Hội thảo của “nhà khoa học chân đất”

MẬU TRƯỜNG 11/10/2017 20:10 GMT+7

TTCT - Một ngày cuối tháng 8. Trong căn nhà nằm giữa cánh đồng thuộc xã Phong Mỹ, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, hương lúa chín thoang thoảng theo những đợt gió lùa vào, ông Phạm Văn Nhựt - chủ nhà - kê vội ba chiếc bàn để chuẩn bị đón khách dự... hội thảo về kỹ thuật lai tạo lúa giống.

PGS.TS Huỳnh Quang Tín bên những “nhà khoa học chân đất” tại một thửa ruộng trồng khảo nghiệm ở Bến Tre. -Ảnh: Mậu Trường
PGS.TS Huỳnh Quang Tín bên những “nhà khoa học chân đất” tại một thửa ruộng trồng khảo nghiệm ở Bến Tre. -Ảnh: Mậu Trường

 

Buổi hội thảo không có tiếp tân, không có băngrôn và những giỏ quà sang trọng như thường thấy. Thay vào đó là những lời chào rổn rảng khi có những chuyến xe máy cà tàng men theo bờ ruộng chở các “nhà khoa học chân đất” từ lộ lớn vào.

Gọi họ là “nhà khoa học chân đất” bởi những nghiên cứu của những người nông dân không bằng cấp này lại có tính ứng dụng cao, thiết thực với người dân vựa lúa ĐBSCL.

Nơi gặp gỡ của những “vua lúa giống”

Có mặt tại nhà ông Nhựt từ sớm, ông Hai Tính (Nguyễn Văn Tính, 55 tuổi, giám đốc Công ty TNHH MTV Cây Lúa Vàng), tranh thủ ra thăm ruộng lúa giống HD29 trồng khảo nghiệm trên đất Bến Tre.

Nhìn những cây lúa trĩu bông, ông gật gù: “Cái giống HD29 này được cái cứng cây. Hổm rày mưa gió vậy chứ không có cây nào ngã đổ”.

Ông Hai Tính cho biết loại giống HD29 mà ông Nhựt mang về trồng khảo nghiệm còn có ưu điểm là gạo trong, hạt đẹp, khi nấu lên cơm dẻo và mềm nên rất được thị trường ưa chuộng. Ông bắt đầu tham gia nghiên cứu, lai tạo lúa giống từ năm 2004, với giống lúa mang tên quê hương ông - Hòn Đất (Kiên Giang), đặt tên là HD1 và nay đã lai tạo đến loại giống HD30.

Kể về sự ra đời của giống lúa HD1 và được Bộ NN&PTNT công nhận giống lúa quốc gia, ông Hai Tính cho biết tất cả đều xuất phát từ nỗi trăn trở của người con Hòn Đất.

Gắn bó với ruộng đồng từ nhỏ, chứng kiến cảnh thất bát của bà con nông dân, ông Hai Tính sớm tìm ra được nguyên nhân: không có giống lúa tốt. Ban đầu ông tiếp cận kỹ thuật lai tạo giống, sau đó dùng giống AS996 của Trường ĐH Cần Thơ nhân với giống MTL156 lai được dòng F1. Từ dòng F1 ông tiếp tục lai với giống Nàng Nhuận tạo ra thế hệ F2, rồi chọn dòng phân ly và cuối cùng cho ra giống HD1. Thành quả ban đầu với các đặc tính: kháng được nhiều loại sâu bệnh, gạo ngon, năng suất 8 tấn/ha...

Ông tiếp tục lai tạo và đang ấp ủ giống lúa HD30. “Loại HD30 này hứa hẹn sẽ là giống lúa cực tốt với các đặc điểm nổi trội hơn như hạt to, giấu bông” - ông Hai Tính hồ hởi.

Cạnh ruộng lúa trồng khảo nghiệm giống HD29 là ruộng lúa LH1 (viết tắt chữ Long Hồ, Vĩnh Long) đang sắp thu hoạch, bông oằn xuống nặng trĩu hạt. Vừa từ lộ lớn đi vào, ông Hai Long (Phạm Văn Long, 56 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) đi thẳng ra ruộng lúa cấy giống của mình.

Ông phăm phăm xắn quần lội xuống ruộng mân mê từng bông lúa rồi tủm tỉm cười. Trên bờ, ông Phạm Văn Nhựt cũng cười theo: “Ai đi ngang cũng lác mắt với giống lúa của ông đó. Chỉ tiếc năm nay không bị mặn để thử khả năng chịu mặn của nó”. Ông Long cho biết giống lúa LH ngoài đặc tính gạo mềm, thơm còn có khả năng chịu mặn lên đến 4 phần ngàn.

Khi mặt trời đứng bóng cũng là lúc khoảng 15 “vua lúa giống” khắp nơi tụ về đông đủ. Ông Năm Châu (Dương Văn Châu, 68 tuổi, quê Trà Vinh) cha đẻ của hai giống lúa nổi tiếng MT3 và MT2, bà Mai Bích Chương (61 tuổi, Vĩnh Long) người gắn với giống lúa LH và ông Trần Thanh Hùng, cha đẻ của giống lúa Núi Voi, An Giang...

Ông Phạm Văn Nhựt bên giống lúa mới với tính năng chịu mặn tốt mà ông sắp tung ra 
thị trường. -Ảnh: Mậu Trường
Ông Phạm Văn Nhựt bên giống lúa mới với tính năng chịu mặn tốt mà ông sắp tung ra thị trường. -Ảnh: Mậu Trường

 

Nhà khoa học không bằng cấp

Bên những chiếc ghế xếp đơn sơ, những vấn đề xoay quanh cây lúa, hạt lúa giống được bàn thảo rôm rả. Buổi hội thảo không có những bài phát biểu mở đầu dài lê thê và cũng không có những “kính thưa” đầy trang trọng nhưng nghiêm túc.

“Chúng ta có mặt ở đây hôm nay là để chia sẻ kỹ thuật, chia sẻ những loại giống mới được lai tạo, phục tráng cho nhau để thử trồng tại nhiều vùng đất khác nhau” - PGS.TS Huỳnh Quang Tín, Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Trường ĐH Cần Thơ), mở đầu buổi hội thảo, các nhà lai tạo giống ngồi xung quanh chăm chú nghe.

Cầm trên tay một bông lúa đang ngậm sữa ngắt từ thửa ruộng trồng khảo nghiệm gần nơi tổ chức hội thảo, bà Mai Bích Chương, chủ nhân của giống lúa LH1, thắc mắc: “Anh Nhựt chắc bốc lộn giống chứ nếu LH1 thì không thể như thế này.

Vì LH1 có lá cờ khác, hạt dài”. “Tôi chắc chắn mà, có thể là do tôi trồng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học nên hơi khác xíu” - ông Nhựt giải thích.

Không phải ngẫu nhiên mà buổi hội thảo năm nay tổ chức tại nhà ông Nhựt, một nhà lai tạo giống ở xứ dừa, địa phương vốn không mạnh về cây lúa.

Theo ông Phạm Văn Long - cha đẻ của giống lúa LH nổi tiếng (chồng bà Mai Bích Chương), những năm gần đây Bến Tre gánh chịu những tác động của biến đổi khí hậu nên hầu hết giống lúa trồng tại địa phương này đều không sống nổi.

“Ngoài những giống lúa ông Nhựt đang lai tạo, phục tráng để thử thách với độ mặn ở địa phương này, ông còn nhận trồng khảo nghiệm các giống lúa của các đồng nghiệp khác, trong đó có giống lúa của tôi, để thử sức chống chọi với mặn” - ông Long nói.

Trước buổi hội thảo diễn ra nửa tháng, nhiều lúc đang nắng chang chang bỗng chốc mưa như trút nước. Tay vừa mân mê từng bông lúa đang ngậm sữa trong thửa ruộng trồng khảo nghiệm rộng 3ha, ông Nhựt vừa nói: “Tiết trời càng đỏng đảnh tụi tui càng khoái. Bởi khi trồng khảo nghiệm thời tiết càng thất thường bao nhiêu thì khi hạt lúa giống đến được tay người nông dân chúng tôi càng an tâm bấy nhiêu”.

Sau khi xuất ngũ về, ông Nhựt trăn trở với cây lúa của địa phương. Bởi thập niên 1990, nông dân ở đây chỉ sử dụng giống bị thoái hóa nên hiệu quả kinh tế thấp, đời sống người dân khó khăn.

“Tôi muốn tạo ra một giống lúa phù hợp với địa phương mình để giúp bà con nhưng không biết từ đâu, vì chỉ học đến lớp 12 và cũng chưa học chuyên sâu vào chuyên ngành nào” - ông Nhựt nhớ lại.

Năm 2004, ông được Hội Nông dân xã Phong Mỹ giới thiệu tham gia lớp tập huấn nhân tạo giống lúa cộng đồng do Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Bến Tre phối hợp với Trường ĐH Cần Thơ tổ chức. Gặp gỡ và nhận được cảm hứng từ những người thầy, cô tâm huyết với ngành nông nghiệp như PGS.TS Huỳnh Quang Tín, GS.TS Nguyễn Thị Thu Cúc (Trường ĐH Cần Thơ), ông Nhựt bắt tay vào lai tạo giống.

“Tôi trồng khảo nghiệm hai giống lúa trung vụ tại địa phương xã Phong Mỹ đã thoái hóa. Mất ba năm mày mò nghiên cứu, đến năm 2011 mới cho ra đời được giống lúa OC10 hạt dài và OC10 hạt tròn được thị trường tiếp nhận” - ông Nhựt khoe về thành quả đầu tiên. Sau đó ông mày mò lai tạo và cho ra giống lúa PM1 (Phong Mỹ 1).

“Tuy có nhiều ưu điểm như kháng sâu bệnh, năng suất cao nhưng gạo lại không ngon, “kháng lái” (thương lái chê) nên tôi lại phải tiếp tục nghiên cứu” - ông Nhựt kể.

Đợt mặn xâm nhập kỷ lục năm 2015, 2016 thôi thúc ông tiếp tục nghiên cứu các giống lúa có thể sinh trưởng tốt khi bị nhiễm mặn.

Thời điểm đó, người ta thấy ông Nhựt liên tục chở về những can nước biển nên tò mò hỏi thăm, thậm chí có người còn nói ông không bình thường. Khi ông tuyên bố giống lúa của ông chịu được độ mặn 2 phần ngàn, mọi người mới hiểu công việc ông đang âm thầm làm.

Dù đạt được kết quả ban đầu nhưng giống lúa lai tạo thử nghiệm lúa Nhật hạt tròn AGPPS-103 và AGPSPP, ông vẫn đang tiếp tục trồng thử nghiệm trong nhà lưới. Đến nay, ông đã phục tráng, lai tạo được khoảng 10 giống lúa. Ngoài ra, một số giống lúa của các đồng nghiệp ông đem về trồng khảo nghiệm bước đầu chống chọi được với độ mặn lên đến 4 phần ngàn.

Bà Lê Kim Thoa (54 tuổi, ngụ Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) là một trong số ít “nhà khoa học chân đất” nữ tham gia nghiên cứu sản xuất lúa giống cũng có mặt tại buổi hội thảo.

Học hết lớp 8, do cuộc sống khó khăn nên bà đã thôi học để theo cha mẹ làm nông và tham gia lớp tập huấn lai tạo giống. Sau 15 năm, bà đã tạo được thương hiệu cho giống lúa LV (Lấp Vò). Mỗi năm bà cùng một số thành viên trong câu lạc bộ sản xuất lúa giống xã Tân Mỹ (Đồng Tháp), bán ra thị trường hơn 20 tấn lúa với ba giống khác nhau do chính bà lai tạo.

Buổi hội thảo của những “nhà khoa học chân đất” kết thúc lúc xế chiều, với những món quà dân dã. Người thì vài ký gạo thảo dược mà ông Nhựt vừa lai tạo thành công, người thì con gà, mớ trứng, người khác lại mang về một quày dừa xiêm xanh. Không có thời gian cụ thể cho lần hội thảo kế tiếp nhưng theo một thành viên trong nhóm đề xuất, năm sau sẽ làm ở Tiền Giang và cũng vào mùa lúa chín.■

Lo đội ngũ kế thừa

PGS.TS Huỳnh Quang Tín cho biết từ 100.000 người tham gia tập huấn lai tạo giống lúa trên cả nước 10 năm trước, đến nay còn khoảng 20 người bám được với nghề này. Sau hơn 10 năm tham gia nghiên cứu, đến nay những “nhà khoa học chân đất” đã lai tạo được khoảng 360 giống lúa, trong đó có 10 giống được sản xuất đại trà.

Điều mà PGS.TS Huỳnh Quang Tín trăn trở là đội ngũ kế thừa. Hiện nay đội ngũ nông dân sản xuất giống hầu hết đã lớn tuổi, trong khi những người trẻ lại thiếu đam mê, nhiệt huyết.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận