​Thành phố “treo” trên sợi dây

LÊ TẤN 15/04/2015 01:04 GMT+7

Sau Dubai và London, các thành phố ở phía nam bán cầu đang trang bị hệ thống cáp treo như một phương tiện giao thông có nhiều ưu điểm trên nền đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng.

Cáp treo phục vụ giao thông ở La Paz, Bolivia - Ảnh: infos.niooz.fr

Tại Nairobi, thủ đô Kenya, những người lái xe phải mất đến hàng giờ trên ôtô. Một quãng đường chỉ 10km đến nơi làm việc có thể mất đến hai giờ đi xe. Thậm chí có người còn tận dụng lúc kẹt xe ngồi cắt móng chân! Ông phó thị trưởng của thành phố này cho rằng nạn kẹt xe khiến mỗi ngày Kenya mất đi 600.000 USD, theo tờ New Statesman (Anh).

Và hiện tượng này nhìn thấy ở gần như tất cả các thành phố lớn của nước đang phát triển: tiến độ xây dựng gia tăng chóng mặt, dân số bùng nổ, nhưng các mạng lưới giao thông không thể theo kịp.

Tăng trưởng đô thị đang ở giai đoạn nhanh nhất trong lịch sử nhân loại. Hơn phân nửa dân số thế giới sống tại các thành phố và tỉ lệ này không ngừng gia tăng.

Theo ước tính của Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc, mức tăng trưởng cao nhất nằm ở châu Á và châu Phi, chủ yếu tại các thành phố nhỏ và những khu vực có ít tài nguyên để thích nghi với những thay đổi. Các thành phố này sẽ không còn quỹ đất để xây mạng lưới đường bộ và đường sắt trên mặt đất có tầm cỡ lớn, và cũng chẳng có tiền để xây các tuyến đường sắt dưới lòng đất.

Trong bối cảnh đó, các tuyến cáp treo biểu tượng của vùng núi cao châu Âu xuất hiện bên trên một thành phố như Nairobi hoặc Johannesburg (Nam Phi) có thể không chỉ phục vụ du lịch mà cả những cư dân, từ ông chủ ngân hàng đến bà nội trợ, anh thợ làm vườn và cả những người thất nghiệp sống ở các khu ổ chuột len lỏi giữa những khu phố giàu có.

Doppelmayr, công ty của Áo xây dựng cáp treo hàng đầu thế giới, có thể nhanh chóng cách mạng hóa giao thông ở các thành phố của các nước đang phát triển. Theo giám đốc tiếp thị Ekkehard Assmann của công ty này, ý tưởng hệ thống cáp treo đô thị đã phát triển trong bảy năm qua.

“Rất nhiều thành phố lớn nghĩ nghiêm túc đến việc sử dụng nó để giải quyết vấn đề giao thông” - ông khẳng định và cho biết thêm sau thành công của hệ thống cáp treo phục vụ giao thông tại Caracas (Venezuela), Rio de Janeiro (Brazil) và Medellin (Colombia), gần như tất cả thành phố lớn ở Nam Mỹ bày tỏ sự quan tâm đến hệ thống này.

Tại Lagos (Nigeria), hệ thống cáp treo gần như đã lắp xong. Tại Kampala (Uganda), người ta đang tiến hành một nghiên cứu tiền khả thi sau khi Ngân hàng Thế giới chấp thuận cho vay 175 triệu USD để tài trợ dự án.

Tại thủ đô Caracas (Venezuela) đã xây dựng hệ thống cáp treo đầu tiên vào năm 1952. Bốn năm sau đến lượt Alger (Algeria) theo bước. Quốc gia châu Phi này hiện được xem là đứng đầu thế giới trong lĩnh vực giao thông đô thị bằng cáp treo khi có đến bốn thành phố lớn được trang bị hệ thống và mạng lưới cáp treo Alger có đến bốn tuyến.

Về mặt kinh tế, hệ thống cáp treo có những ưu thế rõ rệt. Nó có thể vận chuyển 5.000 hành khách/giờ theo mỗi chiều, ít hơn các tuyến tàu điện metro có thể chở 20.000 hành khách/giờ, nhưng có chi phí rẻ hơn đến 10 lần. Nếu được sử dụng hợp lý, nó tiêu thụ năng lượng ít hơn đa số hệ thống vận chuyển khác vì các động cơ quay với vận tốc không đổi. Chi phí lắp đặt cũng rẻ hơn nhiều.

Phương tiện giao thông này rất rẻ tiền đối với người sử dụng, trong khi nhà đầu tư có thể nhanh chóng lấy lại vốn. Tại Constantine (Algeria), một cáp treo đã vận chuyển 4,5 triệu hành khách trong năm đầu tiên (2008) với giá vé 15 xu euro (khoảng 4.000 đồng) cho mỗi hành trình. Giá vé này đã tính cả chi phí điều hành và bảo dưỡng. Ngoài ra, cáp treo còn là một phương tiện di chuyển rất hấp dẫn khi hành khách được ngắm nhìn thành phố từ trên cao.   

Bỏ xe được tiền

Một số người đi bộ và đạp xe ở thành phố Lillestrom (Na Uy) rất bất ngờ khi bị những nhân viên đại diện chính quyền chặn lại không phải để phạt mà được cho 12 euro. Đây là chiến dịch mang tên “Trạm thu phí ngược” nhằm khuyến khích người dân bỏ xe ôtô, theo tạp chí Fast Company. “Đẩy mọi người đi bộ và đạp xe mang lại lợi ích cho xã hội. Nó có lợi cho sức khỏe, môi trường và mạng lưới giao thông của chúng ta” - ông thị trưởng Ole Jacob Flaetene nhấn mạnh.

Chính phủ Na Uy tính rằng họ tiết kiệm được 6 euro cho mỗi kilômet đi bộ và 3 euro cho mỗi kilômet đạp xe của mỗi người dân.

 

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận