Hai thầy Phan nghiên cứu Huế

MINH TỰ 26/10/2003 19:10 GMT+7

TTCN - Ở Huế có một "cặp bài trùng" rất độc đáo, đó là hai thầy giáo có cùng tên Phan, tuổi cùng ngoài sáu mươi, cùng làm nên tạp chí Nghiên Cứu Huế được đánh giá rất cao, do Trung tâm Nghiên Cứu Huế (mà họ là hai thành viên nòng cốt) xuất bản. Và một sự trùng hợp thú vị nữa, cả hai thầy Phan đều mê sách, sống chết với sách, như thể số phận đã ràng buộc họ với những trang giấy thơm mùi mực in và những con chữ cổ kim đông tây ấy.

Tạp chí Nghiên cứu Huế

Thầy Châu Phan - "Nô bộc của sách"

Những ai đã từng dạy và học ở Trường trung học Hai Bà Trưng (Huế) mười năm sau ngày giải phóng hẳn đã có một ấn tượng đẹp về cái thư viện của thầy Châu Phan. Phòng đọc bốn mùa một mùi thơm tinh khiết của sách báo, thoang thoảng một giai điệu của Schubert, Betthoven dịu dàng, êm ái và trên tường là những bức tranh thiếu nữ của Đinh Cường...

Vào những năm 1975 - 1985 khó khăn, hình ảnh đó xuất hiện ở một thư viện trường phổ thông có thể nói là thật hiếm, đến mức quá lạ. Điều đó đã mang lại cho thầy trò một cảm giác lâng lâng mỗi khi bước vào thư viện, mang lại cho trường một niềm tự hào là thư viện trường phổ thông xuất sắc nhất tỉnh Bình Trị Thiên, được đi báo cáo điển hình toàn quốc, nhưng lại mang đến cho thầy Châu Phan không ít nỗi phiền toái.

Thầy Nguyễn Hữu Châu Phan
Cái thư phòng thơm tho, hấp dẫn ấy, cùng cái dáng dấp sang trọng với đôi giày láng bóng và chiếc Vespa nổ máy êm ru (giữa thời buổi "cơm thua gạo kém") đã khiến thầy bị dán mác "tiểu tư sản".

Nhiều người không ưa nhưng cũng không ngăn cản được thầy, bởi chỉ sau mấy năm về phụ trách thư viện, thầy Châu Phan đã đẩy số sách lên con số 20.000 bản, trong đó có 10.000 bản là tác phẩm văn học, khoa học tự nhiên, xã hội, kỹ thuật, ngoại văn, và hầu như không thiếu một loại báo và tạp chí nào.

Để có được như thế, thầy đã mạo hiểm lấy tiền cho thuê sách giáo khoa gửi mối lái vào tận TP.HCM, ra Hà Nội để mua các loại sách không có trong kế hoạch bao cấp.

Từ giáo viên cho đến học sinh, làm mất sách thì phải đền, đền bằng tiền thì cầm đi mua lại ngay cuốn sách đó, làm bẩn thì phạt, nợ sách thì quyết đòi cho bằng được. Giáo viên mượn sách không trả, thầy lên trước cuộc họp hội đồng đọc tên đòi nợ.

Năm 1988, trường thành lập nhà in Hai Bà Trưng và người duy nhất mà hiệu trưởng lẫn giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tin cậy giao phó điều hành không ai ngoài Nguyễn Hữu Châu Phan.

Những năm 1985 - 1990, Hai Bà Trưng là nhà in có chất lượng cao nhất khu vực Bình Trị Thiên. Khách hàng đến với nhà in ngoài sức hấp dẫn của dàn máy in offsett mới nhập về (đầu tiên ở Huế), còn vì cung cách làm việc nghiêm túc, chu đáo và sạch sẽ của ông Châu Phan. Thầy đã lấy cái phong cách chuẩn mực của mình để xây dựng nên phong cách của công xưởng, cho đến khi nó phát triển lên thành Xí nghiệp In chuyên dùng Thừa Thiên - Huế.

Có một điều khiến nhiều người đặt hết niềm tin vào thầy, đó là suốt những năm làm giám đốc ông Châu Phan không hề đụng đến một xu nào của xí nghiệp. Năm 1998, thầy Phan viết đơn xin nghỉ hưu, sau khi kiểm kê lại quĩ thời gian và những dự án của cuộc đời mình.

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, ngành Sử, được giữ lại làm trợ giảng, rồi chuyển qua Viện Hán học, vào ra tù mấy lần, cuối cùng thì vào làm chuyên viên Trung tâm Học liệu của Bộ Giáo dục (chế độ cũ), một công việc gắn liền với sách. Giải phóng, trở về làm thầy giáo dạy sử, một vài năm gì đó lại qua phụ trách thư viện (Trường Hai Bà Trưng).

Bản Souvenirs de Hué in lần đầu năm 1867 tại Paris (bên trái) và bản in lại ở Hồng Kông 1961
Hết giữ sách thì lại qua in sách, và những năm tháng còn lại thầy Phan đang dành cho tạp chí Nghiên Cứu Huế, đến nay đã ra đến số 5, và một thư viện của Trung tâm Nghiên cứu Huế, theo đúng lời di chúc của ông cụ thân sinh thầy - kỹ sư Nguyễn Hữu Đính.

Tâm huyết từ đời cha đến đời con, cùng với kinh nghiệm của mấy chục năm làm sách đã được thầy Phan dồn hết cho Nghiên cứu Huế; cộng với cái tính cẩn thận, chu toàn đến mức khó tính của thầy (mỗi số làm trong một năm để tránh sai sót) khiến cho Nghiên Cứu Huế trở thành một ấn phẩm nghiên cứu hấp dẫn, sang trọng (ảnh màu, giấy tốt, bìa do họa sĩ Bửu Chỉ thiết kế) và qui mô (trên dưới 400 trang) vào hàng nhất nước.

Độ tin cậy cao của Nghiên Cứu Huế đã thu hút sự tham gia bài vở của hầu hết các nhà nghiên cứu lớn trong nước và nước ngoài. GS Phan Huy Lê từng xuýt xoa: "Tôi ao ước Hà Nội có được một tủ sách nghiên cứu như thế".

Nhưng điều đáng nói nhất của cuốn sách này đó là nó được làm hoàn toàn bằng tiền túi của gia đình thầy Châu Phan, không nhận bất cứ một nguồn tài trợ hoặc quảng cáo nào cả.

Thầy Phan giải thích: "Để khỏi bị nhà tài trợ ràng buộc và khỏi phải đăng nhầm quảng cáo láo". Nhiều người cười ông này gàn, nhưng đó đã là tính cách của thầy Châu Phan. "Trước khi qua đời, ba tôi đã để lại một số tiền mà ông đã dành dụm cả đời và dặn chỉ để xuất bản một tủ sách nghiên cứu Huế, không được làm một việc gì khác".

Và một ý tưởng nữa dang dở từ độ nào sẽ được thầy Phan tiếp tục: một thư viện của Trung tâm Nghiên Cứu Huế sẽ ra đời vào cuối năm 2004. Hơn 10.000 cuốn sách ông cụ Đính để lại, trong đó riêng từ điển có đến 100 cuốn, với những loại quí hiếm như từ điển chim, từ điển hoa Đông Dương, Việt - Bồ - La của Bá Đa Lộc... "Tôi sẽ đặt một máy photo miễn phí để một vạn cuốn sách không nằm im lâu hơn nữa trong tủ kính ".

Thầy Tấn Phan - người chịu khó nói điều khó chịu

Thầy Hồ Tấn Phan
Nếu xem sách vở là tài sản thì ông Hồ Tấn Phan là người giàu có ở Huế, mặc dù ông đang sống trong một ngôi nhà cũ kỹ tồi tàn ở vùng trũng Bãi Dâu.

Bước vào ngôi nhà đó, người ta chỉ bắt gặp la liệt những đống sách. Nó nhiều đến độ từ sau khi bị ngâm trong nước lụt 1999 đến nay vẫn chưa khắc phục xong. Tôi trèo lên cái kho trên trần nhà, từ nhà trên cho đến nhà dưới đều ngổn ngang những đống sách chìm dưới bụi bặm.

Nhưng đừng nhầm, ở dưới đống bụi bặm ấy là những thứ "của hiếm, của độc" cả đấy. Có thể kể ra vài thứ của hiếm như: các bản Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc in trên giấy bổi từ thế kỷ 18, Souvenirs d'Annam của sĩ quan viễn chinh P. Beille, Souvenirs d'Hué của M. Đức Chaigneau bản in đầu tiên tại Paris năm 1867, Mỗi hoài ngâm thảo (thượng và hạ) của Nguyễn Thuật, Ngục trung thư của Phan Bội Châu và Từ điển Hán - Anh xuất bản ở Trung Quốc...

Còn của độc như: các châu bản giai đoạn "bốn tháng ba vua" (Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc) có chữ ký của các hoàng tử trình triều đình để phế vua và lập vua mới (trong kho lưu trữ có thể không có), Đại Nam thực lục từ thời Đồng Khánh đến Khải Định chép tay trên giấy bổi (chỉ chép có sáu bản và ông Phan có một), Việt Nam vong quốc sử bản chép tay của Phan Bội Châu, Dương Xuân Sơn chí của một nho sĩ Phật giáo chưa xác định được tên...

Cái thú chơi sách của ông đã bắt đầu từ ấu thơ, và cuốn sách đầu tiên mua lúc 5 tuổi ông vẫn còn nhớ là cuốn Quốc văn giáo khoa thư. Đến lúc đi dạy, bao nhiêu tiền lương ông đều mua sách, từ những bộ triết học hiện sinh cho đến triết học Mác - Lê Nin bằng tiếng Pháp.

Sau giải phóng, một trong những việc đầu tiên là ra miền Bắc mua sách. Ông đến hầu hết các nhà sách, các nhà xuất bản và cả phòng tư liệu của Viện Sử học để mua. Xong xuôi, ông thuê cả chiếc xe tải chở sách ra sân bay để mang vào (bằng giấy giới thiệu của UBND tỉnh).

Nhưng, điều khiến người ta nhớ lâu về ông giáo già này không phải chỉ là những cuốn sách. Trong giới nghiên cứu Huế, ông Hồ Tấn Phan là một khuôn mặt rất lạ, một giọng điệu không giống ai. Đó là một người hay phát hiện những cái sai trong các sách vở, công trình nghiên cứu của người khác, hay đặt vấn đề ngược lại với nhiều người, hay đề xuất những ý tưởng hóc búa.

Nhiều người không vui, có khi bực bội, thậm chí tức tối, nhưng không thể trách được, vì ông Phan nói không sai và nói bất vụ lợi. Chẳng hạn như trường hợp cuốn Từ điển lịch sử Thừa Thiên - Huế, nhiều người thấy sai nhưng không thấy ai nói, cho đến khi ông Hồ Tấn Phan lên tiếng một cách mạnh mẽ thì sau đó mở ra một cuộc tranh luận sôi nổi suốt đầu năm 2001. Vậy mà "tiếng thơm ai hưởng, tiếng hờn ông mang".

Ông Phan vẫn cười an nhiên: "E đó là cái nghiệp của tôi rồi. Hễ nghe thấy một cái chi đó sai, đọc thấy cái chi đó sót, là trong người cứ thấy không yên. Vậy là phải lục lọi tìm kiếm. Tìm thấy rồi mà không nói ra lại thấy như người mắc nợ".

Và một trong những món nợ như thế đã làm ông không thể yên ổn trong suốt mấy năm qua, đó là việc gọi nhầm niên hiệu thành đế hiệu của các vị vua của nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn. "Không có vua nào là vua Quang Trung trong lịch sử VN cả! - ý kiến đó của ông Hồ Tấn Phan đã làm nhiều người sửng sốt - mà chỉ có vua Thái tổ Võ hoàng đế, tức Nguyễn Văn Huệ, lên ngôi năm1789 lấy niên hiệu là Quang Trung".

Tương tự, Thế tổ Cao hoàng đế thì gọi nhầm là vua Gia Long, Thánh tổ Nhân hoàng đế thì gọi nhầm là vua Minh Mạng (Gia Long và Minh Mạng là niên hiệu do hai vua này đặt ra khi lên ngôi)...

Sự nhầm lẫn đó theo con đường sách vở và truyền bá từ thế hệ này sang thế hệ khác mà nhầm lẫn cho đến tận sau này. Ông Phan đã "níu áo" GS Phan Huy Lê đề nghị Hội Sử học đứng ra đính chính.

GS Lê và nhiều người nữa cũng thấy "món nợ" mà ông Phan nêu ra là đúng, nhưng phải chỉnh sửa thế nào đây, khi nó đã yên vị từ bao nhiêu năm rồi trong hệ thống văn bản nhà nước, sách giáo khoa, bản đồ...?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận