"Học sinh khuyết tật"?

TTCT - Bạn tôi dạy ở một trường cấp I trong tỉnh, gọi điện kể một câu chuyện dở khóc dở cười. Nghe xong, chợt một lần nữa thấy vô cùng sợ hãi.

Số là ở ngôi trường bạn tôi dạy (và có lẽ không chỉ mình trường của bạn) mỗi lớp đều có những học sinh yếu kém, chậm tiến, ở lại lớp một năm hoặc hai năm. Sẽ là bình thường nếu các giáo viên chấp nhận thực tế này và tạo mọi điều kiện giúp đỡ để các em có thể học tập tốt hơn. Nhưng gay một chỗ là... thành tích thi đua: thi đua không chỉ giữa các lớp với nhau mà còn giữa các trường. Và trong cuộc đua giành danh hiệu ấy, các học sinh yếu kém này tự dưng biến thành những “vật cản” tương đối nặng ký.

Sau khi cùng nhau ngồi “bàn bạc” thật lâu và thật cụ thể, các giáo viên và ban giám hiệu trường bạn đi đến quyết định cuối cùng, được 100% giáo viên đồng tình vì vừa “lách” được tiêu chí xét thi đua vừa đảm bảo tính “công bằng” cho các lớp. Đó là xếp tất cả học sinh chậm hiểu, ở lại lớp, lười học vào danh mục... học sinh khuyết tật!

Đơn giản, nếu các em là học sinh khuyết tật thì quá trình học tập của các em sẽ không làm ảnh hưởng chỉ tiêu thi đua của lớp, của trường. Trong khi nếu là học sinh bình thường mà học hành như vậy, chắc chắn giáo viên chủ nhiệm nói riêng và nhà trường nói chung sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Bình quân mỗi lớp ít nhất có ba em thì tính tổng thể cả trường sẽ mất rất nhiều điểm thi đua...

Tôi đã nghe nhiều câu chuyện về việc các giáo viên tìm mọi cách nâng cao thành tích thi đua của mình, nhưng lần này thật sự cảm thấy mình bị sốc và không biết nên cười hay nên khóc. Một khi tiền thưởng và một phần danh dự không nhỏ của giáo viên còn bị phụ thuộc rất lớn vào chuyện thi đua, chuyện lập thành tích thì hằng ngày, hàng giờ có biết bao câu chuyện oái oăm như thế xảy ra ở các ngôi trường trên đất nước Việt Nam này?

Tôi nghĩ chắc các thầy cô cũng không muốn vậy đâu. Nhưng trong lúc cả trường làm vậy, các đồng nghiệp làm vậy, muốn đi ngược lại phải vô cùng dũng cảm. Mấy ai dám đem sự dũng cảm ấy ra để đổi lại bát cơm của mình, đổi lại hạnh phúc của gia đình, con cái của mình vốn đang trông đợi vào đồng lương còm cõi qua những tiết dạy, sau những thành tích thi đua có cả thực và ảo của mình?

Nhưng dù thế nào cũng đừng buộc học sinh trở thành người khuyết tật. Lên các cấp học trên rồi ra đời, các em sẽ nghĩ sao nếu mình hoàn toàn bình thường mà trong học bạ, trong mắt mọi người lại là người khuyết tật? Sao không dùng tình yêu thương và tất cả những gì thuộc về năng lực của mình để uốn nắn, giúp đỡ các em học kém? Bởi tôi tin rằng ở độ tuổi học sinh cấp I, mọi cái đối với các em chỉ là mới bắt đầu.

Không hiếm trường hợp bạn bè tôi và những người xung quanh tôi ở cấp I từng học rất kém, nhưng khi lên các cấp trên và ra đời họ làm được nhiều việc có ích và thành đạt trong cuộc sống. Góp phần cho sự tiến bộ ấy là sự yêu thương, dìu dắt hết mình của thầy cô, những người chỉ mong học sinh của mình ngày càng học tốt hơn chứ không bao giờ vì thành tích của mình mà liệt những học trò hoàn toàn bình thường vào danh sách “học sinh khuyết tật”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận