Khả năng xảy ra sóng thần ở Việt Nam?

SÓNG THẦN KỊCH BẢN 4 25/10/2009 04:10 GMT+7

TTCT - Ba vùng nguồn động đất có thể gây sóng thần cho vùng biển Việt Nam được các nhà nghiên cứu xác định: động đất lớn hơn 8 độ Richter tại đới đứt gãy Manila, động đất lớn hơn 8 độ Richter tại khu vực bắc đảo Luzon, nam Đài Loan và động đất hơn 8,8 độ Richter tại đới đứt gãy Ryukyu.

Chuyên đề: cảnh báo sóng thần tại VN

Khả năng xảy ra sóng thần ở Việt Nam?

Sau trận sóng thần ngoài khơi đảo Sumatra (Indonesia) năm 2004 làm hơn 230.000 người thiệt mạng, Chính phủ VN đã ban hành hai nghị định về cảnh báo sóng thần. Năm 2007, trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần ra đời. Ngày 15-9-2009, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đồng ý cho triển khai 25 kịch bản cảnh báo nguy cơ sóng thần.

TTCT - Ba vùng nguồn động đất có thể gây sóng thần cho vùng biển Việt Nam được các nhà nghiên cứu xác định: động đất lớn hơn 8 độ Richter tại đới đứt gãy Manila, động đất lớn hơn 8 độ Richter tại khu vực bắc đảo Luzon, nam Đài Loan và động đất hơn 8,8 độ Richter tại đới đứt gãy Ryukyu.

Nghiên cứu này thuộc dự án “Xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ sóng thần cho các vùng bờ biển VN”

>> Phải chuyên nghiệp với sóng thần

Hình ảnh sóng thần tiếp cận những điểm đầu tiên của VN, nếu động đất trên 8 độ Richter xảy ra tại đới đứt gãy Manila - Ảnh: Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần

Nếu động đất tại đới đứt gãy Manila...

TS Vũ Thanh Ca - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo (Bộ Tài nguyên - môi trường), người chủ trì dự án trên - cho biết các nhà nghiên cứu Philippines, Đài Loan, Trung Quốc cũng như VN đều cho rằng động đất có độ lớn 8 độ Richter tại đới đứt gãy Manila có xác suất xảy ra rất lớn, và đây là nguồn động đất có nhiều khả năng gây sóng thần trên vùng ven biển VN (xem bảng).

Đà Nẵng tới Quảng Ngãi chịu ảnh hưởng mạnh nhất

Theo TS Vũ Thanh Ca, khả năng xảy ra sóng thần ven biển và hải đảo VN là không lớn, nhưng thật sự tồn tại khả năng này. Và nếu có xảy ra sóng thần thì khu vực chịu ảnh hưởng mạnh nhất là Trung Trung bộ, từ Đà Nẵng tới Quảng Ngãi.

Ông Nguyễn Xuân Hiển, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu biển và tương tác biển - khí quyển, đơn vị thực hiện dự án “Xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ sóng thần cho các vùng bờ biển VN”, cho biết trong số 25 kịch bản động đất gây sóng thần trên biển Đông - tức các mức độ động đất khác nhau, tại các vùng nguồn khác nhau từ 7-9 độ Richter thì kịch bản số 6 (9 độ Richter) là nguy hiểm nhất.

Ông Hiển cho rằng thời gian lan truyền của sóng thần từ nguồn tới ven biển miền Trung VN khoảng hai giờ, tới các khu quần đảo Hoàng Sa khoảng 40 phút và tới khu vực quần đảo Trường Sa khoảng một giờ.

Điểm đầu tiên của vùng biển miền Trung đón sóng thần là Phú Yên, khoảng 1 giờ 40 phút sau khi động đất xảy ra tại đới Manila, nhưng phải sau hai giờ sóng thần mới thật sự tới bờ biển Phú Yên. Thời gian lan truyền của sóng thần từ nguồn đến vùng biển Bình Định tới Đà Nẵng và Ninh Thuận tới Bình Thuận khoảng 2-3 giờ.

Còn theo kịch bản động đất có độ lớn 9 độ Richter xảy ra tại đới hút chìm Manila - kịch bản nguy hiểm nhất, chỉ trừ khu vực bờ biển phía tây của VN nằm trên vịnh Thái Lan, hầu như toàn bộ vùng bờ biển còn lại, từ Móng Cái tới Cà Mau đều có sóng thần với độ cao lớn hơn 1m.

Các khu vực có sóng thần với độ cao lớn hơn 2m kéo dài từ Nam Định tới tận Vũng Tàu, trong đó khu vực bờ biển tỉnh Quảng Ngãi là nơi có độ cao sóng thần lớn nhất, độ cao cực đại của sóng thần tại đây có thể lớn hơn 10m.

Theo TS Vũ Thanh Ca, nếu động đất có độ lớn 8,8 độ Richter xảy ra tại đới hút chìm Ryukyu, từ Quảng Bình tới Ninh Thuận có sóng thần cực đại với độ cao khoảng 1m, khu vực có độ cao sóng thần trên 1,5m trải dài từ Quảng Ngãi tới Bình Định.

Đặc biệt, nếu động đất có độ lớn 9 độ Richter xảy ra tại đới đứt gãy này, khu vực có độ cao sóng thần trên 1m kéo dài từ Hải Phòng tới tận Bà Rịa - Vũng Tàu và độ cao sóng thần cực đại tại khu vực Quảng Nam - Quảng Ngãi sẽ trên 2,5m.

Nếu động đất gây sóng thần xảy ra tại đới hút chìm Ryukyu, thời gian lan truyền của sóng thần từ nguồn tới khu vực quần đảo Hoàng Sa là trên hai giờ, tới quần đảo Trường Sa và khu vực miền Trung của VN là trên ba giờ. Còn nếu động đất có độ lớn 7,5 độ Richter xảy ra tại đới đứt gãy nam đảo Hải Nam thì khu vực có sóng thần với độ cao trên 1m kéo dài từ Thừa Thiên - Huế tới Bình Định, nguồn sóng thần tại đây rất gần bờ nhưng để lan truyền vào bờ cũng mất khoảng 1 giờ 20 phút.

Độ cao sóng thần dự kiến căn cứ vào nguồn động đất tại đới đứt gãy Manila

Sóng thần kịch bản 4

Trong số 25 kịch bản động đất và cảnh báo sóng thần đã xác định mức độ ảnh hưởng từ các nguồn động đất có độ lớn 7-9 độ Richter. Trong đó kịch bản 4 (động đất ở đới đứt gãy Manila với độ lớn 8,6 độ Richter) được lựa chọn để tính đến khi quy hoạch kinh tế - xã hội vùng ven biển và lập phương án di dân. Cụ thể, kịch bản 4 xác định diện ngập và phương án di dân của một số tỉnh thành như sau:

+ Phạm vi ngập lụt trung bình tại khu vực tỉnh Thừa Thiên - Huế lên tới 300-400m từ bờ biển vào. Các vùng ngập lụt nguy hiểm xuất hiện ở các xã của huyện Phong Điền. Cá biệt có nơi nước vào sâu tới 500-600m, độ sâu ngập lụt trong khoảng 1-2m, có nơi lên tới 3m.

Các địa phương thuộc các xã của huyện Phong Điền và Phú Lộc cần lựa chọn những khu vực có cao độ mặt đất hơn 5m ở ngay trong các xã để di chuyển dân cư hoặc di dân vào vùng an toàn cách bờ biển 3km.

+ Gần như toàn bộ dải ven biển của TP Đà Nẵng bị ngập lụt với chiều rộng tính từ bờ khoảng 100-200m, độ sâu có nơi đến 3m. Dọc sông Hàn, các khu vực dân cư quanh sông cũng bị ảnh hưởng. Tính từ cửa sông vào, khu vực bị ảnh hưởng hơn 3km dọc sông đến tận phường Khuê Trung.

Khu vực cảng Đà Nẵng, bãi tắm Mỹ Sơn, khu Ngũ Hành Sơn cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo đó, phương án di dân cần lên tới khu đất có cao độ 6-8m so với mực nước biển là an toàn.

+ Tại tỉnh Quảng Nam, phạm vi ngập lụt rất lớn. Khu vực TP Hội An và các xã ven biển thuộc huyện Điện Bàn bị ngập lụt nghiêm trọng. Nhiều xã bị ngập gần hết như Cẩm Anh, Cẩm Thanh với độ ngập sâu trung bình 2m, một số khu vực bị ngập sâu gần 3m, cá biệt có nơi lên tới 4m.

Các khu vực như xã Bình Thạnh và Bình Thuận sóng thần vào sâu đến 3km tính từ bờ biển, gây ngập lụt sâu nhất tới 3m, xã Bình Hải ngập sâu nhất tới 5m. Như vậy cần phải di chuyển dân vào phía trong, cách bờ khoảng 2km là an toàn.

+ Các xã ven biển của tỉnh Quảng Ngãi đều bị ảnh hưởng, nghiêm trọng nhất là khu vực lân cận cửa sông Trà Khúc. Nhiều xã ven biển thuộc huyện Sơn Tịnh và huyện Tư Nghĩa bị ngập lụt hoàn toàn. Diện tích ngập lụt tại khu vực lân cận cửa Trà Khúc lên tới 32km2.

Độ sâu trung bình bị ngập lên tới 2m, nhiều nơi ngập tới 5m. Dọc về phía nam, một khu vực thuộc huyện Đức Phổ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, với diện tích ngập khoảng 20km2 và độ ngập sâu trung bình 2m, nhiều nơi tới 5m. Theo đó, việc di dân tại khu vực huyện Bình Sơn, khu vực dân cư các xã Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa và Tịnh Khê có thể di chuyển đến vùng đất cao nằm giữa xã Tịnh Khê và Tịnh Long.

Ngoài ra, đối với khu vực cửa sông Trà Khúc, cần di chuyển dân nhanh vào phía trong, cách bờ khoảng 5km là an toàn.

+ Ngập lụt do sóng thần gây ra tại tỉnh Phú Yên là rất nghiêm trọng, các xã ven biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là khu vực các cửa sông Đà Rằng và Vũng Rô. Tại Vũng Rô, sóng thần lan truyền vào thị trấn Sông Cầu với khoảng cách lớn nhất tới gần 1km và độ ngập sâu lớn nhất hơn 1,5m. Tại huyện Tuy An, xã An Chấn và An Mỹ bị ảnh hưởng nặng nhất với diện tích ngập lụt lên tới 3,5km2.

Khu vực thị trấn Phú Lâm, huyện Tuy Hòa bị ngập lụt nặng nề. Diện tích ngập lụt tại thị trấn này khoảng 6km2. Độ sâu ngập lụt cũng rất lớn, trung bình khoảng 3m, chỗ sâu nhất tới hơn 5m. (Nguồn: báo cáo dự án “Xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ sóng thần cho các vùng bờ biển VN”)

XUÂN LONG

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận