Khó xóa bỏ bao cấp các hội văn học nghệ thuật?

V.V.TUÂN 19/07/2016 17:07 GMT+7

TTCT - Theo một số vị đại diện các hội văn học nghệ thuật (VHNT), việc xóa bỏ bao cấp cho các hội này là rất khó.

kk

Họa sĩ Trần Khánh Chương, chủ tịch Hội Mỹ thuật VN, ngạc nhiên khi biết thông tin về con số 14.000 tỉ đồng ngân sách cấp cho các hội hằng năm.

Ông cho biết Hội Mỹ thuật VN, cũng như các hội VHNT trung ương khác, mỗi năm được ngân sách nhà nước hỗ trợ ba loại tiền: tiền hành chính sự nghiệp 3 tỉ đồng (dùng để trả lương, điện, nước, xăng xe và một ít tiền cho hoạt động - hội có 30 biên chế); tiền cho các hội viên sáng tác theo yêu cầu của Nhà nước khoảng 4 tỉ đồng (hỗ trợ sáng tác các đề tài như chiến tranh cách mạng, lực lượng vũ trang, lãnh tụ, lao động sản xuất, miền núi...); tiền giải thưởng của hội khoảng 800 triệu đồng.

"Nếu không có tiền hỗ trợ sáng tác cho hội viên thì các đề tài về chiến tranh cách mạng, công nông binh... sẽ rất ít người sáng tác bởi làm ra không bán được. Nên Nhà nước hỗ trợ để cân đối lại mảng đề tài này với các đề tài thị trường" - ông Chương giải thích.

Về cơ sở vật chất của Hội Mỹ thuật VN, ông Chương cho biết hội được Nhà nước cấp một chiếc ôtô 16 chỗ để đưa đón hội viên đi thực tế và một chiếc cho chủ tịch hội theo hàm thứ trưởng.

Hội Mỹ thuật VN có hai văn phòng tại Hà Nội, TP.HCM và Nhà triển lãm (số 16 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ngoài ra, tạp chí Mỹ Thuật mỗi năm được Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng, còn lại phải lấy thu bù chi.

"Còn một nguồn chi nữa nhưng Nhà nước không cho dùng ngân sách là phúng viếng hội viên mất, thăm hỏi hội viên ốm đau, tặng hoa tại triển lãm. Mỗi năm chúng tôi dành 110 triệu đồng cho những hoạt động này. Tiền này được lấy từ thu hội phí và xin 10% giải thưởng từ các hội viên đoạt giải" - ông Chương cho biết.

Trả lời câu hỏi "trong tình hình ngân sách nhà nước đang khó khăn như hiện nay thì có nên duy trì việc bao cấp các hội VHNT nữa hay không?", ông Chương thẳng thắn nói rằng do đặc trưng của nước ta, các hội VHNT phục vụ nhiệm vụ chính trị nên việc nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là đúng và không thể bỏ việc bao cấp này được.

Vấn đề là Nhà nước cần tính toán cấp ngân sách cho các hội bao nhiêu là vừa và các hội phải tự tìm thêm nguồn thu. "Các hội chúng tôi không thể tự chủ về tài chính được. Nếu không có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thì Hội Mỹ thuật hiện nay sẽ không còn tồn tại và có rất nhiều hội mỹ thuật tự do trên cả nước ra đời. Khi đó nghệ sĩ sẽ sáng tạo theo các đề tài của cơ chế thị trường.

Như vậy định hướng xã hội chủ nghĩa nằm ở đâu? Chúng ta có chấp nhận thế không? Vấn đề là phải tiết kiệm, sử dụng đồng tiền nhà nước có hiệu quả. Việc hỗ trợ của Nhà nước là cần thiết bởi chúng ta là nước xã hội chủ nghĩa và tiền hỗ trợ ấy để giải quyết định hướng xã hội chủ nghĩa".

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Quốc Khánh, chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN, cho biết mỗi năm hội cũng nhận được ba khoản hỗ trợ từ ngân sách nhà nước với tổng số tiền khoảng 7 tỉ đồng. Vì vậy hội phải tranh thủ cao độ sự hỗ trợ của các tổ chức, ban ngành, địa phương.

Ông cũng cho biết Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh có hội viên trên phạm vi cả nước, thậm chí còn tổ chức các cuộc thi quốc tế, nên nói rằng ngân sách hỗ trợ bao nhiêu cho đủ thì rất khó. Tuy nhiên, ông Khánh cũng khẳng định nếu Nhà nước không cấp ngân sách thì các hội sẽ không tồn tại được nữa và phải tan rã.

"Chi ở đâu nhiều thì tôi không biết, nhưng tiền ngân sách chi cho các hội VHNT không nhiều, nên cần phải làm rõ số tiền dành cho từng hội, đoàn là bao nhiêu, nơi nào được cấp ngân sách nhiều nhất, tránh để mọi người hiểu nhầm khi nói đến các hội là chỉ có các hội VHNT" - ông đề nghị. ■

Liên hiệp các hội VHNT VN hiện gồm 10 hội thành viên được cấp ngân sách nhà nước để duy trì hoạt động:

1/Hội Mỹ thuật VN;

2/Hội Điện ảnh VN.

3/Hội Nhạc sĩ VN;

4/ Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN;

5/ Hội Nghệ sĩ múa VN;

6/ Hội Nghệ sĩ sân khấu VN;

7/ Hội Nhà văn VN;

8/ Hội Văn nghệ dân gian VN;

9/ Hội VHNT các dân tộc thiểu số VN;

10/ Hội Kiến trúc sư VN;

Ngoài ra, liên hiệp còn có các hội VHNT tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng được cấp kinh phí hoạt động từ ngân sách địa phương.

Ngoài số tiền ngân sách nhà nước cấp cho các hội, đoàn để duy trì hoạt động hằng năm, các dự án của những hội, đoàn này cũng "ngốn" ngân sách không nhỏ. Có thể kể đến dự án công bố, phổ biến tài sản văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc VN do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, được Hội Văn nghệ dân gian VN thực hiện.

Dự án chia hai giai đoạn (từ năm 2008-2017) với mục tiêu sẽ công bố 2.500 tác phẩm, công trình thuộc tài sản văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc VN. Kinh phí thực hiện dự án được lấy từ ngân sách nhà nước.

Năm 2014, ông Đoàn Thanh Nô, giám đốc văn phòng dự án này, từng trả lời trên báo chí rằng hai giai đoạn của dự án này có tổng kinh phí 240 tỉ đồng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận