"Bản đồ tiêu chuẩn" của Trung Quốc: Không ai công nhận

NGUYỄN THÀNH TRUNG 10/09/2023 06:16 GMT+7

TTCT - Sự kiện Trung Quốc công bố cái gọi là "bản đồ tiêu chuẩn" đã gây ra nhiều phản ứng trong khu vực.

Biên giới Trung - Ấn còn nhiều khu vực tranh chấp phức tạp. Ảnh: The Print

Biên giới Trung - Ấn còn nhiều khu vực tranh chấp phức tạp. Ảnh: The Print

Tôi nhớ gần hai chục năm trước, thời còn đi học, ông giáo sư Mỹ khi giảng về các đế quốc châu Âu, đã căng tấm bản đồ giấy cũ ra và chỉ cho sinh viên thấy bản đồ các thế kỷ trước thể hiện quan điểm "dĩ Âu vi trung" thế nào. 

Châu Âu trong mắt của các nhà bản đồ học phương Tây trước đây thường nằm ở trung tâm tấm bản đồ giấy và có xu hướng "phồng to" hơn thực tế. Tưởng khoa học tiến bộ qua thời gian đã giúp ngành bản đồ học khách quan hơn khi thể hiện thế giới, nhưng không phải như vậy.

Các quốc gia theo đường lối chủ nghĩa dân tộc có xu hướng sử dụng bản đồ như một phương cách để thúc đẩy các yêu sách chủ quyền. Hôm

28-8, Bộ Tài nguyên thiên nhiên Trung Quốc đã công bố bản đồ quốc gia "tiêu chuẩn" mới nhân dịp tổ chức Tuần lễ truyền thông nâng cao nhận thức về bản đồ quốc gia ở tỉnh Chiết Giang. Đây không phải là hành động quá mới - Trung Quốc thường xuyên cập nhật bản đồ từ năm 2006, khi họ nỗ lực sửa lại "các bản đồ có vấn đề" mà Bắc Kinh cho rằng ảnh hưởng lãnh thổ của mình.

Trường hợp Ấn Độ

Bản đồ mới của Trung Quốc đã gây phản ứng mạnh từ nhiều nước trong khu vực. Chỉ một ngày sau khi bản đồ được công bố, Ấn Độ là nước phản ứng đầu tiên khi bày tỏ "phản đối mạnh mẽ" việc bản đồ Trung Quốc đưa bang Arunachal Pradesh, cao nguyên Doklam của Ấn Độ và cao nguyên Aksai Chin - khu vực tranh chấp ở phía tây dãy Himalaya mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền nhưng do Trung Quốc kiểm soát - vào lãnh thổ Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi hôm 29-8 tuyên bố: "Hôm nay chúng tôi đã phản đối mạnh mẽ thông qua các kênh ngoại giao với phía Trung Quốc về cái gọi là "bản đồ tiêu chuẩn" năm 2023 của Trung Quốc đưa ra yêu sách đối với lãnh thổ của Ấn Độ… Chúng tôi bác bỏ những tuyên bố này vì chúng không có cơ sở".

Còn trên biển, Trung Quốc đã thể hiện rõ cái gọi là đường chín đoạn, phân định cái mà họ cho là biên giới trên biển, để yêu sách chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông. Phiên bản năm 2023 còn bao gồm thêm đoạn thứ 10 ở phía đông Đài Loan. Mặc dù bản đồ có đường đứt đoạn hình chữ U yêu sách chủ quyền mơ hồ đã bị tòa án quốc tế tuyên bố là vô giá trị vào năm 2016 nhưng Bắc Kinh vẫn không thay đổi.

Khi công bố bản đồ 2023, Trung Quốc phát đi tín hiệu họ không có ý định rút lại bất kỳ yêu sách lãnh thổ và lãnh hải nào và quan điểm đấy sẽ được công khai cho các nước trong khu vực, cùng nỗ lực tạo ra hình ảnh "sự đã rồi".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân, trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 30-8, phát biểu: "Lập trường của Trung Quốc về Biển Đông là nhất quán và rõ ràng. Các cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc thường xuyên xuất bản các loại bản đồ tiêu chuẩn hằng năm, nhằm cung cấp các bản đồ tiêu chuẩn cho mọi thành phần trong xã hội và nâng cao nhận thức của công chúng về việc sử dụng bản đồ tiêu chuẩn. Chúng tôi hy vọng các bên liên quan có thể nhìn nhận vấn đề này dưới góc độ khách quan và hợp lý".

Tính thời điểm

Đặt thời điểm công bố tấm bản đồ 2023 vào các hoạt động chính trị ngoại giao khu vực có thể giúp thấy được nhiều điều. Thứ nhất, nó diễn ra chỉ ba ngày sau khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu bên lề Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi đồng ý giảm căng thẳng biên giới. 

Khi Trung Quốc phát hành bản đồ tiêu chuẩn, những gì ông Tập và ông Modi mới bàn luận trước đó trở thành "lời nói gió bay". Động thái này càng đáng chú ý khi Ấn Độ và Trung Quốc vừa kết thúc vòng đàm phán thứ 19 để giải quyết vấn đề biên giới.

Việc công bố bản đồ còn phủ bóng lên Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức ở New Delhi ngày 9 và 10-9, nơi ông Tập lúc đầu dự định sẽ gặp ông Modi thêm lần nữa. (Trung Quốc sau đó thông báo ông Tập không dự G20, dù ông chưa bao giờ vắng mặt ở các hội nghị này kể từ khi lên nắm quyền năm 2013). Đây được coi là tổn thất với vị thế chủ nhà của Ấn Độ, khi họ không mời được nhà lãnh đạo cao nhất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Ngoài ra, bản đồ được công bố chỉ một tuần trước khi Trung Quốc tham gia các cuộc họp cấp cao nhất với ASEAN từ 5 tới 8-9, nơi Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường sẽ tham dự. Tấm bản đồ lập tức gây phản đối gay gắt từ các nước ASEAN, nhưng điều đó không có vẻ làm Trung Quốc bận tâm.

Phản ứng của các nước ASEAN

Bộ Ngoại giao Malaysia ngày 30-8 lập tức bác bỏ "tuyên bố đơn phương" của Trung Quốc và nói thêm rằng bản đồ này "không ràng buộc" với họ. Tuyên bố nêu rõ: "Malaysia không công nhận bản đồ tiêu chuẩn năm 2023 của Trung Quốc, trong đó phác thảo các vùng biển của Malaysia gần Sabah và Sarawak là thuộc Trung Quốc".

Hôm 31-8, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết bản đồ là "nỗ lực mới nhất nhằm hợp pháp hóa chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc với các thực thể và vùng biển của Philippines (và) không có cơ sở theo luật pháp quốc tế".

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết các yêu sách của Trung Quốc dựa trên bản đồ không có giá trị và vi phạm luật pháp Việt Nam và quốc tế. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói Việt Nam "kiên quyết bác bỏ mọi yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông dựa trên đường đứt đoạn" và "...yêu sách chủ quyền và yêu sách biển dựa trên đường đứt đoạn như thể hiện trong bản đồ trên là vô giá trị, vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS".

Những tấm bản đồ là sự nối dài chính sách ngày một quyết đoán của Trung Quốc ở thực địa các vùng tranh chấp. Hồi tháng 8, Philippines cáo buộc tàu Trung Quốc chặn và bắn vòi rồng vào tàu Philippines tiếp tế đang hoạt động trên biển. 

Bà Phạm Thu Hằng thì nói chính quyền Việt Nam đang tìm cách làm rõ cáo buộc của ngư dân Việt Nam rằng một tàu Trung Quốc đã tấn công tàu đánh cá của họ bằng vòi rồng mới tuần trước, cũng trên Biển Đông, khiến hai người bị thương. Những căng thẳng đó cho thấy ngư dân ASEAN càng trở nên dễ tổn thương trong ngư trường truyền thống của mình trước các hành động o ép từ các lực lượng Trung Quốc.

Liệu sức hút kinh tế của Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của khối ASEAN - có giúp nước này duy trì được sự ảnh hưởng ở khu vực, khi họ liên tiếp có những hành động thái quá ở Biển Đông và không chỉ Biển Đông? Kinh tế thì cần thật, nhưng chủ quyền còn quan trọng hơn. Khi vụ bản đồ lắng xuống, liệu ai sẽ chú ý tới ASEAN nếu các quốc gia này không đoàn kết?■

Nga cũng phản đối

Ngay cả đồng minh thân thiết nhất của Trung Quốc lúc này, Nga, cũng đã bác bỏ "bản đồ tiêu chuẩn", liên quan tới một hòn đảo tranh chấp giữa hai nước. Theo "bản đồ tiêu chuẩn", đảo Bolshoi Ussuriysky (Trung Quốc gọi là đảo Hắc Hạt Tử), nằm ở hợp lưu của hai sông Ussuri và Amur trên biên giới Nga - Trung, là lãnh thổ Trung Quốc.

Ngày 31-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova bác bỏ ý kiến cho rằng đảo này là khu vực tranh chấp. Bà khẳng định đảo này thuộc Nga và mọi vấn đề pháp lý đã được giải quyết qua các thỏa thuận song phương hơn 15 năm trước.

Cụ thể, bà Zakharova nói trong một tuyên bố đăng trên trang chủ của Bộ Ngoại giao Nga: "Thỏa thuận được đánh dấu bằng việc phê chuẩn Hiệp ước Bổ sung biên giới Nga - Trung 2005, bao gồm đảo Bolshoi Ussuriysky đã được chia giữa hai bên. Biên giới và mốc biên giới chung đã xong xuôi trên toàn tuyến (gần 4.300km)". Theo bản đồ vừa công bố của Trung Quốc thì hòn đảo rộng 350km2 này lại là lãnh thổ của họ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận