Thỏa thuận hạt nhân Iran và nhóm P5+1: Hành trình chông gai

HẢI MINH 15/07/2015 04:07 GMT+7

Ngày 14-7 tại Vienna (Áo), Iran và các nước nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) đã đạt được một thỏa thuận hạt nhân. Đây là vụ thương lượng vừa kéo dài (12 năm) vừa phức tạp hiếm thấy trong biên niên sử ngành ngoại giao. Câu hỏi đặt ra là tại sao lại ở thời điểm này?

Ngoại trưởng Iran Zarif (thứ hai từ trái sang) hoan hỉ sau thỏa thuận hạt nhân ký ngày 14-7 tại Vienna (Áo) - Ảnh Reuters

Một tuần trước khi đạt thỏa thuận, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Ernest Moniz và người đứng đầu chương trình hạt nhân của Iran Ali Akbar Salehi đã gặp nhau để chốt lại các phương diện kỹ thuật của thỏa thuận, trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif bàn lại những vấn đề cuối cùng trong văn bản thỏa thuận. Những nhà ngoại giao Nga nói với Hãng tin AFP rằng thỏa thuận rất phức tạp này, với phần chính tối thiểu 20 trang và phần phụ lục các chi tiết kỹ thuật rất dày nữa, đã được thảo xong 90%.

IRAN ĐƯỢC GÌ?

Nếu thỏa thuận hoàn tất, nền kinh tế Iran sẽ nhận ngay lập tức hàng tỉ USD nhờ các lệnh cấm vận được dỡ bỏ hoàn toàn hoặc một phần. Tuy nhiên, tiền không phải là lý do quan trọng nhất khiến chính quyền Iran bắt tay với kẻ thù lịch sử của họ sau 18 tháng thương lượng của vòng đàm phán mới.

“Một trong những lý do quan trọng nhất để Iran ký thỏa thuận này, theo quan điểm của tôi, không phải là các lệnh cấm vận - Vali Nasr, trưởng khoa nghiên cứu quốc tế cao cấp của Đại học Johns Hopkins, nói với tạp chí Atlantic - Mà là Nhà nước Hồi giáo (IS). Ngay trong lực lượng Vệ binh quốc gia Iran cực kỳ bảo thủ cũng có nhiều người ủng hộ thỏa thuận này vì công việc hằng ngày của họ giờ là chiến đấu với IS, và họ cần Mỹ ở Iraq trong cuộc chiến, gần như ở cùng chiến tuyến với họ”.

Quả thật, Mỹ và Iran đã có nhiều kẻ thù chung suốt nhiều thập kỷ kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo 1979: Liên Xô, Iraq của Saddam Hussein, Al Qaeda và giờ là IS. Nhưng những “hợp tác chiến thuật” đã không thể làm dịu lại “sự thù hằn chiến lược” giữa hai nước, theo Karim Sadjadpour của Quỹ hòa bình quốc tế Carnegie.

Nội dung sơ bộ thỏa thuận cho phép Iran giữ lại các cơ sở hạt nhân nhưng với rất nhiều hạn chế. Hai cơ sở sẽ được chuyển thành khu vực nghiên cứu, không có vật liệu phóng xạ. Số máy ly tâm để làm giàu uranium sẽ giảm 2/3, còn 5.060 máy và lượng uranium được làm giàu ở mức độ thấp, giảm từ 10.000kg còn 300kg, không đủ để chế tạo bom nguyên tử, trong 15 năm tới. Iran cũng sẽ thiết kế lại một lò phản ứng nước nặng ở Arak để lò phản ứng này không còn chế tạo plutonium dùng cho vũ khí nữa. Đổi lại, các lệnh cấm vận sẽ giảm bớt.

“Tôi ăn chay không phải vì tôi yêu động vật - Sadjadpour ví von về quan hệ Mỹ - Iran - Tôi ăn chay vì tôi ghét thực vật. Những trao đổi, thỏa thuận và cam kết với Iran của Mỹ không phải là một món quà cho chế độ đó, không phải vì Mỹ thích Iran”.

Thêm nữa, trong khi ảnh hưởng của Iran được cho là tăng lên tại Trung Đông, họ cũng đang đứng trước những thách thức rất lớn. Hồi tháng 1, sau khi lực lượng nổi dậy người Houthi do Iran hỗ trợ tiến hành một cuộc đảo chính ở Yemen, tờ The Economist bình luận: “Iran có thể tự nhận, giữa những đổ nát và điêu tàn, rằng họ đang cai quản ba thủ đô Ả Rập: Baghdad (Iraq), Damascus (Syria) và Beirut (Lebanon). Tuần này có thể là thủ đô thứ tư (ám chỉ Sanaa, Yemen)”.

Tuy nhiên, trên thực tế Iran được gì từ những hỗn loạn đó? Sadjadpour chỉ ra rằng giờ các nước láng giềng đó của Tehran trở nên hết sức bất ổn và chìm trong nội chiến, trong khi cùng với việc giật dây các phe phái khác nhau ở Syria, Iraq và Yemen, những cường quốc khu vực khác như Thổ Nhĩ Kỳ và nhất là Saudi Arabia cũng đang tăng cường ảnh hưởng.

VÀ MỸ ĐƯỢC GÌ?

Trước hết, cùng với việc bình thường hóa quan hệ với Cuba, nếu đạt được một thỏa thuận với Iran về vấn đề hạt nhân, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ để lại những di sản đối ngoại cực kỳ to lớn trong hai nhiệm kỳ của ông, cho thấy ông xứng đáng với giải Nobel hòa bình được trao sớm sủa vào năm 2009 ngay đầu nhiệm kỳ thứ nhất, một phần thưởng mà nhiều người lúc đó cho rằng chưa xứng đáng.

Nhưng còn quan trọng hơn, thỏa thuận mới giúp Mỹ hi vọng ngăn được việc Iran sở hữu một quả bom hạt nhân và một cuộc chiến không mong đợi nữa ở vùng Vịnh. Việc Mỹ lần lượt rút quân khỏi Iraq và Afghanistan, không can thiệp trực tiếp ở Bắc Phi và Trung Đông suốt “Mùa xuân Ả Rập” cũng như từ chối leo thang quân sự ở Syria cho thấy chính quyền Obama tránh các cuộc xung đột ở nước ngoài, và thỏa thuận với Iran là sự tiếp nối quan trọng của chính sách đó.

Thứ hai, nhiều người Mỹ tin rằng thỏa thuận sẽ thúc đẩy xã hội Iran, đặc biệt là những người trẻ (tuổi trung bình ở quốc gia Hồi giáo này là 28), theo hướng ôn hòa và dân chủ hơn, điều rất quan trọng với sự ổn định ở Trung Đông khi Iran ít nhiều là một trong những cường quốc của khu vực. Công chúng Iran nhìn chung rất ủng hộ thỏa thuận này, với 57% mong muốn chính quyền đạt được một thỏa thuận với P5+1, và chỉ 15% phản đối, theo cuộc thăm dò của Iranpoll.com vào tháng 6. Những người lạc quan nhất còn cho rằng nó sẽ tạo ra hiệu ứng cho phép xã hội Iran tiến hành các cải cách chính trị và văn hóa mà lâu nay họ vẫn mong đợi.

Thứ ba, Mỹ cũng rất cần Iran trong cuộc chiến đối phó với IS. Một nguồn giấu tên trong giới lãnh đạo cấp cao Iran nói với CNN rằng trong môi trường hòa hoãn hơn sau khi một thỏa thuận đạt được, Iran có thể cung cấp 40.000-60.000 binh sĩ chiến đấu trực tiếp chống IS trong ba năm tới, lý tưởng nhất là với sự hỗ trợ của không quân Mỹ. Mỹ cho tới giờ rất miễn cưỡng trong việc triển khai bộ binh ở các vùng chiến sự với IS, và Iran có thể đóng vai trò đó.

Cuối cùng, thỏa thuận cũng sẽ giúp Mỹ có thêm lựa chọn chính sách trong khu vực, giảm bớt sự lệ thuộc của Washington vào các đồng minh truyền thống với chế độ chính trị quân chủ chuyên chế như Saudi Arabia. Jeremy Shapiro và Richard Sokolsky của Viện Brookings đã chỉ ra trong một nghiên cứu mới đây rằng thỏa thuận hạt nhân “không phải là để Mỹ lên giường với Iran, mà là để Mỹ bước ra khỏi giường với Saudi Arabia”. Cựu chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân Mỹ Mike Muller nói: “Chúng ta cần xem xét lại các mối quan hệ trong khu vực, các mối quan hệ với những quốc gia Sunni chính yếu. Giảm bớt căng thẳng với Iran sẽ giúp quan hệ của chúng ta trong khu vực cân bằng hơn”.

 

AI PHẢN ĐỐI?

Tuy nhiên, không phải ai cũng hài lòng với một thỏa thuận Mỹ - Iran. Chính phủ cánh hữu của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tin rằng thỏa thuận mới sẽ không thể ngăn cản Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân, ngược lại chỉ giúp đẩy nhanh quá trình đó khi Iran có thêm nguồn lực nhờ các lệnh cấm vận bị dỡ bỏ.

Ở Mỹ, những chính trị gia cánh hữu cũng không hài lòng với việc ông Obama ngồi vào bàn đàm phán, dù chính họ cũng không có giải pháp nào khả thi cho vấn đề Iran ngoài việc duy trì lệnh cấm vận và kích động chiến tranh. Trên Washington Post, Charles Krauthammer, một phóng viên với quan điểm cánh hữu, đã gọi thỏa thuận với Iran là “thỏa thuận tồi tệ nhất trong lịch sử ngoại giao Mỹ”. Krauthammer nghi ngờ tất cả khả năng Iran tuân thủ thỏa thuận, khả năng giám sát của các cơ quan quốc tế, khả năng Mỹ áp đặt lại các lệnh cấm vận (và Nga cùng Trung Quốc đồng ý với điều đó) nếu Iran bị phát hiện vi phạm. “Tại sao mọi chuyện tới mức này? Với mỗi nhượng bộ, ông Obama và ông Kerry cho thấy họ cần một thỏa thuận tuyệt vọng ra sao. Và họ sẽ có thỏa thuận đó, ông Obama sẽ có di sản của ông ta. Ông Kerry sẽ có giải Nobel. Và Iran sẽ có bom hạt nhân” - Krauthammer viết.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận