Đi tìm Như của Phùng Quán

THU DỊU 16/11/2007 20:11 GMT+7

TTCT - Tôi băn khoăn không biết những điều Phùng Quán viết có phải là sự thật hay chỉ là hư cấu? Tôi canh cánh trong lòng việc tìm gặp nhân vật tên Như, quê ở Hải Thôn - một làng ven biển Sầm Sơn, mà không biết sau hơn 50 năm người con gái ấy còn hay mất.

Phóng to
Cụ Nhủ đang xem hình Phùng Quán thời trẻ
TTCT - Tôi băn khoăn không biết những điều Phùng Quán viết có phải là sự thật hay chỉ là hư cấu? Tôi canh cánh trong lòng việc tìm gặp nhân vật tên Như, quê ở Hải Thôn - một làng ven biển Sầm Sơn, mà không biết sau hơn 50 năm người con gái ấy còn hay mất.

Trong thời gian giúp bác Bội Trâm, phu nhân của Phùng Quán, sắp xếp lại cuốn hồi ký Tôi trở thành nhà văn như thế nào (NXB Văn Nghệ, TP.HCM, tháng 10-2007), tôi đã bị “hút hồn” bởi những tình tiết, câu chuyện, nhân vật trong đó.

Đặc biệt là câu chuyện về người con gái có vẻ đẹp “hai má màu hoa lựu và cặp môi đỏ ướt một cách khác thường”, tên Như ở đội Chim Hòa Bình, người mà Phùng Quán tự hẹn lòng: “Tôi sẽ gắng viết cho xong cuốn truyện mà em là độc giả đầu tiên, đã khuyến khích tôi viết từng trang một, đã động viên tôi bằng những củ khoai nướng, những tấm bánh đúc kê và ánh mắt tinh khiết thiếu nữ cúi trên trang viết rưng rưng nước mắt...”.

Cuộc tìm kiếm... bất ngờ

Hình ảnh người thiếu nữ ấy luôn chiếm lĩnh tâm trí tôi. Tôi mày mò tìm địa danh Hải Thôn trên mạng Internet nhưng không thấy, tìm trong bản đồ tỉnh Thanh Hóa cũng không có làng quê nào tên như vậy.

Thế rồi, qua một người quen ở Thanh Hóa, tôi biết Hải Thôn nay thuộc xã Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn. Người đó cho tôi số điện thoại UBND xã Quảng Tiến, nhưng khi tôi gọi hỏi về người phụ nữ tên Như, năm nay khoảng 69-70 tuổi, thì không ai biết. Tôi nghĩ: “Sao mình lại mất công mò kim đáy biển thế nhỉ? Chỉ cần khi cuốn hồi ký ra mắt bạn đọc, nhân vật tên Như ấy mà có thật và còn sống thì có thể sẽ liên lạc với gia đình tác giả...”. Biết chuyện, bác Bội Trâm cũng khuyên tôi tạm gác việc đó lại vì không thể ngày một ngày hai mà tìm ra ngay bác Như được.

Dẫu vậy nhưng đi đâu, làm gì tôi vẫn nghĩ đến bác Như - người đầu tiên đọc bản thảo Vượt Côn Đảo... Vô tình tôi đọc được bản danh sách hội viên Hội đồng hương Sầm Sơn trên website: www.samson.vn. Biết đâu trong số họ có người biết Hải Thôn, biết người tên Như? Tôi bèn viết thư nhờ người quản trị trang web giúp đỡ.

Chiều hôm sau, tôi nhận được hồi âm của anh Ngọc Khánh. Anh hứa giúp. Và sáng 5-10, từ Sầm Sơn, Ngọc Khánh gọi ra cho tôi hay: “Mình gặp được “cô bé” trong đội Chim Hòa Bình rồi, nhưng người biết bác Quán lại tên là Nhủ chứ không phải Như”. Có thể do cuốn hồi ký được Phùng Quán viết bằng bút sắt trên giấy mỏng, chữ bị nhòe nên tôi và bác Bội Trâm đọc nhầm Nhủ thành Như... Ngay sau đó, tôi đã được nói chuyện qua điện thoại với bác Nhủ. Hai bác cháu không nói được gì nhiều nên tôi hẹn sẽ sớm vào Sầm Sơn để nghe bác kể chuyện “ngày xưa”...

Tôi nóng lòng muốn gặp “người trong cuộc” ấy, nên quyết định đi chuyến xe sớm ngay hôm sau, 6-10-2007, bất kể sự can ngăn của bác Bội Trâm và gia đình. Chẳng là lúc đó Thanh Hóa đang chịu ảnh hưởng rất nặng của cơn bão số 5, nhiều nơi đường sá, cầu cống bị ngập... Đến tận giờ, tôi cũng không biết vì động lực gì mà lúc đó tôi lại hăng hái, liều lĩnh như vậy.

Xuống xe, tôi được Ngọc Khánh đón và đưa đến thăm gia đình bác Nhủ.

Từ thị xã Sầm Sơn, chúng tôi đi khoảng 5km thì đến nơi. Nhà bác Nhủ nằm ở giữa thôn Hải Vượng, xã Quảng Tiến. Đây là khu tái định cư của nhiều hộ dân Hải Thôn. Hải Thôn xưa giờ một nửa thuộc Hải Vượng, còn nửa kia thuộc về Trung Thịnh, xã Quảng Tiến. Gia đình bác Nhủ cũng như các hộ dân khác trong thôn sống bằng nghề đi biển. Chúng tôi đến đúng dịp đàn ông, trai tráng đi biển nên chỉ gặp bác Nhủ, chị con dâu và mấy người cháu. Bác Nhủ giờ đã ở tuổi 70 nhưng vẫn còn khá nhanh nhẹn. Bác trông nom nhà cửa, dạy bảo các cháu. Ngôi nhà mà chúng tôi đang ngồi là nhà người con trai lớn. Nhà mái bằng, có tường bao xung quanh, nền lát gạch hoa, trong nhà có tivi, đầu video...

Người xưa

Phóng to

Tôi cho bác Nhủ xem tấm ảnh nhà thơ Phùng Quán mà bác Bội Trâm đã lấy trong album gia đình đưa cho tôi cầm theo. Bác Nhủ nói ngay: “Đúng là anh Quán thời trẻ!”. Tôi hỏi bác kỷ niệm về những ngày tham gia đội Chim Hòa Bình, cũng như những kỷ niệm với các anh trong tổ phóng viên ngày ấy.

Bác cười và nhớ lại: “Trong đợt trao trả tù binh đó, xã lấy ra một đội thiếu nhi gồm 11 người (năm nam, sáu nữ), đặt tên đội là Chim Hòa Bình với ý nghĩa chim bồ câu tượng trưng cho hòa bình vừa được lập lại trên đất nước ta. Đội có nhiệm vụ múa hát phục vụ công tác trao trả.

Hồi đó các bác, các cô trong đội đều ít tuổi (năm ấy bác chưa đầy 16 tuổi) nhưng hăng hái lắm. Ngoài công việc chính là múa hát, mọi người trong đội còn tham gia chăm sóc anh em tù Côn Đảo. Vì thế mới quen với các anh trong tổ phóng viên như Nguyễn Trần Thiết, Phùng Quán, Hoài Giao... Hết đợt trao trả, anh Quán cùng tổ phóng viên rời Hải Thôn. Anh còn gửi tặng cây đàn ghita cho đội Chim Hòa Bình, nhưng qua thời gian chiến tranh không còn giữ được nữa...”.

Bác Nhủ kể thêm: “Ban ngày, anh Quán cùng anh em tham gia công tác trao trả, tối về lại thức rất khuya ghi ghi chép chép. Bác hỏi mới biết anh ấy viết lại những chuyện do anh em tù Côn Đảo kể. Mặc dù bác mới học hết lớp 3, nhưng đọc những trang viết chân thực của anh Quán, bác rất xúc động, vừa đọc vừa khóc”. Tôi hỏi bác:

- Cháu được biết hình như bác còn sửa lỗi chính tả trong đó nữa?

- Ừ thì trong khi đọc, bác phát hiện nhiều chỗ anh Phùng Quán viết sai chính tả: chữ có “gờ” anh không cho “gờ”, chữ không có “gờ' anh lại cho “gờ”, rồi nhầm giữa dấu hỏi và dấu ngã...

- Bác có biết cuốn Vượt Côn Đảo đã in thành sách và được nhiều người tìm đọc?

- Biết chứ. Ở trong này, các bác cũng thường xuyên nghe đài, đọc báo. Ngay chuyện anh Quán bị phê phán gì đó bác cũng biết, nhưng không được tường tận cho lắm.

- Lúc đó bác nghĩ thế nào ạ?

- Bác không hiểu tại sao lại như thế, nhưng trong thâm tâm vẫn tin rằng anh Quán vô tội. Hồi đó, bác có người anh trai học ở Hà Nội nên thỉnh thoảng cũng ra Hà Nội chơi. Năm 1957, bác còn tìm đến báo Quân Đội Nhân Dân, nhưng có người bảo anh Quán đi công tác xa. Có lẽ người ta giấu chuyện anh ấy bị kỷ luật, không còn làm ở đấy nữa. Sau lần đó, bác về quê rồi lập gia đình, ít có dịp ra Hà Nội...

Như chợt nhớ ra, bác Nhủ kể tiếp:

- Năm 1960, bác có gặp lại anh Quán khi anh ấy theo ông chú họ vào Thanh Hóa công tác tại Ty Văn hóa. Anh Quán có đến nhà bác chơi, nhưng bác đi vắng nên không gặp. Lúc về, nghe mọi người nói lại, bác cùng với một cô bạn lên Ty Văn hóa tìm. Vào phòng làm việc không thấy ai, nhưng nhìn thấy bài thơ viết về chị Võ Thị Sáu dán ở trên tường, cạnh bàn làm việc.

Bác đoán đó là chỗ làm việc của anh Quán. Quả đúng như vậy, chờ một lúc thì thấy anh ấy về. Lúc đó biết anh đang bị kỷ luật nhưng gặp nhau anh vẫn vui vẻ, không oán hận, trách móc gì nên bác cũng không dám hỏi tới. Cũng trong lần gặp ở Thanh Hóa đó, anh Quán có tặng bác một bài thơ do anh sáng tác nhưng lâu ngày bác quên gần hết, chỉ còn nhớ bốn câu:

Chim hải âu dựng cánh giữa lưng trời

Đang tìm bạn hay tìm ai chẳng biết

Bạn đời ơi thôi từ nay đã hết

Gửi tình thương bất diệt lúc chia tay...

Rồi từ đó, bác Nhủ và nhà thơ Phùng Quán không gặp lại nhau một lần nào nữa. Bác cũng kể với tôi rằng mấy chị em trong đội Chim Hòa Bình sau này cũng để ý hỏi thăm tình hình nhưng không ai biết tin gì về bác Quán cả. Mọi người còn tưởng Phùng Quán về Huế sinh sống, chứ không hề biết ông sống và mất ở Hà Nội, cũng như không biết những sóng gió của cuộc đời ông.

Như đã hẹn, sáng hôm sau tôi cùng bác Nhủ ra thăm cảng Hới, nơi từng diễn ra cuộc trao trả tù binh năm 1954. Bác chỉ những căn nhà mái đỏ khang trang và nói: “Ngày xưa, chỗ đó là nơi dựng các lán trại để đón tiếp các tù binh của ta”. Bãi dương liễu, nơi bác từng ngồi đọc những trang bản thảo đầu tiên của Vượt Côn Đảo, giờ cũng không còn. Bác Nhủ ngậm ngùi: “Hơn 50 năm rồi còn gì!”.

Tạm biệt Sầm Sơn, tôi về lại Hà Nội với tâm trạng hân hoan vì đã tự tìm ra nhân vật Nhủ trong hồi ký Phùng Quán...

Tôi lại chợt nhớ đến những dòng hồi ký bác Phùng Quán viết về việc sẽ làm ngay sau khi Vượt Côn Đảo được in thành sách: “Tôi chọn cuốn đẹp nhất, nắn nót viết lên trang đầu sách: Yêu quí tặng em Như (lúc này tôi mới nhớ ra tôi không biết họ em là gì: Lê, Trần hay Nguyễn? Tôi hối hận vô cùng. Tại sao không bao giờ tôi có ý định hỏi em?)...”.

Bác Phùng Quán không kịp làm việc tặng sách ấy. Và tôi, hơn 50 năm sau mới có dịp thực hiện ý nguyện của người đã khuất: thay mặt bác Bội Trâm gửi tặng bác Nguyễn Thị Nhủ cuốn tiểu thuyết Vượt Côn Đảo mà NXB Lao Động tái bản hồi tháng 6-2007.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận