Những cô gái Syria ở Hà Nội

QUANG PHÙNG 20/04/2017 13:04 GMT+7

TTCT - Trên số báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần vừa rồi, tôi rất thích những bài viết về Syria. Vì vậy, tôi xin gửi đến mấy tấm ảnh và câu chuyện mà tôi ghi được bên bờ hồ Gươm hôm thứ bảy 8-4.

Tác giả Quang Phùng và các cô gái Syria bên hồ Gươm-Quang Phùng
Tác giả Quang Phùng và các cô gái Syria bên hồ Gươm-Quang Phùng

 

Dù đã hơn 80 tuổi, nhưng tôi vẫn cố duy trì mỗi ngày bách bộ quanh hồ Gươm mỗi khi sức khỏe không quá tệ. Hôm ấy, tôi gặp một nhóm chừng 20 cô gái cao lớn, xinh đẹp, mặc áo tím rực rỡ. Không khó lắm để biết họ từ đâu đến, khi sau lưng áo các cô có in chữ “Syria”.

Vốn có một thời gian công tác ở Đại sứ quán Iraq tại Hà Nội, nên tôi biết đôi chút tiếng Ả Rập. Vì vậy, khi gặp các cô gái này, tôi bèn nói “Shalam Alekum” - một lời chào kính trọng, yêu thương mà người dân Ả Rập hay dùng.

Nghe một ông già Việt Nam râu tóc bạc phơ chào như thế, các cô vui hẳn lên, tíu tít đứng quanh tôi chụp hình.

Tuy nhiên, vốn tiếng Ả Rập của tôi không nhiều, vốn tiếng Anh của các cô ấy cũng vậy nên cuộc trò chuyện sau đó chủ yếu diễn ra giữa tôi với Jumaa - theo tôi biết là trợ lý HLV, một cô gái xinh đẹp, cao lớn.

Jumaa nói với tôi đa số tuyển thủ của đội bóng đá nữ Syria đến Việt Nam thi đấu vòng loại châu Á đều là sinh viên, họ không hề có một ngày tập luyện cùng nhau trước khi đến Việt Nam.

Có lẽ vì vậy mà họ đá bốn trận thì thua cả bốn, không ghi được bàn thắng nào, thủ môn phải 38 lần vào lưới nhặt bóng.

Nhưng không sao, Jumaa bảo rằng họ không đến với giải đấu này để tìm kiếm chiến thắng. Mục tiêu của các cô gái Syria xinh đẹp khi đến Việt Nam dự vòng loại châu Á là để cho bạn bè quốc tế biết rằng có một nước Cộng hòa Syria đang tồn tại.

Các cô hỏi về hồ Gươm, tôi kể sự tích trả gươm và bảo người Việt rất yêu chuộng hòa bình, sau khi kết thúc chiến tranh chống ngoại xâm là “giã từ vũ khí” để xây dựng đất nước. Chính vì vậy, Hà Nội mới được gọi là “Thành phố vì hòa bình”.

Các cô gái Syria rất thích thú và nói họ sẽ mang câu chuyện hồ Hoàn Kiếm về “làm quà” cho người thân, đồng thời ước ao Syria sớm được như Hà Nội, Việt Nam.

Họ rất thích thú khi nghe tôi giải nghĩa ba từ “Tả thanh thiên” ở tháp Bút, nói về sự chuộng học hành, nâng cao dân trí của dân tộc Việt Nam. Tôi tiếc là không đủ sức khỏe để đi cùng các cô gái Syria đến những chốn nổi tiếng của Hà Nội, để “món quà câu chuyện” của họ thêm phong phú.

Vì Almillaa - cô gái trẻ nhất đội - giải thích về việc tại sao họ đua nhau chụp ảnh selfie: “Tụi cháu muốn mua quà về cho người thân nhưng không có tiền. Vì vậy, chụp ảnh mình với những cảnh đẹp Hà Nội để về làm quà vậy”.

Các cô rất muốn mua cho mình một chiếc nón lá làm quà, nhưng khi nghe người bán bảo 50.000 đồng/chiếc thì tất cả đều lắc đầu vì trong túi mỗi người chỉ có 20.000 đồng Việt Nam! Tiếc cho ông già này hôm ấy đi ra phố cũng chẳng có tiền trong túi, nếu không tôi đã tặng mỗi cô gái Syria một chiếc nón lá Việt Nam!■

Nếu các đội Việt Nam, Singapore, Myanmar, Iran đều in tên cầu thủ sau lưng thì Syria chỉ có một tên chung: Syria!-Minh Hoàng
Nếu các đội Việt Nam, Singapore, Myanmar, Iran đều in tên cầu thủ sau lưng thì Syria chỉ có một tên chung: Syria!-Minh Hoàng
Trợ lý HLV Jumaa -Minh Hoàng
Trợ lý HLV Jumaa -Minh Hoàng
Trong trận thua tuyển Việt Nam 0-11!-Minh Hoàng
Trong trận thua tuyển Việt Nam 0-11!-Minh Hoàng

 

Và trận thua nhẹ nhất trước Singapore 0-1 -Minh Hoàng
Và trận thua nhẹ nhất trước Singapore 0-1 -Minh Hoàng

 

Say mê selfie ở đền Ngọc Sơn-Quang Phùng
Say mê selfie ở đền Ngọc Sơn-Quang Phùng

Selfie để làm quà Hà Nội cho người thân-Quang Phùng

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận