​Cuộc thí nghiệm chưa có kết quả sau cùng

NGUYỄN VŨ 05/09/2014 10:09 GMT+7

TTCT - Máy tính bảng ra đời và trở nên phổ biến chỉ vài ba năm gần đây. Thế nhưng ở chính các nước đã có những nỗ lực giới thiệu nó vào trường học, hăm hở cũng có, thất vọng cũng nhiều.

Nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ đọc trên giấy nhớ lâu hơn so với đọc trên màn hình - Ảnh: Nguyễn Việt Thanh
Nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ đọc trên giấy nhớ lâu hơn so với đọc trên màn hình - Ảnh: Nguyễn Việt Thanh

Tháng 9-2013, một học khu ở Los Angeles (Mỹ) chi 30 triệu đôla để trang bị cho 30.000 học sinh chiếc máy tính bảng iPad. Mỗi máy giá đến 678 đôla vì có nhiều phần mềm giáo dục mua của Pearson, kể cả phần mềm khóa máy để học sinh không tự động rong chơi trên thế giới ảo khi đang học.

Chỉ một vài ngày sau, học sinh đã bẻ được khóa, vào Facebook cập nhật tình hình ngay trong lớp, có em dùng headphone nghe nhạc, có em xem phim. Khi tình hình bẻ khóa lan rộng, học khu quyết định thu hồi máy, xem như một cuộc thí nghiệm thất bại.

Không thể vội vàng

Đây không chỉ là một sự cố ở riêng Los Angeles. Nhiều nước khác từng thí điểm chuyện phát máy tính bảng cho học sinh - và là phát miễn phí - với mức độ thành công khác nhau, phần lớn là thất bại.

Nhận xét đầu tiên của nhiều người là xu hướng đưa máy tính bảng vào nhà trường xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp phần cứng, phần mềm và ao ước của người lớn chứ không phải xuất phát từ nhu cầu học tập của học sinh.

Máy móc không giúp các em viết bài luận hay hơn, thuộc bài nhanh hơn hay giải được toán tốt hơn. Máy móc hỗ trợ tốt nhất ở hoạt động tìm tòi, nghiên cứu, sưu tầm - những hoạt động phù hợp ở nhà hơn là ở lớp.

Nhiều nghiên cứu, chẳng hạn nghiên cứu của giáo sư Maryanna Wolf (ĐH Tufts, Hoa Kỳ) - một nhà khoa học về tâm lý học và nhận thức - cho thấy đọc văn bản trên giấy và trên màn hình có sự khác biệt khá lớn, học sinh đọc trên giấy sẽ nhớ lâu hơn, hiểu sâu hơn so với đọc trên màn hình.

Học sinh cũng thú thật là cám dỗ chơi game khi cầm máy tính bảng trên tay là rất lớn, vào các mạng xã hội cũng là điểm thu hút các em chứ không phải các apps (ứng dụng) giáo dục.

Sự cố ở học khu nói trên làm Los Angeles quyết định trì hoãn kế hoạch đưa máy tính bảng vào trường học, các trường khắp nước Mỹ cũng thận trọng hơn chứ không hăm hở như những năm trước.

Chỉ cần một sự cố nhỏ như màn hình máy tính bị bể gây thương tích nhẹ cho học sinh hay một ổ sạc máy nóng cháy là đủ để giới chức giáo dục nước này chùn tay.

Một trở ngại khác nằm ngay ở thầy cô giáo - đa số không sử dụng thành thạo máy tính nói chung và máy tính bảng nói riêng so với thế hệ trẻ sau này. Bởi vậy đa số thầy cô giáo sẽ phản đối hay không mặn mà hợp tác trong việc sử dụng máy tính bảng để dạy học. Sự ngăn cách thế hệ như thế cản trở việc sử dụng máy tính bảng một cách sáng tạo và hiệu quả nhất.

Nói chung, ngoài những ưu điểm ai cũng phải thừa nhận như khả năng kết nối bài học với âm thanh, hình ảnh, kể cả phim tài liệu, khả năng tương tác, khả năng lưu trữ..., máy tính bảng còn khá nhiều điều bất tiện: mau hết pin nên trong lớp luôn luôn có em loay hoay tìm chỗ sạc máy, có hại cho mắt nếu sử dụng lâu, có quá nhiều thứ (để chơi) làm phân tâm nên học sinh không chú tâm vào bài học, thầy cô phải là “chuyên gia” để giải quyết sự cố luôn xảy ra gây gián đoạn việc học, học sinh dễ “copy” chứ không chịu động não...

Điều có thể rút ra là ai cũng đồng ý không thể một sớm một chiều chuyển trọng tâm từ người thầy sang chiếc máy tính bảng hay công nghệ. Một khi công nghệ chưa làm người ta an tâm thì không ai dại gì gạt bỏ vai trò người thầy với hàng chục năm kinh nghiệm.

Điều kiện để thành công

Quan sát hàng chục trường hợp đưa máy tính bảng vào lớp, điều kiện để đạt được một số thành công bao gồm: lớp lớn (cỡ trung học phổ thông chứ chắc chắn không phải là tiểu học); tiền mua máy do nhà trường hay địa phương lo chứ không bao giờ ép phụ huynh bỏ tiền ra mua; máy không được đem về nhà để tránh bị trộm cắp, thất lạc.

Kinh nghiệm của nhiều trường cho thấy chỉ cần có phần mềm khóa các trang sex, ngoài ra cứ để học sinh sử dụng bình thường. Càng cấm đoán vào Facebook chẳng hạn thì các em càng muốn vào. Chẳng thà nhân đó dạy các em những điều nên làm và không nên làm trên các mạng xã hội thì hữu ích hơn.

Hoạt động được ưa chuộng nhất trên máy tính bảng là lập diễn đàn để học sinh giao tiếp, tương tác, trao đổi thông tin. Lớp nào có người thầy đam mê công nghệ thông tin thì lớp đó càng dễ thành công bởi lúc đó người thầy sẽ đóng vai trò hướng dẫn các em đi từ câu đố này đến bài tập kia, sử dụng chức năng này đến tìm hiểu ứng dụng nọ...

Lúc đó người thầy sẽ như có phép hóa thân thành hàng chục thầy, hướng dẫn riêng lẻ cho từng em - điều không thể nào làm được ở một lớp học truyền thống.

Đến nay các nhà nghiên cứu hầu như đồng ý ở điểm phải hạn chế cho trẻ nhỏ xem truyền hình mỗi ngày nhằm bắt các em tương tác với thế giới thật bên ngoài thì trí óc mới phát triển bình thường.

Với máy tính bảng mà nhiều bậc phụ huynh dùng để dụ dỗ trẻ nhỏ ngồi im, không phá phách thì việc sử dụng ắt không khác gì truyền hình. Nên hạn chế tùy theo lứa tuổi. Và một khi các nghiên cứu chưa đưa ra kết luận sau cùng, nên thận trọng theo hướng bảo thủ còn hơn nóng vội khi chưa biết cho trẻ tiếp xúc bao nhiêu giờ mỗi ngày là vừa phải.

Giáo dục theo kiểu truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm nay, máy tính bảng - nhất là cho học sinh tiểu học - có thể chờ thêm một thời gian nữa cũng không sao cả.

Điều cốt lõi là chương trình trang bị máy tính bảng nào có sự vận động của công ty bán phần cứng trước sau gì cũng thất bại, không vì điều tra quá trình đấu thầu có vấn đề thì cũng vì nó không xuất phát từ nhu cầu thực tế. Chỉ những chương trình xuất phát từ ước muốn thật sự của nhà giáo dục, mong trẻ em được tiếp cận thành tựu công nghệ thông tin như xã hội bên ngoài thì mới mong thành công.

Giáo dục giữa đôi bờ ảo - thực

Cuối thập niên 1990 đầu những năm 2000, báo chuyên về tin học nở rộ, báo đại chúng cũng có chuyên mục công nghệ thông tin, đưa tin ảnh về các dòng máy mới, các thủ thuật máy tính, các phần mềm đủ loại đủ kiểu.

Niềm đam mê máy tính của rất nhiều người có lẽ xuất phát từ ảo tưởng mình đang điều khiển được một thứ hùng mạnh, làm được những điều tưởng chừng là phép lạ mới cách đó không lâu. Ngày xưa muốn in một văn bản như chúng ta làm hằng ngày hôm nay là điều không tưởng với dân văn phòng bình thường, huống chi vừa phát nhạc, vừa xem ảnh, lại tính toán phức tạp - tất cả trên cùng chiếc máy để bàn.

Từ đó đến nay con người đã tiến rất xa, rất nhanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Nhưng liệu những tiến bộ đó có phục vụ trở lại cuộc sống, làm cho con người hạnh phúc hơn hay không lại là chuyện còn đầy hoài nghi.

Chỉ biết rõ một điều là tính kết nối mọi lúc mọi nơi mà công nghệ đem lại dường như tạo ra hai thế giới: cái thế giới thật với mọi thăng trầm, buồn vui, hạnh phúc, khổ não và cái thế giới ảo lung linh đầy màu sắc, hầu như ngày càng tách biệt thế giới thật.

Công nghệ thông tin thật ra chỉ giúp ngày càng có nhiều người dễ dàng đi từ thế giới thật vào thế giới ảo bằng đủ mọi phương tiện, ngày xưa thì máy tính để bàn, rồi máy tính xách tay; ngày nay là máy tính bảng, thậm chí chiếc điện thoại di động màn hình cảm ứng.

Cuộc sống trong thế giới ảo đang tác động ngược trở lại thế giới thật, tạo ra những kỳ vọng quá mức, làm con người ngày càng dễ ảo tưởng về thế giới họ đang sống, không biết nó thật hay là ảo.

Các phương tiện kết nối làm bạn bè cách nhau nửa vòng trái đất vẫn giữ liên lạc với nhau theo thời gian thật, tin tức từ khắp nẻo địa cầu dội về căn phòng của một người đang ở một góc khá hẻo lánh - tất cả làm ai nấy tưởng đâu thế giới đã phẳng thật như nhiều người dự báo.

Năm 2014 có lẽ để lại nhiều dấu ấn bởi nhiều sự kiện diễn ra, làm tan biến phần nào cái ảo tưởng đó. Chuyến bay MH370 của Hãng Malaysia Airlines đột nhiên mất tích, một chuyến bay khác bị bắn rơi, rồi chiến tranh, xung đột ở Trung Đông, nhiều vụ hãm hiếp giết người ở Ấn Độ, thiên tai ở khắp nơi làm mọi người bừng tỉnh, công nghệ thông tin chưa làm cho cuộc sống này an bình hơn chút nào cả.

Cái ảo tưởng công nghệ thông tin sẽ giúp nhân loại giải quyết mọi vướng mắc, mọi trở lực, mọi mâu thuẫn từng bùng lên dưới kỳ vọng về một nền kinh tế tri thức nơi con người bắt máy móc phục vụ cho cuộc sống dần lụi tàn.

Hóa ra không hề có chuyện đó. Công nhân lắp ráp iPhone, iPad - sản phẩm tiêu biểu cho thành tựu công nghệ - vẫn lao động trong điều kiện khắc nghiệt đến độ có người phải tự vẫn.

Ở nhiều mức độ khác nhau, ảo tưởng về sức mạnh công nghệ thông tin từng làm nhiều người tưởng đâu mọi chuyện hồ sơ giấy tờ phức tạp đã có thể gạt qua một bên. Cải cách hành chính từng chú trọng vào tin học, ngay cả cải cách hộ tịch cũng cứ xoay quanh chuyện bỏ giấy khai sinh, giấy kết hôn... vì tất cả sẽ được số hóa thành một dãy mã số định danh con người.

Nhìn theo cách đó, người ta dễ tin rằng nỗ lực biến các tập sách giáo khoa dày cộp thành các phần mềm nhỏ gọn chứa trọn vẹn trong chiếc máy tính bảng với nhiều chức năng nghe nhìn khác là xu hướng mà thế giới sẽ đạt đến. Quả thật, nó là mơ ước của nhiều người.

Vấn đề là cái thế giới ảo hoàn hảo với chiếc máy tính bảng đưa học sinh vào khu rừng kiến thức kia khi va chạm với cuộc sống thực sẽ còn vẹn toàn hay không? Câu hỏi đó không chỉ day dứt với một nền giáo dục còn quá nhiều khiếm khuyết như Việt Nam mà còn với nhiều nước khác.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận