Sẽ có một Donald Trump ở Đức?

LÊ QUANG 25/10/2023 10:26 GMT+7

TTCT - Bức tranh về các chính đảng Đức hôm nay nói lên rất nhiều về tình hình kinh tế - xã hội và cả tâm trạng khá ảm đạm ở đất nước đầu tàu kinh tế của Liên minh châu Âu (EU), nhưng rõ ràng đang hì hục leo dốc trong một cuộc khủng hoảng đa diện.

Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Đặc biệt, có một đảng xứng đáng được xem xét kỹ hơn dù chưa đầy 10 năm có mặt trên chính trường, thậm chí còn bị cơ quan bảo hiến liên bang xếp vào loại dân túy thiên hữu và đề nghị theo dõi chặt chẽ, nhưng được non nửa dân chúng kỳ vọng trao quyền tham gia chấp chính.

AfD: Con đường mới cho nước Đức

Ở Đức có một trò chơi nghiêm túc tên là "Nếu Chủ nhật tới đi bầu", thực ra là một dạng sơ khảo mang tính đại diện ý kiến cử tri về các chính đảng ở thời điểm hiện tại. 

Gọi là "trò chơi" vì kết quả của nó không liên quan lắm đến thực tế trên chính trường, dù nó được tiến hành bởi 7 viện nghiên cứu ý dân danh tiếng, và chắc chắn những con số đưa ra có tác dụng như một phong vũ biểu thời sự khiến (các) đảng cầm quyền tự soi gương và phe đối lập dựa vào đó để điều chỉnh hoạt động của mình.

Theo khảo sát gần nhất, 55% số người ở Đông Đức được hỏi sẽ chấp nhận một chính quyền tiểu bang có sự tham gia của Đảng Con đường mới cho nước Đức (Alternativ für Deutschland, tức AfD). Ở các bang Tây Đức cũ, tỉ lệ này là 44%. 

Năm tới sẽ có các cuộc bầu cử nghị viện bang ở Thüringen, Brandenburg và Sachsen. Theo khảo sát của infratest, AfD hiện là lực lượng mạnh nhất ở hai bang Brandenburg và Thüringen. Ở Thüringen, đảng này chiếm 34% số phiếu bầu tiềm năng, ở Brandenburg là 32%. 

Ở Sachsen, AfD chiếm 37%, vượt xa Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU, của cựu thủ tướng Angela Merkel) với 29%. Đây là những con số khiến những ai hồi 2013 còn phẩy tay khinh thường một lực lượng cánh hữu mới ló mặt, nay phải giật mình.

Với AfD, lần đầu tiên một đảng cánh hữu trong hệ thống chính đảng Đức đã có vị trí vững vàng trên toàn quốc. Bối cảnh ra đời của AfD là cuộc khủng hoảng đồng euro sau cuộc khủng hoảng thị trường tài chính quốc tế năm 2010. 

Các nhà chính trị học lúc ấy mô tả họ là một đảng bảo thủ chống lại cấu trúc EU và nêu khẩu hiệu quay về với nước Đức dân tộc chủ nghĩa. Nhưng từ 2014 trở đi, AfD bắt đầu phát triển khuynh hướng dân túy và cực đoan thiên hữu, được hậu thuẫn bởi thành công trong các cuộc bầu cử ở mấy bang Đông Đức cũ.

Ảnh: The Guardian

Ảnh: The Guardian

Như được tiếp thêm đạn

Trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2013 và cuộc bầu cử nghị viện ở bang Hessen cùng ngày, AfD với 4,7% số phiếu suýt lọt vào cơ quan quyền lực cao nhất (ngưỡng là 5%). 

Bù lại, chiến thắng của AfD trong cuộc bầu cử châu Âu vào tháng 5-2014 còn vang dội hơn, khi AfD nhận được 7,1% phiếu bầu và cử hẳn 7 thành viên vào Nghị viện châu Âu. Đồng thời, nhiều ứng viên AfD cũng tham gia các hội đồng địa phương và hội đồng thành phố tại 10 bang của Đức.

16 năm trị vì của bà Merkel để lại khá nhiều ngổn ngang, và việc đảng của bà mở toang biên giới cho dòng người tị nạn hơn 1 triệu người từ Trung Đông đã bị AfD tận dụng để lấy lòng những người dân Đức lo lắng cho hệ thống an sinh xã hội bị thâm hụt nặng. 

Chiến sự ở Ukraine cũng góp thêm 1,5 triệu người lánh nạn nữa. Đây là mảnh đất màu mỡ cho các khẩu hiệu dân túy, giống như Donald Trump tiến vào Nhà Trắng nhờ tự nhận là đại diện cho lớp người "bị bỏ rơi" trong xã hội Mỹ hồi 2015-2016. 

Ông nhanh mắt nhận ra nhiều cử tri ít bận tâm tới bất bình đẳng kinh tế gia tăng ở Hoa Kỳ, mà chỉ căm ghét hệ thống kinh tế toàn cầu hóa dường như đang dần cướp đi bản sắc của tầng lớp lao động và tầng lớp đáy trung lưu ở Mỹ. 

Ở Đức, AfD cũng nhận ra tâm trạng bất bình của lớp cử tri trung lưu đang vật vã với hậu quả của khủng hoảng kinh tế và đại dịch Covid-19, nay lại phải chia sẻ miếng bánh với các thành viên mới của EU và người tị nạn.

AfD học từ ông Trump cách điều chỉnh thông điệp cho phù hợp với những kẻ thua cuộc trong toàn cầu hóa. Số lượng những người "bị bỏ rơi" này tăng đều đặn, đặc biệt là từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khiến đời sống người lao động đặc biệt khó khăn. 

Cuộc suy thoái do Phố Wall gây ra đã xóa sổ hơn 5 triệu việc làm, bắt 91.000 nhà máy phải đóng cửa và khiến nước Mỹ thiệt hại tới 25 nghìn tỉ USD. AfD cũng không làm gì khác: chính sách mà họ theo đuổi là đổ tội cho EU và toàn cầu hóa, do đó phải khôi phục nước Đức trước khi có EU, xóa bỏ đồng euro... Khẩu hiệu ấy được lòng khá nhiều cử tri.

Tấm gương Donald Trump

Trong chiến dịch tranh cử, Trump tìm sai lầm của chính phủ Obama trong các hiệp định thương mại tự do như NAFTA, được ký kết giữa Mexico, Canada và Mỹ vào năm 1994. Theo Cơ quan Nghiên cứu quốc hội, tác động của nó với nền kinh tế Mỹ chỉ ở mức vừa phải. 

Trong những thập niên gần đây, nhiều công ty Mỹ đã chuyển cơ sở sản xuất sang các nước lương thấp, phần lớn việc làm trong ngành sản xuất rơi vào tay Trung Quốc (3,7 triệu kể từ năm 2001). Nhưng NAFTA và Phố Wall là những vật tế thần lý tưởng trong tay ông Trump. 

NAFTA là biểu tượng hoàn hảo của quá trình toàn cầu hóa tràn lan, không chỉ gây tổn hại về kinh tế cho người lao động Mỹ mà còn xóa đi bản sắc của họ do sự di chuyển tự do của con người và hàng hóa.

Trump cũng chỉ hâm lại các bài học lịch sử: Hoa Kỳ, tùy theo sự trồi sụt của kinh tế, luôn tìm ra những kẻ gánh tội hộ mình. Năm 1882 nước Mỹ có "Luật loại trừ người Hoa" nhằm đình chỉ việc nhập cư người Trung Quốc. 25 năm sau, một quy định tương tự được áp dụng cho người Nhật. 

Năm 1924, một hệ thống quota được đưa ra để chặn người nhập cư Tây Âu. Ngay cả khi bất bình đẳng kinh tế tiếp tục tồn tại, người ta hy vọng sẽ ve vãn tầng lớp nông dân và công dân Mỹ.

AfD cũng vậy. Là đảng đối lập trong nghị viện, họ đề nghị lập quota cho nạn nhân chiến tranh và hạn chế họ đưa gia đình sang Đức đoàn tụ. Sẽ không có gì lạ khi những khẩu hiệu tranh cử ấy tìm được người ủng hộ trong tương lai gần.

Ảnh: Time.com

Ảnh: Time.com

Làn sóng tị nạn chưa dứt

Sau một thời kỳ gượng dậy từ đại dịch Covid-19, năm nay dự đoán kinh tế Đức sẽ suy thoái chừng 5%. Và lý do không chỉ nằm ở một vài hiện tượng như AfD.

Ngày càng nhiều người tị nạn đến châu Âu, chủ yếu là những người chạy trốn cuộc chiến ở Ukraine. Hơn 7,7 triệu người từ Ukraine đã đệ đơn xin tị nạn ở châu Âu từ tháng 2-2022 (tính đến 19-10-2022). 

Họ tìm cách sang Ba Lan, Cộng hòa Czech, Bulgaria, Slovakia, Moldova... và một số lớn đến Đức, có lẽ cũng vì chế độ an sinh xã hội tốt. Người Đức vốn được tiếng bảo thủ và ngại đổi mới: họ cãi nhau từ 2015 về một điều luật cấm người xin tị nạn đi làm, và cho đến nay những đối tượng này vẫn ngồi chơi xơi nước lĩnh tiền chừng nào đơn tị nạn chưa được xử lý, thay vì đi lao động để tự nuôi thân trong khi nước Đức than vãn về 400.000 vị trí làm việc không có nhân lực.

Từ vài tháng nay, số người xin tị nạn đã đến Đức nhiều hơn đáng kể. Trong 8 tháng đầu năm 2023, Đức nhận hơn 200.000 đơn tị nạn, gần như bằng mức cùng kỳ năm ngoái. 

Vì hơn 1 triệu người tị nạn đã được nhận vào Đức kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, Đức thiếu nhà ở trầm trọng. Tâm trạng bức xúc của người bản địa cũng dễ hiểu khi đột nhiên mọi dịch vụ bị đình trệ, nhất là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, ở trường học, nhà trẻ.

Ở một số địa phương, cư dân phản đối kế hoạch của chính quyền lấy hết câu lạc bộ, phòng thể thao, nhà văn hóa để làm chỗ ở tập thể cho người xin tị nạn. Tâm trạng bức xúc ấy không chỉ bùng lên bên bàn bia!

Thực ra AfD không quá vất vả trong vận động tranh cử. Họ đã công khai nhắc đến một thủ tướng tương lai có thẻ đảng AfD. ■

"Người dân sẽ phát điên khi thấy 300.000 người xin tị nạn đã bị bác đơn nhưng họ không rời khỏi Đức, được hưởng đầy đủ phúc lợi, được chăm sóc y tế, được đến bác sĩ chữa răng, trong khi người dân Đức không nhận được một buổi hẹn để đến khám"

Chủ tịch Đảng CDU Friedrich Merz phát biểu trong một cuộc thảo luận về chính sách di cư trên truyền hình

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận