Giải Pulitzer: Kể những câu chuyện thật sự quan trọng với cuộc sống 

THANH TUẤN 28/04/2015 21:04 GMT+7

“Một tờ báo quy mô cỡ tờ Post and Courier chiến thắng ở giải Pulitzer cho thấy khả năng làm báo của họ tương đương các tờ báo lớn của Mỹ - Bill Rogers, giám đốc Hiệp hội báo chí South Carolina nói - Nhưng về cơ bản ngày nào họ cũng làm báo hay”.

Bài báo đoạt giải trên trang online của Postand Courier

Khi chiến thắng là của những người tí hon

Chiến thắng của tờ Post and Courier của Charleston (South Carolina) khi giành giải Pulitzer lần thứ 99 - giải thưởng danh giá của báo chí thế giới - ở hạng mục quan trọng bậc nhất (hạng mục về phục vụ cộng đồng) đặc biệt ý nghĩa khi tờ báo này được coi là “chàng tí hon” chỉ với 80 nhân viên và số phát hành hàng ngày khoảng 85.000 bản ở thị trường cực cạnh tranh như báo chí Mỹ.

Đây là lần thứ hai tờ báo giành được Pulitzer (lần đầu năm 1925). Loạt bài đoạt giải có tựa đề “Till death do us part” (tạm dịch: Chỉ chết mới rời xa) về tình trạng chết vì bạo hành ở South Carolina, một bang miền nam nước Mỹ nổi tiếng vì bảo thủ. Chiến thắng của tờ báo nhỏ một lần nữa khẳng định người làm báo có những câu chuyện quan trọng thật sự đối với cuộc sống sẽ được thừa nhận.

Mitch Pugh, tổng biên tập Post and Courier, cho biết loạt bài bắt đầu khi số liệu hằng năm cho thấy South Carolina là bang đứng đầu nước Mỹ về tỉ lệ phụ nữ bị đàn ông giết. “Chúng tôi đã viết về chuyện này hằng năm nhưng chưa bao giờ tìm hiểu sâu hơn”. Cuộc bàn luận của tòa soạn về nguyên nhân vấn đề dẫn tới cuộc điều tra kéo dài tám tháng bắt đầu bằng việc tìm hiểu số liệu, xác minh những cái chết này có đặc điểm gì chung.

Loạt bài viết về khoảng 300 phụ nữ là nạn nhân của bạo hành gia đình. Có những người đã bị đàn ông bắn, đâm, bóp cổ, thiêu cháy, đánh đập... trong suốt 10 năm qua trong khi chính quyền hầu như không làm gì để can thiệp.

Dù loạt bài được khen “sâu sắc” và “sống động” nhưng tổng biên tập Mitch Pugh nói: “Thông điệp của loạt bài là để phụ nữ ở South Carolina được an toàn hơn”. Các phóng viên đã lập kho dữ liệu về các nạn nhân bị sát hại, nghiên cứu các góc độ luật pháp, chính trị, văn hóa và kinh tế dẫn đến các vụ sát hại.

South Carolina vốn từ lâu được coi là bang không có luật nghiêm đối với tình trạng bạo hành gia đình. Cơ quan lập pháp ở bang nhanh chóng thông qua luật để giải quyết một loạt vấn đề mà loạt bài này phanh phui.

Và những người kể những câu chuyện lớn

New York Times (tờ báo đã có 117 giải trong lịch sử), Washington Post hay Wall Street Journal - những đế chế báo chí lâu năm với truyền thống và nguồn lực lớn - giành chiến thắng ở các hạng mục khác. Tờ New York Times giành giải về đưa tin quốc tế cho “việc đưa tin dũng cảm và những câu chuyện nhân văn sâu sắc” với loạt bài về dịch Ebola bùng phát ở Tây Phi - kết quả của những nỗ lực táo bạo và dũng cảm của các phóng viên.

Hàng loạt phóng viên quốc tế, các cây viết mảng khoa học và phóng viên video cùng tham gia chiến dịch lớn này. Phóng viên ảnh Daniel Berehulak giành chiến thắng với phóng sự ảnh gồm một loạt chân dung được chụp trong nhiều tháng để ghi lại nạn dịch Ebola chết chóc.

Tờ Times cũng giành giải thưởng về báo chí điều tra cho loạt bài của Eric Lipton về nỗ lực lobby của những kẻ vận động hành lang chuyên nghiệp và các luật sư gây sức ép khiến tổng công tố viên ở các bang hủy các điều tra, thay đổi chính sách hay gây sức ép để các nhà điều hành luật ở bang đưa ra những quyết pháp có lợi cho khách hàng của họ. Tờ Wall Street Journal chia sẻ giải thưởng này cho dự án nói về những sai phạm trong hệ thống y tế Medicare ở Mỹ.

Bloomberg News, đế chế về tin kinh tế, lần đầu tiên giành được giải thưởng Pulitzer cho thể loại báo chí giải thích về cách các tập đoàn Mỹ trốn thuế và tìm cách thoát tội thế nào.

Matthew Winkler, tổng biên tập danh dự của Bloomberg News, nói khi ông báo cho Michael Bloomberg, cựu thị trưởng New York, người sáng lập hãng tin từ những năm 1970 về giải thưởng, ông Bloomberg trả lời với chút hậm hực: “Cũng đã đến lúc rồi”.

Giải thưởng về ảnh nóng báo chí được trao cho các phóng viên của tờ St. Louis Post - Dispatch với loạt ảnh thể hiện “đau đớn và giận dữ ở Ferguson” - nơi xảy ra bạo loạn sau vụ thanh niên da đen Michael Brown bị một cảnh sát da trắng bắn hạ hồi mùa hè năm ngoái. Các cuộc bạo loạn ở đây đã diễn ra trong nhiều tuần sau đó.

Với David Carson, phóng viên ảnh của St. Louis Post-Dispatch, chỉ vài giờ sau khi giành giải Pulitzer, anh lại trên đường đi làm việc. Ở tòa soạn, chiếc bánh ngọt và ly champagne vẫn nằm yên ở đó. Carson nói dù tòa soạn rất tự hào về giải thưởng danh giá nhưng rất khó để ăn mừng khi câu chuyện bắt đầu từ cái chết oan khuất của Michael Brown.

Phóng viên ảnh Robert Cohen của tờ báo nói: “Tôi thật sự thấy giằng xé. Rất buồn khi giành chiến thắng với câu chuyện đã gây ra quá nhiều tổn thất cho cộng đồng của tôi”.

Post-Dispatch có tám phóng viên ảnh và ba biên tập viên - một đội hình nhỏ và còn nhỏ đi nhiều bởi các đợt cắt giảm nhân sự. “Chúng tôi đã cùng nỗ lực và làm được những tác phẩm tuyệt vời - Lynden Steele, trưởng phòng ảnh của tờ báo, nói - Tôi hi vọng lãnh đạo các tòa soạn nên nghĩ kỹ trước khi cắt giảm các phóng viên ảnh. Sẽ không thể nào thể hiện được câu chuyện với chất lượng cao vậy nếu không có những thành viên quả cảm, kinh nghiệm và hết sức tận tụy của phòng ảnh chúng tôi”.   

Có khoảng 1.200 tác phẩm tham gia tranh giải lần này - lần thứ 99 của giải Pulitzer. 1.400 cuốn sách được đề cử, 200 tác phẩm âm nhạc và 100 vở kịch cũng tham gia tranh giải.

Giải Pulitzer cho tiểu thuyết được trao cho Anthony Doerr với cuốn tiểu thuyết lịch sử All the light we cannot see (tạm dịch: Những ánh sáng chúng ta không thể thấy) về châu Âu trong Thế chiến II.

Trong hạng mục chung về sách không hư cấu, giải trao cho cuốn The sixth extinction (Lần tuyệt chủng thứ 6) giải thích chuyện biến đổi khí hậu đẩy nhanh quá trình nhiều loài tuyệt chủng trên thế giới. 

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận