Ba thế giới

LƯU VĂN SAY 21/10/2023 10:45 GMT+7

TTCT - Chẳng có lý do gì, khi nghĩ đến con số 3, tôi nhớ trong những tác giả tôi đọc, có ít nhất ba ông tên Karl: Jung, Marx và Popper. Tôi muốn nói một chút về ông Karl thứ ba: Popper.

Ba thế hệ, tranh của Abram Arkhipov (Nga, 1862-1930).  Ảnh: Arthive.com

Ba thế hệ, tranh của Abram Arkhipov (Nga, 1862-1930). Ảnh: Arthive.com

Ông này tên đầy đủ là Karl Raimund Popper (1902-1994), người Anh gốc Áo, một triết gia về khoa học và tri thức rất có tiếng tăm. Bàn về tri thức luận (Epistemology), ông đưa ra khái niệm về ba thế giới:

Thế giới thứ nhất: các đối tượng vật lý hay các trạng thái vật lý.

Thế giới thứ hai: các trạng thái ý thức hay trạng thái tinh thần, tâm trí hoặc khuynh hướng hành động hay ứng xử.

Thế giới thứ ba: các nội dung khách quan của tư duy, ý tưởng khoa học và thi ca hay công trình nghệ thuật.

Trong tri thức luận của Karl Popper

Chúng ta ai cũng ít nhiều quen biết với thế giới thứ nhất (thường được gọi là đối tượng nhận thức) và thế giới thứ hai (thường được gọi là chủ thể nhận thức). Trên cảm quan thông thường, có lẽ nhiều người cho rằng hoạt động nghiên cứu khoa học hay nhận thức vũ trụ chỉ bao gồm và xoay quanh hai thế giới này. 

Nhưng Popper không đồng ý, ông đẻ ra thêm một thế giới thứ ba nữa mới chịu - rất độc đáo và thú vị. Nó có chút hơi hướm mô thức và ý niệm của Plato, lại phảng phất một ít tinh thần khách quan của Hegel. Để thuyết phục rằng có tồn tại một thế giới thứ ba, Popper đưa ra hai tình huống giả định:

Thí nghiệm 1: Tất cả máy móc công cụ trên đời này bỗng dưng bị hủy hoại sạch, đồng thời toàn bộ kiến thức chủ quan của chúng ta, gồm cả hiểu biết về máy móc công cụ lẫn kỹ năng sử dụng máy móc công cụ bỗng tự dưng bị xóa sạch trong đầu óc. Nhưng các thư viện và khả năng học hỏi từ sách vở của chúng ta vẫn còn (may thế chứ!). Có thể tin rằng sau một thời gian, qua nhiều gian truân vất vả (học lại từ sách vở), chúng ta sẽ lại chế tạo được và làm chủ kỹ năng sử dụng máy móc công cụ như xưa. Thế giới sẽ hồi sinh.

Thí nghiệm 2: Cũng như thí nghiệm (1), nhưng lần này khác và tệ hơn nhiều: tất cả thư viện và sách vở (hay bất kỳ dạng thông tin lưu trữ nào) cũng mất sạch, ví dụ trong một vụ hỏa hoạn đi. Khả năng học tập từ sách vở của chúng ta vẫn còn, nhưng than ôi, giờ đây vô dụng. Nói cách khác, chúng ta quay lại thời kỳ đồ đá hay đồ đồng đồ sắt gì đó, và nhân loại lại phải loay hoay, cặm cụi, mày mò như tiền nhân. Phải mất cả thiên niên kỷ thế giới mới hồi sinh được như bây giờ.

Cái gì đã biến mất trong thí nghiệm 2? Rõ ràng không phải thế giới thứ nhất, cũng không phải thế giới thứ hai, mà là một thế giới thứ ba - độc lập và tác động đến cả hai thế giới đầu. Đó là thế giới tri thức khách quan của Popper.

Ba thế giới khác

Từ Popper, tôi liên tưởng tới ba thế giới khác, để nói câu chuyện của cõi nhân sinh này.

Trong xã hội Việt Nam hiện nay, có một nhóm xã hội đặc biệt liên kết với nhau bởi mối quan hệ huyết thống trực hệ: ông bà (ta gọi là thế giới 1), cha mẹ (thế giới 2) và con cái (thế giới 3), ở các khoảng tuổi tác trong vòng đời mà tôi cố tình chọn mẫu phù hợp cho mục đích khảo sát. 

Phải nói ngay rằng việc chia nhóm này không tuân theo các phương pháp hay tiêu chí phổ biến của xã hội học hay tâm lý học thịnh hành. Ở Việt Nam, tình trạng tam đại đồng đường là khá phổ biến, nên hy vọng chúng ta không khó nhận ra những kinh nghiệm tự thân hay quan sát gần qua "lát cắt" vội vã này.

Thế giới của ông bà là thế giới của các cơ thể già yếu, nhăn nheo, cả bệnh tật nữa, những cụ già run rẩy chống gậy hay ngồi xe lăn, mất trí nhớ hay liệt rung. Kẻ mập quá cân, người lại khô đét, nằm giường nhà hay giường bệnh viện. Não họ teo lại, màng nhĩ khô cứng và bệnh nặng tai bắt đầu. Mắt mờ đục dần, họ quên chuyện hôm qua nhưng lại nhớ và kể vanh vách những chuyện bốn năm chục năm trước. Con cháu, nhất là cháu họ, thường cười cợt hoặc bỏ qua những câu chuyện đó. Họ lẩm cẩm quá mất rồi!

Những người già, ý tôi muốn nói những người đã rất già yếu bệnh tật, không còn sống bao lâu nữa, chuẩn bị rời sân khấu cuộc đời. Màn diễn cuối cùng của họ sắp hết, họ sẽ buộc phải nhường sân khấu lại cho lớp diễn viên trẻ hơn, là con và cháu họ. Chẳng bao lâu nữa, họ sẽ vĩnh viễn ra đi. Rồi dần chìm vào quên lãng. Có chăng, còn sống trong trí nhớ của con cháu hay người thân quen một thời gian ngắn.

Cũng là quy luật cuộc sống thôi, nhưng mấy ai để ý thế giới 1 này ra đi mang theo vô khối tri thức và kinh nghiệm mà họ đã tích lũy cả đời. Phần lớn họ không viết sách hay để lại tác phẩm gì, cứ lặng lẽ ra đi thế thôi. 

Một số người mang theo nhiều tri thức quý giá đáng lẽ có thể để lại cho hậu thế, nhưng chúng ta không hề biết và đánh giá được hết. Đó là loại tri thức chủ quan, mang tính vật lý và lịch sử. Như cuốn sách, như thư viện, cái chết của họ thực sự là những vụ cháy nhỏ và dù muốn đến đâu, ta cũng không đọc nổi dòng nào từ những tro tàn.

Một đám tang, thế là xong, đã quá muộn màng.

Tác phẩm Engraving of Sextus Empiricus của Officina Wetsteniana (1692) và Galatea of the Spheres của Salvador Dali (1952). Nguồn: Bảo tàng Anh & Dalí Theatre-Museum

Tác phẩm Engraving of Sextus Empiricus của Officina Wetsteniana (1692) và Galatea of the Spheres của Salvador Dali (1952). Nguồn: Bảo tàng Anh & Dalí Theatre-Museum

Vậy khi thế giới 1 này vẫn còn ở đây, hãy cố "đọc" họ. Cuộc đời, lịch sử và những câu chuyện của họ chính là tác phẩm, nhất là với những ai gần gũi và có ý muốn "đọc" được họ. Thế giới 2 có vẻ là những độc giả tiềm năng và đáng tin cậy đấy.

Nói tới thế giới 2, đây là lớp người mới hoặc chuẩn bị về hưu, nghĩa là trên dưới 60 tuổi. Sức khỏe, sức làm việc, sức sáng tạo, khả năng học hỏi cái mới đã suy giảm nghiêm trọng. Ở khoảng giữa cha mẹ và con cái mình, họ nhìn thấy thế giới 1 là tương lai và thế giới 3 là quá khứ của chính mình. 

Họ nhận ra mình không còn đủ thời gian, cơ hội hay năng lực để làm những thứ mình muốn nữa. Họ nhìn thấy sức khỏe giảm sút qua từng năm, rồi bệnh mãn tính, cảm giác bất lực về cả thể chất lẫn tinh thần xuất hiện nhiều hơn. 

Một số người vội vã hưởng thụ thú vui đời sống, một số khác lại chọn cách giảm bớt ham muốn, thả cho đời chầm chậm trôi xuôi. Một số khác nữa vùng vẫy trong tuyệt vọng, điên cuồng trẻ hóa cơ thể, phong cách thời trang, lối sống và khoe hình ảnh đi ăn đi chơi và phong cách trẻ trung.

Thế giới 2 đích thực là đám người nhiều rắc rối: Hội chứng sau nghỉ hưu và những khoảng trống hụt hẫng khó tránh; con cái đã lớn, trưởng thành và có cuộc sống riêng, mừng vì con đã trưởng thành pha lẫn chút buồn vì chúng đang rời xa tầm tay. Nếu may mắn, chúng coi ta là bạn, nói chuyện với ta, thỉnh thoảng hỏi ý kiến ta về chuyện gì đó, vậy là đã tốt lắm rồi.

Với thế giới 2, mở rộng và phát triển các mối quan hệ xã hội mới nhìn chung không còn là ưu tiên nữa. Bỏ qua một số mối quan hệ không quan trọng, họ quay lại củng cố những quan hệ cũ và thiết yếu, đồng thời ngẫm nghĩ và đánh giá ý nghĩa cuộc đời, không chỉ của chính bản thân, mà cả ý nghĩa của cuộc nhân sinh nữa. Chủ ý hoặc vô tình, rồi ai cũng phải đối diện với những câu hỏi triết học đấy: ta là ai, từ đâu đến, sẽ đi về đâu và ý nghĩa cuộc đời là gì?

Cuối cùng là thế giới 3. Không cần bàn cãi, đây là đám người hấp dẫn nhất. Một thế giới đáng ghen tị và thèm muốn, sôi nổi ồn ào và có chút quá khích - vốn là phẩm chất của tuổi trẻ. Tràn đầy sinh lực, háo hức khám phá bản thân và chinh phục thế giới, họ chỉ biết lao về phía trước. 

Đừng trách họ nếu họ có phần xao nhãng, không quan tâm với thế giới 2, và lại càng ít nữa với thế giới 1 - vốn quá cách xa họ về mọi phương diện, có phần khó hiểu, cũ kỹ và có vẻ không mấy lý thú.

Nếu coi cuộc đời là một cuốn sách thì thế giới 1 gần như không đọc được gì nữa. Thế giới 2 dù khả năng đọc có kém đi nhiều, có vẻ vẫn cố: Đọc từ sách vở để gia tăng hiểu biết nói chung và hiểu bản thân; đọc thế giới 3 để hiểu con cái, hiểu hiện tại và tương lai gần; đọc thế giới 1 để hiểu cha mẹ, tiền nhân và lịch sử, trước lúc nói lời ly biệt và đỡ đi cảm giác hối tiếc muộn màng.

Thế giới 3 thì lại có rất nhiều thứ để đọc, để học và trải nghiệm. Liệu họ có dành một chút thời gian để đọc thế giới 2 và 1 - cha mẹ và ông bà mình, những kẻ trao cho mình ngọn đuốc của sự sống muôn đời tiếp nối?

Tôi viết những dòng này trong chiều thu mưa gió, lá rụng ngập lối đi. Nghe bản Autumn Leaves qua giọng Yves Montand, rồi Frank Sinatra, rồi Eva Casidy, lặp đi lặp lại suốt một buổi chiều. Dự cảm sắp phải nói lời từ biệt.

Buồn không biết giấu vào đâu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận