Hiện đại hóa nghề mua ve chai

TRẦN NGUYÊN THỰC HIỆN 13/07/2009 19:07 GMT+7

TTCT - “Tôi từng chẻ củi thuê, từng bốc vác ximăng để kiếm sống. Tôi hiểu về cái nghèo, cái vất vả của người lao động. Tôi muốn đem những điều mình biết, những thứ mình tin để cải thiện đời sống những người nghèo, mà cụ thể là những người thu mua ve chai đang rong ruổi trên các ngả đường mỗi ngày...” - ông Lý Trường Chiến, tổng giám đốc Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn, trò chuyện về dự án “hiện đại hóa việc thu mua giấy vụn”.

Phóng to
Ông Lý Trường Chiến - Ảnh: T.N.
TTCT - “Tôi từng chẻ củi thuê, từng bốc vác ximăng để kiếm sống. Tôi hiểu về cái nghèo, cái vất vả của người lao động. Tôi muốn đem những điều mình biết, những thứ mình tin để cải thiện đời sống những người nghèo, mà cụ thể là những người thu mua ve chai đang rong ruổi trên các ngả đường mỗi ngày...” - ông Lý Trường Chiến, tổng giám đốc Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn, trò chuyện về dự án “hiện đại hóa việc thu mua giấy vụn”.

Đường đi của giấy vụn

* Thưa ông, nếu hình dung đường đi của giấy vụn, từ sọt rác văn phòng đến những sản phẩm giấy tái chế, hành trình này ra sao?

- Qua nhiều công đoạn lắm. Hầu hết mọi người vứt đại giấy thải chung với đủ mọi loại rác khác cho xong việc. Chỉ những loại giấy báo, giấy cactông... mới được cất để bán ve chai. Những người phụ nữ với gánh ve chai sẽ mua lại, sau đó gánh đi bán cho các vựa ve chai vào cuối ngày. Nhiều vựa sẽ bán về cho một “chành” lớn ở một khu vực nhất định. Các chành này sẽ mang đến những tổng kho của chúng tôi tại quận 12, Bình Chánh hoặc Đồng Nai. Tại đây, giấy sẽ được phân loại, đóng thành từng khối và chuyển xuống Nhà máy Mỹ Xuân để tái chế. Hiện nay chúng tôi thu mua giấy vụn từ khu vực Quảng Ngãi trở vào Nam, mỗi ngày hơn 250 tấn. Tuy nhiên, đây chỉ là một lượng nhỏ...

* Như vậy lượng giấy vụn còn lại sẽ đi đâu?

- Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ thu gom giấy vụn rất thấp so với các nước, chỉ trên dưới 50%. Trong khi đó ở Thái Lan, Malaysia hay Indonesia con số này cao hơn 80%. Điều này có nghĩa còn rất nhiều giấy vụn bị lãng phí. Ngoài ra, còn một lượng giấy khác được thu mua và tái chế không đúng quy cách cũng là điều đáng lo...

Theo Nhật Báo Trung Quốc, có hơn 50% sản phẩm nước giải khát, nước uống đóng chai và sản phẩm vệ sinh phụ nữ của 72 công ty ở Quảng Đông sản xuất đều có vấn đề về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh. Cụ thể, có gần 49% mẫu sản phẩm vệ sinh không hợp vệ sinh, trong đó sản phẩm khăn giấy chiếm 32,1%, chủ yếu là có lượng vi khuẩn, nấm độc hại cao gần gấp đôi mức an toàn. Cơ quan kiểm định giải thích nguyên nhân không hợp vệ sinh chủ yếu là do nhà sản xuất sử dụng nguyên liệu tái chế nhằm hạ giá thành sản xuất để tăng lợi nhuận.

* Thế nào là tái chế đúng quy cách, thưa ông?

- Đó là một hệ thống phân loại ngay từ đầu. Vì giấy vụn có rất nhiều loại: giấy cứng, giấy mềm, giấy trắng, giấy in màu, giấy có băng keo, có nhựa, có nhũ... Nếu không phân loại thì phải dùng một lượng hóa chất rất mạnh mới tẩy được một tập hợp giấy đủ chủng loại. Sau đó là các khâu của máy làm việc nghiền, lọc, tiệt trùng...

Và quan trọng nhất là việc xử lý chất thải do quá trình tái chế tạo ra. Những phương pháp tái chế thô sơ sẽ tạo ra sản phẩm giấy sần sùi, còn nguyên cả băng keo hay cát và nguy hại hơn là rất nhiều vi trùng bên trong. Sự khác biệt rất lớn giữa một hệ thống xử lý giá 30 triệu USD với hệ thống vài chục triệu đồng nằm ở chỗ độ an toàn cho người sử dụng và môi trường.

* Chúng tôi có đọc được tin về những sản phẩm giấy nước ngoài có chứa chất bẩn và vi khuẩn. Ông nghĩ gì về việc này?

- Đó là một mối nguy hiểm tiềm tàng. Giấy không được sản xuất đúng chuẩn sẽ chứa tác nhân gây hại, nhưng điều đáng lo là những cái hại này không nhìn thấy ngay, giống như chất melamine trong sữa vậy, nó cứ từ từ ngấm sâu để đầu độc cơ thể. Sử dụng giấy ở những vùng da nhạy cảm như mặt, các bộ phận bài tiết... cần được cẩn trọng hơn. Tôi lo nhất là hiện nay giấy nhập khẩu theo đường tiểu ngạch từ Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều tại thị trường Việt Nam với đủ nhãn mác ghi nơi xuất xứ khác nhau. Có cả giấy giả nhãn hiệu Việt Nam, bán khá nhiều tại khu vực Chợ Lớn.

Đi tìm công thức thoát nghèo cho người mua ve chai

Phóng to
Chị Huỳnh Thị Kim Hường lựa những tờ báo còn tốt xếp lại thành từng đống (ảnh chụp tại xóm Sở Thùng, P.11, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: N.C.T.
* Dự án của ông gắn liền với công việc của người mua ve chai. Ông nghĩ gì về nghề này?

- Rất vất vả. Tôi nghĩ đây là một nghề mà ít ai muốn làm nếu có lựa chọn khác. Đi bộ rạc cả người vòng quanh thành phố, nhặt nhạnh những gì nhìn thấy trên đường có thể bán được, soạn đồ, thu mua từng chút những thứ người ta không dùng đến. Mỗi ngày một người mua ve chai phải đi khoảng 40km và gánh trên người khoảng 30kg đủ thứ đồ kềnh càng. Họ mua đi bán lại những món hàng không có giá trị, qua tay nhiều cấp bậc của hệ thống thu mua giấy vụn. Họ là người vất vả nhất trong toàn bộ quy trình tái chế giấy nhưng nhận được ít tiền nhất. Từ giá bán đầu tiên của họ cho các vựa, đến tay chúng tôi thì giá giấy vụn đã tăng gấp ba lần.

* Người ta hay kể chuyện chú Hỏa, từ một người thu mua ve chai trở thành đại phú gia, đủ tiền xây nguyên chợ Bến Thành...

- Ở Nhật cũng có những nhân vật như vậy. Nhưng đó chỉ là những trường hợp vô cùng hiếm hoi. Tôi gặp nhiều người thu mua ve chai, giấy vụn và thấy những mảnh đời rất buồn. Năm ngoái, khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra thì giá giấy vụn rớt từ hơn 2.000 đồng/kg xuống còn một nửa. Các chị ve chai không có việc làm dài ngày hoặc buôn bán không đủ tiền đong gạo. Họ lũ lượt quay về quê. Hậu quả là khi kinh tế có dấu hiệu khởi sắc trở lại thì chúng ta không có đủ người để thu mua. Vì thế, bài toán là làm thế nào để những người này có một sự ổn định tương đối trong cuộc sống...

* Sự ổn định đó, theo ông, sẽ như thế nào?

- Là tổ chức lại quy trình thu mua giấy vụn để mọi người hiểu rõ vai trò của mình trong từng khâu chứ không làm tự phát một cách hỗn loạn như bây giờ. Nó giống như một hệ thống, mọi người sẽ làm việc ổn định, chủ động hơn và có thể giảm nhẹ những lao động không cần thiết. Tôi và những anh em chủ chốt trong công ty đều là những người đi lên từ lao động vất vả nên rất hiểu giá trị của những lao động này, và chúng tôi tin khi áp dụng những công cụ và kiến thức kinh doanh, tổ chức một cách chuyên nghiệp thì mọi việc sẽ được cải thiện.

* Như vậy, cụ thể những việc Giấy Sài Gòn sẽ làm là gì?

- Đảm nhận phần tổ chức hệ thống và phối hợp với các ban ngành đoàn thể để huy động sức mạnh xã hội trong một dự án làm sạch môi trường. Làm sạch ở đây sẽ mang cả hai giá trị: giá trị hữu hình là ý thức về việc sử dụng bao giấy thay bao nilông vì mọi người hiểu rằng giấy thì có thể tái chế còn nilông là hiểm họa của môi trường; giá trị vô hình là thói quen nghĩ đến người khác khi vứt rác, không còn bỏ bừa bãi rác thải nữa mà tự phân loại để giảm thiểu công việc của những người thu mua ve chai, thu gom rác thải...

* Trước đây nhiều năm Giấy Sài Gòn cũng đã khởi động chương trình thu gom giấy vụn phối hợp với Trung tâm hỗ trợ sinh viên. Vậy sao đến giờ ý tưởng này mới được tiếp tục thực hiện?

- Bài toán khó nhất là khâu vận chuyển giấy vụn. Thường thì người thành thị chỉ bán giấy vụn như một thao tác làm sạch nhà cửa nên không quan tâm đến giá cả. Nhưng làm thế nào để các bạn sinh viên có thể vận chuyển giấy vụn thì lúc đó không có câu trả lời. Chính vì thế, chúng tôi tiếp tục thực hiện việc thu gom giấy vụn theo cách của mình, theo cách làm truyền thống và tự phát xưa nay. Sau hơn bốn năm thực hiện, nhiều nghiên cứu, điều tra một cách bài bản thì chúng tôi cảm thấy đây chính là thời điểm tốt, cơ hội tốt để có thể bắt tay xây dựng mạng lưới những người thu mua ve chai bằng công cụ quản trị hiện đại.

* Trở lại với dự án hiện đại hóa nghề mua ve chai, ông kỳ vọng điều gì?

- Chúng tôi xây dựng một lộ trình dài nhiều năm để có thể cải thiện tình hình xử lý giấy vụn như một mô hình để xử lý tất cả các loại rác khác của xã hội. Tôi kỳ vọng công việc của mình có thể làm thay đổi cách nhìn của xã hội cũng như công việc của những người mua ve chai. Chúng tôi cũng tính toán một quỹ học bổng dành cho người nghèo từ những khoản thu của dự án, và tôi mong muốn nhìn thấy con cái của những người thu mua ve chai có một tương lai sáng hơn. Mọi việc có thể bắt đầu từ những thứ rất gần: cây bút, cuốn tập, quyển sách... cho những trẻ em này.

* Xin cảm ơn và chúc ông thành công.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận