Captain America đã chết!

KHẮC THÀNH 11/07/2007 15:07 GMT+7

TTCT - Captain America là tên nhân vật chính trong bộ truyện tranh trường thiên Captain America Comics, cũng là một mẫu siêu chiến binh ở xứ sở của những siêu người hùng như Mỹ.

Phóng to
TTCT - Captain America là tên nhân vật chính trong bộ truyện tranh trường thiên Captain America Comics, cũng là một mẫu siêu chiến binh ở xứ sở của những siêu người hùng như Mỹ.

Captain America là hiện thân cho sự vinh quang cùng cay đắng của nước Mỹ 70 năm qua. Trong tập cuối bộ truyện tranh này được phát hành vào tháng 3-2007 vừa qua, Captain America đã bị ám sát. Nhưng ai giết chết được siêu người hùng này? Báo Los Angeles Times đưa ra câu trả lời bằng một tít bài lớn: “Họ đã giết Captain America!”. Họ là ai? Tại sao giết?

Diễn biến câu chuyện của Captain America, như qua bộ truyện tranh này thể hiện, đã phản ánh khá rõ tâm trạng cùng những thái độ kế tiếp nhau của nước Mỹ suốt trong nhiều thập niên qua: từ thái độ tin tưởng mà đất nước này đã trải qua vào đầu cuộc chiến tranh lạnh chuyển sang lo âu đầy mặc cảm tội lỗi vào những năm 1970, rồi lại hồi sinh với niềm tự hào quốc gia tiêu biểu trong những năm tháng dưới thời tổng thống Reagan trong thập niên 1980.

Khác với mẫu siêu nhân kiểu Superman ra đời ngay trong thời kỳ của cuộc khủng hoảng kinh tế, Captain America lại xuất hiện từ cuộc chiến đấu chống phát xít. Nhân vật truyện tranh này, do Joe Simon và Jack Kirby tạo nên, xuất hiện đầu tiên vào năm 1941, chỉ vài tháng trước khi nước Mỹ chính thức bước vào cuộc Chiến tranh thế giới lần hai.

Là một chàng trai yếu ớt, cân nặng chỉ 50kg, mang tâm trạng nhục nhã cực độ vì bị quân đội từ chối do sức khỏe chỉ được xếp vào loại “bất lực”, Steve Rogers lập tức xin tình nguyện tham gia một chương trình thử nghiệm của chính phủ do một nhà khoa học lãnh đạo mang mật danh “Pr Erskine” thực hiện, nhằm chế tạo một loại “siêu huyết thanh” để tạo nên một thế hệ lính chiến đấu mới.

Bởi vậy, Rogers được xem là một ứng viên lý tưởng cho công việc này. Anh ta được bí mật đưa đến một phòng thí nghiệm tại Washington, ở đó người ta chích cho anh ta một liều “siêu huyết thanh” rồi cho phóng xạ bằng “tia vita”. Về mặt trí tuệ, Rogers không có phát kiến gì đáng kể vượt qua được kế hoạch New Deal của tổng thống Roosevelt, nhưng về cơ bắp, anh ta có khả năng nhấc bổng những khối nặng 400kg, có một sự lanh lợi đáng sợ và một ý chí không gì chế ngự nổi, nhưng khổ nỗi lại không có chút quyền lực siêu phàm nào.

Vũ khí duy nhất của anh ta là nắm đấm và một áo giáp không gì xuyên thủng nổi. Captain America cùng người đẹp Bucky Barnes của mình được gửi đi chiến đấu chống quân phát xít, và trong suốt cuộc chiến đấu này, hai người thường xuyên hoạt động phía sau hậu tuyến của quân địch và đã bao phen giáng cho Hitler cùng bè lũ phát xít nhiều bài học đích đáng. Chỉ vào cuối cuộc chiến tranh, Rogers và Bucky mới bị rơi từ trên một máy bay phát xít xuống Bắc Băng Dương.

Trong những năm 1950, Captain America Comics chỉ phát hành được một vài số nhưng những câu chuyện phần lớn hướng vào những chuyện ghê tởm. Phải đợi đến khi Stan Lee, bằng tài năng bậc thầy về những siêu người hùng, mới có thể làm sống lại Captain America. Và thế là năm 1964, Rogers được một nhóm siêu người hùng mang tên Những kẻ báo thù phát hiện anh đang được ướp đông bên trong một khối băng trôi lang thang trên bắc Đại Tây Dương và vớt anh lên. Họ quả quyết Rogers đã rơi vào một tình trạng hôn mê sâu khiến cơ thể không hề bị lão hóa.

Rogers, lúc này là một mẫu người Mỹ bình thường hoàn hảo, phù hợp với thứ đạo đức của cuộc chiến tranh lạnh đầu những năm 1960. Anh ta chiến đấu không mệt mỏi chống lại những kẻ thù cả gan muốn xóa bỏ American way of life (lối sống Mỹ). Nhưng chỉ khi cái tầm nhìn cha chú thương hại đối với xã hội của Rogers bị tan tác bởi cuộc chiến tranh Việt Nam và sự xuất hiện của văn hóa phản chiến, truyện tranh này mới thật sự thu hút mạnh mẽ.

Giữa những năm 1970, người công dân tốt cả tin lâu nay là Rogers đã nhường chỗ cho một kẻ hoài nghi không còn chút ảo tưởng nào. Bằng trí tưởng tượng siêu phàm của mình, tác giả truyện tranh Steve Englehart lại đã dựng nên một câu chuyện, trong đó Captain America phát hiện một vụ động trời giống như vụ Watergate: một “đế chế bí mật” đang dựng nên một ủy ban khôi phục những nguyên tắc của Mỹ (Committee to Regain America's Principes, CRAP) nhái theo ủy ban tái đắc cử cho tổng thống (Committee to Re-elect the President, Creep) cho Nixon.

Diễn biến cao trào của xêri truyện tranh này là khi Captain America đột nhập Nhà Trắng để tìm cách ngăn chặn kẻ cầm đầu đế chế này, bất ngờ anh ta phát hiện kẻ cầm đầu ấy không ai khác lại chính là ngài tổng thống - tất nhiên là Richard Nixon rồi dù rằng nhân vật này không xuất đầu lộ diện đi nữa. Với trái tim tan vỡ cùng tâm trạng cay đắng, Captain America cởi bỏ áo giáp và “giã từ vũ khí” để làm một người mới với cái tên Nomad.

Giống như bao người dân Mỹ khác khi mà những lý tưởng cao cả mà họ từng tin tưởng nay đã bị hoen ố, Nomad loay hoay đi tìm bản chất thật của mình. Cuộc khủng hoảng của anh chỉ chấm dứt vào giữa những năm 1980 khi Nhà xuất bản Marvel Comics “tô vẽ” cho Nomad thành một Captain America theo xu hướng tân bảo thủ.

Và với tinh thần lạc quan và đầy tham vọng của những năm tháng dưới trào tổng thống Reagan, năm 1981, các tác giả truyện tranh đưa Captain America vào một cuộc phiêu lưu mới hùng hổ như vào những năm 1940. Trong căn phòng tại Brooklyn, Captain America đang tự hỏi giờ đây có đáng để ta làm một siêu người hùng không? Lúc này trên truyền hình bài quốc ca vang lên hùng tráng. “Đúng, rất đáng chứ sao lại không”. Captain America tự hào nói với chính mình. Phải, thời kỳ mất niềm tin đã qua rồi. Qua thật rồi.

Năm 2007, trong hóa thân cuối cùng của mình, Captain America lại biến thành một công dân vô danh tiểu tốt nhưng tràn đầy quyết tâm đấu tranh để bảo vệ các quyền tự do cá nhân, chống lại một chính quyền áp bức mà trước đây anh đã từng trung thành phục vụ. Dùng uy tín của mình, anh thuyết phục nhóm chiến đấu của mình buông khí giới đầu hàng khi anh nhận thấy họ đã hành động hồ đồ khi tàn sát bao sinh mạng và phá hủy Manhattan. “Chúng ta chẳng còn chiến đấu cho nhân dân nữa. Chúng ta đang đánh nhau thế thôi”. Một tuyên bố gợi nhắc đến rất nhiều điều trong thời kỳ chiến tranh tại Iraq.

Trong số báo cuối cùng của bộ truyện tranh trường thiên này, Captain America đã bị một kẻ bắn tỉa bí mật bắn ngã gục khi đang chuẩn bị ra trước tòa án liên bang ở Manhattan để nhận lời kết án.

Đề cập đến cái chết của Captain America, Los Angeles Times viết: “Dấu hiệu mạnh mẽ nhất về sự hoang mang đang xâm chiếm nước Mỹ không phải là tìm ở nơi những cuộc tranh luận bất tận về vấn đề Iraq đang làm xao động quốc hội, mà là ở một bối cảnh đời thường hơn, đó là vụ ám sát đẫm máu của Captain America.

Cái chết bất ngờ của Captain America - vốn cho đến gần đây còn đang chỉ huy một nhóm nổi dậy bí mật chống lại một đạo luật được phỏng theo những biện pháp do chính quyền Mỹ đưa ra sau sự kiện 11-9, một đạo luật buộc các siêu nhân phải tiết lộ danh tánh bí mật của mình - như đang bộc lộ tình cảm ngày càng lan rộng trong dư luận xã hội Mỹ cho rằng Mỹ đang quờ quạng trong cuộc chiến chống khủng bố”.

Cũng có người, như người dẫn chương trình phát thanh Mỹ Michael Medved, hiểu cái chết của Captain America như một thông điệp chống Mỹ, nhưng như Los Angeles Times, đa số đều cho rằng “sự gục ngã của Captain America là biểu tượng cho cái chết của Giấc mơ Mỹ”.

Phóng to
1941: Trong số ra mắt đầu tiên của Captain America vào năm 1941, anh chàng ốm yếu Steve Rogers đã biến thành một siêu chiến binh sau khi được chích “siêu huyết thanh”
2007: Captain America đã bị bắn chết. Liệu anh ta sẽ sống lại?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận