Đi tìm jazz trong nhạc Việt

THIÊN THẠCH 09/10/2005 00:10 GMT+7

TTCN - Chiều thu nắng vàng, bạn vào một quán cà phê có gu ở Hà Nội, một giai điệu tiền chiến vang lên: rất có thể bạn đang thưởng thức tiếng saxophone của Phan Anh Dũng từ CD Suối mơ (2003).

Phóng to

Phan Anh Dũng

TTCN - Chiều thu nắng vàng, bạn vào một quán cà phê có gu ở Hà Nội, một giai điệu tiền chiến vang lên: rất có thể bạn đang thưởng thức tiếng saxophone của Phan Anh Dũng từ CD Suối mơ (2003).

Suối mơ là một đĩa hòa tấu jazz-pop tập hợp chín ca khúc tiền chiến và sáng tác Đón xuân (Phan Anh Dũng viết cùng Tuấn Nghĩa), dễ nghe và bán khá chạy, đã tái bản đến lần 3. CD đầu tay của Phan Anh Dũng phát hành năm 1998, cũng gồm các bản nhạc tiền chiến và nhạc Trịnh.

Cho đến nay, Dũng đã có hơn 20 sáng tác cho những cây kèn của mình. Anh từng đưa được ba loại kèn saxophone: tenor, alto, baritone vào trong một tác phẩm - Khúc biến tấu vùng cao (1997), đã trình diễn tại chương trình của riêng anh mang tên Giai điệu xanh - tháng 3-2002 tại Nhà hát lớn Hà Nội.

Không hiếm nhà thơ đặt hàng, nhưng anh chưa quan tâm đến ca khúc. “Viết khí nhạc nhiều cái hay lắm” - anh cười. Trong thời gian này Dũng đã định ra một CD toàn sáng tác riêng nhưng một Việt kiều ở Đức (từng học Nhạc viện Hà Nội) đã đặt hàng anh thực hiện một tuyển chọn những giai điệu về thủ đô. Như vậy, vài trăm đĩa Cánh diều chính thức phát hành đúng ngày giải phóng thủ đô 10-10 đã có người mua.

Phóng to
Trong một lần đi canô trên hồ Tây, thấy một cánh diều bay lên từ phía Trường Bưởi, Dũng đã bồi hồi nhớ về tuổi thơ và giai điệu bỗng vang lên trong đầu. Dũng vớ cây bút tốc ký lại trên một phong bì: Cánh diều ra đời. Những bài còn lại là Đêm đông, Nhớ về Hà Nội, Nhớ mùa thu Hà Nội, Có phải em mùa thu Hà Nội, Mối tình đầu, Sắc màu… Riêng Em ơi Hà Nội phô sẽ có mặt với hai bản ghi, một trình tấu bằng sax alto (được tác giả so sánh như violon), một dùng sax baritone (như contre-bass). Đĩa những tác phẩm của riêng mình, Dũng dự tính để dành đến đầu 2006.

Có thể cái tên Phan Anh Dũng chưa được đông đảo công chúng biết đến, nhưng anh là người có khá nhiều đột phá trong chuyên môn. Chẳng hạn, anh là người đầu tiên (năm 1999) dựng big-band, với 14 nhạc công - chín kèn, trong chương trình hòa nhạc riêng đầu tiên tại rạp Công Nhân.

Đây cũng là dịp anh thể hiện một phần bản Concerto cung la thứ cho violon của Vivaldi, được Dũng chuyển soạn cho saxophone soprano. Trình làng với toàn thể khách mời - không bán vé, như thế, anh đã tiêu tốn đến 50 triệu đồng của bà xã. Nhưng tới chương trình sau (năm 2002) tại Nhà hát lớn, thậm chí Dũng đã có quyền từ chối những nhà tài trợ mà sản phẩm (chẳng hạn sứ vệ sinh) anh cho là không phù hợp với âm nhạc của mình.

Phan Anh Dũng cũng là người đầu tiên đưa nét nhạc miền núi vào tác phẩm độc tấu (Giai điệu vùng cao - 1993) và nghĩ ra cách thổi saxophone thành khèn bè, sáo mèo. Và anh luôn nhiệt tình chia sẻ ngón nghề với đồng nghiệp trong nước và quốc tế: “Để mình hết vốn rồi phải nghĩ cái mới. Đâu có như võ công - miếng cuối phải giữ lại!”.

Gia đình Phan Anh Dũng là một trong những hộ đầu tiên khởi nghiệp bán bánh kẹo ở phố Hàng Giày. Anh và người em trai được cho học violon ở Nhạc viện Hà Nội từ nhỏ. Phải mất sáu năm, Dũng mới phát hiện ra đam mê đích thực. Trường không cho phép chuyển sang clarinet, Dũng về “tu nghiệp” tại gia.

Một trong những giây phút hạnh phúc của Dũng là khi được mẹ trao cho chiếc saxophone alto trị giá cả cây vàng, ngang một căn nhà, vào thời điểm 1985. Trải qua khá nhiều cơ quan, lâu nhất là Đoàn ca múa nhạc Bộ Công an (sáu năm), từng thổi kèn ở Nhà hát ca múa nhạc và Đoàn xiếc Hà Nội. Năm 1986, Dũng trở về nhạc viện học thầy Quyền Văn Minh.

Năm 1992, anh trở thành cử nhân đầu tiên và duy nhất của khóa I, chuyên ngành saxophone. Sau hơn chục năm “gõ đầu trẻ” tại Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, anh vừa hoàn thành bộ giáo trình dạy saxophone cho bậc sơ và trung cấp. Dựa trên thực tế thể lực của người VN còn yếu; thêm vào đó, kèn đắt nên học sinh ta thường phải dùng kèn cũ nát, anh đã biên soạn những bài tập phù hợp, chú trọng âm nhạc truyền thống VN.

Thường ngày, Dũng vẫn chơi nhạc pop cùng ban nhạc ở Vạn Hoa, Z Cafe, Met-pub… Anh quan niệm: “Hạnh phúc nhất là chơi nhạc đúng ngành mình thích. Tôi không phân biệt khán giả bình dân hay cao cấp, chỉ quan tâm người ta có nghe nhạc hay không. Trước tiên, tôi giới thiệu loại nhạc người ta thích, sau đó mới giới thiệu nhạc mình thích”. Bản thân Dũng thiên về jazz-pop, “để người nghe không bị chối, và thỏa mãn phần nào tham vọng phát triển jazz ở VN”.

“Đầu châu Á má châu Âu” là câu dân chơi jazz tặng cho các tác phẩm hòa tấu jazz giai điệu VN, nhưng khi phiêu lại theo hòa âm châu Âu, “chặt bài làm đôi không biết Tây - ta”. Nhưng Dũng xác định: “Trong phần ngẫu hứng vẫn phải có âm hưởng VN. Anh lai nó hay nó lai anh?”. Và anh tự trả lời: “Phải để cho nó lai anh!”. Nghĩa là tìm âm hưởng jazz trong nhạc VN, hơn là làm cho nhạc VN giống jazz. “Một số gam ngũ cung của ta gần với jazz” - Dũng cho biết.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận