Kiếm tìm yên tĩnh

DU LONG 12/09/2012 05:09 GMT+7

TTCT - Có lẽ chuyện TP.HCM sắp tiến đến một chính quyền đô thị cần được nhìn không chỉ trong khuôn khổ của những thay đổi đột biến về quy chế pháp lý, hành chính, ngân sách hay quy mô của những dự án hạ tầng cơ sở nhất thiết phải có, mà còn cần một sự bình tâm xét xem có thể làm gì thêm để cuộc sống đô thị ấy thật sự là đô thị văn minh thay vì một nơi mang những dấu vết “nửa tỉnh, nửa quê”.

Phóng to
Minh họa: Lê Thiết Cương

Vài năm trước, ở thành phố này cũng đã khởi sự một đợt xây dựng “văn minh đô thị” rầm rộ. Những nỗ lực rất lớn dường như đã không mang lại kết quả như ý, có thể do mục tiêu đặt ra quá lớn, có thể do “văn minh” vốn dĩ phải là kết quả bộc lộ của một quá trình hun đúc, tinh tuyển lâu dài. Cũng có thể do những biện pháp đề ra để thực hiện công cuộc xây dựng văn minh đô thị, như lập lại trật tự giao thông, lòng lề đường đòi hỏi rất nhiều nỗ lực tự giác trên bình diện toàn thể dân số, nên sự đáp ứng đã không trọn vẹn, tích cực nơi toàn thể mọi người.

Nay, có thể bắt đầu từ những ao ước nhỏ cho đô thị hiện đại tương lai, trong những quy mô khiêm tốn hơn, như việc tái lập một vài thói tốt giản dị.

Chẳng hạn, trước hết là giải thích và thuyết phục người dân rằng có những lợi ích của đời sống đô thị mà không phải “mất tiền mua” như quyền được cư ngụ, sống, làm việc, nghỉ ngơi... trong sự yên tĩnh tối thiểu. Việc các cửa tiệm, hàng quán thời nay, từ bán giày dép, quần áo bên lề đường đến “hát với nhau” nơi góc phố thoải mái mở nhạc um sùm không phải là một di sản của bất cứ “bề dày truyền thống” nào, mà chẳng qua chỉ là hệ lụy của hơn chục năm... thả lỏng. Bởi cách đây chẳng bao xa, những tiệm “karaoke” đầu tiên xuất hiện trong đầu thập niên 1980 đều đã phải tuân theo quy định phải có phòng cách âm, và nay đố tiệm “karaoke” nào dám mở loa um sùm.

Một đô thị khác một chợ quê ở chỗ mọi người được đưa vào trong cái khuôn tôn trọng sự yên tĩnh cần có của người khác, từ cái kèn xe đến cái loa tivi hay dàn máy nghe nhạc. Xin cùng nghĩ và nhìn nhận với nhau rằng sự yên tĩnh tìm được trong các đô thị đất chật người đông chính là một trong những hạnh phúc lớn nhất của những cư dân nơi này. Cho nên, hãy bắt đầu bằng cách triệt để cấm phát loa với âm lượng vượt quá khỏi cửa mỗi nhà. Và nghiêm túc xem xét lại câu chuyện cái loa phường - di sản của một thời báo động “giặc lái cách thủ đô 90 cây số về hướng đông - đông bắc, đồng bào sơ tán”.

Nỗi phiền phức mà nhiều cư dân thủ đô ta thán lâu nay đã chẳng hề thuyên giảm, giờ lại còn hiện diện ngay một nơi tuy gọi là huyện (Nhà Bè) nhưng chỉ cách khu trung tâm Sài Gòn chưa đầy 5km. Cả năm trước đây không nghe tiếng loa, đùng một cái, suốt hai tháng nay, cứ 4g30 sáng đã “bị” nghe loa đủ thứ tin tức thời sự từ... bữa trước, rọt rẹt đủ loại thông báo. Dân chịu hết xiết lên xã hỏi, được nghe cán bộ xã trả lời: “Mấy bữa nó tắt vì kẹt kinh phí, nay mới có lại kinh phí nên mở loa trở lại”.

Cứ như thể đã lãng quên hoàn toàn một thực tế rằng nơi sát vách khu trung tâm này cũng đã có hệ thống truyền thanh bằng sóng FM phát ngày hai buổi sáng, chiều. Và cũng cứ như thể quên mất rằng nơi đây chỉ còn không đầy 5% dân số nông nghiệp, đã rất “đô thị hóa” với hàng loạt chung cư cao tầng với phần đông cư dân cần ngủ yên tới sáng để đi làm tỉnh táo đúng tác phong công nghiệp, ngày cuối tuần cũng chỉ ao ước được nghỉ dưỡng cho hồi sức.

Kế đến là ở các trường học, nhất là mầm non, mẫu giáo vốn đang ở trong một hiện trạng lọt giữa các khu dân cư, không thể cứ tiếp tục ồn ào chào đón mỗi ngày từ sáng sớm bằng những cái loa mở hết công suất. Những vị hiệu trưởng, những thầy cô thời nay xin hãy trân trọng việc giữ gìn sự yên tĩnh cho cộng đồng và lấy đó làm nếp dạy học trò!

Và như vậy, bắt đầu từ việc trả lại sự yên tĩnh cho phố phường, chấm dứt những ồn ào nhân danh buôn bán hay “truyền thông cộng đồng”, tới quy định giới hạn gây ồn ào của mỗi nhà... mỗi một sự làm gương nơi chính quyền địa phương, nơi từng trường học, hội sở, nhà dân về việc tôn trọng sự yên tĩnh sẽ giúp ta tiến vào một cuộc sống đô thị hiện đại mà không cứ phải tốn ngân sách bạc tỉ nào.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận