Nhà văn Tàn Tuyết: Viết cho độc giả trẻ hôm nay và ngày mai

CẢNH CHÁNH (DỊCH) 11/11/2023 10:35 GMT+7

TTCT - Đối với nhiều độc giả Trung Quốc, Tàn Tuyết (Can Xue, 邓小华) là nhà văn bí ẩn, rất ít khi lộ diện dù tác phẩm của bà vẫn xuất bản đều đều.

Tàn Tuyết ít khi tiếp xúc báo chí, hầu như không tổ chức các buổi phát hành sách mới, nhưng trong danh sách dự đoán Nobel văn chương những năm gần đây đều có tên bà. 

TTCT trích dịch những cuộc trả lời phỏng vấn hiếm hoi của bà trên tờ Xinhua Daily Telegraph (Hãng Tân Hoa Xã) và tờ Dương Tử Buổi tối (tỉnh Giang Tô).

Nhà văn Tàn Tuyết. Nguồn: baidu.com

Nhà văn Tàn Tuyết. Nguồn: baidu.com

Bà đánh giá thế nào về tác phẩm mới Thế giới đam mê của mình?

- Tôi nghĩ đó là tác phẩm dễ được độc giả đón nhận, dễ hiểu hơn nhiều so với các tác phẩm trước đó. Sáng tác của tôi là một quá trình dài, giai đoạn sau, sáng tác nghệ thuật và sáng tác đời thường sẽ dần kết hợp làm một.

Tác phẩm Món quà của mẹ trái đất đen tối xuất bản trước đây có xu hướng như vậy, nhưng không tập trung như tác phẩm này, dễ dàng biết được tôi muốn viết cái gì. Có thể nói, thế giới quan, lý tưởng văn học và lý tưởng triết học của tôi đều có trong tác phẩm này.

Bà nói tác phẩm này dễ được độc giả đón nhận, vậy ngày thường bà có quan tâm đánh giá của độc giả không ạ?

- Có quan tâm.

Chủ yếu thông qua những kênh nào?

- Tôi tìm kiếm trên mạng, ví dụ như trang doubian.

So với các nhà văn khác, bà có vẻ ít tiếp xúc báo chí, thường không tổ chức các buổi lễ phát hành sách, ít có cơ hội tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với bạn đọc.

- Vâng, rất ít.

Tại sao bà không thích gặp gỡ bạn đọc?

- Không phải không thích, tôi không có thời gian. Vì muốn gặp gỡ thì phải tốn thời gian để tổ chức, tôi lại rất bận rộn, tôi viết cả ngày nên không thể dành thời gian và không có thời gian thật. Tôi cho rằng giao lưu gián tiếp sẽ tốt hơn, ai viết bình luận gì tôi đều xem. Tôi để ý đến các bình luận về tác phẩm của mình, còn bình luận về cá nhân, tôi thường không để ý vì tôi không hề quan tâm.

Đánh giá về tác phẩm của bà hiện nay trên mạng có hai phe, một là thật sự không thể hiểu nổi tác phẩm của bà, hai là rất yêu thích tác phẩm của bà.

- Tôi biết, tôi đã xem, nhưng không sao. Tôi luôn quan tâm tới độc giả, nhất là độc giả trẻ. Tác phẩm này cũng như các tác phẩm trước đây, tôi đều viết cho giới trẻ trong tương lai, và một phần cho giới trẻ ngày nay.

Rất nhiều người nói tác phẩm của bà khó hiểu, nhưng đã hiểu rồi thì lại mê. Bà trông đợi gì ở độc giả?

- Rất nhiều độc giả của tôi yêu cuộc sống, có lý tưởng, đọc nhiều sách về văn học, triết học. Có thể chưa đọc sách triết học cũng được, nhưng nhất định phải đọc qua tác phẩm văn học mới có sự so sánh, mới có thể phân cao thấp.

Tại sao bà muốn viết cho giới trẻ đọc?

- Vì giới trẻ là niềm hy vọng của văn học, họ cần được bồi dưỡng.

Ví dụ như tác phẩm Thế giới đam mê, bà muốn truyền tải thông điệp gì với giới trẻ?

- Tôi muốn nói với giới trẻ về ý nghĩa thật sự của nghệ thuật và bản chất văn học. Theo tôi, bản chất văn học chính là nhân quyền, đó là con người và tự nhiên, con người chính là tự nhiên, thế giới tự nhiên được thể hiện thông qua con người.

Hiện nay hằng ngày công việc viết lách của bà như thế nào?

- Tôi viết từ sáng đến tối, buổi sáng viết sách triết học, khoảng một năm rưỡi sẽ xong, hơn 600.000 chữ. Sau cơm tối, tôi viết tiểu thuyết gần 1 tiếng đồng hồ.

Vậy bà có còn thời gian làm việc khác không?

- Tôi cũng không có việc gì làm. Tôi chỉ tập trung sáng tác, tôi đã gần 70 tuổi rồi, những năm cuối đời nhất định dành toàn bộ thời gian cho văn học.

Mối lo âu của bà, có phải vì muốn thực hiện mục tiêu nào đó?

- Không, chỉ là có thể viết được bao nhiêu thì viết, tập trung hết sức lực cho văn học. Có để lại được hay không cũng không sao, dù sao cũng phải viết.

Một số độc giả cho rằng bà kiên trì với lý tưởng thuần văn học, bà đồng ý với nhận xét này không?

- Cơ bản đồng ý.

Những năm gần đây, danh sách đề cử Nobel văn học đều có tên bà, đoạt giải Nobel văn học liệu có phải là mục tiêu của bà?

- Không phải mục tiêu của tôi, hoặc có thể nói tôi không bao giờ kỳ vọng những giải thưởng đó, hoàn toàn chỉ là sự ngẫu nhiên.

Bà chủ yếu thông qua hình thức nào để tiếp xúc với nhân vật trong tác phẩm?

- Anh xem diễn viên làm thế nào để chạm đến trái tim khán giả, chính là thủ vai các nhân vật khác nhau. Một diễn viên thực thụ là anh ta thủ vai gì giống vai đó.

Vậy là khi viết bà cũng sẽ thủ vai các nhân vật?

- Tất cả các nhân vật đều do tôi thủ vai, cho dù phát huy ra sao, viết như thế nào đều phù hợp tiêu chuẩn.

Xin quay lại đề tài ban đầu: tại sao bà muốn viết tác phẩm Thế giới đam mê cho giới trẻ?

- Tại sao ư? Vì môi trường xã hội xung quanh chúng ta cho thấy giới trẻ ngày nay ngày càng không biết yêu là gì, họ không yêu bất cứ thứ gì, không yêu bản thân và cũng không yêu những người xung quanh. Tôi muốn viết một Utopia - Địa đàng trần gian trong văn học, ở đó giới trẻ sẽ như nhân vật trong Thế giới đam mê, mỗi người đều giống như một con người, đều có thể đứng trên mặt đất.

Những năm gần đây, cảm hứng sáng tác của bà chủ yếu đến từ đâu?

- Chủ yếu đến từ cuộc sống ngày thường, cảm xúc tích tụ từng ngày trong cuộc sống, rồi từ trong sâu thẳm tuôn trào. Tôi không cần cảm hứng đặc biệt, tôi ngày nào cũng có cảm hứng sáng tác.

Bìa cuốn sách Thế giới đam mê

Bìa cuốn sách Thế giới đam mê

Bà lớn lên ở tỉnh Hồ Nam. Tác phẩm của bà có hình ảnh của quê hương? Bà thấy quê hương có ảnh hưởng đến sáng tác của bà không?

- Tác phẩm của tôi lấy cảm hứng từ quê hương, sống ở nơi nào đều sẽ chịu ảnh hưởng nơi đó. Thời gian tôi sống ở Hồ Nam rất dài, nên chịu ảnh hưởng rất nhiều. Tôi có tác phẩm Xu quang vận động, trong đó bối cảnh là nơi tôi sống hồi nhỏ, ký ức về quê hương vương vấn mãi trong lòng không hề đổi thay.

Từ kinh nghiệm sống và sáng tác, bà cho rằng văn học có vai trò như thế nào đối với đời sống tinh thần của thanh niên?

- Văn học có thể thay đổi nhân cách, không chỉ thế giới tinh thần mà còn có thế giới nhục thể, tức là cuộc sống hằng ngày. Nếu đọc tác phẩm của tôi một cách nghiêm túc, tôi thấy là có thể cải thiện.

Một đặc điểm trong tác phẩm của tôi là phải nghiên cứu mới gọi là đọc, nhất định phải nghiên cứu mới gọi là đã đọc tác phẩm của tôi. ■

Nhà văn Tàn Tuyết tên thật là Đặng Tiểu Hoa, sinh năm 1953. Bà là người cùng thời với các nhà văn Mã Nguyên, Cách Phi, Mạc Ngôn, Tô Đồng, Dư Hoa...

Cha bà từng làm tổng biên tập tờ Tân Hồ Nam, mẹ bà cũng từng làm báo. Năm 17 tuổi, Tàn Tuyết vào công xưởng học nghề tiện. 8 năm sau, Tàn Tuyết lập gia đình, tự học may vá và trở thành thợ may nổi tiếng. Lúc rảnh rỗi, bà vẫn tập sáng tác tiểu thuyết, thơ ca.

Năm 1983, Tàn Tuyết hoàn thành tác phẩm đầu tay Phố Hoàng Nê, nhưng chưa dám công bố. Hai năm sau, lần đầu tiên bà đăng truyện ngắn "Bọt xà phòng trên nước bẩn" trên tờ Tân Sáng Tác, rồi chính thức bước vào làng văn với truyện ngắn "Căn nhà nhỏ trên núi" năm 1985.

Sau đó, hàng loạt tác phẩm của bà được đăng trên các tờ Nhân Dân Văn Học, Phù Dung, Văn Học Nguyệt San... Tàn Tuyết dần trở thành một tiểu thuyết gia hàng đầu trong "Tiên phong phái" của văn học Trung Quốc đương đại.

Tàn Tuyết không chỉ gây ảnh hưởng ở Trung Quốc. Từ cuối những năm 1980, cái tên Tàn Tuyết đã rất quen thuộc với độc giả ở nhiều nước trên thế giới.

Bà là nhà văn nữ của Trung Quốc có nhiều tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài nhất, từng đoạt giải văn học dịch hay nhất ở Mỹ, giải thưởng Văn học tiếng Trung thế giới của Malaysia.

Năm 2018 và 2021, bà được đề cử giải Booker, được đề cử giải thưởng văn học Đức, được đề cử giải Nobel văn chương năm 2019, 2022 và 2023.

Tác phẩm tiêu biểu của bà gồm Phố Hoàng Nê, Căn nhà nhỏ trên núi, Bảng lảng trời xanh, Đào nguyên ngoài cõi thế, Món quà mẹ trái đất đen tối, Bác sĩ chân đất, Những chuyện tình thế kỷ mới, Phố ngũ hương, Người tình cuối cùng

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận