Danh tiếng Harvard giờ ra sao?

XE NHO 05/03/2024 14:48 GMT+7

TTCT - Mãi đến gần đây, Harvard vẫn tượng trưng cho những gì tinh túy nhất của nền đại học Mỹ; gắn liền với một nền giáo dục xuất sắc, môi trường học thuật của giới trí thức, thành trì của tư tưởng khai phóng. Nay danh tiếng đó đã bị tổn hại.

Những cuộc biểu tình ủng hộ Palestine của sinh viên đã khiến Đại học Harvard gặp rắc rối.  Ảnh: Harvard Crimson

Những cuộc biểu tình ủng hộ Palestine của sinh viên đã khiến Đại học Harvard gặp rắc rối. Ảnh: Harvard Crimson

Harvard dính vào nhiều vụ tai tiếng, từ chuyện bài Do Thái đến đạo văn, từ một môi trường thiếu vắng tự do tư tưởng đến sự bóp nghẹt tự do ngôn luận.

Trong một hội thảo do Đại học Yale tổ chức vào cuối tháng 1 quy tụ 70 hiệu trưởng đại học Mỹ, một trong những chủ đề nổi bật, theo The New York Times, là khủng hoảng tại Đại học Harvard

Họ xem Harvard như một nghiên cứu điển hình về vai trò của lãnh đạo tại các trường đại học và một trang thuyết trình thu hút sự chú ý của mọi người khi đặt tựa: "Boeing & Tesla có mức rì rầm tiêu cực như Harvard". 

Tác giả ví von Boeing và Tesla đều là những tên tuổi lớn nhưng gần đây Boeing dính vào chuyện máy bay bị bung cửa trên không, còn Tesla có một ông chủ đầy tai tiếng, hàng triệu xe phải thu hồi. Harvard, với danh tiếng cả thế kỷ, nay cũng gây ra sự chú ý đầy tiêu cực như thế.

Uy tín sứt mẻ

Một biểu hiện rõ nhất liên quan đến sự sứt mẻ uy tín của Harvard: tổng số sinh viên nộp đơn xin vào học tại đại học này theo dạng quyết định sớm giảm đến 17% trong năm nay, dù ở các trường hàng đầu khác, tỉ lệ này lại tăng.

Sở dĩ hiệu trưởng các đại học Mỹ quan tâm đến sự suy sụp thương hiệu Harvard là bởi đây không phải là vấn đề của riêng một trường đại học, nó còn ảnh hưởng đến toàn bộ nền giáo dục đại học Mỹ. Cách ứng xử của lãnh đạo Harvard liệu có giảm nhẹ tình hình? 

Chẳng hạn mới tuần trước, một nhóm sinh viên và giảng viên ủng hộ Palestine đã đưa lên mạng xã hội những biếm họa mang tính bài Do Thái: hình một con rối, trên bàn tay có dấu đô la bên trong ngôi sao David, đang hành hình Muhammad Ali - nhà vô địch quyền anh từng ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng quê hương của người Palestine. Sau đó lãnh đạo Harvard tuyên bố sẽ điều tra các hình ảnh này.

Hiệu trưởng trước đây của Harvard, bà Claudine Gay, phải từ chức vào đầu năm 2024 do tai tiếng đạo văn và do cách trả lời lấp lửng trước một buổi điều trần tại Quốc hội Mỹ. Hiện Ủy ban Giáo dục và Lực lượng Lao động của Hạ viện Mỹ vẫn đang điều tra cáo buộc bài Do Thái của Harvard. 

Họ đòi trường này phải cung cấp hồ sơ, tài liệu xem nhà trường ứng xử thế nào trước các biểu hiện bài Do Thái. Trước đây thật khó hình dung cơ quan lập pháp Mỹ lại can thiệp sâu vào một trường đại học như thế.

Học thuật khó chọn phe?

Sự sứt mẻ danh tiếng và uy tín Harvard có lẽ bắt đầu từ sự khó xử của họ trước hoạt động của sinh viên. 

Trong khi đó, giới doanh nghiệp và nhà tài trợ tỉ phú đe dọa sẽ cắt nguồn tiền tài trợ, không tuyển dụng sinh viên ra trường từ Harvard từng tham gia biểu tình chống Israel, ủng hộ Palestine, đặc biệt là không lên án Hamas thảm sát người dân trong vụ tấn công ngày 7-10-2023. 

Truyền thông cánh hữu liên tục vạch trần các vụ đạo văn tại Harvard, nhất là vụ của cựu hiệu trưởng Gay. Nhiều tờ báo phê phán các chương trình mang tính "phải đạo" của Harvard nhằm thúc đẩy tính đa dạng, bình đẳng và bao trùm của trường.

Nhìn chung tình hình hiện nay ở Harvard là sự bất ổn trong sinh viên và đội ngũ giảng viên, họ trông chờ dàn lãnh đạo Harvard có những biện pháp mới để phục hồi uy tín. 

Quyền hiệu trưởng Alan Garber trả lời phỏng vấn tờ báo của nhà trường liệt kê một số nỗ lực nhằm giảm bớt căng thẳng như quy định cấm một số hình thức biểu tình gây rối, tổ chức nhiều sự kiện để khuyến khích đối thoại hơn là đối đầu trong sinh viên.

Tuy nhiên, một số giảng viên lại phê phán lãnh đạo Harvard đi quá xa khi cố gắng chiều lòng các bên liên quan. Steven Pinker, giáo sư tâm lý học, nhận định trên The New York Times rằng các trường đại học nên bỏ thói quen rao giảng đúng sai mỗi khi có một sự kiện thời sự. 

Ông tin rằng nếu Harvard tạo lập vị thế trung lập trước các vấn đề thời sự thì họ đã không phải đau đầu như những tháng qua. Ông cũng đứng ra đồng thành lập một hội đồng, đến nay thu hút hơn 170 giảng viên Harvard tham gia, với chủ trương đối trọng với cái ông gọi là "nền văn hóa tri thức độc quyền". ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận