Trả lời gì trước tiếng dân, lòng dân?

NGUYỄN ĐỨC LAM 30/01/2016 17:01 GMT+7

TTCT - Tôi còn nhớ một buổi sáng sớm, một phụ nữ khắc khổ bước vào cổng tòa nhà đoàn đại biểu Quốc hội ở một tỉnh đồng bằng Nam bộ với dáng vẻ e dè. Qua những lời không đầu không đuôi, chị cho mình bị xử thiệt trong một vụ tranh chấp đất đai, đến đây lần nữa để giãi bày với đại biểu Quốc hội.

Minh họa: Diệu Bình
Minh họa: Diệu Bình

Người đại biểu tiếp dân hôm đó nhẫn nại lắng nghe và dù đã thuộc lòng câu chuyện, anh vẫn phải ái ngại giải thích lại những gì mình đã nói. Khi người phụ nữ liêu xiêu ra về trong nắng sớm, anh quay sang không nói gì, nhưng ánh mắt khổ sở.

Dân vái đầu xe đại biểu nộp đơn

Đó chỉ là một trong hàng vạn trường hợp mà các cơ quan dân cử các cấp gặp. Không thiếu cách thức để nói chuyện với dân. Kênh trực tiếp như các buổi tiếp công dân, đến các cuộc tiếp xúc cử tri, lấy ý kiến vào dự thảo luật, nghị quyết.

Thậm chí, như một đại biểu kể: “Giữa đường dân vái trước xe đại biểu để nộp đơn”... Kênh gián tiếp là nhận đơn thư công dân, báo chí, mạng Internet, vài đại biểu Quốc hội mở tài khoản Facebook; HĐND nhiều tỉnh/thành tổ chức các chương trình đối thoại trực tiếp trên truyền hình, giao lưu trực tuyến trên mạng.

Không gian đối thoại có khi là ở nhà dân, bên bàn nước, hay chiếc chiếu trải ngoài sân, có khi là nhà văn hóa xã xập xệ, có khi ở trụ sở tiếp dân và cả trong các phòng họp bài trí trang trọng, xa cách. Hình thức, không gian đối thoại đa dạng như vậy không bù đắp được thực tế phần nhiều cơ quan dân cử và đại biểu vẫn thụ động, chỉ muốn và chỉ dám làm những gì luật quy định.

Nhiều người khi nói tới mối liên hệ với cử tri thường chỉ nghĩ tới bốn kỳ tiếp xúc cử tri trong một năm, một hai lần tham gia tiếp dân mỗi tháng tại trụ sở tiếp dân theo luật định.

Nhưng phía đối thoại với các nhóm trong xã hội lại sôi động và thường xuyên hơn, lồng vào toàn bộ chu trình ban hành chính sách, từ bước đề xuất chính sách đến giám sát việc thực hiện, điều chỉnh chính sách.

Có khi quay lại từ đầu, chủ động phản ứng trước các vấn đề chính sách đang đặt ra. Vậy làm sao có được điều quan trọng nhất là tâm thế lắng nghe, để “bắt sóng” và giải mã những nỗi niềm trong dân thành những vấn đề ở tầm chính sách, từ đó đưa ra nghị trường những âm thanh thực?

Làm sao tránh được điều kiêng kỵ nhất trong đối thoại với dân là tạo cảm giác xa cách, thậm chí bề trên hay “ở trển về”?

Luôn có nhiều lựa chọn đối thoại: chủ động tìm đến đối thoại với dân dựa trên sự tìm hiểu, chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, hoặc là để dân nói ra hết mọi điều. Nhớ lại một lần tiếp xúc với người dân các bản vùng phải di dân để xây thủy điện Sơn La, một đại biểu kể:

“Tôi hiểu, nếu lúc này không để cho bà con nói, cắt ngang thì bà con sẽ giận đấy, sẽ không ủng hộ kế hoạch di dân của tỉnh nữa”. Ông đã mất nhiều thời gian để nghe và giải đáp tại chỗ cho những bà con vừa nói tiếng Kinh vừa nói tiếng Thái, thậm chí nói bằng tay.

Sự trò chuyện hai chiều ấy đã giúp thu thập thông tin từ dân, đồng thời cho dân biết cơ quan dân cử đã và đang làm được những gì cho họ. Ông đại biểu khi ấy, với dân, như được “sờ thấy bằng xương bằng thịt”, đang “sống”, đang nghĩ, đang làm cho mình. Không có cách nào hay hơn cách ấy nếu muốn để lại hình ảnh sâu đậm, lâu dài trong tâm trí dân.

Không cần ném giày hay nắm đấm

Dân chủ là làm sao cho dân mở miệng, đừng để cho dân sợ không dám mở miệng, nhưng điều đáng lo hơn nữa là khiến dân không thiết mở miệng

Hồ Chí Minh

Trong một video ngắn nói về hoạt động của nghị viện Úc, diễn giả nguyên là chánh văn phòng Hạ viện Úc có ý rằng nghị trường là “trận chiến” của những ý tưởng, những quan điểm được thể hiện qua ngôn từ quyết liệt nhưng không quá khích.

Nó khác với cảnh ngủ gật ở quốc hội một số nước, và mặc dù cũng là “trận chiến” nhưng không phải là “trận chiến” của những chiếc giày hay nắm đấm như quốc hội một số nước khác.

Nghị trường là chốn tranh luận công khai để hiểu ra vấn đề, nhận rõ trách nhiệm và tìm ra giải pháp. Văn hóa tranh luận đòi hỏi có sự trao đổi, đối thoại từ nhiều phía, nhiều góc cạnh, đòi hỏi người đại biểu lên tiếng về những vấn đề của cử tri, của quốc gia, không “mũ ni che tai”.

Văn hóa tranh luận để cho sự đụng chạm về lý lẽ, lập luận... được bộc lộ thoải mái, miễn là có lợi cho cử tri, cho quốc gia. Với thảo luận thấu đáo bởi tất cả các bên đều được nói và dám nói, những quyết định cuối cùng trong lòng đa số sẽ được hình thành.

Ngược lại, ta đã thấy nhiều ý định, giải pháp mà một bên đưa ra, dù hợp lý, tối ưu, nhưng vì không qua bàn thảo, tranh luận cho ra nhẽ nên không được chấp thuận hoặc có chấp nhận cũng trong ấm ức.

Việc các cơ quan dân cử làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết theo đa số, không có nghĩa vai trò cá nhân của mỗi đại biểu trong quá trình đối thoại không được tôn trọng. Bởi Quốc hội, HĐND có thể tồn tại được chính là do các cá nhân các đại biểu gắn kết lại với nhau.

Khi “đừng sợ làm thiểu số”, khi có niềm tin vững chắc vào chính kiến của mình, vào tâm thế vì công việc chung, lợi ích chung, đại biểu dân cử không thiếu các kênh để vận động, thuyết phục, tạo dựng sự ủng hộ chung.

Trong đối thoại tại nghị trường bao hàm văn hóa giải trình. Diễn đàn Quốc hội, HĐND là nơi mà điều quan trọng nhất của việc “dân biết” là làm rõ được sự cần thiết của chính sách, nội dung và các hệ quả của nó.

Vì thế, cần bớt đi những câu nói quen thuộc của nhiều vị bộ trưởng như “Xin Quốc hội thông cảm” hay “Việc này đã có kết luận của Trung ương Đảng”, “Các đại biểu Quốc hội hỏi nhiều thế, tại sao không đưa ra giải pháp?”. Một biểu hiện của tính giải trình thấp là những lời giải thích, hứa hẹn chung chung, dân không làm sao hình dung nổi định lượng trách nhiệm cụ thể và giải pháp khắc phục của họ.

wordpress.com
wordpress.com

Tự vấn

Sau cùng, quan trọng không kém là đối thoại với chính mình: tự cật vấn, trên cương vị một đại biểu dân cử, từ những gì đã nghe, đã thấy, đã chắt lọc, đã làm và làm như thế nào là tốt nhất cho quyền lợi của dân, lợi ích của quốc gia, của xã hội.

Trong đó, quan trọng nhất là hai phẩm chất: trung thực với cử tri và tránh xung đột lợi ích, để dù phát biểu gì, làm gì, kết thúc một nhiệm kỳ làm đại biểu có thể tự hào rằng mình đã không lừa dối dân, đã làm đúng những gì mình cho là tốt nhất cho dân. Uy tín chính trị của một “đời nhiệm kỳ đại biểu” nằm ở đó.

Trong nhiều trường hợp, suy xét của đại biểu dân cử trùng khớp với ý nguyện, mong muốn của cử tri, của đa số các nhóm trong xã hội. Nhưng cũng không ít trường hợp, việc bấm nút trái với ý kiến, quan điểm của số đông để bảo vệ lợi ích chính đáng cho những thiểu số yếm thế trong xã hội. Lúc đó, đối thoại với chính mình sẽ diễn ra rất khó khăn, “vật vã”. Không gì khác ngoài một chính kiến sâu thẳm và niềm tin vào chính mình mới giúp đại biểu dám đưa ra một quyết định không được lòng rộng rãi.

Tôi đã không còn nhớ rõ nét mặt của người phụ nữ liêu xiêu ngày nào, người đã không giận dữ, đau khổ như nhiều người dân khác khi họ mang hàng tập đơn thư đi khắp các nơi, “bao vây” trụ sở các cơ quan nhà nước. Nhưng hình ảnh liêu xiêu, cam chịu của chị ra về trong nắng mai làm tôi không thể nào quên. Qua các nhiệm kỳ Quốc hội và HĐND, nhờ đối thoại, nhiều đạo luật, nghị quyết, quyết sách có lợi cho dân, cho nước đã ra đời. Nhưng vẫn còn đó câu hỏi: Đến bao giờ những cuộc đối thoại ấy mang đến nhiều hơn kết quả thực tế, để bớt đi những hình ảnh liêu xiêu ấy?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận