điện thoại (lý do như trên).

Khi cảm thấy thoải mái, rõ ràng tôi cũng phá vỡ một vài nguyên tắc, cho tới khi một vụ việc xảy ra ban đêm khiến tôi phải quay lại với những quy tắc này, do hiểu rằng không thận trọng cũng có nghĩa là cẩu thả.

Sau một bữa ăn tối kiểu Ý và uống vài ly với bạn bè, tôi đi bộ về tàu điện ngầm ở Columbus Circle. Tôi đã trễ giờ hẹn với nhóm bạn khác đi xem hòa nhạc ở trung tâm. Tôi nghe thấy ai đó đang la hét, ngước lên thì thấy cảnh sát đang chĩa súng về phía mình...

Trong nháy mắt, sáu cảnh sát ào tới, ép tôi vào thành xe, còng tay chặt. “Vì sao anh chạy?”, “Anh đi đâu?”, “Anh từ đâu tới?”, “Tôi hỏi, vì sao anh chạy?”... Vì tôi không thể trả lời từng người một, tôi quyết định trả lời người trông có vẻ sẵn sàng đánh tôi nhất. Tôi bị cả một đám vây quanh và cố tập trung vào một người mà không sơ suất chọc tức người khác.

Nhưng không ăn thua. Khi tôi trả lời, người khác lồng lộn gào lên vì tôi không trả lời họ nhanh. Một người thò tay vào cái túi rỗng của tôi, hỏi xem tôi có vũ khí không, và đặt câu hỏi như lời buộc tội. Người khác hỏi liên tục về xuất thân của tôi, cứ như đến lần hỏi thứ 15 thì tôi sẽ nói cho anh ta sự thật giống anh ta tưởng tượng.

Dù tôi liên tục, một cách bình tĩnh, tức là kiềm chế giọng điệu dù tim đập thình thịch và họ la hét phun đầy nước bọt vào mặt tôi, nói tôi vừa tạm biệt bạn mình cách đây hai dãy phố, bạn tôi vẫn ở đó và có thể xác minh, để gặp đám bạn khác, tin nhắn của họ vẫn trong điện thoại là bằng chứng. Vâng, thưa ngài, dĩ nhiên, thưa ngài, điều đó cũng chả thay đổi được gì.

Với người da đen, khẳng định phẩm giá của mình trước cảnh sát là tạo ra rủi ro bị tấn công. Thực tế, phẩm giá của người da đen ít có ý nghĩa với cảnh sát...

Một nhân chứng da đen hỏi hay lịch sự lên tiếng phản đối có thể nhanh chóng bị bắt giữ. Sự khác biệt với cảnh sát, khi đó, chỉ là hành động đương nhiên cần thiết để tiếp cận đối phương an toàn.

Cảnh sát tảng lơ lời giải thích và gợi ý của tôi, tiếp tục cằn nhằn. Tất cả đều vậy, chỉ trừ một người, vị chỉ huy. Anh ta để tay đằng sau lưng tôi, nói bâng quơ: “Nếu nó chạy lâu rồi thì chắc chắn đổ mồ hôi”. Rồi anh ta yêu cầu tháo còng ra.

Anh kể một người da đen vừa đâm ai đó chỉ cách 2, 3 dãy nhà và họ đang truy tìm. Tôi phát hiện người mình không dính máu và nói với những cảnh sát đi cùng về nơi mà tôi vừa đến, và làm thế nào để kiểm tra chứng cớ ngoại phạm, mà không nhận ra rằng nó thậm chí là chứng cớ ngoại phạm, vì không ai nói với tôi lý do tôi bị giữ lại, và dĩ nhiên tôi không dám hỏi.

Theo những gì tôi đã chứng kiến, bất kỳ thứ gì vượt quá thái độ thụ động cũng có thể bị diễn dịch là thái độ công kích.

Viên chỉ huy nói tôi có thể đi. Không ai trong số những người bắt tôi nghĩ họ cần nói lời xin lỗi. Giống như gã đã đấm tôi ở East Village, họ dường như nghĩ lỗi tại tôi, tại tôi chạy. Cảm thấy bị bẽ mặt, tôi cố không nhìn những người đang đứng xem ở hai bên đường và tôi miễn cưỡng đi qua họ.

Viên chỉ huy, có lẽ thấy sự xấu hổ của tôi, gợi ý chở tôi đến nhà ga tàu điện ngầm. Khi anh thả tôi xuống, tôi cảm ơn, anh nói: “Đó là vì cậu lịch sự nên chúng tôi thả cậu đi. Nếu cậu chống đối thì mọi việc đã khác”. Tôi gật đầu và không nói gì thêm.

 
 

 Học cách đi một lần nữa

Tôi nhận ra mình không thích nhất khi đi bộ ở New York không chỉ là chuyện phải học những quy tắc mới về đường sá và cách cư xử - thành phố nào chả có điều đó. Mà tính tùy ý trong các tình huống đã khiến tôi cảm thấy mình như con nít. Khi chúng ta chập chững đi những bước đầu đời, cả thế giới xung quanh như dọa đổ ụp xuống người ta. Mỗi bước đều rủi ro.

Chúng ta tự dạy mình đi để không va vào đâu bằng cách chú ý tới mọi cử động, quan sát thế giới xung quanh. Khi lớn lên, chúng ta đi mà không cần nghĩ, thật sự là thế. Nhưng là người trưởng thành da đen, tôi thường trở lại với khoảnh khắc thời thơ ấu, khi mình vừa mới học đi. Một lần nữa, tôi luôn phải chú ý, cảnh giác cao độ.

Có khi chán cảnh bị coi là kẻ gây rối, tôi đùa rằng lần gần nhất một cảnh sát thấy vui khi nhìn thấy đàn ông da đen là khi người da đen đó là đứa trẻ đang chập chững những bước đầu đời.

Nhiều đoạn đường tôi nhờ các bạn da trắng đi cùng chỉ để tránh bị đối xử như mối đe dọa. Đi bộ ở TP New York đúng là như vậy... Cô bạn Rebecca từng có lần mô tả rằng đa số những lần tôi đi bộ là diễn một vở kịch câm để tránh bị xem như tội phạm.

Người da đen đi bộ bị hạn chế trải nghiệm đi bộ, không có trải nghiệm lãng mạn cổ điển của tản bộ một mình. Nó buộc tôi phải liên tục tương tác với người khác, không thể hòa mình cùng những kẻ lang thang ở New York mà tôi đã đọc về họ hay hi vọng được tham gia.

Thay vì đi vô định với Whitman, Melville, Kazin và Vivian Gornick, thường thì tôi cảm thấy mình rón rén với gia đình Baldwin’s - được mô tả từ năm 1960: “Đúng là hiếm có người Harlem nào, từ thành viên nhà thờ thận trọng nhất tới thanh niên lười nhác nhất, lại không thể kể tràng giang đại hải về chuyện kém cỏi, bất công hay nhẫn tâm của cảnh sát...”.

Da đen và đi bộ khiến tôi cảm thấy càng lúc càng bị tách khỏi thành phố, bị coi như nghi phạm, và càng gần gũi với thành phố bao nhiêu thì tôi càng phải cảnh giác bấy nhiêu...

Trong nỗi dằn vặt

...Một định nghĩa về “nhà” là nơi mà chúng ta có thể là chính mình nhất. Và khi nào chúng ta là chính mình hơn mà không phải là khi đi bộ, trong không gian thiên nhiên để ta lặp lại một trong những hành động đầu tiên được học của cuộc đời? Đi bộ - một hành động đơn giản, buồn tẻ, đặt một chân lên trước chân kia để không bị ngã - hóa ra không hề đơn giản khi da của bạn màu đen.

Đi bộ một mình với tôi có thể là tất cả, nhưng không hề tẻ nhạt; tẻ nhạt là xa xỉ. Nhấc một chân lên, đặt chân kia xuống, tạo đà để chân nghỉ nhịp nhàng. Chúng ta mong muốn nhìn, nghĩ, nói và thoát khỏi thực tại. Nhưng hơn tất cả, chúng ta muốn tự do. Chúng ta muốn có tự do và niềm vui được đi bộ mà không sợ hãi - không khiến người khác sợ hãi - dù chúng ta đi ở đâu.

Tôi đã sống ở TP New York gần 10 năm và chưa thôi đi dọc theo những con phố đầy mê hoặc. Tôi chưa thôi mong mỏi được tìm thấy niềm khoái cảm của thời bé nhỏ ở những con phố tại Kingston. Cũng như càng biết nhiều về đường phố TP New York, nó càng khiến tôi thêm xa cách nhà của mình và những con đường nơi đây. Tôi đi bộ trên những con phố, vô hình và quá nổi bật. Thế nên tôi vẫn đi, dằn vặt giữa ký ức và lãng quên, giữa ký ức và lòng tha thứ.■

(KHỔNG LOAN lược dịch)

Bài viết lần đầu đăng tải trên Freeman’s, tạp chí chuyên giới thiệu cây bút văn chương mới xuất bản một năm hai lần. Garnette Cadogan chuyên viết về văn hóa và nghệ thuật cho nhiều ấn bản. 

Hiện anh đang viết sách về đi bộ và một cuốn khác về nhạc sĩ Bob Marley. 

Garnette sống ở TP New York và là nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu cao cấp về văn hóa ĐH Virginia.

 

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận