Cái tát tai trong giờ chào cờ

NGUYỄN THÀNH GIANG 26/09/2011 19:09 GMT+7

TTCT - Vừa rồi nhận nhiệm vụ chở giúp một đứa cháu đến trường, tôi tình cờ chứng kiến lễ khai giảng năm 2011 của một trường THPT trong thành phố.

Phóng to
Học sinh Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, quận Tân Bình, TP.HCM chào cờ - Ảnh: MINH ĐỨC

Lễ chào cờ bắt đầu. Khi nhạc hiệu của bài Quốc ca bắt đầu nổi lên, học sinh đồng loạt hát theo khá nghiêm túc. Là một công dân, dù đứng ngoài cổng trường tôi cũng nghiêm trang nhẩm hát theo. Nhưng bất ngờ thay, bài Quốc ca chưa đi hết một nửa thì tôi thấy một thầy khá đạo mạo, mặc đồ vét, thắt cà vạt đi rất nhanh lại một em học sinh rồi bợp tai, đá đít em một cách rất thô bạo.

Tôi đoán người ấy là thầy tổng phụ trách hoặc làm nhiệm vụ tổ chức, kỷ luật cho buổi lễ khai giảng. Rồi tiếp đến 1, 2, 3... và thêm nữa các em chung số phận. Thì ra, đơn giản vì các em ấy không chịu hát bài Quốc ca hoặc hát quá nhỏ, hoặc làm việc riêng trong lúc các bạn xung quanh đang hát Quốc ca.

Bất ngờ bị bợp tai, đá đít từ phía sau, một số em hốt hoảng không biết vì lý do gì, mặt cắt không còn giọt máu. Trong khi người thầy ấy vẫn tiếp tục làm “nhiệm vụ” của mình. Nhìn cảnh ấy, tôi cảm thấy rất buồn.

Xét cho cùng, nhiệm vụ của giáo dục vẫn là giúp học sinh hình thành nhân cách của mình bằng cả hai hướng là truyền đạt tri thức và uốn nắn đạo đức tác phong. Trong các em, có thể có nhiều em rất ngoan, rất giỏi nhưng cũng có không ít em chưa ngoan, quậy phá, thậm chí vô ý thức. Vậy nhiệm vụ của thầy cô là gì với các em cá biệt ấy? Phải chăng là cứ bợp tai, đá đít khi các em làm sai?

Dẫu biết rằng giờ chào cờ là một thời khắc rất thiêng liêng của bất cứ công dân nào và hát Quốc ca là trách nhiệm và quyền lợi chân chính của mỗi người dân, nhất là trong lễ khai giảng đầu năm học, tinh thần trách nhiệm trong việc hát Quốc ca luôn được đặt lên hàng đầu. Nhưng không vì thế mà giáo viên hoặc nhân viên phụ trách trật tự sẵn sàng thượng cẳng chân hạ cẳng tay với học sinh.

Lẽ ra người thầy nên nhẹ nhàng nhắc nhở các em. Em nào vẫn cố tình không nghe, không hát thì ghi danh sách, sau buổi chào cờ mời về văn phòng trường làm việc. Tiếp đó sẽ thông qua giáo viên chủ nhiệm gửi giấy mời trực tiếp về gia đình những em này, mời phụ huynh lên làm việc.

Tại buổi gặp mặt có cả phụ huynh và những học sinh ương ngạnh ấy, người thầy nhắc lại ý nghĩa thiêng liêng của việc hát Quốc ca và nhắc nhở phụ huynh khuyên bảo con mình nên nghiêm chỉnh thực hiện. Và ngay ở đó, trước mặt phụ huynh và học sinh, người thầy sẽ đưa ra những hình thức kỷ luật.

Song song đó, trong những buổi ngoại khóa hay những giờ giải lao, các thầy cô cần thiết nhắc nhở các em việc tập hát Quốc ca và những bài hát học đường tiêu biểu khác. Bởi lẽ không ít học sinh đến lúc bước chân vào ngưỡng cửa THPT vẫn chưa thuộc hết bài Quốc ca Việt Nam.

Với những em này, bị đá đít, bợp tai trong ngày lễ khai giảng là một hình phạt không đáng phải chịu chút nào. Đôi khi ở các cấp học dưới, vì những điều kiện khác nhau mà các em chưa thuộc hết bài Quốc ca. Bởi vậy không hát được hoặc không dám hát (do tâm lý tự ái, sợ bạn bè cười vì mình hát không được, không đúng) là điều hoàn toàn có thể hiểu và thông cảm được cho các em.

Là học sinh, cũng là một con người, dù ngang bướng đến đâu, trong thẳm sâu trái tim các em cũng ẩn chứa lòng yêu thương, tình nhân ái. Và khi thầy cô biết dùng tình yêu thương, lòng nhân ái của mình khuyên bảo, động viên, uốn nắn thì rất nhiều em sẽ nghe theo và tiến bộ. Kỷ luật và bạo lực chỉ dành cho những đối tượng gần như hết khả năng cải tạo chứ không phải dành cho những đứa trẻ mặc đồng phục đang đến trường để học chữ, học làm người...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận