Linh ta linh tinh những thứ cơ bản về hoạt hình (phần 2)

HẢI ĐĂNG TTC

Đăng lúc 17:40 | 30/11/2023

Hoạt hình về cơ bản cũng là một hình thức của nghệ thuật thị giác. Người làm hoạt hình sẽ sử dụng các yếu tố như đường nét, màu sắc, bố cục hình ảnh và sự chuyển động… để kể câu chuyện, đưa thông điệp đến người xem.

Hoặc bạn có thể nói hoạt hình là sự kết hợp của nhiều lĩnh vực nghệ thuật thị giác hiện đại khác nhau từ điện ảnh, nhiếp ảnh cho tới hội họa, thiết kế. Vì vậy nếu bạn yêu thích và muốn tìm hiểu về hoạt hình thì việc bắt đầu từ những kiến thức cơ bản là rất quan trọng. Điều này giúp bạn xây dựng một nền tảng vững chắc và cần thiết để phát triển kỹ năng, khả năng sáng tạo của mình.

Để làm hoạt hình thì cần biết những gì?

Khi bạn xem hoạt hình thì cái đầu tiên bạn thấy là hình ảnh rồi mới đến chuyển động. Nguyên lý của hoạt hình là hiển thị 24 hình (frame) trong 1 giây. Vậy thì trước khi có thể làm 24 hình để tạo được 1 giây thì bạn cần biết cách tạo ra MỘT hình. Do đó, người làm hoạt hình thì trước tiên cần tìm hiểu những thứ sau:

- Vẽ tay, tư duy hình ảnh, diễn đạt ý tưởng bằng hình ảnh.

- Tư duy về thiết kế đồ họa, bố cục khung hình.

- Kiến thức về các nguyên tắc animation.

- Các phầm mềm vẽ digital art, vẽ vector, các phần mềm làm phim hoạt hình.

Việc tìm hiểu những thứ cơ bản là cần thiết để tiếp cận animation - Tranh: Hải Đăng

Việc tìm hiểu những thứ cơ bản là cần thiết để tiếp cận animation - Tranh: Hải Đăng

Nhiều người thường nhầm tưởng học animation là học cách sử dụng phần mềm làm hoạt hình. Trong khi animation là kết hợp của mỹ thuật và kỹ thuật, phần mềm chỉ đóng vai trò là công cụ hỗ trợ kỹ thuật. Do đó, nếu chỉ tập trung học cách sử dụng phần mềm mà không có nền tảng của hoạt hình thì người học dễ bị giới hạn khả năng sáng tạo.

Làm sao để tạo ra một hoạt hình hấp dẫn?

Có 3 thành phần cơ bản nhất để làm một hoạt hình đơn giản:

1. Kịch bản.

2. Vẽ minh họa.

3. Chuyển động.

Vậy chúng ta thử so sánh mức độ ảnh hưởng của từng thành phần đến kết quả sau cùng của một sản phẩm hoạt hình, xem độ ‘mạnh, yếu’ của chúng thế nào nhé:

1. Nếu kịch bản hay + vẽ minh họa xấu + chuyển động xấu: sản phẩm sau cùng vẫn thu hút người xem vì nội dung là cái quan trọng nhất. Chỉ cần nội dung hấp dẫn thì hình vẽ đơn giản, thậm chí không cần chuyển động thì kết quả vẫn thu hút.

2. Kịch bản dở + vẽ minh họa đẹp + chuyển động xấu: kết quả vẫn chấp nhận được vì có thể thu hút người xem bởi hình ảnh đẹp. Trải nghiệm của người xem chỉ đơn giản là xem một loạt những bức tranh đẹp.

3. Kịch bản dở + vẽ minh họa xấu + chuyển động đẹp: kết quả sản phẩm sau cùng sẽ dở. Người xem có khi còn không xem hết nội dung sản phẩm vì khi đã dở về kịch bản và hình ảnh xấu thì mọi cố gắng trong khâu chuyển động cũng khó ‘cứu’ được toàn bộ.

Vì vậy có thể nói animation không phải là yếu tố quan trọng nhất để đánh giá một sản phẩm hoạt hình có hấp dẫn hay không.

Vẽ minh họa đóng vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện animation - Tranh: Hải Đăng

Vẽ minh họa đóng vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện animation - Tranh: Hải Đăng

Do đó để có kết quả tốt thì cần ít nhất hai thành phần là: vẽ minh họa đẹp và chuyển động đẹp để ‘gánh’ bất kỳ nội dung kịch bản nào. Điều này dễ thấy nhất ở các hình thức motion graphics như các sản phẩm MV ca nhạc, explainer animation… khi yếu tố kịch bản không quá ảnh hưởng đến kết quả.

Muốn học animation thì bắt đầu từ đâu?

Nhằm mục đích đảm bảo cho người mới bắt đầu tìm hiểu hoạt hình có kiến thức toàn diện và đa dạng, các chương trình đào tạo animation bài bản sẽ không tập trung vào dạy sử dụng phần mềm. Thay vào đó, người học trước tiên sẽ được hướng dẫn để nắm vững những kiến thức cơ bản sau:

- Vẽ và nghệ thuật minh họa: Phát triển tư duy về mỹ thuật và sáng tạo hình ảnh, nhân vật, cảnh quay. Người học không cần thiết phải tập luyện kỹ năng để trở thành họa sĩ, chỉ cần biết những kiến thức cơ bản về thiết kế nhân vật, màu sắc, hình dáng và bố cục.

- Storyboarding: Biết cách xây dựng, phát triển ý tưởng một câu chuyện bằng hình ảnh và liên kết chúng lại thông qua hình thức animation.

- Lý thuyết hoạt hình: Hiểu rõ về các nguyên tắc cơ bản của animation.

Dưới đây là bảng 12 nguyên tắc hoạt hình mà mọi người học animation đều cần phải biết. Tương tự như bảng cửu chương trong toán học, việc nắm vững 12 nguyên tắc hoạt hình cũng là một bước không thể thiếu trong quá trình học animation.

12 nguyên tắc hoạt hình của họa sĩ Ollie Johnston và họa sĩ Frank Thomas

12 nguyên tắc hoạt hình của họa sĩ Ollie Johnston và họa sĩ Frank Thomas

Thực tế là nếu bạn đã có nền tảng về nghệ thuật minh họa thì bạn sẽ biết trong 12 nguyên tắc hoạt hình trên chỉ có 3 nguyên tắc là thật sự xuất phát từ animation, 9 nguyên tắc còn lại bắt nguồn từ hội họa.

Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết về những nguyên tắc hoạt hình trong những bài tiếp theo nhé.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
X
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Tin mới Trạm Hoạt Hình