​NHẦM LẪN Y KHOA, BAO GIỜ CHẤM DỨT?

Năm 2014 là một năm không bình yên với nhiều tai nạn và sự cố nghiêm trọng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong ngành y, những vụ nhầm lẫn liên tiếp xảy ra, hoặc trên số lượng lớn, hoặc gây hậu quả nghiêm trọng... là những trường hợp gây ảnh hưởng xấu trong dư luận và đặt ra nhiều câu hỏi cho các nhà lãnh đạo.

Thử điểm qua một số vụ tiêu biểu: ba cháu bé khỏe mạnh được tiêm thuốc giãn cơ Esmeron thay vì văcxin viêm gan B. Y tá đã thừa nhận lấy nhầm thuốc do bị cúp điện nên không đủ ánh sáng khi lấy thuốc. Một cháu bé 7 tháng tuổi, điều trị viêm phổi và nhiễm trùng tiêu hóa tại một bệnh viện đã bị tiêm nhầm Ventoline thay vì nước cất.

Vụ 60 trẻ bị tiêm nhầm nước cất thay vì tiêm văcxin sởi - rubella. Vụ 31 thai phụ bị tiêm nhầm văcxin DPT ngừa bạch hầu, uốn ván, ho gà thay vì văcxin AT phòng uốn ván...

Xem nhẹ quy trình

Nếu tìm hiểu từng trường hợp cụ thể, chúng ta có thể thấy những nguyên nhân cá biệt như: cúp điện nên không đủ ánh sáng, làm thay vì nhân viên chuyên trách đi vắng, ngộ nhận vì ống tiêm không dán nhãn, sắp xếp văcxin ở đáy phích nên bị bỏ sót...

Tuy nhiên, tất cả nguyên nhân cá biệt trên đều có thể xuất hiện trên nền một nguyên nhân chung: các cán bộ y tế đã không tôn trọng quy trình “3 tra 5 đối”, bao gồm “3 kiểm tra”: 1. Họ tên bệnh nhân, 2. Tên thuốc, 3. Liều lượng thuốc; “5 đối chiếu”: 1. Số giường, 2. Nhãn thuốc, 3. Chất lượng thuốc, 4. Ðường dùng thuốc, 5. Thời gian dùng.

Tất cả đều vi phạm về kiểm tra nhãn thuốc: Esmeron thay vì văcxin viêm gan B, văcxin bạch hầu uốn ván ho gà thay vì uốn ván, Sterile water thay vì Measle and Rubella vaccine - trong trường hợp này là tiếng Anh, và cuối cùng là sử dụng một ống tiêm không nhãn thuốc mà không rõ nguồn gốc.

Nếu cả bốn trường hợp đều do không kiểm tra nhãn thuốc, có nghĩa về bản chất đây là một lỗi hệ thống. Các quy định của ngành đã không đủ để buộc người thực hiện theo đúng các quy trình. Các chương trình đào tạo y tế đã không đủ để tạo một thói quen bản năng cho nhân viên y tế thực hiện các bước cần thiết trong hoạt động hằng ngày.

Trên thực tế, không có quy trình nào đảm bảo an toàn 100%. Ngay tại Mỹ, nơi mà các nhầm lẫn y khoa được xử lý nghiêm ngặt và rất nhiều chương trình được đưa ra nhằm ngăn ngừa, những vụ việc như cắt nhầm thận lành, thận bệnh vẫn tiếp tục xảy ra hằng năm.

Cũng như vậy, nếu quy định “3 tra 5 đối” chỉ được coi là hình thức và bị xem nhẹ, hoạt động y tế hằng ngày chỉ dựa vào yếu tố quen việc, quen tay thì khi một yếu tố thúc đẩy xuất hiện, nhầm lẫn y khoa sẽ xảy ra.

Mọi quy trình làm việc chỉ hoàn hảo nếu được viết ra và kiểm tra bởi những người trực tiếp thực hiện. Các quy trình của Bộ Y tế chỉ là khung cơ bản, mỗi cơ sở đều có những đặc thù khác nhau về điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực.

Chính các nhà quản lý phải xem lại, cần bổ sung những gì tại cơ sở mình. Chắc chắn Bộ Y tế không thể nêu ra quy trình tiêm văcxin khi bị cúp điện, nhưng chính nhà quản lý cơ sở phải biết đánh giá việc tiêm văcxin trong điều kiện đó có an toàn không hay cần phải ngưng ngay và chờ khi lưới điện phục hồi. Việc giữ văcxin và thuốc gây mê cùng một chỗ là một vi phạm quá rõ ràng và chắc chắn đã không xảy ra khi sở y tế kiểm tra để cấp giấy phép tiêm chủng.

Ở Việt Nam, điều kiện cơ sở vật chất không đủ và tình trạng bệnh nhân luôn quá tải là mảnh đất màu mỡ cho các nhầm lẫn y khoa phát sinh. Ngoài các cơ chế giám sát và trừng phạt, các nhà quản lý hãy chú tâm vào việc hoàn thiện hệ thống và quy trình của mình, đừng tạo cơ hội cho các nhầm lẫn xảy ra vì hầu như chắc chắn nó sẽ xảy ra, không sớm thì muộn.

Loại trừ mối nguy tiềm ẩn

Những sự việc nêu trên thật ra chỉ là phần nổi của tảng băng. Cần nhớ đây chỉ là những vụ việc xảy ra với số lượng lớn, hoặc gây hậu quả nghiêm trọng nên đã bị phát hiện và tìm được nguyên nhân. Có bao nhiêu vụ nhầm lẫn khác xảy ra với các loại thuốc khác và không bị phát hiện?

Không ai có được con số chính xác nhưng nó vẫn đang xảy ra mỗi ngày tại các cơ sở y tế từ lớn đến nhỏ. Những hậu quả trực tiếp của nó là rất rõ ràng, không thể chối cãi.

Cái mất mát lớn hơn nhiều là sự mất lòng tin của người dân đối với ngành y tế nói chung và cán bộ y tế nói riêng. Tất nhiên, có nhiều lý do nhưng sự mất lòng tin - hay mất sự tôn trọng - đối với ngành y có thể là một yếu tố góp phần dẫn đến sự bạo hành đối với ngành y đang ngày càng gia tăng, một báo động khác của ngành y tế?

Cùng với sự mất lòng tin vào ngành y là sự mất lòng tin vào các chiến lược y tế, ngay cả những sản phẩm vốn được coi là cứu tinh của nhân loại chống lại bệnh tật: các văcxin? Dù phương châm hoạt động Bộ Y tế đưa ra “lấy người bệnh là trung tâm” vẫn là chủ đạo, nhưng có lẽ một trong những mục tiêu cụ thể trong năm 2015 nên tập trung vào việc phòng chống các nhầm lẫn y khoa.

Phải thấy ngành y là một ngành đặc thù và mỗi sai lầm của nó đều dẫn đến hậu quả là một con người, hay đôi khi là cả một thế hệ. Cần có những chương trình, những hoạt động cụ thể rà soát lại tất cả hoạt động y tế để tìm ra những rủi ro trước khi sự cố xảy ra.          

Một trong những nguyên tắc quan trọng là mỗi sai sót cần phải được điều tra cẩn thận, không phải để trừng phạt mà để ngăn ngừa những sai sót tương tự có thể xảy ra. Mỗi sai sót là một bài học mà các nhà quản lý phải biết sử dụng để làm cho hệ thống tốt hơn. Ví dụ, để tránh mổ nhầm, bên mổ phải được đánh dấu một ngày trước khi mổ bởi hai nhân viên y tế cùng với sự đồng thuận của chính bệnh nhân.

Để tránh nhầm thuốc thì nhãn thuốc phải được scan đồng thời với nhãn bệnh nhân (khi dùng các phần mềm quản lý bệnh nhân), nếu hai nhãn này không phù hợp với y lệnh trên máy tính thì hệ thống lập tức sẽ cảnh báo

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận