Ăn trộm ở bảo tàng, 'nhàn' hơn bạn tưởng

XUÂN TÙNG 17/09/2023 05:52 GMT+7

TTCT - "Tượng không to hơn một viên gạch, tranh không lớn hơn một chiếc hộp pizza" - "khẩu quyết" cần thuộc nằm lòng của một "siêu trộm" khi muốn trộm các vật phẩm nhỏ.

Kiểm soát an ninh ở Bảo tàng Anh chỉ nhằm vào du khách chứ không để ý nhiều đến nhân viên nội bộ, theo Reuters. Ảnh: EPA

Kiểm soát an ninh ở Bảo tàng Anh chỉ nhằm vào du khách chứ không để ý nhiều đến nhân viên nội bộ, theo Reuters. Ảnh: EPA

Chẳng có siêu trộm đu tường nào ở đây cả. Việc trộm hiện vật trong bảo tàng đang diễn ra ngay giữa ban ngày, với thủ phạm là những nhân vật hết sức bình thường - có thể chính là những người đang ăn lương của bảo tàng.

Trước tình trạng hiện vật liên tục "bốc hơi", ngành bảo tàng đang hết sức lo lắng, còn giới mộ điệu thì đặt câu hỏi: vì sao cổ vật trong những hệ thống đáng lẽ phải có an ninh tối tân lại bị "nhảy" nhiều và dễ dàng như vậy?

Những cú tát vào uy tín bảo tàng

Mới đây, hồi giữa tháng 8, Bảo tàng Anh cho biết nhiều cổ vật có tuổi đời lên đến 600 năm, trong đó có nhiều trang sức bằng vàng và đá quý, đã "bị thất lạc, đánh cắp hoặc bị hỏng". Một nhân viên đã bị sa thải, còn cảnh sát Hoàng gia Anh thì vẫn đang tiếp tục điều tra.

Các vật phẩm bị đánh cắp - trong đó có một mặt dây chuyền đá quý từ thời La Mã - nhỏ về kích thước nhưng tác động của vụ việc không hề nhỏ. "Đây có thể là vụ việc tệ nhất từng xảy ra... không ai nghĩ sự vụ này có thể diễn ra ở một bảo tàng" - giáo sư Christos Tsirogiannis, một chuyên gia về cổ vật bị đánh cắp của UNESCO, nói với tờ The Economist.

Nói là vậy nhưng lịch sử bảo tàng hiện đại đã ghi nhận nhiều vụ việc có tầm cỡ tương đương, thậm chí nghiêm trọng hơn: năm 2017, cũng chính Bảo tàng Anh thừa nhận đã bị mất trộm một chiếc đồng hồ kim cương hiệu Cartier có giá lên tới gần 1 triệu đô la. 

Năm 2004, 15 mảnh trang sức Trung Hoa trong bộ sưu tập của bảo tàng cũng đã bị đánh cắp ngay trong giờ hành chính; hai năm trước đó, bảo tàng cũng đã mất một tượng cẩm thạch 2.500 tuổi có nguồn gốc Hy Lạp trong bộ sưu tập.

Các bảo tàng châu Âu khác cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Mới năm ngoái, một nhóm trộm đã đánh cắp 500 đồng vàng cổ đại từ Bảo tàng Celtic & Roman tại Bavaria, Đức. Năm 2019, Bảo tàng Green Vault ở Dresden, Đức cũng xác nhận mất hàng loạt trang sức có tổng giá trị lên tới 100 triệu euro (sau đó một nhóm năm tên trộm đã bị bắt, số trang sức được hoàn trả).

Tuy nhiên, nghiêm trọng hơn cả các thiệt hại vật chất, uy tín của ngành bảo tàng nói chung bị tổn hại nặng nề. Uy tín đó hoàn toàn được xây dựng trên niềm tin rằng ngành này có khả năng bảo quản những thứ có giá trị. 

Nếu để mất một lần, có thể cho là không may; nhưng nếu để mất hiện vật hàng loạt trong suốt nhiều năm thì thật khó để tin tưởng rằng ngành bảo tàng đang làm tròn bổn phận.

Xa tận chân trời, gần ngay trước mắt

Paul Cartledge, giáo sư chuyên về Hy Lạp cổ đại cũng đồng tình: ông cho rằng một vài mặt dây chuyền bị mất thực chất không đáng là bao; điều quan trọng là nếu xảy ra thường xuyên đến thế, thì "thế quái nào phía bảo tàng lại không hề hay biết?".

Câu chuyện có thể được giải thích đơn giản rằng: không phải hiện vật nào trong bảo tàng cũng (được đối xử) như nhau. Các bảo tàng lớn thường được ví như tảng băng trôi, với "phần nổi" - các hiện vật được trưng bày cho công chúng - chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số hiện vật được lưu giữ.

Ví dụ, Bảo tàng Anh lưu trữ hơn 8 triệu hiện vật, trong đó chỉ có 1% được trưng bày. Đối với khách tham quan, thậm chí là cả với bộ phận an ninh của bảo tàng, 1% này lại là những thứ hào nhoáng và đáng chú ý nhất. Theo chuyên gia tội phạm học Emmeline Taylor, phần lớn sự chú ý dành cho các hiện vật được trưng bày, mà không phải là những hiện vật khác trong những phòng lưu trữ đóng kín.

Đồ trang sức, nhẫn kim cương, đá quý - những hiện vật được cho là bị cuỗm khỏi Bảo tàng Anh. Giám tuyển phụ trách bộ sưu tập Hy Lạp và điêu khắc Peter Higgs vừa bị sa thải hồi đầu năm vì bị cho là đã bán nhiều hiện vật chưa được phân loại, dù ông phủ nhận mọi cáo buộc. Ảnh: The Times

Đồ trang sức, nhẫn kim cương, đá quý - những hiện vật được cho là bị cuỗm khỏi Bảo tàng Anh. Giám tuyển phụ trách bộ sưu tập Hy Lạp và điêu khắc Peter Higgs vừa bị sa thải hồi đầu năm vì bị cho là đã bán nhiều hiện vật chưa được phân loại, dù ông phủ nhận mọi cáo buộc. Ảnh: The Times

Thử lấy trộm tượng trong điện thờ Parthenon, phiến đá Rosetta hay tượng vệ nữ Milo, chắc chắn cả bảo tàng, báo giới và an ninh toàn cầu sẽ gí sát bạn; nhưng nếu chỉ lấy một mặt dây chuyền nhỏ, nhiều khả năng là sẽ không mấy ai quan tâm - quản lý bảo tàng có thể sẽ phải mất vài tháng, thậm chí vài năm mới biết là hiện vật đã bị đánh cắp.

Những kẻ cắp hiện vật hẳn là đều hiểu điều này, và theo Alice Farren-Bradley - quản lý hệ thống an ninh Bảo tàng Quốc tế, một phần không nhỏ trong số họ có thể chính là nhân sự trong hệ thống bảo tàng, bởi họ là một trong số hiếm hoi biết đến và tiếp cận được những món cổ vật "không tên" trong phòng kín.

Trong sự nghiệp của mình, cô đã chứng kiến không ít trường hợp nhân sự bảo tàng không chỉ lấy cắp hiện vật bảo tàng, mà còn khai khống giấy tờ để báo cáo rằng món đồ đã được cho mượn, hoặc chưa bao giờ nằm trong bộ sưu tập của cơ quan.

Bí kíp của một siêu trộm

Stéphane Breitwieser, người Pháp, 52 tuổi, được tờ Time gọi là "tay trộm tác phẩm nghệ thuật vĩ đại nhất mọi thời đại". Ông đã nẫng trót lọt hơn 300 vật phẩm có tổng giá trị 2 tỉ đô la từ các viện bảo tàng và nhà thờ trên khắp châu Âu. Theo Breitwieser, tay trộm cứ chiêm ngưỡng chiến lợi phẩm của mình tùy ý, duy chỉ có một điều tuyệt đối không được (và cũng rất không nên làm): bán tác phẩm đi.

Từ kinh nghiệm dày dặn của mình, Breitwieser cho biết việc trộm bảo tàng bằng leo trèo, bom khói hay súng đạn chỉ có trong phim Hollywood; muốn trộm tác phẩm trót lọt, tay trộm cần hạn chế gây chú ý nhất có thể. Thời gian trộm lý tưởng nhất không phải là buổi đêm, mà là ngay giữa ban ngày vào giờ ăn trưa, lúc khách tham quan tản bớt và an ninh bảo tàng cũng nghỉ giữa giờ để ăn trưa.

Để bắt đầu vụ trộm, chỉ cần chuẩn bị một đối tác tin cậy để giúp canh chừng, một con dao đa năng Thụy Sĩ và một áo choàng dài. Cứ đường hoàng bước vào cửa chính, mua vé bằng tiền mặt; điều đầu tiên cần chú ý là hệ thống camera, sau đó là lực lượng an ninh và dòng người qua lại. Nên chọn các vị trí nằm tách khỏi dòng du khách, ví dụ một góc gallery có ít người qua lại; các vị trí này cũng thường có ít người canh gác hoặc camera.

Sau đó là bước chọn mục tiêu đánh cắp. Nên chọn các vật phẩm nhỏ; "khẩu quyết" cần thuộc nằm lòng của Breitwieser là: tượng không to hơn một viên gạch, tranh không lớn hơn một chiếc hộp pizza. Quan trọng nhất, bạn phải thực sự thích tác phẩm này. "Chịu ngần ấy rủi ro cho một món đồ bản thân còn không để tâm tới chỉ cho thấy anh là kẻ không sáng dạ" - Breitwieser nhận định.

Bây giờ, chỉ cần để người canh chừng ở phía ngoài, đợi khách ra ngoài hết, rồi tiến về phía mục tiêu. Nếu vật phẩm nằm trong hộp kính, tên trộm không cần phải khoét kính như trong phim, mà chỉ cần dùng dao rọc xuyên phần keo nối các cạnh của hộp kính. Nếu đang làm dở mà bảo vệ tiến vào, chỉ cần nắn cho các cạnh dính lại vào nhau, chờ bảo vệ đi, sau đó tiếp tục cắt cho đến khi luồn được một tay vào hộp để "khoắng" hiện vật.

Stéphane Breitwieser ở Bỉ năm 2018 và một trong những hiện vật bị ông trộm - bức Sibylle of Cleves của Lucas Cranach the Younger vẽ khoảng năm 1540. Ảnh: Penguin Random House

Stéphane Breitwieser ở Bỉ năm 2018 và một trong những hiện vật bị ông trộm - bức Sibylle of Cleves của Lucas Cranach the Younger vẽ khoảng năm 1540. Ảnh: Penguin Random House

Nếu mục tiêu là một bức tranh thì mọi việc còn dễ dàng hơn: Breitwieser cho biết ông chỉ cần tháo tranh xuống, nạy bức tranh ra khỏi khung, sau đó giấu nó vào giữa hai lớp áo sau lưng rồi đường hoàng tiến ra ngoài. Ngay cả khi nghe thấy còi xe cảnh sát hú, Breitwieser cũng sẽ không chạy mà từ tốn tiến về xe cá nhân, bỏ chiến lợi phẩm vào cốp rồi về nhà đặt hiện vật vào bộ sưu tập đồ sộ (và dĩ nhiên, giấu kín) trong nhà mình.

Theo Breitwieser, kẻ trộm muốn không bị bắt thì tuyệt đối không được bán vật phẩm mình đã trộm, bởi cảnh sát và các thám tử có thể truy lùng chợ đen và tìm ra danh tính người bán trong tích tắc. Nếu muốn kiếm tiền, có nhiều cách bớt rủi ro hơn rất nhiều - người ta đi trộm tranh chủ yếu là "vì đam mê", theo cựu đạo chích 52 tuổi người Pháp.

Muốn trộm tranh, tay trộm cũng phải học cách từ bỏ gánh nặng đạo đức, và tìm ra một kim chỉ nam mới để biện minh cho hành động của mình. Bản thân ông cho rằng mình là "người giải phóng các tác phẩm nghệ thuật" khỏi đám đông hiếu kỳ và khó chịu trong các bảo tàng, và sau khi trộm thì Breitwieser đặt hết tác phẩm vào bộ sưu tập bí mật (một phần cũng do sợ bị phát hiện).

Điều quan trọng nhất khi đi trộm nghệ thuật, theo Breitwieser, là "không được mắc lỗi". Rõ ràng điều này là bất khả, nên nếu có đi trộm tranh, bạn luôn cần chuẩn bị tinh thần phải ngồi nhà đá bất cứ lúc nào (Breitwieser cũng đã ngồi tù vài năm). Hoặc để đỡ vướng vào vòng lao lý, bạn có thể để các tác phẩm ở nguyên trong bảo tàng và đến chiêm ngưỡng trong vai trò khách tham quan như bao người khác.■

Chân dung kẻ trộm đã có, nhưng động cơ thì sao? Theo Emmeline Taylor, có ba trường hợp chính đằng sau việc trộm cổ vật bảo tàng: Một người chủ tâm ăn trộm, thâm nhập vào hàng ngũ bảo tàng để thực hiện mưu đồ; một nhân viên mẫn cán bỗng một ngày nhận ra mình có thể qua mặt hệ thống để ăn trộm; hoặc một cá nhân được bên mua liên hệ, ra giá để trộm một món đồ mà họ muốn.

Thế nhưng, theo Farren-Bradley, vẫn còn một trường hợp khác: Những kẻ trộm cổ vật không vì mục đích tiền bạc, cũng không có ý định bán, mà chỉ "cảm thấy gắn bó với món đồ sưu tập và nghĩ rằng mình có thể giữ gìn các vật phẩm này tốt hơn cả bảo tàng". "Siêu trộm" Stéphane Breitwieser chính thuộc nhóm này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận