Những nhà văn trẻ da đen

KHẮC THÀNH TỔNG HỢP 21/08/2007 02:08 GMT+7

TTCT - Với sự cáo chung của chủ nghĩa apartheid, các nhà văn trẻ da đen đang có cơ hội để khẳng định mình trên sân khấu văn học của một đất nước Nam Phi mới. Họ sục sạo, tìm nguồn cảm hứng trong những vấn đề của một xã hội đã được giải phóng...

Phóng to
Niq Mhlongo
TTCT - Với sự cáo chung của chủ nghĩa apartheid, các nhà văn trẻ da đen đang có cơ hội để khẳng định mình trên sân khấu văn học của một đất nước Nam Phi mới. Họ sục sạo, tìm nguồn cảm hứng trong những vấn đề của một xã hội đã được giải phóng...

Từ sau sự cáo chung của chủ nghĩa apartheid, các nhà văn da đen mới trở thành tâm điểm của báo chí cùng dư luận trong và ngoài nước bởi người ta hi vọng họ sẽ viết nên trang sử mới cho Nam Phi, trang sử về sự trưởng thành chính trị, xã hội và kinh tế của 80% dân số mà không lâu trước đây còn bị tước đoạt quyền đại diện.

Niq Mhlongo

“Đây là thời điểm lý tưởng cho một nhà văn da đen của Nam Phi. Trước đây, phần lớn các nhà văn da đen tiến bộ đều quan tâm đến chính trị là chủ yếu, nhưng nay người ta có thể nói đến mọi sự - từ nạn dịch HIV/AIDS, nghèo đói, tội phạm, bài ngoại, tình trạng thất nghiệp”. Mhlongo

Niq Mhlongo đang là một trong những tiếng nói hăng hái nhất trên sân khấu văn học Nam Phi thời kỳ hậu - apartheid. Anh sinh ra trong một gia đình nghèo ở Soweto vào thời kỳ apartheid, lớn lên trong nền văn hóa hậu - apartheid, thời kỳ mà những cơ hội đang mở rộng. Anh đã nhanh chóng gia nhập tầng lớp trung lưu da đen đang ngày càng lớn mạnh dù hiện còn là một phân khúc mới mẻ và nhỏ bé trong xã hội.

Và anh cùng nhiều nhà văn trẻ da đen khác đang mang trên đôi vai những hi vọng - mà cũng là trách nhiệm - về tương lai của đất nước mình. Trong tiểu thuyết đầu tiên mang tên Dog Eat Dog (Chó sói ăn thịt chó), xuất bản năm 2004, Mhlongo, giờ đã 33 tuổi, đề cập những lo âu của thế hệ mình, thế hệ những đứa trẻ đầu tiên trong gia đình được bước chân vào đại học, đang tự hỏi rồi sẽ kiếm sống ra sao, đang lo sợ sẽ làm thất vọng bao chờ đợi của gia đình và nhất là của đất nước mình.

Lấy bối cảnh năm 1994 khi cả đất nước Nam Phi say sưa với cuộc bầu cử đầu tiên, Dog Eat Dog kể lại câu chuyện của Dingamanzi Njomane, một cậu bé lanh lợi của những khu phố da đen, đã nỗ lực vượt lên số phận để bước chân vào Trường đại học Witwaterstrand ở Johannesburg. Khi biết mình không hội đủ các tiêu chuẩn để được học bổng, cậu ta đã chạy xổ vào phòng nhân sự, hét vào mặt bà nhân viên da trắng phụ trách hồ sơ học bổng, rồi kể cho bà hiệu trưởng nghe về hoàn cảnh gia đình mình với người mẹ già, góa bụa đang phải lo chín cái miệng ăn bằng số tiền hưu nhỏ nhoi, mà giờ người ta lại còn cúp điện nhà mình.

Lớn lên tại Soweto, Mhlongo không biết tiếng mẹ đẻ. Anh hiện viết bằng tiếng Anh, nói bằng tiếng zoulou và sotho với bạn bè mình, còn láp dáp một chút tiếng afrikaan. Anh là đứa con thứ bảy trong một gia đình có chín anh em sinh ra trong thời gian từ cuối những năm 1950 đến cuối những năm 1970. Khi anh còn nhỏ, cha anh đã qua đời.

Đồng lương của một người tạp dịch bưu điện như ông cùng của các anh trai mình chỉ đủ cho gia đình tồn tại, “có cái để cho vào bụng thôi, chứ nước giải khát còn là thứ xa xỉ”. Tháng 10-1990, anh thi rớt tú tài, một thất bại mà như anh giải thích là do cung cách làm việc khác nhau, trường học lúc ấy lại phải đóng cửa khi Mandela được trả tự do vào tháng hai năm đó. Con đường học hành của Mhlongo sau này cũng gập ghềnh.

ạt đầu anh theo học văn chương Nam Phi và khoa học chính trị tại Witwaterstrand, rồi đăng ký theo học luật tại Cap. Anh bỏ dở và thú nhận: “Tôi cảm thấy chán nản”. Bởi vậy, anh quay sang viết tiểu thuyết. “Tôi may mắn được một nhà xuất bản đầu tiên nhận xuất bản ngay khi tôi đem bản thảo đến”. Tiểu thuyết thứ hai của anh, dự kiến xuất bản trong năm 2007, đề cập những áp lực của gia đình buộc anh phải học đại học. Tựa tạm thời của nó có tên After tears (Sau than khóc) làm liên tưởng đến một nghi thức đã trở thành cột trụ cho cuộc sống xã hội ở những thị trấn người da đen: một đêm liên hoan tưng bừng để tưởng nhớ đến người đã qua đời mà người ta vừa chôn cất.

K. Sello Duiker, Phaswane Mpe và...

Hai thành viên khác của lớp nhà văn này đã qua đời trong những năm vừa qua: K. Sello Duiker tự sát vào năm 30 tuổi, còn Phaswane Mpe cũng qua đời ở tuổi 34 có lẽ là do bệnh AIDS. Trong tác phẩm được xuất bản năm 2001 mang tên Welcome to our Hillbrow (Hân hạnh đón tiếp ở Hillbrow), Mpe mô tả sự hoang mang cùng nỗi thất vọng của những nông dân đã rời bỏ vùng quê để kéo đến Hillbrow tìm sống cuối những năm 1990. Hillbrow là một khu phố nghèo nằm ngay trung tâm Johannesburg với những tòa nhà lớn ở đó sống chen chúc những di dân từ khắp các nước châu Phi.

Trong văn học Nam Phi, Hillbrow là biểu tượng cho sự khủng khiếp và sự hứa hẹn của một đất nước Nam Phi mới. Mpe từng giảng dạy tại phân khoa văn học Nam Phi của Trường đại học Witwaterstrand, cũng đã rời bỏ làng quê để đến Johannesburg. Trong tác phẩm của mình, anh đề cập vấn đề HIV/AIDS và chú tâm mô tả sự xung đột giữa tính di động kinh tế của thị dân và những niềm tin truyền thống mà di dân nông nghiệp đã mang theo vào môi trường đô thị.

Còn K.Sello Duiker lại là một thị dân. Anh lớn lên ở Soweto trong một gia đình trung lưu, cha mẹ từng theo học đại học. Duiker học tiểu học ở một thị trấn người da đen vào những năm 1980 rồi trở thành một trong những học sinh da đen đầu tiên theo học tại Trường Redhill, một trường tư thục cấp tiến dành cho các phần tử ưu tú là con cái của những người da trắng, nhưng con đường của anh ở đây cũng đầy trắc trở.

Tiểu thuyết đầu tay Thirteen cents (13 xu) xuất bản năm 2000 của anh kể lại câu chuyện một cậu bé đi làm điếm cho những gã đàn ông da trắng ở thành phố Cap. Cuốn tiểu thuyết thứ hai của anh, The quiet violence of dreams (Bạo lực êm ả của những giấc mơ) ra mắt công chúng năm 2001 mang tham vọng là một cuộc phân tích hiện trạng xã hội. Cuốn sách kể lại câu chuyện của Tshepo, một sinh viên da đen bị đưa vào bệnh viện tâm thần, ở đó anh ta được xét nghiệm là mắc “chứng loạn tâm thần do chất gây ghiện” làm mất đi mối liên hệ với cuộc sống, sự dao động bên trong nạn nhân phản ánh sự hỗn loạn của xã hội.

uối cùng anh ta đi làm điếm. Cuốn tiểu thuyết khảo sát cách thức mà những người da đen và da trắng tìm gặp lại nhau như thế nào trong một nền văn hóa tiêu thụ. Duiker viết: “Khi bạn bước đi trên những con phố nào đó của Cap, chẳng ma nào cần để tâm xem bạn là da đen hay da trắng và bạn có được mẹ mình gửi vào một trường tư để bạn nói năng cho đúng phép không. Đếch ai quan tâm xem da bạn trắng, cha bạn có đối xử tồi tệ với các đồng nghiệp ở nơi làm việc và đối xử với họ như những kẻ nô lệ khi ở nhà như thế nào. Trên sàn nhảy... điều quan trọng duy nhất là bạn có biết nhảy không và nhảy đẹp ra sao thôi”.

Với cuộc đời ngắn ngủi, Duiker đã như một ánh sao băng dành toàn bộ ánh sáng của nó để làm một người phát ngôn cho thế hệ không hài lòng của mình. Fred Khumalo, phóng viên tờ Sunday Times đồng thời là nhà văn, tác giả cuốn tiểu sử viết về những năm tháng đấu tranh chống chủ nghĩa apartheid mới xuất bản gần đây, nói: “Có lẽ trong một ý nghĩa nào đó chúng ta đã giết chết anh ấy. Chúng ta đã đưa anh lên bệ cao rồi trút hết cho anh mọi áp lực bởi vì chúng ta quá kỳ vọng vào anh”.

Mhlongo tâm sự: “Mpe và Duiker đã dám đề cập những chủ đề mới có ý nghĩa đối với đất nước Nam Phi hôm nay - đồng tính luyến ái, những kẻ lang thang, bài ngoại. Mọi người nay đang kỳ vọng chúng tôi sẽ lấp đầy sự trống vắng đã để lại và sẽ khám phá nhiều hơn nữa những chủ đề còn tương đối hiếm hoi trong văn học Nam Phi trước đây”.

Tận dụng tự do

Những năm gần đây, Mhlongo đã xuất hiện nhiều trên những văn đàn ở nước ngoài như ở Hà Lan, Bỉ, Đức, Mỹ cùng nhiều nước châu Phi. Tiểu thuyết Dog Eat Dog của anh được xuất bản ở Tây Ban Nha. Mùa hè năm 2005, Mhlongo đã đến Tây Ban Nha nhận giải thưởng văn học của đất nước này.

Nhưng nếu như Mhlongo là một tác giả thành công tại nước ngoài thì tại Nam Phi, những con người mà anh đề cập lại không nhất thiết đã đọc những tác phẩm của anh. Ở Soweto, Dog Eat Dog chỉ được bày bán tại một điểm duy nhất lại rất chọn lọc là thư viện của bảo tàng Hector Pieterson.

Bảo tàng này nằm trong một tòa nhà lớn, nơi thường tổ chức các cuộc triển lãm ảnh về lịch sử của Soweto nhằm cho đối tượng là khách nước ngoài hơn là người dân trong nước. Ở Nam Phi, văn chương còn là một món hàng xa xỉ. Giá một cuốn sách hiện còn cao - một cuốn sách thuộc loại bỏ túi giá đến 20 USD trong khi thu nhập bình quân đầu người chưa đến 5.000 USD. Nhưng trở ngại chính cho việc tiếp cận với nền văn hóa đọc ở Nam Phi là tình trạng mù chữ.

Khác với thế hệ các nhà văn thời apartheid, thế hệ các nhà văn trẻ da đen của Nam Phi hiện nay không được nuôi dưỡng bởi lòng căm phẫn đối với một chính quyền đã phá sản về mặt đạo đức, nhưng nó lại bị gặm nhấm bởi một câu hỏi đầy khắc khoải là làm thế nào để tận dụng được nền tự do mà thế hệ mình đang được thừa hưởng?

Xã hội & văn học

Hiện nay sự phân biệt chủng tộc vẫn đang luôn tồn tại ở Nam Phi “dù nó không còn được thiết chế hóa và hiển hiện như trước kia nữa”. Nhưng như qua những gì được viết trong tác phẩm của các nhà văn trẻ da đen, thời kỳ của văn học đấu tranh đã qua rồi ở Nam Phi. Đất nước này giờ đang phải đối mặt với những mâu thuẫn nảy sinh trong một xã hội đã được giải phóng. Hố ngăn cách sắc tộc đã bị xóa bỏ bằng quyền lập pháp để nhường chỗ cho hố ngăn cách kinh tế vốn lại trùng khớp với những lằn ranh sắc tộc.

Trong sâu thẳm, mọi người đều cảm thấy bất định về vị trí của mình. 4/5 người Nam Phi là da đen, 1 trong 4 người thất nghiệp và ít nhất 1/9 người là dương tính với AIDS. Tội ác và trộm cắp thuộc vào hàng những nước cao nhất trên thế giới. Nam Phi ngày nay đang trải qua cảm nghiệm về một nền dân chủ đa văn hóa, ở đó quyền lực có màu đen, còn tiền bạc có màu trắng, ranh giới giữa ý thức trách nhiệm và nạn vơ vét vẫn còn mập mờ, di động. Hiến pháp năm 1996 đã tuyên cáo: “Đất nước Nam Phi thuộc về tất cả những ai đang sinh sống trên mảnh đất này, được thống nhất trong sự đa dạng của chúng ta”. Đó là một sự thống nhất đang “quá độ”, nghĩa là không còn là trên bề mặt nhưng cũng chưa là một nền tảng.

Văn học Nam Phi cũng đang phản ánh hiện trạng sức khỏe của nền văn hóa đất nước mình trên nhiều mặt. Năm 1985, nhà văn đoạt giải Nobel văn chương J.M. Coetzee đã khẳng định “một tác phẩm lớn của Nam Phi” giống như Chiến tranh và hòa bình của nước Nga... là không thể viết nổi. 12 năm sau khi chế độ apartheid cáo chung, sân khấu văn học của Nam Phi vẫn còn manh mún, các nhà văn vẫn còn chủ yếu khám phá những kinh nghiệm sắc tộc của riêng mình.

Sách chưa bao giờ được in nhiều hơn trước như thế, nhưng ít có tác phẩm nào gây được tiếng vang trên cả nước, điều này một phần là do Nam Phi đã chuyển từ một nền văn hóa đấu tranh sang một nền văn hóa tiêu dùng mà ở đó, tiểu thuyết nắm giữ một vai trò ít mang tính sống còn hơn. Nhà văn da trắng Nam Phi Damon Gagut, một nhân vật hàng đầu của văn học Nam Phi, tự hỏi: “Làm thế nào cầm bút lại được đây? Văn học đấu tranh đã không còn, đơn giản là vì chẳng còn gì để chống lại cả”. Người ta giờ đây không còn tìm cách phát hiện tác phẩm lớn của Nam Phi nữa mà là tìm cách phát hiện nhà văn da đen lớn của Nam Phi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận