Sự tích canh chua cá lóc

THỤC ANH 29/08/2004 01:08 GMT+7

TTCN - Ngày xửa ngày xưa, vào cái thời mà cây me chưa có và cây khế chỉ cho toàn quả ngọt…

Phóng to
TTCN - Ngày xửa ngày xưa, vào cái thời mà cây me chưa có và cây khế chỉ cho toàn quả ngọt…

Tại sân đình làng Đông có một cây khế rất to, lá sum sê, trái trĩu cành. Sân đình là nơi vui nhất làng Đông. Chiều chiều trẻ con nô đùa trong sân và trèo hái khế chín. Tối tối trai gái trong làng tụ tập quanh gốc khế hát ví và tán tỉnh nhau. Còn dân đi làm ruộng lâu lâu cũng hái trộm vài trái để giải khát vào buổi trưa nắng cháy.

Bỗng một hôm mưa to gió lớn, sấm sét ồn ào, ông Thiên lôi giáng búa xuống cây khế cái rầm. Ai cũng tưởng là cây khế gãy sụm, nhưng quái lạ cây lại xanh tốt hẳn lên! Thế rồi vào một buổi chiều sau ngày sấm sét đó, chuyện lạ đã xảy ra: một trái khế chín vàng rơi xuống làm vỡ viên gạch lót sân. Tin lan truyền khắp làng: cây khế đình làng trái chín hóa vàng ròng!

Nhanh như cắt, các vị chức sắc trong làng liền sai tuần đinh rào quanh cây khế lại. Một biển báo được dựng lên: “Vô phận sự cấm vào”. Tiếp đến họ cho lập Công ty Khai thác khế với bộ sậu đứng đầu là con trai ông lý trưởng và em vợ ngài chánh tổng...

Từ đó, dân làng Đông chỉ được phép nhìn cây khế từ xa. Tuy nhiên sau một thời gian có khế vàng, dân làng Đông cũng được hưởng nhiều thứ. Một trái khế được trích ra để lót gạch đường làng, nửa trái khác được bán đi để thuê thầy về dạy Tam tự kinh cho đám trẻ con, và một... múi khế được cắt ra để cứ mỗi đêm rằm mướn đoàn hát chèo về biểu diễn cho người làng xem không bán vé...

Thời gian cứ thế thấm thoát trôi, khế vẫn ngày ngày chín vàng và rụng trái, các vị chức sắc trong làng đua nhau mua xe tam mã, tứ mã, sắm tủ chè, sập gụ, tràng kỷ bằng gỗ tốt. Còn con cái họ thì đổ xô qua Tàu học... cách làm quan. Lão phú hộ cũng giàu lên trông thấy nhờ mở tiệm mua bán vàng bạc và quán cô đầu. Riêng dân làng thì hãnh diện ngày ngày vác cày, dắt trâu đi trên con đường lát gạch, tối tối húp bát canh rau chờ đến trăng rằm để được xem hát chèo miễn phí.

Chẳng biết Công ty Khai thác khế làm ăn thế nào mà đến một ngày khế không thèm ra trái nữa. Thế là họ tuyên bố giải thể và để lại một vài di sản cho làng Đông như nợ tiền mua phân bón, nợ tiền rô đựng khế, nợ tiền mua chó canh trộm, nợ tiền cọc làm hàng rào...
Dân làng Đông thấy xót cho cây khế quá nên ngày ngày tưới nước, lượm phân bò bón cho gốc khế. Tối tối trai gái trong làng lại tụ tập quanh gốc khế để ca hát. Chẳng bao lâu khế lại đơm hoa kết trái.

Tất cả dân làng đều hồi hộp chờ ngày khế chín vàng rụng xuống. Mọi người thì thầm cầu cho khế đừng hóa thành vàng, còn các vị chức sắc thì rung đùi chờ ngày... rào lại khế.
Và khế đã chín vàng rơi bịch xuống nền sân gạch, bẹp gí và mềm nhũn. Không hóa vàng như ý nguyện người dân nhưng khế cũng không còn ngọt nữa. Cây khế chua ra đời từ đấy! Chẳng bao lâu bợm nhậu trong làng phát hiện ra rằng bỏ trái khế chua lạ lùng ấy vào nấu chung với cá lóc sẽ có một món nhậu rất đã. Và canh chua cá lóc ra đời.

Lẽ ra chuyện này có tên là Sự tích cây khế chua, nhưng rút kinh nghiệm từ những bộ phim ế khách và ăn khách, người kể chuyện bèn đặt lại tựa để may ra còn có người tò mò mà đọc.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận