"Bình yên nước Mỹ": "Xơi món Dostoevsky hằng ngày"

ZÉT NGUYỄN 03/01/2024 15:55 GMT+7

TTCT - Bình yên nước Mỹ, đoạt Pulitzer năm 1998, nằm trong bộ ba tiểu thuyết về nước Mỹ, có thể coi là tác phẩm đỉnh cao nhất của Philip Roth.

American Pastoral đã được chuyển thể thành phim (2016)

American Pastoral đã được chuyển thể thành phim (2016)

Đầu năm 2006, Sam Tanenhaus - biên tập viên chuyên mục điểm sách của The New York Times - gửi một lá thư ngắn tới vài trăm nhà văn, nhà phê bình, biên tập viên và chuyên gia văn học yêu cầu họ bình chọn chỉ một "tiểu thuyết Mỹ xuất sắc nhất được xuất bản trong 25 năm qua". 

Hạng nhất đã về tay Beloved (Yêu dấu) của Toni Morrison. Vị trí số 2, 3, 4, không ngạc nhiên gì, lần lượt là tác phẩm của những trụ cột làm nên văn chương Mỹ đương đại: Don DeLillo, Cormac McCarthy, John Updike. 

Các tiểu thuyết của Philip Roth được nhiều lượt bình chọn nhất, với tiểu thuyết American Pastoral (Bình yên nước Mỹ) đứng ở vị trí số 5.

Quả thực, nếu chọn ra tiểu thuyết gia Mỹ xuất sắc nhất trong giai đoạn ấy, không ai qua mặt được Roth. Bình yên nước Mỹ, đoạt Pulitzer năm 1998, nằm trong bộ ba tiểu thuyết về nước Mỹ, có thể coi là tác phẩm đỉnh cao nhất của Roth, bao chứa trong nó không chỉ bi kịch của một cá nhân mà của một gia đình, một đất nước, đã đánh mất thiên đường.

Trong bài tiểu luận lừng danh có tên "Viết tiểu thuyết Mỹ" xuất bản năm 1961, Roth phát biểu: "Nhà văn Mỹ giữa thế kỷ 20 lúc nào cũng cố tìm cách hiểu, cố tìm cách miêu tả, rồi lại cố tìm cách làm cho phần lớn hiện thực Mỹ trở nên đáng tin. Cái hiện thực ấy khiến ta sửng sốt, khiến ta phát ngấy, khiến ta phẫn nộ, và rốt cuộc nó thậm chí còn là một nỗi bối rối ngượng ngùng đối với trí tưởng tượng nghèo nàn của ta".

Nước Mỹ hậu chiến, trong mắt Roth, trở thành một thứ vừa hiện thực vừa phi lý hơn mọi hư cấu trong văn chương. Những điều diễn ra vào những năm 1960 ấy làm cho tiểu thuyết gia phải ghen tị, vì không ai có thể nghĩ ra những chuyện khủng khiếp như thế, với những nhân vật đa dạng và phức tạp đến thế.

Bìa ấn bản ở Anh. Ảnh: Amazon

Bìa ấn bản ở Anh. Ảnh: Amazon

Bình yên nước Mỹ kể về nhân vật chính Seymour Levov, biệt danh là "Người Thụy Điển", một chàng trai Do Thái là hình mẫu của giấc mơ Mỹ: Do Thái, nhập cư thế hệ thứ 3, chơi thể thao xuất sắc (thần tượng của bao bạn bè và hàng xóm), thành công xuất sắc trong kinh doanh (có các xưởng sản xuất găng tay phụ nữ với hàng ngàn nhân công), cưới một cô vợ tuyệt sắc (hoa hậu New Jersey), một gia đình hoàn hảo (một con gái nhỏ thông minh xinh xắn ở trong một căn nhà đẹp đẽ ở vùng quê Old Rimrock).

Với ba phần lấy khung dẫn từ tới kinh thánh, lần lượt "Ký ức thiên đường", "Thiên đường sụp đổ" và "Thiên đường đánh mất", Bình yên nước Mỹ, dẫu không được viết theo trình tự tuyến tính, với rất nhiều hồi tưởng làm xáo trộn mạch thời gian, có thể thâu gọn thành: những ngày còn ở trong vườn địa đàng của gia đình Levov đến cú rơi khỏi Eden, xuyên suốt là sự dằn vặt khôn nguôi của nhân vật chính "Người Thụy Điển" để trả lời một câu hỏi: tại sao bi kịch này lại xảy đến với mình, mình đã làm sai ở đâu, và từ khi nào?

Bình yên nước Mỹ, cũng như hai cuốn tiểu thuyết trong bộ ba The human stain (Vết nhơ của người) và I Married a Communist cùng một số tiểu thuyết khác, có người kể chuyện là Nathan Zuckerman, một nhân cách khác của chính Roth. 

Cùng lớn lên ở khu người Do Thái, nhỏ hơn chừng sáu hay bảy tuổi nên học cùng lớp với Jerry, em trai của "Người Thụy Điển", Zuckerman trong suốt bao nhiêu năm cuộc đời đã dành sự ngưỡng mộ không giấu giếm cho anh trai của bạn. Sự ngưỡng mộ dành cho cái vỏ bề ngoài của nhân vật chính chính là thứ khiến Zuckerman khủng hoảng khi được nghe về bi kịch đau đớn của anh, mà không có cách nào để hiểu.

"Chính nhan đề cuốn sách… gợi ý rằng cả một giai đoạn lịch sử Mỹ [Mỹ hậu chiến từ 1945-1965] có thể được coi như một sự bình yên tập thể, một cái bong bóng xinh đẹp và mỏng manh sắp sửa vỡ tan" - nhà nghiên cứu Bonnie Lyons viết. 

 Cái hình thức văn chương đồng quê có nguồn gốc từ thời Hy Lạp - La Mã miêu tả ước mơ về một cuộc sống nhàn hạ, yên bình gần gũi với thiên nhiên với thú vui trồng trọt và chăn nuôi ở thôn quê kéo dài hàng trăm năm, vang vọng trong ước mơ của gia đình nhân vật chính của Bình yên nước Mỹ. Chính vợ anh, hoa hậu Dawn, cũng bỏ chục ngàn đô ra để mua một con bò.

"Bình yên nước Mỹ": "Xơi món Dostoevsky hằng ngày"- Ảnh 3.

Bình yên nước Mỹ thực chất là một nỗ lực hư cấu về cuộc đời của Levov, nơi ông cố xé toạc cái lớp vỏ nhà giàu, vợ đẹp, con khôn, để đào sâu vào những vực thẳm khôn dò: khi đứa con gái ruột của thần tượng là Merry sa chước cám dỗ và khiến cả gia tộc bị đẩy ra khỏi thiên đường.

Merry, đứa bé bị chứng nói lắp, luôn được điểm A ở trường, trở nên căm ghét cha mẹ, gọi họ là "con chó tư bản", căm ghét mọi thứ thuộc về nước Mỹ mà gia đình nó tôn sùng, làm mọi cách để phản đối chiến tranh Việt Nam, đỉnh điểm là đánh bom một bưu điện cách nhà 5 dặm khiến một người chết, là một thái cực hoàn toàn trái ngược với cha mẹ nó, là một biểu tượng của một nước Mỹ đầy bất ổn và vỡ tan tành vì những phong trào văn hóa và chính trị những năm 1960. 

Nếu Levov thuộc về một nước Mỹ của những năm sau Thế chiến 2, một thế giới của lạc quan vô tận, nơi những con người tin vào sự chính nghĩa, vào ổn định, vào khả năng kiến tạo tương lai, thì con gái anh lại thuộc về cái thế hệ "Tôi", như cách gọi của nhà văn Tom Wolfe, không chỉ đề cao cái tôi cá nhân mà còn đẩy cao sự ái kỷ.

Hiếm có một cuốn tiểu thuyết nào đặc Mỹ mà đồng thời lại cũng đặc những việc liên quan tới Việt Nam đến vậy. Sự kiện hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu có lẽ đã trở thành một điểm bùng nổ, gây sang chấn cho một đứa bé mười một tuổi, và chính từ đấy đã gieo mầm mống về sự nổi loạn. 

Merry, với những khẩu hiệu và những lần tham gia các cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam, Merry với sự đồng cảm dành cho Việt Nam dân chủ cộng hòa lớn đến mức mẹ ruột cô nghĩ rằng con bé sinh ra tại Bệnh viện Beth Israel ở Hà Nội chứ không phải ở Newark, chiến tranh Việt Nam trở thành một lỗ hổng khổng lồ làm vỡ toác không chỉ gia đình Levov, mà còn cả nước Mỹ. Và sống dưới thời xảy ra cuộc chiến tranh Việt Nam, Roth ví như "xơi món Dostoevsky hằng ngày".

Bình yên nước Mỹ, vì thế, trở thành một nỗ lực để cậy mở một cái lọ là một cá thể, cũng là một đất nước, một giai đoạn lịch sử. Đúng như người kể chuyện kết luận, "hiểu đúng về người khác đâu có phải bản chất của cuộc đời. 

Đời là hiểu sai, sai, sai và càng sai hơn thế, để rồi, sau khi cân nhắc lại một cách cẩn thận, lại hiểu sai lần nữa". Levov, Zuckerman, hay cả người đọc nữa, tốt nhất là nên từ bỏ nỗi ám ảnh việc hiểu đúng hay sai về con người, bởi những đối lập nhị phân không bao giờ đem lại câu trả lời thỏa đáng.

Chính quá trình dò đáy, với những ám ảnh, những câu hỏi về sự phi lý của bi kịch và những thôi thúc tìm câu trả lời hợp lý cho sự phi lý, được viết bằng một thứ văn chương phân tích tâm lý vi tế, với những lớp lang được bố trí bậc thầy, đã làm nên một kiệt tác của văn chương Mỹ.

Một tác phẩm lớn như thế này, dẫu vậy, lại xuất hiện trong một bản dịch tiếng Việt bất ổn, với khá nhiều lỗi do thuần túy hiểu sai nghĩa. Tồi tệ hơn, còn có cả đoạn văn râu ông này cắm cằm bà kia, ghép đoạn trên và đoạn dưới vào cùng một câu mà bỏ qua đoạn ở giữa, khiến việc đọc Roth càng trở thành một thách thức lớn hơn. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận