Công nghệ cao và lao động giá "bèo"

GIÁNG HƯƠNG 10/11/2010 12:11 GMT+7

TTCT - Khi khánh thành nhà máy lắp ráp và kiểm định chip của Intel (ngày 29-10) tại Khu công nghệ cao TP.HCM, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Intel Paul Otellini xác nhận với Tuổi Trẻ Cuối Tuần về việc sử dụng lại một phần nhỏ thiết bị cũ của hai nhà máy khác ở châu Á mà Intel đã đóng cửa.

 
 

 Gần 5 năm sau ngày công bố đầu tư, Intel đi vào hoạt động ở VN với khoảng 400 lao động và “hi vọng sẽ tạo ra hàng nghìn việc làm khi đi vào sản xuất ổn định”.

Xác nhận này của Intel - một biểu tượng về đầu tư công nghệ cao (CNC) vào VN trong vòng một thập niên qua - khiến không thể không đặt câu hỏi: mục tiêu dùng công nghệ cao như một giải pháp giúp đột phá thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã được thực hiện đến đâu?

Hơn một thập niên trước, TP.HCM quyết tâm đầu tư khu CNC tập trung với mong muốn từ đây tạo dựng được những tiền đề để dần lái đường hướng phát triển của TP đi lên bằng khoa học - công nghệ (cao).

Xây dựng Khu CNC TP.HCM (SHTP) được chọn là một trong những giải pháp chủ yếu để thực hiện chương trình đột phá hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của thành phố. Song từ những gì SHTP (công bố) đã hoàn thành trong giai đoạn 1 và nhìn vào những băngrôn tuyển dụng phần nhiều là lao động phổ thông treo trước cửa nhiều nhà máy trong khu, không thể không đặt câu hỏi TP đã được những gì từ những dự án mang tên CNC?

Giai đoạn 1 của SHTP với diện tích hơn 300ha trong tổng số hơn 900ha của toàn khu đã được công bố hoàn thành, lấp đầy các dự án đầu tư. Hiện có 44 dự án được cấp phép (chủ yếu là vốn nước ngoài), tổng vốn đầu tư hơn 1,84 tỉ USD, trong đó dự án được nhắc đến nhiều nhất là nhà máy lắp ráp và kiểm định chip của Tập đoàn Intel.

Thu hút vốn là quan trọng, chọn nhà đầu tư danh giá cũng quan trọng. Nhưng cũng không ai phản đối những ý kiến cho rằng “phần hồn” của một khu CNC (hay một dự án CNC cụ thể) nằm ở chỗ hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) thực chất được đầu tư bao nhiêu? Bởi chính đầu tư cho mảng này phản ánh được mức độ chuyển giao công nghệ hay trình độ nguồn nhân lực được đào tạo và sử dụng như thế nào.

Và đây cũng là một trong hai mục tiêu khi thành lập Khu CNC này.

5/17 dự án có triển khai R&D

Như chính thống kê của Khu CNC TP.HCM, trong 17 dự án đi vào hoạt động thuộc giai đoạn 1 quy hoạch cho sản xuất CNC, dịch vụ CNC, chỉ có năm dự án triển khai hoạt động R&D theo cam kết. Chi phí cho “phần hồn” này cũng chênh lệch rất lớn: thấp nhất 2% và cao nhất 38%. Trong số các dự án đi vào hoạt động có ba dự án mà Khu CNC TP thống kê được chỉ ở mức nghiên cứu cải tiến, phát triển sản phẩm, cũng là những dự án đầu tiên thu hút đầu tư vào đây.

Ông Lê Thái Hỷ - trưởng ban quản lý Khu CNC TP.HCM - khẳng định mong muốn “có CNC thật sự” và bước đi đầu tiên là phải xem xét vai trò của những sản phẩm CNC. Song khi phân tích việc triển khai R&D, ông Hỷ nói đến một thực tế: vấn đề cuối cùng vẫn là lợi ích của nhà đầu tư. Nếu họ đưa hẳn đội quân nghiên cứu vào (VN) và trả lương thì không có lợi bằng để ở bên kia (nước sở tại). Hơn nữa, nếu lấy nhân lực tại chỗ để làm R&D thì lấy đâu ra nguồn nhân lực cho mục đích này?

Giải pháp duy nhất vẫn là “ta cần nỗ lực đào tạo” để “họ thấy nguồn nhân lực có thể sử dụng cho R&D”. Như vậy, đường đi tới cái đích mà điều 18 Luật công nghệ cao đã quy định chắc chắn còn dài: “Tổng chi bình quân của doanh nghiệp trong ba năm liền cho R&D được thực hiện tại VN đạt ít nhất 1% tổng doanh thu hằng năm; số lao động của doanh nghiệp có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên trực tiếp thực hiện R&D đạt ít nhất 5% tổng số lao động...”.

Như vậy, cái thiếu nhất ở Khu CNC hiện nay có lẽ chính là phần R&D và đào tạo, cũng là hai vấn đề cấp thiết để phát triển một khu CNC đúng nghĩa, với các dự án đầu tư vào đây thật sự là CNC. Trong chuyến thăm gần đây tới Khu CNC TP.HCM, ông Hồ Đức Việt - ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Tổ chức trung ương - tỏ ý lo ngại “nếu chỉ có gia công, lắp ráp, sản xuất một số sản phẩm CNC thì chưa phải là khu CNC”.

Ông Việt nhắc đi nhắc lại yêu cầu tập trung đầu tư cho R&D, đưa thêm chất xám vào, trong đó người Việt phải nắm được công nghệ. Cũng đã có không ít băn khoăn từ phía các đại biểu Quốc hội khi họ thực hiện nhiệm vụ giám sát, thấy nhiều dự án đầu tư ở đây không có khác biệt, không nổi trội so với những dự án cùng ngành nghề, cùng công nghệ... được đầu tư ở khu công nghiệp bình thường.

Trong khi lại được hưởng nhiều ưu đãi, thậm chí là ở mức cao nhất, như ưu đãi về đất đai, các loại thuế... vì mang tên dự án CNC.

Lao động giá "bèo"

Kết quả được cho là nổi bật trong đầu tư Khu CNC chính là một số lượng lớn lao động được giải quyết công ăn việc làm (nay là khoảng 11.000 lao động, theo SHTP). Chỉ với bốn dự án đến từ Nhật Bản đầu tư tại Khu CNC TP đã thu hút hơn 8.000 lao động. Song người lao động tìm việc đến Khu CNC TP đã chứng kiến những lời rao treo trên nhiều ngả đường trong khu để tuyển lao động phổ thông với số lượng lớn và mức lương không khác biệt so với mức lương của lao động trong các khu công nghiệp khác.

Một lao động vừa kết thúc phần phỏng vấn việc làm tại một nhà máy trong Khu CNC TP.HCM bước ra đã kể lại: “Họ hỏi tôi có biết đọc biết viết không và đã làm việc trong dây chuyền bao giờ chưa, thế thôi”.

Và tất nhiên, mức lương trả cho nhiều lao động ở Khu CNC cũng chỉ ở mức 1,2 triệu đồng/tháng (phổ biến), cộng với các khoản thu nhập khác, trung bình một lao động có khoảng 2 triệu đồng/tháng, là mức “không thể sống được ở TP.HCM” - như nhận xét của ông Hồ Đức Việt.

Đã nhìn nhận ra vấn đề lao động giá “bèo” tại Khu CNC, UBND TP.HCM một mặt yêu cầu các doanh nghiệp tại đây - vốn được hưởng cơ chế nhiều ưu đãi - góp phần đào tạo, sử dụng lao động chất lượng cao nhằm tạo môi trường đầu tư ổn định, hiệu quả và phát triển. Một mặt, chính quyền TP đã kiến nghị Chính phủ quy định mức tiền lương tối thiểu áp dụng chung cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, R&D và CNC.

PGS Đào Công Tiến - nguyên hiệu trưởng ĐH Kinh tế TP.HCM - khi nói về các dự án thu hút đầu tư ở lĩnh vực CNC nói chung đã cho rằng “mục tiêu chuyển giao CNC cho nền kinh tế là chưa rõ. Và trên thực tế, nhiều dự án chưa có CNC thật sự”.

Theo ông, cần cảnh báo những dấu hiệu “khai thác” tối đa chính sách ưu đãi cho CNC của một số dự án để tận dụng tài nguyên đất đai với giá thuê đất rất ưu đãi và lao động giá rẻ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận