Tìm thị trường

CẦM VĂN KÌNH THỰC HIỆN 13/04/2015 18:04 GMT+7

“Tính chung việc suy giảm xuất khẩu làm VN mất hơn 500 triệu USD trong quý 1-2015. Chúng tôi đang tích cực tìm, mở thị trường cho hàng xuất khẩu VN” - ông Trần Tuấn Anh, thứ trưởng Bộ Công thương, trao đổi với TTCT.

Ông Trần Tuấn Anh - Ảnh: Nguyễn Khánh

Một số mặt hàng có mức giảm xuất khẩu lớn, khoảng 30% như gạo, cà phê, cao su. Không chỉ giảm về lượng, giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản quan trọng của VN cũng giảm.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, nguyên nhân nào khiến xuất khẩu giảm nhanh và mạnh như vậy, nhất là mặt hàng gạo?

- Theo tôi, quan trọng nhất là áp lực cân đối cung cầu. Gạo VN đã xâm nhập được nhiều thị trường nhưng nhìn tổng thể vẫn chưa tạo được thương hiệu mạnh, chưa đáp ứng được yêu cầu cao về phẩm cấp và chất lượng, vẫn cơ bản dựa trên lợi thế cạnh tranh giá rẻ. Năm nay, chúng ta gặp cạnh tranh mạnh từ các đối thủ trong khu vực: Myanmar, Campuchia, Ấn Độ, Pakistan cùng xuất khẩu gạo, Thái Lan đang cạnh tranh quyết liệt để giải quyết gạo tồn kho...

Trung Quốc là thị trường lớn của VN nhưng quý 1-2015 có dấu hiệu chính sách của nước này thay đổi, như cấp hạn ngạch nhập khẩu gạo từ VN rất chậm. Một số thị trường trọng tâm, truyền thống ở Đông Nam Á các năm trước thường có hợp đồng lớn thời điểm đầu năm thì năm nay lại không có. Ta cũng bị cạnh tranh mạnh ở một số thị trường như châu Phi, Nam Mỹ...Việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá với mức độ cao cũng đã gây khó khăn rất lớn cho nhiều mặt hàng thủy sản của VN.

Bộ Công thương đưa ra giải pháp gì để thúc đẩy xuất khẩu, thưa ông?

Vấn đề tỉ giá đồng USD cũng gây khó khăn, giảm nhu cầu nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của VN. Các thị trường lớn như EU, Nhật, Mỹ bị tác động nên nhập khẩu nông, lâm, thủy sản giảm. Hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu của VN là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô vốn không nhiều, trong khi thanh toán chủ yếu bằng đồng USD.

Việc điều chỉnh tỉ giá phải dựa trên cái nhìn tổng thể lợi ích quốc gia, nhưng tôi cho rằng bối cảnh khó khăn này mới chỉ là bước đầu, nếu có biến động lớn hơn, ảnh hưởng xấu đến năng lực xuất khẩu thì vấn đề tỉ giá cần có tính toán để có quyết định phù hợp.

- Chính phủ thường xuyên yêu cầu Bộ Công thương thực hiện một giải pháp cụ thể: đàm phán mở cửa thị trường. Không đơn thuần là tìm thị trường mới, mà là mở cả thị trường truyền thống, tháo khó khăn, rào cản tại các thị trường này, từ hàng rào thuế đến hàng rào kỹ thuật.

Việc đàm phán hiệp định thương mại tự do VN - EU, VN - Liên minh thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan, hay TPP cũng nhằm mục đích trên. Những nội dung về hàng nông, lâm, thủy sản luôn là ưu tiên của phía VN khi đàm phán các hiệp định trên.

Ta đang hướng tới qua kênh quan hệ chính phủ - chính phủ, các cơ quan VN với các nước để tạo thuận lợi cho hàng xuất khẩu, ví dụ đã vận động Úc để họ nhập nhãn, vải, trái cây VN, thúc đẩy xuất khẩu trái thanh long, vải vào Mỹ; các loại trái cây VN vào Nhật, châu Âu... Ta cũng đang tìm những kênh đầu mối phân phối lớn để đưa sản phẩm VN vào.

VN đã có nhiều chương trình xúc tiến thương mại. Theo ông, đã đến lúc cần đánh giá lại để tìm hướng đi hiệu quả hơn?

- Tăng cường xúc tiến thương mại là một giải pháp nhưng cách hiểu về xúc tiến thương mại ở nhiều nơi còn quá đơn giản, thậm chí bị động để đưa ra chương trình xúc tiến phù hợp tập quán kinh doanh, văn hóa của thị trường.

Cũng đơn giản quá nếu chỉ trông vào nguồn tiền từ chương trình xúc tiến thương mại quốc gia vốn được quản lý rất chặt chẽ bởi các quy định nhà nước. Bản thân việc phân bổ, theo tôi, còn có yếu tố trải đều, chưa thật sự tập trung và hiệu quả.

Theo tôi, cần nghiên cứu đổi mới hình thức, quy mô, thời điểm hoạt động xúc tiến thương mại. Doanh nghiệp cần chủ động hơn, nhà nước sẽ tập trung hỗ trợ qua nghiên cứu cơ bản về thị trường, từ đó xây dựng đề án theo kiểu đối tác công tư (PPP) trong xúc tiến thương mại.

Nó phải đảm bảo ba nguyên tắc: từng bước hình thành chuỗi cung ứng chứ không chỉ là xúc tiến cho một doanh nghiệp, một hợp đồng; phải có tính trung và dài hạn, hướng đến xây dựng sự liên kết với đối tác có tiềm lực, nhà phân phối có hệ thống tại thị trường đó; tiến tới xây dựng thương hiệu chứ không chỉ hướng đến bán được một vài lô hàng.

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc khó khăn, gạo thì bị áp hạn ngạch. Bộ Công thương có giải pháp gì để gỡ khó cho doanh nghiệp?

- Thương mại VN - Trung Quốc cần tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác hai nhà nước để thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, đây là vấn đề ta kiên trì trong làm việc với phía Trung Quốc. Ta đã có cơ chế Ủy ban hỗn hợp thương mại VN - Trung Quốc, cơ chế hợp tác xuyên biên giới, hai nước đã ký biên bản ghi nhớ về tiêu thụ nông sản.

Ta đang tiếp tục đàm phán để VN - Trung Quốc có biên bản ghi nhớ về thương mại gạo. Việc cấp hạn ngạch rất chậm cho gạo xuất khẩu của VN và thiếu thông tin về quy trình cấp hạn ngạch đã tạo những khó khăn trong xuất khẩu của VN quý qua.

Ngay sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc, Bộ Công thương sẽ làm việc với Bộ Công thương Trung Quốc để đàm phán công khai quy trình cấp hạn ngạch gạo, thuận lợi hóa thủ tục cho doanh nghiệp VN, đề nghị Trung Quốc tạo thuận lợi để đẩy nhanh việc thành lập các văn phòng đại diện thương mại VN tại một số tỉnh thành của Trung Quốc. Các văn phòng này sẽ nghiên cứu nắm bắt thị trường, cung cấp thông tin, kết nối... để hỗ trợ doanh nghiệp VN.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận