Tạ Nguyên Hiệp: "Tôi muốn trở thành đạo diễn giỏi"

LÂM LÊ 28/06/2011 05:06 GMT+7

TTCT - Chỉ với hai bộ phim ngắn Phía sau cánh cửa gỗ và Phía sau cái chết, dễ nhận ra ngay tố chất của một đạo diễn giàu triển vọng: Tạ Nguyên Hiệp.

Phóng to
Tạ Nguyên Hiệp - Ảnh nhân vật cung cấp

1. Sinh năm 1982, sau khi tốt nghiệp trung học, Hiệp đăng ký vào khoa quay phim của Trường cao đẳng Sân khấu - điện ảnh. Cả đầu vào và đầu ra đều đạt thủ khoa. Tốt nghiệp khoa quay phim, Hiệp tham gia một số đoàn làm phim truyền hình, rồi bỏ ngang để thi hành nghĩa vụ quân sự trong hai năm.

Chính trong giai đoạn thao trường này Hiệp nảy ra ý định học đạo diễn khi bộ phim tài liệu ngắn Sắc màu tôi yêu đoạt giải nhì cuộc thi phim ngắn do Idecaf tổ chức. Rời quân ngũ, Hiệp tiếp tục thi vào Trường cao đẳng Sân khấu - điện ảnh, lần này với chuyên ngành đạo diễn. Một lần nữa, Hiệp giữ vị trí thủ khoa cả thi đầu vào lẫn tốt nghiệp. Bốn lần đạt thủ khoa tại một trường học, Hiệp nói đùa chắc được “tổ đãi”.

Nhưng với điện ảnh, giữa học giỏi và làm giỏi là một khoảng cách khá xa. Ba năm học khoa đạo diễn, Hiệp không ít lần hoang mang khi thực hiện một bộ phim bài tập. Như lần anh thực hiện một bộ phim tài liệu ở năm thứ hai. Không muốn sa vào những khuôn mẫu mà nhiều sinh viên khác đã làm nhưng cũng rất bế tắc khi chọn một đề tài mới mẻ hay có tính đột phá, cuối cùng Hiệp kể câu chuyện của chính mình trong những ngày hoang mang đó.

Bộ phim tài liệu ngắn Câu chuyện của tôi gây ra hai phản ứng khác nhau, nhiều bạn bè của Hiệp cho đó không phải phim tài liệu, nhưng thầy giáo hướng dẫn thì khẳng định đó là một bộ phim tài liệu chân thực và thú vị. Thậm chí, thầy giáo hướng dẫn còn chấm điểm cao nhất cho bộ phim của Hiệp.

2. Từng thực hiện một vài phim tài liệu, phim hài, phim lãng mạn nhưng Hiệp cho biết phim kinh dị là niềm đam mê của anh trong giai đoạn này. Hiệp nói anh nghĩ ra những trò hấp dẫn nhanh hơn là những thứ sâu sắc. Nó như có từ trong máu vậy. Hai bộ phim kinh dị ngắn mà Hiệp đã thực hiện Phía sau cánh cửa gỗPhía sau cái chết là hai ví dụ.

Cả hai đều gây ấn tượng khá mạnh bởi cốt truyện mang hơi hướng siêu thực, tâm linh và sử dụng hiệu ứng khá tốt của thể loại phim kinh dị. Điều đặc biệt là kinh phí sản xuất của hai bộ phim này đều rất thấp, Phía sau cánh cửa gỗ chỉ tốn 3,5 triệu đồng và Phía sau cái chết có bối cảnh trải rộng hơn cũng chỉ tốn 23 triệu đồng.

Ở cả hai bộ phim, hiếm thấy những cảnh non tay trong dàn dựng hay chỉ đạo diễn xuất của Hiệp. Trong nhiều trường đoạn, Hiệp còn cho thấy sự làm chủ của mình trong cách lôi cuốn hay tạo “ép phê” cho người xem.

Phía sau cánh cửa gỗ là câu chuyện về một sinh viên thuê căn gác trọ tồi tàn của một người phụ nữ độc thân rồi phát hiện những bí ẩn khó lý giải về thân thế của cậu. Bộ phim có hơi hướng “giác quan thứ sáu” này khiến một vài khán giả yếu tim phải rùng mình. Còn Phía sau cái chết, Hiệp lấy cảm hứng từ truyện ngắn Blaze của ông vua truyện kinh dị Stephen King nhưng lồng vào đó nhiều chất liệu của đời sống Việt Nam.

Bộ phim kể về hồn ma của một tên tội phạm chuyên bắt cóc trẻ em dẫn dắt một tên khờ với ý định tiếp tục thực hiện cái ác của mình... Chất liệu dày dặn của bộ phim cùng với nghệ thuật kể chuyện lôi cuốn, đậm chất điện ảnh và thông điệp rõ ràng khiến bộ phim nhận được những phản hồi rất tốt từ người xem.

Tại Đại hội điện ảnh Việt Nam quốc tế lần 5 diễn ra ở Los Angeles, Hoa Kỳ vừa qua, Phía sau cái chết đã vượt qua nhiều bộ phim để giành giải Trống đồng dành cho phim ngắn xuất sắc nhất.

3. Mong ước của Hiệp bây giờ là được thử sức ở phim truyện dài. Tuy nhiên, anh thích thực hiện một bộ phim ở mô hình nhỏ hoặc vừa phải để làm quen tay nghề và không bị lệ thuộc quá nhiều vào nhà sản xuất.

“Tôi hoàn toàn có thể thực hiện một bộ phim truyện dài với kinh phí chỉ 500 triệu đồng và quay bằng máy HD5, và tôi cũng đang theo đuổi mục tiêu làm phim với kinh phí thấp” - Hiệp nói. Đó là lý do dù nhận được một vài lời mời làm phim truyền hình, Hiệp từ chối để âm thầm viết kịch bản cho bộ phim dài đầu tay của mình.

“Việc làm chủ một bộ phim truyện dài khó hơn một bộ phim ngắn, bởi bạn phải chứng tỏ năng lực kể chuyện, “phơi” nhân vật ra dài hơn cũng như giữ được cảm xúc cho khán giả đến phút cuối cùng. Điều mà một đạo diễn giỏi làm được là chinh phục được cảm xúc của khán giả, khiến họ khóc, cười hay sợ hãi ở những trường đoạn mà bạn tin tưởng hay mong muốn”.

Và đó cũng là điều mà Hiệp hướng đến khi chọn con đường làm đạo diễn điện ảnh...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận