Mùa hè của một thị trấn nhỏ

LIÊN HƯƠNG (BERGAMO, Ý) 22/07/2023 06:49 GMT+7

TTCT - Câu chuyện mùa hè ở một thị trấn ngoại ô nước Ý, nơi những cánh đồng, rừng thưa và màu xanh còn đầy, và những kết nối luôn bền chặt...

Năm học đã kết thúc, trời đã thực sự vào hè. Cháy bỏng. Thị trấn vào hè không còn vắng vẻ, thưa thớt như trước, vào thời kinh tế dễ dãi, khi người người, nhà nhà kéo nhau ra biển, lên núi nhiều ngày. Chín giờ tối, nắng vừa mới tắt, gió trời thổi qua vòm lá xanh vừa đủ mát, bên kia đường vọng đến tiếng hò reo của lũ trẻ đang chơi đá banh, chơi bóng chuyền trong sân cỏ. 

Nhảy qua tường rào

Buổi sinh hoạt của Nhóm đọc sách dời ra ghế đá ở quảng trường chính của thị trấn. Tối nay cuốn sách đọc chung được thảo luận nhanh chóng vì mọi người muốn hòa vào dòng người đi bộ của chương trình "Nhảy qua tường rào" bắt đầu ở nhà thờ và đang tiến vào quảng trường. 

Tất cả cùng kéo về biệt thự Bolis, ngôi biệt thự hàng trăm năm trước của nghệ sĩ opera giọng nam cao Luigi Bolis một thời nổi danh thế giới.

"A Cà Resto"( Ở Cà Resto), một cách chơi chữ, nghĩa là Resto a casa (Ở lại nhà). Vấn đề lớn ở đây là làm sao để ai cũng được hưởng một mùa hè tại chỗ rộn ràng, vui tươi, nối lại các sinh hoạt cộng đồng, từ bỏ bớt thói quen sử dụng điện thoại, mạng xã hội, tiết kiệm nước và năng lượng.

Thư viện thị trấn cùng hội đồng thị trấn, toàn thể cộng đồng thị trấn đã cùng làm việc chặt chẽ, tổ chức các chương trình hoạt động liên tục cho mọi lứa tuổi, hoàn toàn miễn phí dựa trên nguồn tài chính nhận được từ chính sách công của vùng và của thị trấn. Chương trình kéo dài suốt ba tháng hè.

Thư viện luôn là một nơi chốn hội tụ của cả cộng đồng, dành cho vui chơi, giải trí và mở mang kiến thức. Lúc thời tiết tốt lên, nhu cầu hoạt động ngoài trời tăng cao, thư viện mở rộng ra ngoài quảng trường, công viên, sân vận động.

Công dân thị trấn được làm thẻ đọc miễn phí và mượn ở thư viện với số lượng không hạn chế tất cả các loại sách. Hằng tuần có các buổi đọc sách do các nghệ sĩ chuyên nghiệp tới đọc và diễn minh họa cho các độ tuổi khác nhau, bắt đầu từ trẻ em 18 tháng tuổi. 

Đọc sách ngoài công viên cho nhóm trẻ từ 6-9 tuổi

Đọc sách ngoài công viên cho nhóm trẻ từ 6-9 tuổi

Mùa hè, các buổi đọc sách diễn ra ngoài công viên, trên bãi cỏ xanh, dưới bóng mát của những hàng cổ thụ. Nhiều buổi đọc sách còn được thực hiện vào buổi tối với sự có mặt của màn minh họa tạo hình nhân vật bằng bóng của bàn tay hoặc trò chơi "Đi tìm kho báu".

Phong phú hơn nữa là các lớp vẽ màu nước cho đủ mọi lứa tuổi, các buổi chơi các trò chơi tìm hiểu luật giao thông, trò chơi trí tuệ theo nhóm, các trò chơi dân gian ngoài trời, thi câu cá sông, các giải thể thao nho nhỏ, các workshop đủ thể loại…

Nhóm vẽ màu nước cho tất cả các độ tuổi tổ chứcngoài công viên.

Nhóm vẽ màu nước cho tất cả các độ tuổi tổ chứcngoài công viên.

Có thẻ thư viện, cư dân có thể tham gia một chương trình hoàn toàn mới mẻ Artoteca - Thư viện tranh: chọn mượn một bức tranh yêu thích của các họa sĩ địa phương về treo một thời gian trong nhà mình và đúng thời hạn đem trả lại. Chính xác như mượn một cuốn sách.

Artoteca vừa mới khánh thành đầu tháng 6, bạn có thể tới mượn một bức tranh mang về nhà treo.

Artoteca vừa mới khánh thành đầu tháng 6, bạn có thể tới mượn một bức tranh mang về nhà treo.

Cũng cùng sân khấu đó, những tối khác trong tuần là chương trình diễn múa rối của đội rối chuyên nghiệp tỉnh nhà, chương trình kịch hài do nhóm kịch thị trấn diễn bằng thổ ngữ địa phương.

GIA TÀI NGÔN NGỮ

Nước Ý là một nước ở châu Âu phong phú nhất các loại ngôn ngữ và phương ngữ. Theo nghiên cứu của Unesco, ở Ý có 31 thứ tiếng. Chỉ hơn 50 năm trước thôi, đại đa số dân Ý vẫn chủ yếu sử dụng thổ ngữ nơi mình sinh sống mà không biết tiếng Ý. Chính ngôn ngữ Ý hiện nay, ngay lúc đầu, cũng không phải là một ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất.

Chút lan man này là một lưu ý nho nhỏ cho những ai yêu thích tìm hiểu ngôn ngữ và sưu tầm sách. Sự đa dạng ngôn ngữ là một gia tài văn hóa luôn cần được giữ gìn. Thổ ngữ địa phương là ngôn ngữ của trái tim, của gia đình, của nơi chôn nhau cắt rốn. Thổ ngữ chính là truyền thống và ký ức. Hiểu thổ ngữ để hiểu rõ lời một bản nhạc hay, một câu trong sách văn học, hiểu một nơi chốn địa lý, tên của một món ăn… 

Nếu có dịp đi du lịch đến Napoli, vào một trong những nhà hàng danh tiếng gọi món mì hến "spaghetti alle vongole fujute" xin đừng nổi nóng vì không thấy một con hến nào, cả vỏ hến cũng không. Mấy con hến đã đào tẩu từ lúc dĩa mì còn chưa được nấu. Hài hước và sáng tạo nằm trong món mì này của người Ý, món mì hến không có hến, hến đã "fujute" (tiếng Napoli có nghĩa là bỏ trốn).

Món mì hến

Món mì hến

Đội kịch của thị trấn đã được thành lập hơn 20 năm, do nhóm diễn viên không chuyên nhưng đam mê kịch nghệ, mang những hình ảnh của đời sống hằng ngày trong làng xóm và trong các ngôi nhà lên sân khấu, mặc thêm cho chúng sự hài hước, kích hoạt chúng bằng những tiếng cười vui với những lời thoại bằng thổ ngữ.

"I Spolveriner de Gorlagh", cái tên của đội kịch cũng bằng thổ ngữ, tái tạo ký ức từ thế kỷ trước về một nghề nghiệp cũ của dân trong thị trấn, những người đi khắp các địa phương trong vùng Lombardia rộng lớn để bán bột đá cẩm thạch lấy từ ngọn núi gần thị trấn, được dùng như một chất tẩy rửa. 

Đội kịch còn đi lưu diễn khắp tỉnh, chung thổ ngữ "Bergamasco", luôn nhận được sự hoan nghênh nồng nhiệt.

Bà Marilena, cư dân thị trấn kể rằng chồng bà, đã hơn 80 tuổi, không muốn bỏ lỡ bất kỳ tối biểu diễn mùa hè nào của đội rối tỉnh nhà. Ông cười ngặt nghẽo trên ghế nhựa cứng ngoài công viên, rồi tiếp tục kể lại nhiều lần ở nhà cho tới tận lúc đi ngủ.

"Nhân vật Giopì của tôi chẳng bao giờ già" - nghệ nhân của đội rối, ông Pietro Roncelli, cũng đã hơn 80. Tiếng cười làm trẻ hóa thể xác lẫn tinh thần. Nghệ thuật của ông cũng là nghệ thuật của nghệ nhân ngày xưa, người thợ thủ công kiêm nghệ sĩ, người đã tự tay chạm khắc những con rối, mặc quần áo cho chúng, chuẩn bị phông nền và bối cảnh. 

Ông luôn có sự góp sức của vợ, bà Carla, cũng là người phê bình và cố vấn đầu tiên cho các chương trình. Mười năm gần đây, Gabriele, cháu trai ông, đã tham gia, tiếp nối truyền thống gia đình.

Nghệ nhân rối Pietro 83 tuổi và cháu trai đi theo học nghề của ông từ lúc 16 tuổi.

Nghệ nhân rối Pietro 83 tuổi và cháu trai đi theo học nghề của ông từ lúc 16 tuổi.

Hầu như mỗi thị trấn, thành phố ở Ý đều có một đội nhạc riêng. Thành viên của đội nhạc có thể học và tham gia biểu diễn từ tuổi thiếu nhi tới tận cuối đời. Những sự kiện trọng đại của thị trấn luôn bắt đầu bằng phần biểu diễn của đội nhạc. 

Mùa hè là thời điểm của các cuộc trình tấu ngoài trời, có khi có đội nhạc của các thị trấn khác tham gia. Không chỉ có âm nhạc cổ điển, những tối mùa hè còn là của các buổi biểu diễn của các DJ, các trường múa địa phương, của rock và những vũ điệu jumba, vũ điệu đồng quê…

Các buổi tối còn là những buổi tập yoga, tập võ judo, muay Thái miễn phí. Những cư dân nghiêm túc, chú tâm nhất tham gia các chương trình của tổ chức Hiến máu nhân đạo, các buổi thảo luận về bảo vệ môi trường, tái tạo rác thải, chăm sóc sức khỏe…

GIỮ GÌN QUÁ KHỨ VÀ KÝ ỨC

Vào tuần đầu tiên của tháng 7 hằng năm, thị trấn luôn có một buổi tối đặc biệt nhằm lôi kéo sự tham gia của toàn thể dân cư. 

"Coloriamo la Notte" (Chúng ta cùng tô màu cho màn đêm) là tổng hợp của tất cả các loại hình sinh hoạt vui chơi giải trí: bàn ăn nối dài ngoài quảng trường để cùng nhau thưởng thức những món đặc sản địa phương, các trò chơi, các cuộc đua, nhảy múa, hát hò, trình diễn ảo thuật, vẽ trên mặt đường nhựa của nghệ nhân đường phố, các tổ chức thương mại trong thị trấn tự quảng cáo, giới thiệu sản phẩm…

Năm ngoái, một con heo quay giòn của siêu thị Conad làm điểm nhấn trên bàn ăn và lò củi nướng pizza của tiệm nhà Corrado chưa năm nào thiếu mặt. Cuộc vui chơi kết thúc đúng nửa đêm bằng một màn pháo hoa nho nhỏ.

Đặc biệt năm nay thị trấn tham gia một dự án về nghệ thuật và sân khấu của Nhà hát Albano Arte và Nhà hát Prova Bergamo với chi phí từ các quỹ tương trợ xã hội, quỹ cộng đồng và quỹ của các viện bảo tàng văn hóa. 

Dự án có tên Saltamuretto (Nhảy qua tường rào) là một hành trình đi tìm về quá khứ, lắng nghe, làm sống động lại những hình ảnh, con người, đất đai, ghi lại ký ức và lịch sử, những di sản phi vật thể quý giá, chuyển thành các màn trình diễn sân khấu.

Chương trình biểu diễn của hai đội nhạc tuần đầu tháng 7-2023

Chương trình biểu diễn của hai đội nhạc tuần đầu tháng 7-2023

Suốt mùa đông, mỗi tối thứ hai hằng tuần, nhiều cư dân cao tuổi của thị trấn gặp gỡ nhau để nhắc về ký ức: những kỷ niệm trong đời, những giai thoại trong làng xóm, những nhân vật đặc trưng trong quá khứ… 

Buổi tối đầu tiên trong dự án mà thị trấn tham gia có tên "Erre con altri occhi" (Những vùng đất bằng những cặp mắt khác) là một tập hợp những sân khấu nhỏ ngoài trời hết sức đặc biệt, một cuộc đi bộ cùng nhau qua các địa điểm lịch sử của thị trấn: nhà thờ, nhà nguyện, vườn biệt thự cổ, lâu đài cổ… 

Hiện tại và quá khứ, già và trẻ, đời sống và nghệ thuật cùng song song trên các nẻo đường của thị trấn và tại các địa điểm ấn định, cùng sống lại với những câu chuyện có thật.

"Tôi năm nay đã 76 tuổi. Tôi thật sự biết hậu quả chiến tranh, đói, nghèo, bị hà hiếp, chế giễu nhưng tôi cũng thực sự biết thế nào là niềm vui tuổi thơ và được chơi đùa" - bà Rosa nói. 

Vào thời của bà, 16 tuổi vẫn chưa biết làm thế nào để có em bé, vẫn vui chơi thanh thản cùng bè bạn cho tới 20 tuổi lúc lấy chồng nhưng đã đi làm trong nhà máy và lãnh những đồng lương nhỏ nhoi giúp đỡ gia đình từ lúc 10 tuổi. 

Món quà Giáng sinh thời đó chỉ là những trái quýt đặt trên bàn ăn, anh chị em mới tí tuổi đầu tự trông lo cho nhau với sự giúp đỡ của hàng xóm trong lúc cha mẹ phải đi làm ăn xa nhiều tháng, nhưng tiếng cười, niềm vui không thiếu và sự cô độc rất đỗi hiếm hoi.

Các vị lão thành cho coi những con búp bê làm từ giẻ rách, bàn ghế gỗ, sách vở cũ, bình mực và cây viết, bàn ủi than, những tấm ảnh đen trắng hiếm hoi, những tấm post card, những lá thư… 

Tất cả những ký ức văn hóa lịch sử này được lưu lại cẩn thận trong các kho lưu trữ dữ liệu khắp nơi trong nước. Và điều hay nhất là chúng được đưa đến gần gũi mọi người, tạo thêm những cơ hội gặp gỡ và những giây phút bên nhau.

Và bởi vì mùa hè không thể thiếu những chuyến đi, các cư dân thị trấn cùng chung một chuyến xe buýt làm một cuộc du lịch bỏ túi ngắn ngày ra biển, lên núi, tham quan các di tích, thắng cảnh…, cùng du lịch bằng xe đạp hay trekking cùng nhau. Cứ thế, mùa hè dần qua đi, lưu lại đẹp đẽ trong ký ức.

Nhân kể chuyện mùa hè ở một thị trấn ngoại ô nước Ý, nơi những cánh đồng, rừng thưa và màu xanh còn đầy, xin lưu lại một mùa hè nước Ý ngày chưa xa lắm, một bài thơ của Giorgio Caproni (1912-1990) là nhà thơ, nhà phê bình văn học, dịch giả, nhà văn và nhà giáo người Ý, người được đánh giá là một trong những đại thi hào của Ý thuộc thế kỷ XX.

Ngọn gió đầu hè

Dòng máu của một ngày hè

giờ này vẫn còn bừng cháy

gò má của đồng cỏ kia,

và nếu rằng bao trận chiến

những cuộc chọi đá tưng bừng

đã đến hồi tàn dứt hẳn

nghe trong cơn gió còn vương

nóng bỏng làn hơi sống động

từ miệng đám trẻ giữa đồng,

sau trò liên tu đuổi bắt.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận