​Hãy lưu ý Zverev 

Trường Minh 10/01/2015 23:01 GMT+7

Trả lời phỏng vấn trên tạp chí Hamburger Abendblatt (Đức), cựu vô địch Wimbledon 1991 Michael Stich đánh giá cao tài năng của đồng hương Alexander Zverev. Trước đó, HLV Toni Nadal đã cảnh báo rằng đây là tay vợt trẻ rất mạnh. Zverev là ai mà được kỳ vọng nhiều như vậy trong mùa giải mới?

Alexander Zverev, 17 tuổi, được quần vợt Đức đặt nhiều kỳ vọng ( Sportschau.de)

Khởi tranh mùa giải 2015 ở thứ hạng 136 thế giới, Alexander Zverev, 17 tuổi, đã thăng tiến đến 632 bậc trên bảng xếp hạng ATP năm 2014. Tại giải quê nhà Hamburg hạng ATP 500 tháng 7-2014, Zverev được cấp vé đặc cách đã vào đến bán kết sau khi lần lượt đánh bại Robin Haase, Mikhail Youzhny, Santiago Giraldo và Tobias Kamke. Trước đó, Zverev đoạt danh hiệu Challenger đầu tiên tại Braunschweig khi đánh bại tay vợt Pháp Paul-Henri Mathieu từng xếp hạng 12 thế giới.

“Sẽ là phi thực tế nếu nghĩ rằng cậu ấy tái lập thành tích ở giải Hamburg 2015... Tôi đã nói với cậu ấy nhiều lần rằng sẽ có những thất bại và thất vọng. Nhưng cậu ấy còn rất trẻ và có tài năng để theo đuổi con đường của mình” - Stich nói. Trên nhật báo thể thao L’Equipe (Pháp), ông chú Toni - HLV của Rafael Nadal - nhật xét: “Trong vài năm nữa, tôi nghĩ Zverev sẽ đăng quang (các giải lớn). Cậu ấy rất mạnh”.

Cả gia đình chơi quần vợt

Mỗi tuần một chuyện

CHỜ V-LEAGUE KHAI CUỘC

V-League 2015 sẽ khởi tranh vào ngày chủ nhật 4-1. Người ta chờ gì ở giải năm nay? Xin trả lời ngắn gọn, đó là chờ lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Đông Triều... trong màu áo Hoàng Anh Gia Lai. Chúng ta đã thấy lứa cầu thủ trên giúp sân Mỹ Đình không còn chỗ trống tại giải U-19 Đông Nam Á vốn không được ai quan tâm. Chúng ta đã thấy một giải U-21 được lứa cầu thủ này “cứu” ngoạn mục như thế nào.

Vì vậy, chắc chắn người hâm mộ sẽ hướng mắt dõi theo “những niềm hi vọng của bóng đá Việt” tại V-League 2015 với vô vàn câu hỏi: Liệu những chàng trai tuổi 20 có thăng hoa được ở sân chơi đỉnh cao của bóng đá Việt? Họ có giúp được V-League hồi sinh? Liệu có màn “đánh hội đồng” của các đội bóng với lứa cầu thủ chiếm trọn tình cảm của mọi người? Liệu có xảy ra tình trạng “Gato” (ghen ăn tức ở) dẫn đến việc chém đinh chặt sắt và đội ngũ trọng tài sẽ ứng xử ra sao? Liệu bầu Đức có giữ được sự hồn nhiên, trong sáng cho các cầu thủ con cưng của mình khi họ lần đầu đặt chân vào chốn “chợ đời” lắm chuyện không hay của bóng đá Việt?...

Chưa kể còn một câu hỏi khó nữa cho người hâm mộ: khi lứa Công Phượng thi đấu trên sân khách, khán giả sẽ ủng hộ đội nhà hay ủng hộ đối thủ? Nên nhớ khi U-21 Việt Nam đá với U-19 Hoàng Anh Gia Lai, hàng chục ngàn khán giả Cần Thơ đồng loạt ủng hộ lứa Công Phượng chứ không phải đội bóng khoác áo đại diện quốc gia! Âu cũng là một điều khó xử cho người hâm mộ vậy.

Trước mắt, chúng ta hãy chờ xem trận mở màn của “những niềm hi vọng của bóng đá Việt” với CLB Sanna Khánh Hòa vào lúc 17g ngày 4-1 trên sân Pleiku.

TRƯỜNG HUY

Kể từ sau thời Boris Becker, Michael Stich, Nicolas Kiefer hoặc Tommy Haas, quần vợt Đức thiếu hẳn sự kế cận mang tính đột phá. Chính vì vậy mà Alexander Zverev trở thành niềm hi vọng lớn nhất. Trong gia đình Zverev, mọi người đều cầm vợt: ông bố Alexandr Sr là thành viên đội tuyển Davis Cup của Liên Xô, bà mẹ Irina là thành viên tuyển Fed Cup, và người anh Mischa Zverev lớn hơn chín tuổi từng xếp hạng 45 thế giới năm 2009.

Gia đình Zverev rời Liên Xô đến Đức vào năm 1991 và Alexander Zverev, biệt danh “Sasha”, chào đời tại quê hương mới năm 1997. Nhờ bố mẹ làm HLV tại một CLB ở Hamburg, Zverev đã được cầm vợt khi mới chập chững biết đi lúc 18 tháng tuổi. Theo chân người anh, từ năm lên 5 tuổi Zverev ra sân tập luyện mỗi ngày một giờ. “Tất nhiên tôi chịu nhiều áp lực vì cả gia đình đều chơi quần vợt. Nhưng đó cũng là một lợi thế vì nhờ đó mà tôi được trợ giúp nhiều” - Zverev nói.

Cuối năm 2013, Zverev là tay vợt Đức đầu tiên trở thành nhà vô địch trẻ thế giới kể từ khi danh hiệu này ra đời vào năm 1978. Tại Giải Úc mở rộng 2014, Zverev đã giải hạn cơn khát thành tích của quần vợt Đức kể từ sau Daniel Elsner 17 năm trước bằng chức vô địch trẻ khi đánh bại Stefan Kozlov của Mỹ gốc Macedonia. Trước đó, Zverev tham gia các giải Future, Challenger và thậm chí ATP như giải Metz tháng 9-2011 bằng vé đặc cách khi người anh Mischa là á quân giải này. Tháng 11-2012, lần đầu tiên Zverev chơi trận chung kết một giải Future ở Bradenton, Florida (Mỹ). Học viện Saddlebrook ở Florida cũng là nơi Zverev lần đầu tiên đến tập cùng anh mình lúc 7 tuổi, để rồi mỗi năm sau này đều quay lại nơi đây tập luyện trong mùa đông. Đây cũng là nơi Zverev xem như “ngôi nhà thứ hai” với cơ may được tập luyện cùng các tay vợt hàng đầu của Mỹ hiện nay gồm John Isner và Jack Sock.

Giao bóng tốt, đánh thuận tay cực mạnh

Với chiều cao 1,95m, Zverev thật sự gây ấn tượng. “Lần đầu tiên tôi nhìn thấy Zverev cách nay vài tháng và không thể tin rằng cậu ấy cao như thế” - Andy Murray nhớ lại khi tập luyện cùng Zverev ở Giải Cincinnati 2014. “Nhờ có chiều cao, Zverev đánh trả bóng cực tốt từ cuối sân. Cậu ấy còn tiến bộ nhiều” - John Isner nhận xét về đối thủ có cú giao bóng tốt và đánh thuận tay cực mạnh.

Khi tuổi trung bình hiện nay của các tay vợt thuộc top 10 là 28, thật hiếm để chứng kiến những tay vợt trẻ như Alexander Zverev và Borna Coric (tay vợt người Croatia 17 tuổi đánh bại Nadal tại giải Basel, Thụy Sĩ) có sự đột phá ở ATP Tour. Nhưng cả hai đã tạo được dấu ấn trong năm 2014 với nhiều hứa hẹn thành tích sẽ đến nếu như tiếp tục cải thiện thể lực và tích lũy kinh nghiệm. Để nâng cao thể lực, Zverev đã tập luyện cùng Jez Green, chuyên gia từng giúp Murray trở thành tay vợt hàng đầu về sức bền trong thi đấu. “Về mặt thể lực, hai chúng tôi rất khác nhau nên tôi nghĩ rằng Jez sẽ có những bài tập riêng với cậu ấy” - Murray nói.

Về kinh nghiệm, Zverev có thể tham khảo Dominic Thiem, tay vợt 21 tuổi người Áo đã thăng tiến 100 bậc trên bảng xếp hạng để lọt vào tốp 40 trong năm 2014. Thiem và Zverev nhanh chóng trở thành bạn thân sau khi kết hợp đánh đôi tại giải Vienna. Tay vợt người Áo sẵn sàng truyền đạt cho Zverev những lời khuyên mà anh nhận từ Ernests Gulbis khi mới khởi đầu sự nghiệp. “Không có nhiều tay vợt trẻ đến từ Áo và Đức nên tôi rất vui khi có được tình bạn này. Chúng tôi nói cùng thứ tiếng và cùng quan tâm đến nhiều đề tài” - Thiem nói. Một trong những đề tài quan tâm là kiểu tóc mà vì nó, cả hai dễ bị ngộ nhận là thành viên một ban nhạc trẻ nào đó.

Quần vợt tăng thưởng có giảm được bán độ?

L.T.

Năm 2015, tổng tiền thưởng ở các giải ATP (không tính các giải Grand Slam) lần đầu tiên vượt qua 100 triệu USD để đạt con số 135 triệu vào năm 2018. Ở các giải Masters 1000, tiền thưởng tăng 14%/năm cho đến năm 2018, trong khi các giải hạng ATP 250 chỉ tăng trung bình 3,5%/năm. Tờ New York Times cho biết Liên đoàn Quần vợt quốc tế (ITF) cũng đề nghị tăng tiền thưởng cho các giải có thứ hạng thấp hơn, từ 10.000 lên 15.000 USD, áp dụng từ mùa giải 2016 nếu đề xuất được thông qua vào tháng 3 năm nay.

Theo tính toán của ITF, một tay vợt phải đạt tối thiểu thứ hạng 336 thế giới thì mới bắt đầu có thể quản lý được chi phí di chuyển ở các giải mà không mất tiền túi. Chính vì vậy nguy cơ bán độ hoặc dàn xếp trận đấu là một thực tế đang làm hỏng thanh danh của quần vợt, như nhận xét của Novak Djokovic trên tờ USA Today. Tờ báo này cho biết Djokovic từng được gạ dàn xếp tỉ số trong một trận đấu vào năm 2006 mà không nói rõ là giải nào. Mike Bryan, tay vợt đánh đôi nổi tiếng người Mỹ của cặp song sinh Bryan, ước tính có

25-30% số tay vợt được gạ bán độ. Anh đặt vấn đề: “Khi bạn tranh giải Challenger hoặc hạng thấp hơn, tổng tiền thưởng là 50.000 USD và bạn chỉ thi đấu để kiếm tiền, bạn sẽ làm gì đây?”.

Chủ tịch Hội đồng các tay vợt ATP và cũng là chuyên gia đánh đôi Eric Butorac từng báo cáo chuyện anh bị gạ dàn xếp trận đấu lên TIU - bộ phận điều tra hối lộ trong quần vợt. Nhưng Butorac cũng thừa nhận “tiền thưởng không đủ cao” ở các giải nhỏ như Challenger và Future. Trong năm 2014, khi tiến hành điều tra các vụ dàn xếp tỉ số trong bóng đá, người Ý đã phát hiện hai tay vợt Daniele Bracciali và Potito Starace từng bán độ nhiều năm trước đó. Ra tòa ở Ý tháng 11 năm ngoái, Bracciali thừa nhận có dàn xếp tỉ số bằng cách thắng ván đầu rồi “buông” hai ván sau. Tổng cộng TIU đã phạt 11 tay vợt có liên quan đến cá cược trận đấu của chính mình hoặc dàn xếp tỉ số. 

Bracciali (trái) và Starace từng dính đến xì căng đan bán độ trận đấu (Eurosport.fr)

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận