Cơn bão giá rẻ từ đường Thái

TRẦN MẠNH 30/12/2020 08:12 GMT+7

TTCT - Chưa đầy một năm sau khi thực hiện ATIGA (Hiệp định hàng hóa ASEAN - bãi bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ các nước ASEAN kể từ ngày 1-1-2020), đường giá rẻ đã tràn ngập thị trường trong nước.

Do tiêu thụ khó khăn, có thời điểm lượng đường tồn kho của Công ty cổ phần Mía đường Sóc Trăng khá lớn. Ảnh: K.TÂM

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), từ năm 2009, để chuẩn bị cho cuộc đua ATIGA, ngành mía đường đã đầu tư hơn 25.000 tỉ đồng để cải tiến máy móc công nghệ. Hầu hết các nhà máy đường trong nước nay đều có nền tảng công nghệ, kỹ thuật tự động được đánh giá là đạt tầm quốc tế.

Tâm thế chuẩn bị đối mặt với lượng đường nhập khẩu ồ ạt từ Thái Lan vào nội địa đã có, nhưng khi điều này xảy ra, ngành đường trong nước hoàn toàn chịu trận trước cơn bão đường giá quá rẻ. 

Từ 1-1-2020, VN bắt đầu thực hiện cam kết ATIGA đối với ngành đường, không giới hạn lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN và áp thuế chỉ 5%. Lập tức, một khối lượng đường kỷ lục tràn vào thị trường VN.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy trong 10 tháng của năm 2020, tổng lượng đường nhập vào VN lên tới trên 1,1 triệu tấn. Đường của Thái Lan soán ngôi đầu với 972.600 tấn (87,67%), Malaysia 76.000 tấn (6,87%) và đường Myanmar cũng vào tới 14.900 tấn (1,34%)... 

Tuy nhiên theo VSSA, lượng đường nhập khẩu từ các nước Malaysia, Campuchia, Indonesia, Myanmar thực ra đều có xuất xứ từ Thái Lan, do vậy có thể nói tổng lượng đường nhập khẩu có nguồn gốc Thái Lan lên tới gần 1,1 triệu tấn (97,7%).

Điều khiến đường Thái Lan có thể tràn vào VN mạnh đến thế, theo nhiều chuyên gia, là do ngành đường nước này được hỗ trợ qua nhiều hình thức để đẩy mạnh xuất khẩu. Giá xuất khẩu bình quân đường thô và đường tinh luyện của Thái Lan vào VN chỉ khoảng 334 USD/tấn, chưa bằng một nửa giá đường bán trong thị trường nội địa nước này (khoảng 755 USD/tấn).

Số liệu xuất khẩu đường được công bố chính thức của Văn phòng hội đồng đường Thái Lan (Office of Cane and Sugar Board - OCSB) còn cho thấy giá xuất khẩu bình quân đường thô và tinh luyện của Thái Lan sang VN chỉ 327,7 USD/tấn. Giá này thậm chí thấp hơn cả chi phí mía/tấn đường, bởi theo công bố, chi phí này của Thái Lan đã là gần 411 USD.

Theo tính toán dựa trên báo cáo của Hiệp hội Mía đường Mỹ, Chính phủ Thái Lan đang trợ giá tối thiểu 1,5 tỉ USD/năm, tương đương 3.000 đồng/kg cho ngành mía đường của nước này. 

Trong đó, trên 775 triệu USD được sử dụng cho khoản trợ cấp xuất khẩu gián tiếp thông qua hệ thống bình ổn giá đường, tức là trợ giá để bù đắp mỗi khi giá đường trên thế giới sụt giảm.

Ông Nguyễn Văn Lộc, quyền tổng thư ký VSSA, cho biết tổ chức này đã kiến nghị Bộ Công thương mau chóng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với đường nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước trước tác động bán phá giá của đường nhập khẩu (chủ yếu là đường xuất xứ từ Thái Lan) gây thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành mía đường. 

Và nguy cơ xóa sổ đang hiển hiện khi đường Thái Lan giá rẻ nhập khẩu đã lớn hơn toàn bộ lượng đường sản xuất trong nước.

Không chỉ với những nhà sản xuất mía đường VN, đằng sau đó còn là sinh kế cho trên 350.000 hộ nông dân trồng mía, và 150.000 lao động tại các nhà máy sản xuất đường trên toàn quốc. ■

Phòng vệ tốt nhất là nâng cao năng lực cạnh tranh

Trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của các doanh nghiệp mía đường, tháng 9-2020, Bộ Công thương ban hành quyết định 2466 về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. 

Trước đó, tháng 6-2020, Bộ Công thương ban hành Quyết định số 1715 về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô (còn gọi là HFCS) có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Theo ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công, chuyện đường giá rẻ tràn vào VN khi bỏ hàng rào thuế đã được cảnh báo từ nhiều năm trước, các doanh nghiệp đã có thời gian và cơ hội để lên kịch bản ứng phó. 

Nhưng chưa đầy một năm mà đường ngoại đã làm điêu đứng sản xuất đường trong nước, cho thấy năng lực cạnh tranh của ngành mía đường VN thấp hơn so với các nước khác. Vì vậy, giải pháp tốt nhất vẫn là nâng cao năng lực cạnh tranh của các nhà máy để giảm giá thành thông qua đầu tư vào vùng nguyên liệu, nghiên cứu phát triển cây giống chất lượng cao, kỹ thuật caạnh tác và thu hoạch hiện đại.

Bên cạnh đó là đầu tư vào chế biến các sản phẩm từ đường, cạnh đường để giảm giá thành, tăng giá trị trong cả chuỗi giá trị, đa dạng các sản phẩm giá trị gia tăng như đường hữu cơ, đường lỏng để có thể xuất khẩu.

Giám đốc một doanh nghiệp phân phối đường tại TP Cần Thơ cho rằng cớ sự là do chi phí thu hoạch mía ở miền Tây cao, từ khâu đốn, vận chuyển đến nhà máy đã mất khoảng 300 đồng/kg, nếu giảm được 100 đồng/kg mía thì giá đường sẽ giảm 1.000 đồng/kg. “Cần có chính sách đầu tư vùng nguyên liệu như cánh đồng lớn để cơ giới hóa. Khi đó chi phí sản xuất giảm, sức cạnh tranh của mía đường trong nước sẽ tăng lên”, vị này đề xuất.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, nói rằng sắp tới tỉnh này sẽ giữ diện tích mía vừa phải, cải tiến giống mía chất lượng, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới từ khâu làm đất, vun gốc đến thu hoạch... để xoay chuyển tình hình. Nhưng ông cũng cho rằng các nhà máy đường cần cải tiến công nghệ, quản trị tốt để tăng tính cạnh tranh, thu mua nguyên liệu cao, đảm bảo người trồng mía có lời, gắn bó lâu dài.

Còn ông Trần Ngọc Hiếu, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Mía đường Cần Thơ (CASUCO), thì nói về kế hoạch giữ được vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất của công ty ông bằng việc hỗ trợ 2,5 triệu đồng/ha (tương đương 30 đồng/kg mía) cùng với giá mua 880 đồng/kg tại ruộng.

Giá mía năm nay là 910 đồng/kg (10 chữ đường), công ty chịu chi phí vận chuyển. “Niên vụ sau chúng tôi dự kiến nâng giá mua lên 1.000 đồng/kg và tiếp tục hỗ trợ người trồng mía bán cho công ty, nhưng chúng tôi cần được hỗ trợ về lãi suất, về đất đai”, ông Hiếu nói.

Vẫn có những người muốn Nhà nước hỗ trợ, đầu tư cho cây mía như hỗ trợ cây lúa, như GS Nguyễn Bảo Vệ - nguyên trưởng khoa nông nghiệp Trường ĐH Cần Thơ, vì “ngành mía đường chưa được quan tâm, trong khi VN tiêu thụ 2 triệu tấn đường/năm”. 

Ông cho rằng cần đầu tư phát triển đồng bộ cả trồng mía và chế biến cho ngành mía đường, gia tăng sức cạnh tranh. Doanh nghiệp chế biến đường có công nghệ lạc hậu nên phải hạ giá mua mía để có lời, và thế thì lại không phát triển được vùng nguyên liệu - một vòng lặp bế tắc.

Theo ông Đặng Văn Thành - chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công, giải pháp tốt nhất vẫn là nâng cao năng lực cạnh tranh của các nhà máy, giảm giá thành thông qua đầu tư vào vùng nguyên liệu, phát triển cây giống chất lượng cao, kỹ thuật canh tác và thu hoạch hiện đại. 

Bên cạnh đó là đầu tư chế biến các sản phẩm từ đường và cạnh đường (như mật rỉ, bã mía, phân bón...) để giảm giá thành, tăng giá trị trong cả chuỗi giá trị, đa dạng các sản phẩm như đường hữu cơ, đường lỏng để có thể xuất khẩu.

Trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của các doanh nghiệp mía đường, tháng 9-2020, Bộ Công thương ban hành quyết định 2466 về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. 

Trước đó, tháng 6-2020, Bộ Công thương ban hành Quyết định số 1715 về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô (còn gọi là HFCS) có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận