Câu hỏi của nhà tài trợ

DANH ĐỨC 18/06/2010 11:06 GMT+7

TTCT - Như thường lệ, các nhà tài trợ lại gặp phía chủ nhà Việt Nam vào giữa năm để phúc đáp bản kế hoạch năm tới mà Việt Nam đưa ra. Năm nay, bản kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011-2015, chiến lược phát triển 2011-2020 nhìn từ góc độ: tăng trưởng cho mọi người.

Nhắn nhủ cơ bản của các nhà tài trợ - chủ nợ là: “Các chính sách kinh tế - xã hội nên được xem như hai mặt của đồng tiền, đặc biệt để đảm bảo rằng bất bình đẳng trong cơ hội (thăng tiến) không phương hại đến sự phát triển của Việt Nam”.

Tại sao các nhà tài trợ phải một lần nữa nhắc đến “hai mặt của đồng tiền”, nghĩa là cứ phát triển kinh tế song không thể quên phát triển xã hội? Đó là do, theo họ, tới đây “sẽ có nhiều thay đổi kinh tế - xã hội sâu sắc, đặc biệt là những thay đổi về cơ cấu sản xuất và hệ thống tổ chức lao động... bên cạnh những thách thức từ bên ngoài như cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu”.

Bất bình đẳng trong cơ hội

Đến cuối năm 2009, nợ công của Việt Nam chiếm khoảng 49% GDP. 2/3 số nợ này là từ các chủ nợ nước ngoài, khoảng 1/4 số nợ là bằng tiền VND... Tổng nợ nước ngoài của Việt Nam (kể cả nợ tư) chiếm khoảng 34,4% GDP, trong đó 30,4% là nợ công.

Nhắn nhủ trên rất ý nghĩa. Từ sau gia nhập WTO, từ khủng hoảng kinh tế năm 2008 đến nay, Việt Nam vẫn bàn nhiều về “cơ hội và thách thức” từ bên ngoài như thể đó là nguy cơ lớn nhất. Thế nhưng, nay khi các nhà tài trợ đã nhấn mạnh rằng thách thức lớn nhất là những thay đổi kinh tế - xã hội sâu sắc, tức nguy cơ nội tại chứ không phải ngoại tại, ắt hẳn cần liên hệ thực tế để kiểm chứng.

Tạm lấy những gì đã diễn ra ở Tiền Giang gần đây làm ví dụ. Vì mong ước đưa cuộc thi hoa hậu thế giới về tỉnh nhà, cả một khu vực chớm nghe tin tổ chức thi hoa hậu thế giới (hụt) trong nháy mắt đã chao đảo vì những cuộc sang nhượng, thu gom đất đai.

Các diễn biến đó đã ở trong tầm kiểm soát được bao nhiêu, hậu quả như thế nào? Vấn đề không chỉ ở số tài sản của một công ty du lịch tỉnh bị “hóa giá” qua “đấu giá”, mà ở trong chiều kích con người: xóm làng, cuộc sống kinh tế - xã hội, luật pháp... tại đó đã biến động ra sao. Chưa rõ đã sơ kết, tổng kết hay chưa, song bất bình đẳng trong cơ hội ở đó khá hiển nhiên, tập trung nơi một cá nhân mua một công ty du lịch với giá bèo cùng một viên chức nhà nước làm “tổng giám đốc” thuê cho “ông chủ” kia suốt hơn một năm ròng.

Tương tự, giá đất quanh “đại thủ đô Hà Nội” đang chao đảo có phải do một sự bất bình đẳng trong cơ hội được biết những biến đổi quy hoạch đó như thế nào, theo hướng nào, thời gian nào? Đó chính là điều các nhà tài trợ lo ngại và nêu đích danh: “bất bình đẳng trong cơ hội (thăng tiến)”.

Làm thế nào để tránh được bất bình đẳng trong cơ hội? Năm nay các nhà tài trợ “hoan nghênh việc Chính phủ quan tâm đến việc đảm bảo sao cho tăng trưởng là cho mọi người... nhằm xóa đói giảm nghèo nhanh và lâu dài hơn nữa, để đảm bảo rằng người dân có thể đóng góp vào sự tiến bộ của đất nước và hưởng lợi từ đó”.

Cụm từ “tăng trưởng cho mọi người” (inclusive growth) mà các nhà tài trợ nhắc đến tự thân đối lập với “tăng trưởng cho thiểu số độc quyền” (exclusive growth). Chính do quan sát thấy một sự “tăng trưởng độc quyền” thời gian qua mà các nhà tài trợ đã rành mạch vạch ra “đảm bảo bình đẳng trong cơ hội chính là làm sao cho các cá nhân và doanh nghiệp được tiếp cận các thị trường và tài nguyên một cách bình đẳng, không phải vướng một “rừng” quy định thiên vị...”. (1)

Lấy thí dụ tài nguyên đất đai và thị trường địa ốc. Khi nào các “đại gia” dự án, “đại gia” tài chính vì lý do nào đó còn độc quyền biết trước cả mấy năm các quy hoạch, thì người dân các địa phương sẽ còn tiếp tục “biếu” cơ hội làm giàu cho người khác trên chính miếng đất của họ, mà các “cò” địa phương chỉ là lớp hưởng lợi sau cùng. Nếu không nhận chân và nhìn nhận cái bẫy cơ bản này, bất bình đẳng sẽ càng sâu sắc hơn chứ không chỉ ở khoảng cách giàu - nghèo hiện nay.

Công nghiệp hóa, đô thị hóa và "tân thất nghiệp"

Các nhà tài trợ nhất trí với vị trí các mục tiêu “công nghiệp hóa và đô thị hóa” đề ra cho giai đoạn 2010-2020. Song theo họ, tương lai sẽ không chỉ có các đô thị mới mọc lên cùng các khu công nghiệp, mà còn có “700.000 công việc đồng áng sẽ bị mất đi trong năm năm tới, kèm theo số thanh niên lần đầu gia nhập thị trường lao động”. Họ cũng cảnh báo: “Hầu như số lao động đó sẽ không có được đồng lương đủ sống do hiện thiếu vắng sách lược hướng đến các thị trường lao động mục tiêu”.

“Thị trường lao động mục tiêu” mà các nhà tài trợ nhắc Việt Nam nhắm đến trong giai đoạn “công nghiệp hóa, đô thị hóa” tới đây là gì, bao gồm những ngành nghề gì cụ thể? Chưa thấy có cuộc điều tra hay nghiên cứu nào dự báo.

Cũng như số học sinh lớp 9 không theo tiếp được lên lớp 10, số học sinh lớp 12 không vào được đại học là bao nhiêu, tích lũy mấy năm qua là bao nhiêu, hướng hàng triệu “cựu học sinh, tân thất nghiệp” đó vào đời bằng nghề gì... vẫn chưa có lời giải từ bộ chủ quản hay cơ quan liên quan.

Giáo dục - đào tạo như hiện nay đáp ứng như thế nào cho sự chuẩn bị nghề nghiệp vào đời đó? Nhìn lại mấy mươi năm loay hoay cải tổ đánh vần, thi thử, thi thật, đào tạo hàng loạt tiến sĩ... đã có bao nhiêu công phu cho dạy nghề và học nghề?

Trong bản phúc đáp, các nhà tài trợ tiếp tục đặt rất nhiều câu hỏi và nhận xét, chẳng hạn: “Chính phủ có kế hoạch gì để đo lường chất lượng tăng trưởng và tăng trưởng cho mọi người?”, “Chính phủ định áp dụng chính sách gì cùng các dàn xếp cơ chế như thế nào để cải thiện chất lượng y tế công cộng ở Việt Nam?

Chừng nào bản chỉnh sửa kế hoạch hành động “Sách lược an sinh xã hội” sẽ được công bố?”, “Có thể làm gì hơn nữa và làm cách nào để giải quyết mâu thuẫn giữa “xã hội hóa” và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản?”, “Chúng tôi e rằng các biện pháp đề ra nhằm đối phó các thách thức về ô nhiễm và tàn phá tài nguyên thiên nhiên có thể là không đủ...” (2).

Từ sau mỗi hội nghị CG giữa kỳ, chuyện vay nợ và dùng để làm gì, như thế nào... là chuyện chung. Mọi người cần được biết, cả dân chúng lẫn công chức, để cùng chia sẻ nhận thức chung “nợ để làm gì” và hành động chung “làm gì để nợ sinh lợi cao nhất cho nhiều người nhất”.

__________

1/ “Lead statement: Inclusive growth, CG meeting 9-10 June 2010”.
2/ SEDP & SEDS: Lead discussant statement, Vietnam consultative group mid-term meeting, 9 June 2010.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận